Chiếc Cầu Mơ Ước
Quê tôi nằm bên bờ phá
Tam Giang hiền hoà thơ mộng bốn mùa nước mát trong xanh; tuổi thơ tôi là những
tháng ngày rong chơi cùng đám bạn bè trên rìa phá. Cuối ngày, sau những phút
nô đùa tắm táp thoả thuê, cả bọn thường tụ lại một chỗ đứng ngắm ráng chiều, chí
chóe cãi nhau về những mãng màu luôn thay hình đổi dạng giữa bầu trời thênh
thang gió lộng, đón chờ đàn cò trắng “đi học” trở về; chúng xếp thành từng đội
ngũ ngay hàng, thẳng lối bay rợp trời giữa ánh chiều bãng lãng bóng hoàng
hôn, soi xuống dòng phá lăn tăn dợn
sóng, trông vô cùng đẹp mắt, rồi có lúc lại mơ màng phóng tầm mắt qua thảm nước
mênh mông phía bờ đất xa thẳm bên kia chân trời, thả cho đầu óc lượn lờ phiêu
du tưởng tượng.
Trong đám lóc nhóc hồi ấy
đặc biệt có thằng Đạm tuy nhỏ tuổi nhất bọn nhưng lại được bố mẹ thỉnh thoảng
cho đi chợ Sịa, lên phố hoặc tháp tùng theo những chuyến buôn bán ở các phiên
chợ định kỳ miền xa; mỗi lần về, nó thường lấy câu chuyện làm quà, nào là có
rất nhiều con đường sạch bong hơn cả nền nhà chúng tôi, ngoài đường cũng thắp
điện sáng choang, rồi đèn xanh đèn vàng nhấp nháy suốt đêm khiến cả bọn cứ thế
đứng há hốc mồm lắng nghe.
Đi càng nhiều, chuyện kể
của Đạm càng ly kỳ hấp dẫn khiến nỗi khát khao được thoát khỏi làng quê đi
đây đi đó thăm thú những miền xa cứ sôi lên trong tôi, chập chờn cả trong giấc
ngủ.
Một lần, tôi thăn thỉ
cha: “Cha ơi! Khi mô có dịp, cho con qua bờ bên nớ chơi cho biết với nhé!”
thì ông buồn rầu bảo: "Khó lắm! Phải mất ít nhất hai tiếng đồng hồ chèo
đò đấy con à. Với lại chuyện sông nước khó lường, cha mẹ cũng vì ngại đi thuyền,
đi đò cận kề nguy hiểm cứ thấp thỏm lo âu nên đành phải để con cái thất học,
không dám cho theo tiếp lớp trên là vậy".
Ông thở dài đánh sượt,
giọng cảm thán:
-Ôi! Chỉ cách một dòng sông mà
sao bên nớ lại văn minh phồn thịnh, còn bên ni thì lạc hậu đói nghèo, tiếc
quá! Giá như có được chiếc cầu bắc qua sông…
-“Ừ. Nếu như có chiếc cầu…”
Tôi lẩm bẩm nhắc lại lời ông với vẻ cam chịu và ấm ức. Từ đấy, chiếc cầu luôn
là hình ảnh ước mơ trong tâm tưởng của tôi.
*
Lớn lên, thi vào trường
Sư Phạm Qui Nhơn, khi tốt nghiệp, tôi chọn nhiệm sở tỉnh Phú Yên, và được điều
về dạy tại một ngôi trường miền xa nằm bên kia sông Đà Rằng. Hồi đó con đường
xuyên Việt qua Tuy Hòa duy nhất chỉ có chiếc cầu sắt thanh mảnh đen sì nối kết
hai bờ sông nước dành cho cả người đi bộ, tàu lửa, các loại xe cơ giới lẫn
các phương tiện vận tải thô sơ. Do chịu đựng quá tải nên ván cầu, bù long
đinh vít cơi lên, gập ghềnh chỗ cao chổ thấp; lòng cầu lại hẹp, nhiều tấm gỗ
bị mục không kịp thay, bởi xe cộ chạy liên tục, tạo nên những “ổ gà” như cái
bẫy rất nguy hiểm, nếu tay lái không vững thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy
ra.
Ngay lần đầu tiên vượt cầu
bằng xe Hon-đa tôi đã thót tim vì sợ hãi, còn anh bạn cùng trường thì nửa đùa
nửa thật:
-Sao nó giống như chiếc
cầu “tử thần” trong phim “Cầu sông Kwait” vậy nhỉ!
Tôi vốn nhát gan, mỗi
khi qua cầu thường để mặc cho anh bạn cùng trường đèo bòng, có lúc ngán quá
tôi nhắm tít hai mắt, ôm chặt lưng cậu ta không dám nhìn ngang nhìn dọc, và
chiếc cầu sắt ấy một thời đã từng là nỗi ám ảnh miên trường của tôi.
Thế
rồi vào một chiều đầu thu lộng gió, sau buổi dạy muộn từ trường về, gần tới
chân cầu, chúng tôi bắt gặp cô nữ sinh áo trắng bộ dáng hơ hãi, đứng ngay đầu
cầu nhìn ngược nhìn xuôi như đang trông chờ ai đó; khi vừa thấy chúng tôi trờ
tới, nàng tỏ vẻ mừng rỡ chạy ra đón lỏng:
-Anh ơi! Giúp em đưa chiếc
xe máy qua sông với.
Bạn tôi tính ưa ga-lăng
quay lại nhìn tôi nói hộ:
-Cậu giúp cô ấy đi.
Vậy là phần vì thể diện
phần khác vốn cũng thương người, tôi gồng mình lái giúp; chạy được một đoạn
chưa kịp mừng thì bất đồ một cơn gió xoáy tạt ngang khiến tôi giật mình suýt
lạc tay lái, luýnh quýnh thế nào chiếc bánh trước bị lọt ủm vào khe giữa đường
ray, cả hai cố lấy hết sức bình sinh vừa lôi vừa kéo trong khi phía sau, xe cộ
do bị ùn tắc bóp còi inh ỏi. Vất vả hì hục hồi lâu chiếc xe mới chịu nhúc
nhích; nhưng thật bất ngờ, khi nó vừa ngóc đầu lên thì như con ngựa bất kham
tuột khỏi tay, lao đánh sầm vào mấy thanh sắt bảo hộ ở mé cầu, tay lái,
đèn-vè vỡ nát; thì ra do vô ý, chúng tôi vẫn để xe nổ máy, còn cài nguyên số
mà cứ mê mải tăng ga mới nẩy ra cớ sự. Một tháng lương là cái giá rờ-tút lại
chiếc xe để cứu “nàng” thoát khỏi… trận đòn bởi cái tội chưa được phép bố mẹ
mà dám lén lấy xe ra Thị xã rong chơi, nhưng bù lại, chúng tôi bất ngờ được nối
kết với nhau bằng mối duyên tình mộng mơ vĩnh cửu.
Từ đấy, chiếc cầu sắt
đen sì lại trở nên một hình ảnh đẹp đẽ thân thương đối với cả hai chúng tôi.
*
… Cuộc sống cứ tuần tự
trôi đi, trôi đi trong hiền hoà yên ả nhưng thâm tâm tôi thì vẫn luôn lưu giữ
một điều trăn trở, đó là vẻ mặt vọng mơ của cha khi một lần người thầm thì nhắc
nhở: "Con nhớ chịu khó học giỏi để mai này lấy được tấm bằng kỹ sư về
xây dựng chiếc cầu cho bà con quê hương, làng nước mình bớt khổ".
Nhưng, tôi đã không thể hoàn thành được tâm nguyện của cha già khi buộc phải
rẽ sang lối khác bởi một lý do bất khả.
Một lần, không cưỡng được
tình cảm, tôi đem nỗi niềm tâm sự giải bày với bà xã: “Không thực hiện được kỳ
vọng của cha, anh cảm thấy ân hận lắm mình à!” thì nàng sốt sắng bảo:
-Không sao. Mình sẽ hướng
dẫn, vun đắp cho con trai để nó thực hiện ước mơ của ông nội.
Vậy là từ đó tôi có thêm
một đồng minh cùng sẻ chia ước nguyện, mong ước cậu con trai thành tài về
đóng góp công sức với mọi người dựng xây một cây cầu bề thế giúp bà con hai
bên qua lại giao lưu, buôn bán làm ăn, tạo điều kiện cho quê hương phồn vinh
và phát triễn; nhưng rồi mộng vẫn không thành bởi một lần nữa, gia đình lại
phải cách chia ly tán lo chuyện "Cơm áo gạo tiền", tha phương cầu
thực.
*
… Ngày tháng đi qua, núi
Nhạn-sông Đà, nơi ngụ cư và là quê hương thứ hai của tôi, những chiếc cầu kế
tiếp nhau được xây dựng, nhưng ở quê nhà xa kia, chiếc cầu ước mơ bắc qua phá
Tam Giang vẫn mãi hoài còn nằm trong mơ ước. Giờ đây, khi đã bước chân lên nước
Mỹ ngàn trùng xa cách, một nơi được coi là miền đất hứa của bao người, bao thế
hệ, tôi lại có một ước mơ khác, đó là một chiếc cầu xuyên suốt đại dương nối
kết tình người, xóa đi những đau thương sầu hận, triệt tiêu những thế lực tàn
ác ngoại bang để cho dòng tộc, bạn bè, người thân có dịp tái hồi đề huề sum họp
tương ái dài lâu.
Thung
lũnng Hoa Vàng
Những
ngày xa xứ
|
Thursday, June 28, 2018
CHIẾC CẦU MƠ ƯỚC (NGUYÊN ĐẠT)
Labels:
-Tuỳ Bút
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment