Thursday, June 14, 2018

LỜI CUỐI CHO EM (THUKỲ)


LỜI CUỐI CHO EM (Thukỳ)

Những chuyện thăm “tù cải tạo” thì chẳng còn mới mẻ nữa, vì hình như ai cũng biết những gian truân vất vả… Thukỳ chỉ muốn tóm lược về 2 chuyến thăm nuôi OX trong tù lúc ảnh bị giam cầm ở Thanh Cầm (Thanh Hóa) và Hàm Tân, là nơi ảnh gởi gấm những lời cuối cùng, vì không hy vọng sẽ có ngày gặp lại.

OX Thukỳ không nằm vào diện “học tập tốt”, nên không được phép gởi thư về gia đình thường xuyên;  có khi hơn 2 năm mới có lá thư, nhất là sau khi ảnh bị đưa ra Bắc.  Lúc đó Thukỳ không hiểu được lý do, sau này mới biết anh cũng cố tình để cho Thukỳ ra đi lo cho con, và coi như ảnh đã chết.  Vì là con út trong gia đình gồm mẹ thì quá già, Thukỳ thì còn quá trẻ; ảnh không muốn vợ mình phải mòn mỏi chờ trông trng vô vọng.  Đó là lý do ảnh phát “lì”, chẳng còn thiết tha gì, nên đành chấp nhận một mình hy sinh, không muốn gia đình còn vướng bận đến một “thân tàn, ma dại”!

Lâu quá, Thukỳ không nhớ rõ, nhưng hình như cuối năm 79, thì nhận thư và mới biết anh đang ở ngoài Bắc. Dù nhà chẳng còn gì để bán; nhưng khi được họ cho phép thăm nuôi, Thukỳ đành phải tìm mọi cách đi thăm một lần cho biết thực hư.

Từ Cờ Đỏ lên Sài Gòn, Thukỳ đi  xe lửa đi chung với vài người bạnra Bắc; ai cũng đói khổ, nhưng quà thăm chồng thì “tay xách nách mang” khá nhiều. Thế mới thấy những hy sinh vô bờ bến của những người vợ, và là niềm vui thông cảm với nhau, cùng dìu dắt nhau đi ra miền Bắc xa lạ.  May mắn những năm đó người miền Bắc cũng đã cảm thông cho những người miền Nam;  Tuy không nói ra, nhưng họ thương những người vợ tù, phải gánh vác đồ thăm nuôi, lặn lội hàng trăm cây số đường rừng gian nan nguy khó.  Dù chúng tôi còn rất trẻ, nhưng may mắn là không ai bị cướp bóc hoặc hãm hiếp.

Đi cả mấy ngày đường, nhưng chúng tôi chỉ được gặp chồng con trong vòng 30 phút, đủ để nhìn nhau qua nước mắt, và đưa thức ăn khô.  Thukỳ nhớ hình như không nói được câu nào, mà nói gì khi “quản giáo ngồi kế bên.  Dĩ nhiên, dù có đớn đau thì các ông cũng không dám khóc, cố ngăn chặn những giọt lệ trong đôi mắt đỏ hoe nhìn vợ tiều tụy ốm nhom, không nói thì cả hai đều biết trong tù hay bên ngoài cả hai đều đau khổ.

OX Thukỳ chỉ nói một câu thăm con và mọi người, sau đó anh nói với tôi:  “Em dẫn con đi kinh tế mới, nơi cô Hoa lập nghiệp, khi nào về anh sẽ đi sau...”
Nhìn mắt anh, tôi hiểu ngầm ý của anh,  vì “cô Hoa” lúc đó ở Mỹ.  Sau 30 phút phải chia tay, không có một nụ hôn từ giã, chỉ với nắm tay nhau siết chặt cho đến khi cán bộ nhắc hết giờ…
Anh quay trở vào trại, tôi đứng đó cố nhìn theo, vì tôi nghĩ đây là lần cuối cùng tôi thấy mặt anh.  Diễn tả sao cho hết tâm tình hay nỗi lòng lúc đó, nhắc lại chỉ thấy đớn đau.

Cứ tưởng là lần cuối cùng, nhưng may mắn Trung Cộng đánh biên giới miền Bắc, họ buộc lòng phải chuyển trại tù  vào Nam ở Hàm Tân, rồi lại được thăm nuôi.  Lần này khá gần nên tôi quyết định dẫn con đi thăm ba cho biết, vì lúc anh đi tù, con chỉ 1 tháng tuổi; hơn nữa, đã có sẵn chuyến vượt biên gia đình chồng lo xong, nên đi thăm về là Thukỳ sẽ ra đi.

Tại Hàm Tân thì đỡ vất vả vì có xe đưa đến tận nơi, lại cũng chỉ được gặp nhau 30 phút, tôi và con ngồi đối diện với anh, tôi thì chỉ biết khóc, còn con thấy bố thì quá sợ vì chẳng giống ai, người đói rách, gầy còm, chẳng còn hình trạng con người, nên khi anh muốn con đến bên cạnh để ôm, cháu nhất định không chịu.  Rồi 30 phút trôi qua nhanh chẳng nói với nhau lời nào, anh nói gì thì tôi cũng chẳng nghe, đến khi cán bộ kêu hết giờ tôi đứng lên bồng con đến bên anh cho anh hôn, cháu cũng cúi mặt giấu đi, tôi năn nỉ mãi: “Con hôn ba đi con, rồi mình về.” cuối cùng nó cũng hôn nhẹ bên má vì sợ mẹ buồn.

Tôi lại đứng đó chết trân nhìn bóng anh gầy còm đi vào trại, nước mắt tuôn như mưa, chẳng còn bút mực nào tả nổi sự đau đớn lúc bấy giờ !!! Khi dắt con ra xe để trở về, cậu ta mới nói: “Mẹ ơi, chắc mẹ lầm rồi, ông đó không phải ba con đâu, ba con đẹp lắm”.  Tôi ôm con vào lòng mà khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Tôi hiểu tại sao cháu nói thế, vì ở nhà khi con hỏi về ba, tôi đem những tấm ảnh ra cho con xem, dĩ nhiên hình ảnh ngày xưa chỉ là hư ảo, nó đâu đủ trí khôn để biết ba bây giờ là kẻ tù đày!

Đó là lần sau cùng hai mẹ con thăm anh, vì đã nhất quyết sống chết cũng phải ra đi, chẳng còn đường để sống, và anh cũng biết rõ đó là lần gặp nhau lần cuối, dù đớn đau cũng phải chấp nhận, chẳng còn sự chọn lựa nào hơn.  

Ra đi hay ở lại cái chết cũng đã nắm chắc 9 phần.  Những cuộc thăm nuôi nào cũng đầy nước mắt, nhất là thăm chồng trong tù, không án mà chẳng biết ngày về, phải chăng chờ đợi nhau chỉ là tuyệt vọng, chỉ là làm khổ cả đôi bên.

Thukỳ.
Mời thưởng thức nhạc phẩm "Đành Thôi Em Nhé"



No comments: