CHIẾC XE ĐẦU TIÊN
(THUKỲ)
Thukỳ vẫn nhớ câu
“chẳng lẽ ta đâu mãi thế này....”, nên đời cũng bắt đầu có chút
bình minh ló dạng.
Sau khi dọn nhà
về Cambridge, và dù chưa “lạc nghiệp”, cũng đã có chút “an cư”, không còn
sợ về đàn ông vớ vẩn nhức đầu, nhất là trong nhà có “2 thần hộ
mệnh”. Tuy hai anh em còn nhỏ nhưng cũng biết bảo vệ chị như
là chị của mình, và sống độc lập trong nhà gồm 4 người, nên không
dễ gì ai tới lui nếu mình không tiếp họ. Cuộc đời của Thukỳ từ
đó được thoải mái tinh thần rất nhiều.
Để dành tí tiền
là hai mẹ con dẫn nhau đi mua xe, để khỏi phải đi xe điện xe bus rất
phiền nhất là trời lạnh thấu xương, nhất là vào buổi tối, phải
chờ xe dưới tuyết vào mùa đông Boston và New York.
Tin rằng mầu đỏ là
mầu vui tươi may mắn, mên khi mua xe Thukỳ cứ đòi xem những chiếc xe màu….
“đỏ”, khiến ông chủ bán xe hỏi “Cô mua xe hay mua màu”; nhưng cuối cùng
Thukỳ cũng chọn được chiếc xe ưng ý.
Dù là xe cũ,
nhưng đó là niềm hạnh phúc lớn với 2 mẹ con, từ nay đi chợ khỏi
phải tay xách, nách mang lên xe điện xe bus...nhất là chợ VN ở khá xa,
mua nhiều xách không nổi, mua ít thì giờ đâu đi chợ hoài!
Từ lúc có xe cũng
đỡ khổ. Tan học là chạy ngay đến nhà hàng, làm việc vào ban đêm
xong lái xe về nhà nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nhất là được nhìn
thấy con vui mừng đón chào mẹ; sau giờ cuối tuần thì mẹ con chở nhau
đi lòng vòng cho biết phố xá. Có
lẽ trong đám sinh viên tị nạn lúc đó, Thukỳ là người dám mua xe đầu
tiên.
Bé Cường rất
ngoan, nghĩ đến là Thukỳ cứ muốn rơi lệ, vì tằn tiện nên chưa bao
giờ mua cho con một món đồ chơi; tội nhất là ở Mỹ bao thứ cám dỗ.
Thukỳ nhớ có lần cháu đứng nhìn ngớ ngẩn một món đồ, xem ra
thích thú lắm. Thukỳ hỏi cháu: “Con thích lắm hả, mẹ mua cho?”
Cháu vội trả lời: “Mẹ ơi, con chỉ nhìn thôi, không thích đâu, đừng
mua”, rồi dắt tay mẹ đi nơi khác. Giờ này nhớ lại những giây phút
đau lòng ấy mà không khỏi ngậm ngùi.
Đôi khi mẹ về
trễ, Cường đứng trước cửa chờ, có mấy anh chàng thỉnh thoảng ghé
lại lấy cảm tình mua đồ chơi cho cháu, nhưng chưa bao giờ cháu lấy
món quà nào của ai. Thukỳ còn trẻ chẳng biết dạy con, nhưng
dùng hết tình thương cho con và chỉ biết có con, đêm nào mẹ con
cũng ngủ bên nhau, Thukỳ kể con nghe “Nhị Thập Tứ Hiếu”, dạy con căn
bản đạo đức, nhất là không nói dối, không làm bậy bạ...đến giờ
này dù đã là BS., nhưng mầm mống ban đầu đả gieo vào trí non nớt,
cháu giữ mãi và niềm vui lớn nhất là biết thương yêu mẹ, chân tình
và đạo đức. Đó là niềm vui lớn trong đời của người mẹ mà cả đời
đã hy sinh cho con.
Nhờ chịu khó làm
việc, không nề hà vất vả, tằn tiện và không đua đòi, nên dù sang Mỹ
khoảng 2 năm, và dù lúc bấy giờ đang ở cái tuổi đôi mươi thích ăn diện, Thukỳ
chưa bao giờ dám mua quần áo mới, chỉ dám mua đồ cũ “second-hand”.
Cháu Cường học
rất giỏi, nhất là toán. Cô giáo thương, cháu có tư cách, nên
mỗi khi có quần áo là cô lại cho cháu.
Thukỳ có ý chí
mạnh và quyết tâm phải vươn lên, phải tự lập; nếu chẳng may chồng
chết trong tù thì cũng tự mình đi làm nuôi con khôn lớn, nhất định
không lấy chồng vì sợ con khổ như cuộc đời mình. Người mẹ
nào cũng chỉ có con là động lực để hy sinh, quên mình.
Thukỳ rất vui, vì
đời sống Mỹ dù có vất vả nhưng mình kiếm được tiền, đầy đủ vật
chất, không cần lệ thuộc vào ai, vì có đầy đủ chân tay, sức khỏe,
thêm vào chút trí óc, thì nơi đây là thiên đường cho mình vui sống.
Chiếc xe màu đỏ
đầu tiên, dù là xe cũ nhưng thật quý và là kỷ niệm đẹp dễ
thương nhất. Từ lúc có xe mẹ con
vui lắm, lau chùi thật sạch, nhìn như mới; có giờ rảnh là
Thukỳ chở con đi lòng vòng. Hạnh
phúc thật đơn sơ.
Giờ này, mỗi lần
đi mua xe mớí, nhưng niềm vui cũng không sao sánh bằng nỗi vui sung
sướng với chiếc xe cũ đầu tiên với bao thân ái nghĩa tình.
Thukỳ.
|
Thursday, August 2, 2018
CHIẾC XE ĐẦU TIÊN (THUKỲ)
Labels:
- Hồi Ký
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment