Thursday, June 28, 2018

BẾN TỰ DO (THUKỲ)

BẾN TỰ DO (THUKỲ)
 

Chẳng còn gì vui sướng cho bằng khi đã đến bến bờ tự do, được tàu Mỹ vớt lại vào Singapore, nơi được gọi là “thiên đàng tị nạn” vì nếp sống văn minh, họ thương quý mọi người, nhân từ và tôn trọng, không như những trại tị nạn khác.  Thukỳ vẫn nhắc con đọc kinh tạ ơn Chúa, từ nay không còn những lo âu đói khổ, bị bắt bớ, và thực sự thở trong không khí tự do.

Singapore chỉ cho người tị nạn tạm trú 3 tháng để làm thủ tục di dân, hoặc đưa đi nơi khác.  Trong cái rủi cũng có cái may, vì phái đoàn Mỹ làm việc theo lời khai để xếp vào diện ưu tiên. Thukỳ từng làm việc cho một ngân hàng ở VN, thêm vào đó OX đang tù “cải tạo”, nên được xếp vào diện “tị nạn chính trị” và được ưu tiên.


Phỏng vấn xong với vài người khác, hầu hết là vợ của cựu viên chức VNCH, nên phái đoàn Hoa Kỳ đưa chúng tôi sang Galang (Nam Dương) để học Anh Văn; những người chung tàu không có diện ưu tiên thì phải chờ lâu hơn mới được phỏng vấn, sau khi sang Galang, thì chính sách tị nạn được thay đổi, nên những người chung tàu còn ở lại Singapore được đi thẳng sang Mỹ.


Hai mẹ con không có thân nhân ở Mỹ, nên phải chờ người bảo trợ theo diện “mồ côi”.  

Hồi còn đi học, sinh ngữ chính của Thukỳ là Pháp Văn; nhưng khổ nỗi, ngoài chữ “mu: mềm, long: dài” Thukỳ chẳng nhớ được chữ nào, huống chi Anh Văn rặn 3 ngày không ra được một chữ, thì làm sao mà nói được.

Khi còn là học sinh, Thukỳ chỉ thích nhạc và thơ; còn nhìn những con số trong toán học thì không nhức đầu cũng...chóng mặt, nên thường bị thầy cô la mắng “vừa dốt lại vừa lười”, bây giờ còn ai mà nương tựa?

Sau khi ở được 1 năm thì Thukỳ xém được bầu làm “chúa đảo” mới được lên đường sang Mỹ.  

Nhiều người cho rằng thời gian ở đảo là những ngày “vàng son” nhất, vì chỉ ăn, học và chơi, chẳng còn gì lo lắng, ngày ngày được lội xuống biển xanh để tắm như trong thời trăng mật hoặc nghỉ hè, nhưng Thukỳ vẫn lo âu vì những tin đồn “giật gân”….

Người ta hay trêu là “Galang tình xù” Thukỳ nhớ mãi vì khi sang đảo cảnh đẹp sinh tình, xa quê hương cũng dễ cảm thông dễ yêu nhau lắm, rồi khi lên đường bước sang nước thứ ba là “Thôi là hết anh đi đường anh”.  Nhiều chuyện cũng rất buồn, may mắn Thukỳ thuộc dạng “vô duyên” nên dù có “gái một con trông mù con mắt” cũng hổng anh nào dám đến gần.  Hằng ngày hai mẹ con đi học cũng bắt đầu vỡ lòng như người “dốt” thế thôi.

Rồi năm tháng qua đi gần 1 năm làm “chúa đảo” học xong chương trình 3 tháng Anh Văn, nói tiếng Anh hơn gió, nhưng rồi mình nói mình nghe chứ ai mà hiểu cho nổi, thì cũng có cái bằng nho nhỏ để làm hành trang vào đời nơi Mỹ quốc xa xôi.  

Ngày rời đảo chẳng có chút gì buồn phiền luyến tiếc, hai mẹ con cũng giã từ Galang tình nồng vì nắng cháy da, để lên đường nhưng trong tay không có một tí hành trang, không 1 xu dính túi, tiếng Anh chỉ biết hello, good bye là đủ cho một người tị nạn lìa bỏ quê hương, đến một chân trời mới mà không biết nơi đâu, nỗi lo âu khắc khoải hằn sâu trên khuôn mặt của 2 mẹ con.  Từ đây nơi xứ lạ chắc nhiều gian nan sóng gió đang chờ, nhưng đời đả liều thì chấp nhận số phận “trong nhờ đục thì lóng phèn xài đỡ” đây đó cho qua một kiếp người.

Thukỳ.

No comments: