Thursday, June 7, 2018

CHÁY CHỢ (THUKỲ)



Cháy chợ (Thukỳ)

Đôi khi trong đời có những chuyện xảy ra ngoài ý muốn, tai nạn đến chỉ trong chớp mắt, và không ai có thể đoán trước được, may mắn là chưa đến nỗi phải cháy hết cả chợ Cờ Đỏ, nghĩ lại Thukỳ còn rùng mình, và cũng may mắn là không gây thương tích cho ai.

Thukỳ buôn bán khác với người ta là lúc nào cũng thay đổi những hàng hóa theo mùa, theo sự cung cầu lúc đó, vì vậy mà chẳng nhất định là buôn bán chỉ một vài thứ hàng, học hành thì dở nhưng khi ra buôn bán dù không lớn nhưng Thukỳ có khiếu trời ban cho là biết nhìn xa một chút, chắc trời thấy “khù khờ” cũng ban cho một chút gì để sống, vì chẳng ai ngờ một cô hoc trò nhỏ xíu có thể “lột xác” buôn bán xoay sở nhanh để khỏi chết đói còn lo được cho con, và lo thăm nuôi chồng trong trại tù “cải tạo” chả bù lúc mới về nhà chồng người chị cả của OX nhìn thấy đã kêu lên: “Cậu lấy vợ kiểu này chỉ làm kiểng thôi.” Tôi ngây thơ cũng chẳng hiểu ý của người chị chồng Bắc ăn nói xa gần.

Người đời có câu: “cờ đến tay ai người đó phất” có lẽ với tôi thật đúng, từ khi chồng đi tù thì tôi phải phất, và phất cả cuộc đời, sang đến Mỹ cũng một mình lo toan cả ngàn việc.

Những ngày tết ở Cờ Đỏ tôi chuyển sang bán quần áo trẻ con, thuốc lá, bánh mứt, buôn pháo...chỉ bán trong vòng 1 tháng tết mà thôi, bà con ai cũng quý mến, nên lúc nào cũng đắt hàng, quên cả nhọc nhằn, quên nhìn mình trong gương để xem mình ra sao nữa. Hình như khi người ta sung sướng, dư giả thì mới nghĩ đến bản thân, còn tôi lúc đó chỉ biết làm sao lo cho con đó là mục đích quan trọng nhất đối với tôi.

Ngày tết tôi chỉ ở nhà mồng một, sau đó ra chợ bán, vì những ngày đó rất đắt hàng, như pháo, thuốc lá...Tôi cũng mang con ra chợ cho cháu vui tết với đám trẻ con, phần tôi bán trễ hơn ngày thường.  Tại Cờ Đỏ lúc bây giờ có 5-6 chiếc phà lớn để đi vét sông, thổi phù sa vào ruộng.  Ngoài mục đích làm cho sông có thêm nước, việc vét lòng sông còn có thể tránh nguy cơ bị ngập lụt...Người ta gọi việc làm này là “xáng thổi”;  hầu hết những người làm việc trên tàu là “nhân viên biên chế”, thuộc con ông cháu cha ở ngoài Bắc vào, không có người miền nam, hầu hết là những anh chàng trẻ có bằng cấp sửa chữa máy móc chuyên nghiệp… Họ thong thả tiền bạc, ăn xài rộng rãi, nhưng lúc bấy giờ sau 3-4 năm thì người miền Nam đã bắt đầu chán ghét chế độ CS, họ hiểu biết và thấy sự thiếu thốn nên rất oán ghét, cái ghét đầu tiên là những người miền Bắc vào, họ không nói ra nhưng “kỳ thị” rõ rệt và không ưa tí nào cả, dù những anh chàng này cũng cố gắng hòa đồng vui vẻ với mọi người nhưng cái hàng rào ngăn cách thật cao.

Một buổi chiều khi tôi bán hàng thì mấy anh chàng cũng lên dạo phố chợ, một anh ghé lại hàng tôi mua pháo, trên sạp cả chồng pháo đại, pháo băng ...nhiều thứ lắm.  Sau khi trả tiền xong, anh ta cầm phong pháo dơ lên cao, một anh châm ngòi pháo và nói chúc mừng năm mới cô bán hàng...Tôi đang lu bu chưa kịp phản ứng thì cả một sạp pháo nổ tung trời, những tiếng pháo đại như ca-nông, pháo nhỏ như đại liên, khói bốc lên cao như một đám cháy. Tưởng có “biến động”, mọi người ngơ ngác bỏ chạy, tôi lo hốt vội tủ tiền, và những gì lấy được cho vào giỏ, ngơ ngác cho đến khi có người kéo tôi ra khỏi đám khói mù mịt cả bầu trời.

Tiếng pháo chưa dứt thì những tiếng chưởi rủa, đánh nhau...Sau đó là những tiếng súng nổ vang trời, may mắn là họ chỉ bắn chỉ thiên, nếu không chắc cũng chết vài mạng, và biết đâu trong đó có 2 mẹ con tôi.  Trong những lúc hỗn loạn, chị bạn kéo tôi vào nhà ngồi vì sợ tôi chết cháy.  Tôi chỉ biết khóc, cho đến khi có người gọi cô chú chồng tôi đến, đưa tôi vào trạm xá, và bác sĩ trực khám tai vì tôi không nghe được gì! Vì tiếc của nên tôi đứng trân,  lo hốt những gì còn sót lại mà tôi quên đi những tiếng nổ quá lớn làm cho tai mình bị… điếc!

Về đến nhà hôm đó tôi chỉ gục vào giường mà khóc, tội cho mẹ chồng và con trai tôi còn nhỏ nhưng cũng biết là mẹ đau khổ lắm, tôi mất cả bao nhiêu là tiền cho đợt buôn bán này, đã nghèo giờ thêm mạc!!

Hôm sau ra chợ lại để xem hư thực ra sao thì mới hiểu rõ vấn đề là khi mấy anh chàng “cán ngố” này hình như chưa bao giờ được đốt pháo, nên không biết tình trạng viên pháo nổ sẽ rớt xuống những phong pháo sẽ tạo nên một vụ tương tự như kho đạn nhỏ bị nổ.    Bà con ở chợ ai cũng quý mến chúng tôi và thương cho hoàn cảnh “sa cơ lỡ vận” mà ai cũng biết là gia đình chồng chúng tôi ngày xưa làm lớn và danh giá, bà con lúc nào cũng ủng hộ tối đa vì sự thương cảm đó, thêm vào đó lòng đố kỵ những tên “Bắc Kỳ 75”, nên những người ở chợ gọi nhau “uýnh hội đồng” mấy tên “cán ngố”, làm những tên này chạy về xáng lấy súng cứu bạn bằng cách bắn chỉ chỉ thiên cho mọi người tan hàng....

Nhờ vào lòng oán hận của dân chúng nơi đây, mấy anh chàng này họp với xếp của họ và đã đích thân ông trưởng nhóm đến nói chuyện với tôi cùng gia đình để bồi thường những thiệt hại họ đã gây nên.

Những tổn thất đó đã được đền bù thỏa đáng, nhưng cái nỗi sợ ám ảnh về tinh thần cũng như những niềm đớn đau mà tôi phải gánh chịu thì biết bao giờ mới có thể quên, mỗi lần thấy mấy anh chàng ra chợ vào mua hàng tôi vẫn còn lo lắng, dù đó chỉ là tai nạn, nhưng nếu chẳng may bị cháy chợ, bị chết người… Tai nạn có thể gây nên nhiều thứ không lường được, chẳng biết giờ này sẽ ra sao với những người vô tình bị lôi vào trong cuộc. Đau đớn này nhiều người sẽ nhớ mãi trong số đó có tôi cũng như những anh chàng miền Bắc “ngơ ngáo” và những người dân tốt bụng nơi đây.

Thukỳ.

No comments: