Thursday, June 21, 2018

BỎ LẠI SAU LƯNG (THUKỲ)





BỎ LẠI SAU LƯNG(THUKỲ)


Biết bao lần bị gạt, mất vàng, mất tiền...nhưng Thukỳ vẫn nhất định bỏ lại sau lưng tất cả, để tìm tự do.

Sau nhiều lần bị lừa, Thukỳ may mắn quen một người ở chợ Cờ Đỏ (Cần Thơ), có bà con ở Rạch Giá, rủ hùn tiền mua tàu vượt biên.  Vì mục đích duy nhất là rời khỏi Việt Nam, nên Thukỳ “cũng liều nhắm mắt đưa chân để xem con tạo xoay vần đến đâu”

Làm sao quên được buổi sáng sớm hôn đó, vào khoảng năm 81, hai mẹ con thức dậy sớm ra chợ và có ghe cặp vào đón ngay bên hông nhà người quen.  Chuyến đi dự trù thêm 2 cậu em con cùa cô chú chồng khoảng 14-15 tuổi, cùng con của người bạn Thukỳ, nhưng họ đi xem bói nói sẽ bị sóng to gió lớn, nên rút lui để thế vào 1 người khác.  Vì có con nhỏ, nên Thukỳ được ưu tiên lên ghe lớn đầu tiên.

Tàu chạy dọc ven sông, nhưng có lẽ hơi sớm hơn giờ hẹn, nên ông chủ ghe ghé vào chợ mua bán tí xíu.  Vì trên ghe có xoài, nên khi tàu cặp bến, họ chạy xuống ghe mua, sau khi xong giá cả, Thukỳ mới đếm xoài cho họ.  Vì không quen nên 2 tay cầm 2 trái để đếm. Ông chủ ghe thấy vậy làm bộ la to lên: “Trời ơi, tao tập cho mày buôn bán hoài mà dở quá, tránh ra nhìn tao làm nè…” Hai tay ông bấu khoảng 4-5 trái gì đó thấy chuyên nghiệp lắm.  Bán xong cho vài người khách thì ông lại la lớn: “Xoài dội quá, rẻ lỗ chết luôn, thôi tui đi bán chổ khác..Nói xong, ông đẩy vội đẩy ghe ra và giựt máy nổ, chạy đi thật lẹ, rồi nói với tôi: “Cô làm vầy là chết rồi, bị lộ ngay..”

Dù đã được ngụy trang với bộ mặt lem luốc và choàng khăn rằn lên đầu che mái tóc, tay chân thoa đen, mặc quần áo cũ bà ba rách nát, nhưng khổ nỗi là cậu con trắng như bông bưởi, nên dù Thukỳ lấy lọ nồi thoa cho đen, nhìn kỹ vẫn biết là dân thành thị.

Ông chủ không dám ghé chợ nên chạy chậm, và dừng lại ở những chỗ hơi vắng.  Cuối cùng, khi trời tối, ghe cũng đến điểm hẹn. Vì bị bắt nhiều lần, nên Thukỳ sợ, dẫn con chui xuống gầm tàu, gần cái máy, để trốn.  Vì đã “mua” bãi, nên họ cho ghe nhỏ cặp bến để “đổ” người xuống, gần như chính thức. Thukỳ mò lên, gọi tên mấy chú em thì không ai trả lời, buồn lo muốn khóc. Hai chú mang hành lý cho hai mẹ con như lương thực khô, sâm, thuốc say sóng...đề phòng khi đói vì, không dám mang lên tàu trước, Thukỳ chỉ có 1 cái túi nhỏ giấy tờ vài hình ảnh kỷ niệm.  Như vậy là các chú bị bỏ lại.

Tàu chạy chẳng biết bao lâu khi vừa hừng sáng thì nóng quá, cháu Cường mệt gần chết vì dầu nhớt dưới tàu làm quần áo lấm lem, Thukỳ dắt con xin lên vì sắp chết ngạt (Không ai ngây thơ như TK lúc ấy, nếu bị bắt thì có trốn ở gầm tàu họ cũng bắt, nhưng vì sợ quá nên phản ứng là phải trốn). Khi lên được phía trên thì chật ních người, hai mẹ con phải ngồi bó gối khổ sở.

Đang thở chút không khí thì bỗng từ xa có một chiếc tàu hơi lớn tiến tới.  Cậu tài công la lên: “Chết rồi, tàu công an vì mình đang ở gần đảo Phú Quốc!”
Tim mọi người đều ngừng đập, nín thở và cầu xin.  Mọi người xé hết giấy tờ vứt xuống biển. Tôi sợ quá cũng làm theo, xé cả hình ảnh tan ra từng mảnh mà tay run run.  Bao nhiêu kỷ niệm thân thương đều trôi theo dòng nước.

Khi tàu VC đến nơi, họ cho 2 công an sang tàu tôi.  Như đã dự định của các chị lớn kinh nghiệm, họ cho đàn ông xuống dưới hầm, chỉ để lại trên boong toàn đàn bà và con nít.  Ai cũng “nhéo” con cho tụi nhỏ khóc ầm lên. Bé Cường, con Thukỳ chỉ 5 tuổi hơn, nhưng nhiều kinh nghiệm, tôi chỉ bào cháu la khóc lên là cháu làm ngay.  Chúng tôi van nài công an: “Các anh tha cho chúng tôi, vì toàn là đàn bà và con nít, tù Côn Đảo tội lắm, chúng tôi đi cũng mang theo tí chút, xin biếu các anh…”

Lúc bấy giờ công an cũng biết cách “ăn” rồi, nên cuối cùng họ bằng lòng, nhưng yêu cầu đưa hết, nếu giấu họ lục soát thấy được sẽ bắt vào tù…

Thukỳ vẫn là con bé ngây thơ nhất; có vài chỉ vàng mang theo để phòng thân, sợ quá đưa hết, luôn cả tiền VC còn lại chưa xài, tức là trong người Thukỳ không còn 1 xu nào cả,  để trở thành “vô sản chuyên chính”.

Đâu ngờ họ dọa thôi, chứ làm gì có giờ mà lục soát, rồi họ qua bên tàu với 1 nón vàng vòng, tiền bạc, chúng tôi chờ lệnh, may quá họ không những cho đi, mà còn chỉ hướng đi đến Thái Lan.  May mắn là cậu tài công còn giữ được cái hải bàn nhờ nói dối với công an là cậu biết nhắm hướng, nên không có hải bàn. Đi thêm 1 ngày đêm, lòng biết bao lo sợ, ban đêm nhìn thấy tàu nào cũng lo vì đây là hải phận Thái Lan, rất nhiều hải tặc cướp bóc, hãm hiếp….Thukỳ tự hứa với lòng nếu hải tặc đến thì nhất định ôm con nhảy xuống biển, không để bị bắt, vì Thukỳ nguyện không bao giờ rời con với bất cứ giá nào.  Trước khi ra đi đã nguyện với lòng rồi 99% là chết chỉ còn 1 % hy vọng, thì cái chết đâu còn nghĩa gì.

May mắn thay không gặp hải tặc, nhưng lúc ấy trong tàu không có lương thực, cháu Cường đói.  Một số người mang theo lương khô, lôi ra ăn. Nhìn con thèm đói mà lòng Thukỳ đớn đau vô tận.  Tàu nào chạy ngang qua cũng làm ngơ, dù lúc ấy Thukỳ chính là người vẫy cái áo thun trắng xin cầu cứu.  

Biển đang êm bỗng mây kéo đến đen cả bầu trời; con tàu thì nhỏ như 1 chiếc lá trên đại dương, chở theo 56 con người lớn bé mệt mỏi, thấm đói và lo nên yếu hẳn người đi.  Mọi người đều cầu nguyện tùy theo tôn giáo và đức tin của mình. Thukỳ ôm con, dù cháu đói cũng bảo con đọc kinh cầu Chúa.

Từ xa chúng tôi nhìn thấy một cái ngọn thật cao, càng lúc càng tiến dần về phía tàu chúng tôi, vừa mừng vừa lo vì không biết tàu cướp hay tàu gì nữa.  Khoảng 15-20 phút thì tàu đến gần mọi người la lên “Ồ tàu Mỹ”.

Đúng là tàu Mỹ,  họ phát loa cho tàu chúng tôi từ xa vì họ không dám chạy đến gần vì sợ sóng sẽ làm chìm tàu.  Một người biết tiếng Anh thông dịch là chiếc tàu đó mang thực thực phẩm cho một dàn khoan, và báo cho biết là sắp có giông bão  cấp 4-5 gì đó, họ vớt chúng tôi tạm thời qua cơn bão, hơn nữa vùng này toàn là cướp biển, họ cho lên tàu đỡ, chạy vào gần bờ của Thái Lan, để chúng tôi xuống tàu nhỏ vào bờ xin tị nạn”.

Lúc bây giờ chẳng còn nước nào muốn cứu vớt tị nạn, họ sợ và chán rồi, vì khi vớt được tàu nào họ phải mang về nước mình và chịu trách nhiệm; họ chỉ muốn giúp cho qua cơn bão và tránh hải tặc.

Khi họ kéo mẹ con Thukỳ lên tàu Mỹ TK biết là mẹ con còn sống, hai mẹ con ôm nhau mà nước mắt chảy dài vì sung sướng.  Thêm một may mắn là khi bão quá lớn, tàu chúng tôi kéo phía sau bị chìm, nhìn những mảnh vỡ của tàu trôi trên nước, toàn thân Thukỳ lạnh buốt,  và lúc này ai cũng thấy Thượng Đế quá nhiệm màu.

Không còn sự chọn lựa nào hơn, họ phải cưu mang 56 con người khốn khó, và dù có diện tị nạn chính trị hay kinh tế thì cả tàu đều sẽ được đi Mỹ.  Họ đưa chúng tôi đến tạm trú tại Singapore làm thủ tục và chờ ngày lên đường.

Thukỳ đứng trên bon tàu chờ gọi tên, hai mẹ con không vội, cháu Cường vui ra mặt vì biết mình đã thoát đọa đày, nhưng Thukỳ thì quay lưng nhìn lại phía bên kia đại dương với những dòng lệ nóng chảy dài: “Vĩnh biệt quê hương”  bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm, bỏ lại sau lưng bao người thân yêu, trong đó có chồng và ba Thukỳ là hai người đàn ông lớn nhất của đời Thukỳ lúc bấy giờ, khi họ gọi tên hai mẹ con xuống tàu là giây phút Thukỳ biết là không còn gặp lại, và từ đây Thukỳ phải bắt đầu một lối rẽ mới cho cuộc đời, và chỉ có 2 mẹ con nơi quê người đất khách.

Thukỳ.

 
THUKỲ VÀ CON TRAI (CƯỜNG) 


No comments: