Dây chuyền gói bánh chưng Tết
bằng máy hơn 3 tỷ đồng
Anh Phạm Khắc Tưởng, ngụ phường Linh Đông (TP Thủ Đức) đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho dây chuyền làm bánh chưng của gia đình. Mỗi ngày hệ thống này có thể làm ra 2.500 chiếc bánh.
Chi tiền tỷ đầu tư dây chuyền gói bánh chưng dịp Tết Sau 3 năm làm thí điểm và không ngừng cải tiến, đến nay ông Phạm Khắc Tưởng (TP Thủ Đức) đã chi hơn 3 tỷ đồng đầu tư dây chuyền gói bánh chưng với công suất 2.500 bánh/ngày.
Cơ sở gói bánh chưng bằng dây chuyền máy móc của anh Tưởng hoạt động từ năm 2018 đến nay. Ý tưởng cơ giới hóa trong việc làm bánh được anh ấp ủ trong nhiều năm với mong muốn làm ra bánh ngon và tiết kiệm thời gian, công sức.
Khoảng 90% công đoạn làm bánh chưng được thực hiện bằng máy như ướp và cắt thịt, hấp đậu, ép nhân, ép khung, luộc bánh... Ngoài ra, việc di chuyển bánh và vật liệu đều được thực hiện với sự trợ giúp của máy móc, giúp tiết kiệm nhân công đáng kể.
"Tôi vừa làm vừa nghiên cứu, đúng thì giữ lấy, sai thì làm lại. Qua gần 3 năm, quy trình làm bánh có nhiều cải tiến khiến tôi thấy hài lòng hơn. Bánh thành phẩm được người dùng nhận xét tốt hơn trước", anh Tưởng nói. Trong ảnh, một nồi luộc bánh chưng (tùy chỉnh được áp suất và nhiệt độ) anh mới đầu tư, vừa đi vào hoạt động mấy ngày qua.
Hấp nhân bánh bằng nồi hơi điều chỉnh được nhiệt độ và áp suất. Anh Tưởng cho biết hầu hết máy móc, dụng cụ làm bánh được anh nhập về từ Đức, Bỉ và Nhật Bản. "Việc khó nhất là tôi phải nghiên cứu và kết nối hệ thống máy móc rời rạc thành dây chuyền làm bánh chưng. Tôi mất nhiều năm để nghiên cứu, vừa làm vừa điều chỉnh mới được như ngày nay", anh Tưởng cho biết.
Nhân bánh được ép vuông vức bằng máy, sau đó cho vào khuôn gói cùng với nếp, lá dong. Thịt heo được chọn làm nhân là loại thịt tươi được cắt lát, sau đó sấy nhẹ và thấm ướp gia vị. Mỗi bánh có khoảng 400 gram nhân, được cân lượng chính xác.
Dù ứng dụng nhiều thiết bị, máy móc trong làm bánh, anh Tưởng vẫn luôn mong muốn giữ được "cái hồn" của bánh chưng ngày Tết. Đó là việc anh dùng 100% vật liệu làm bánh chưng cổ truyền như: nếp, lá dong, lá riềng, thịt lợn, đậu xanh, tiêu...
Để làm ra quy trình làm bánh chưng bằng máy như hiện nay, anh tốn khá nhiều công sức để nghiên cứu và học tập kinh nghiệm từ người thân, đọc sách, xem thông tin trên mạng Internet...
Công suất dây chuyền làm bánh chưng này hiện khoảng 2.500 bánh mỗi ngày, với khoảng 8 người làm việc. Tuy nhiên, việc có hoạt động hết công suất hay không còn tùy thuộc vào đơn đặt hàng của khách.
Dùng máy ép bánh chưng đã vào khuôn. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, anh Tưởng làm bánh chưng từ ngày 20-29 tháng Chạp (tức từ 20-29 Tết).
Bánh chưng được xếp vào lồng để đưa vào nồi luộc. Thời gian bánh chín khoảng 8 giờ. Mỗi nồi có sức chứa khoảng 360 bánh.
Hiện anh Tưởng dùng khuôn bánh có kích thước 15x15 cm, dày 5 cm, bán ra với giá khoảng 150 nghìn đồng/chiếc.
Bánh chưng thành phẩm có màu xanh đặc trưng của lá riềng, dẻo của nếp, nhân thịt thơm ngon, được nhiều khách hàng chuộng mua. Theo anh Tưởng, bánh anh làm ra chủ yếu theo đơn đặt hàng trước nên tiêu thụ nhanh.
Phạm Ngôn - Chí Hùng
No comments:
Post a Comment