Friday, February 24, 2017

NHỮNG BÀI THƠ...CỦA PHẠM CAO HOÀNG (Trần Hoài Thư)




Những bài thơ một thời của Phạm Cao Hoàng     
Trần Hoài Thư
1.
Những năm cuối thập niên 60, và đầu 70, thơ Phạm Cao Hoàng đến với người yêu thơ như là một hiện tượng. Thơ Phạm Cao Hoàng được đăng khá nhiều trên các tạp chí thời danh bấy giờ như VĂN, VẤN ĐỀ, KHỞI HÀNH, BÁCH KHOA, Ý THỨC, THỜI TẬP, TUỔI NGỌC…, mặc dù lúc ấy tuổi đời anh còn rất trẻ. Ví dụ tạp chí VẤN ĐỀ do nhà văn Mai Thảo chăm sóc, được xem là tờ báo rất khó tính trong việc tuyển chọn bài vở, thì hầu như thường xuyên đăng thơ Phạm Cao Hoàng.

Vâng, nhà thơ không đợi tuổi. Có điều tài năng thay vì được hưởng những hạnh phúc mà đời  dâng tặng cho lứa tuổi thanh xuân thì  cái  tuổi    “hồn tôi mới lớn” trong thơ Phạm Cao Hoàng chúng ta đọc những vần thơ quá đỗi ngậm ngùi, nếu không nói là bi thiết:

đường tôi đi có bom và đạn
có hận thù trên mỗi dấu chân
ai thả vào hồn tôi mới lớn
những mùa xương máu ngập tang thương
nơi đây có kẻ tìm non nước
lang thang bên những mộ bia người

ai bắn vào hồn tôi trái nổ
đứt từng mạch máu nát tim tôi
vỡ vỡ chiều nay tôi sắp vỡ
chiến tranh chiến tranh bao giờ thôi
( ĐI GIỮA CHIẾN TRANH )

Tội nghiệp cho những người trẻ của thời chiến ấy. Thay vì con đường tình có lá me bay hay bầu trời màu xanh hy vọng; thay vì ngày tháng trong giảng đường miệt mài với sách vở và tương lai thì ngược lại. Ai? Ai thả vào hồn tôi mới lớn/những mùa xương máu ngập tang thương?    phải  bọn đồ tể chiến tranh? Có phải bọn xem bạo lực là phương tiện để đạt được cứu cánh? Có phải tiếng cười hả hê của kẻ chiến thắng bằng sự đánh đổi xương máu của hàng triệu người?

2.
Có phải sự ví von so sánh là một yếu tố kỹ thuật cần thiết đối với thơ? Ví dụ, trong những câu thơ của Cao Thoại Châu:

Thung lũng hồn tôi nhiều khói quá
Để mắt tôi buồn như tháng đông
( CAO THOẠI CHÂU / ĐỘNG CÁNH DƠI CHIỀU )

Hay:

Tôi là chiếc hầm rất nhiều bóng tối
Kẻ bất cần mới dám đi qua
( CAO THOẠI CHÂU / CÁM ƠN VÀ XIN LỖI MỘT NGƯỜI )

Sự ví von này đòi hỏi kỹ thuật cao. Trước hết sự vật/điều dùng để ví phải là một sự vật/điều được mọi người thừa nhận. Ví dụ Cao Thoại Châu đã xem đời ông ít người dám vào để khuấy động nỗi cô đơn. Và không có gì ví von đúng hơn là chiếc hầm nhiều bóng tối.

Chúng ta cũng thấy sự ví von này trong thơ Phạm Cao Hoàng.

Về nỗi buồn:

đi đi thôi hỡi áo lụa hồng
buồn tôi giăng kín một dòng sông
...
tôi sẽ sống trọn đời phiêu lãng
cây vườn tôi rụng trái tình không
những bông sứ tay hồng em ve vuốt
sưởi hương nồng mỗi tối mùa đông
( KHÚC TIỄN THÉRÈSE KH. )

Về nỗi đìu hiu:

anh đi qua rừng cao quá đỗi
anh đi về rừng quá đỗi cao
anh thu mình như con sâu nhỏ
nằm rung rinh giữa đám lá rì rào

và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu
( NHỚ CÚC HOA )

Nỗi ngăn chia vời vợi:

hỡi những nhịp cầu đen buồn bã
đã bao năm không nối được lòng nhau
thì ngàn năm cũng hoài mong đợi
như cầu cao soi bóng đáy sông sâu 
( NHỮNG NHỊP CẦU ĐEN BUỒN BÃ )

Hay khi nghe tin ngừng bắn:

vâng, anh sẽ khoác áo mưa, xuống phố
uống cốc cà phê thơm ngát khói hòa bình
( MỘT BÔNG HỒNG NỞ GIỮA TIM ANH )

3. 
Tình yêu vẫn mãi là đề tài bất tận trong thi ca  của mọi thời đại. Qua mỗi người thơ, tình yêu được thăng hoa bằng mỗi cách. Riêng với Phạm Cao Hoàng, tình yêu trong thơ anh là tình yêu thánh thiện, mà người yêu phần lớn mang hình ảnh của một người thánh nữ:

người thiếu nữ ấy đã hát với tôi
những tình khúc buồn bã nhất
nàng ca ngợi Chúa
như tôi ca ngợi nàng
nàng ngưỡng mộ Chúa
như tôi ngưỡng mộ nàng
cuối cùng
kẻ xấu xa nhất cõi đời
kẻ ích kỷ nhất trần gian
phải chăng là tôi
nàng như cánh dạ lan hương
nở ngoài hiên tôi mỗi tối
nàng như quả nho tây
đong đưa trong gió mới
( TRÁI TIM  )

tôi trở lại giáo đường
tìm em
và tìm tôi
tôi tìm thấy em
ánh mắt dịu dàng
như tình khúc thuở ban đầu
tôi tìm thấy tôi
lặng lẽ
chìm trong màu xanh phục sinh
( MÀU XANH PHỤC SINH )

Phạm Cao Hoàng nhìn tình yêu bằng cái nhìn rất lý tưởng như thế. Khác với một số nhà thơ nói lên xúc động của mình trước vẻ đẹp như đôi mắt hồ mây, tóc chảy như dòng suối, gót hài, dáng liễu… Phạm Cao Hoàng đã tìm ở vẻ đẹp quá đỗi thánh thiện trong lòng giáo đường, đôi mắt nhắm lại, cùng với cõi lòng trinh trắng. Đó là cái đẹp thanh thoát, chẳng vướng màu trần gian bi lụy. Nhưng cuối cùng chắc nhà thơ sẽ không bao giờ tìm được, trái lại là những nỗi buồn bên cạnh niềm hạnh phúc, những chia ly chờ chực khi sum họp cận kề.

có phải tôi là người thanh niên của một thời lãng mạn
đã yêu em dù tình quá ngậm ngùi
H. của tôi xin em đừng khóc
lệ của người sẽ cuốn mất trái tim tôi
( GỬI H. VÀ QUI NHƠN )

một ngày có tình nhân bên cạnh
là một ngày sắp thấy phút ly tan
( MỘT NGÀY VỚI TÌNH NHÂN )

Tôi đọc thơ anh và hiểu anh. Chúng tôi thời ấy đã có những năm tháng sống bên nhau ở Qui Nhơn, cũng tình si theo một hình bóng…Thời ấy, nghĩ lại, chúng tôi quá lãng mạn, để cuối cùng chợt nhận ra rằng con đường đón đưa đưa đón ấy là con đường dẫn đến từ ly. Người đi sẽ đi biệt. Chiếc xe sẽ trống trơn và con đường sẽ mất bóng. Chiếc bàn chiếc ghế sẽ im lìm.

sẽ xa, thôi cũng đành xa nhé
người về cuối bãi kẻ đầu sông
có chút gì đau như cắt ruột
tay chào, tay vẫy, nón che ngang
( MÙA PHƯỢNG HỒNG )

Dù sao đi nữa, tôi phải cám ơn những bóng hồng đã để lại dấu chân trên cõi lòng người thơ. Những dấu chân êm nhưng đôi khi cũng làm con tim người thơ buốt đau. Và nhờ vậy tôi mới có dịp thưởng thức những bài thơ tuyệt vời của Phạm Cao Hoàng.

Trần Hoài Thư
2010
(Xin bấm vào “Newer Posts” hoặc “Older Posts” ở dưới để đọc những bài trước hoặc sau).

No comments: