ĐÊM XUÂN
NÀO
TÔI ĐẾN
THĂM ANH
DTDB
Quê Nam mưa nắng hai mùa. Tiết trời vào mùa xuân không nói làm
gì, dù mùa hạ, thu, hay mùa đông cũng không ảnh hưởng đến mùa màng, cỏ cây hoa
lá. Quanh nhà những cây ăn trái lá vẫn một màu xanh um phơi phới nghinh đón nắng
hè gay gắt. Thu có bầu trời ảm đạm, nước ngập tràn đồng tràn sá, có từng cơn
gió héo hắt tỉ tê, có mưa sụt sùi đổ lệ. Mùa đông lạnh lẽo làm da mốc cời, xuống
ruộng, hoặc sáng sớm ngồi co ro hong nắng bị con bồ mắc (cùng loại muỗi nhưng
nhỏ cỡ hột mè) cắn ngứa trời đất, nổi mận đỏ rồi tự lặn chớ không làm độc.
Hôm nay vào cuối mùa đông, nhưng bầu trời quang đãng. Từng cơn
gió nhẹ luồn lách thổi qua lay động những nhánh bưởi trái chín vàng no nưởng lồ
lộ chen chúc trong cành lá xanh. Cây cam tàu, cây quít đường nhà hàng xóm rám nắng,
trái một bên ửng hồng bên kia màu còn luông luốt nhàn nhạt vàng xanh. Cây lựu ở
mái hiên hông nhà chín đỏ, trái nặng trĩu quằn cành khẳng khiu, phải dùng nạng
chống đỡ cho không bị gãy.
Mèn ơi, còn những cây mận được trồng bên bờ rạch tàn lá sum sê nữa.
Cây mận kiếng sen trái lớn bằng nắm tay, cao, mỏng cơm, giòn, ngọt lạt. Mận nầy
có màu đỏ thắm tươi để cúng chưng trên bàn thờ trong mấy ngày Tết đẹp lắm. Mận
hồng đào phơn phớt hồng, có loại trái lùn, tròn, lớn không bằng mận kiếng sen
nhưng dầy cơm, hột thường nhỏ xíu như hột tiêu, ăn ngọt thanh thao, chưng lâu
ngày da không bị nhăn nheo như mận kiếng sen. Mận da người cậu Út của Tú Huệ
mua giống từ miệt Nha Mân, Sa Đéc, mận nầy thường có hình giống như cái nón
(fishing man) người Tàu đội khi câu cá, làm ruộng... Mận lúc nhỏ còn non màu
xanh nhạt, khi lớn trái trổ màu trắng ngà ngà. Trái mận càng chín thì màu ngà
càng sặm sòi hơn. Lúc đó mận da người ăn giòn và ngọt lịm như ăn cục đường. Còn mận bánh bao lấy giống từ Gò Công. Vì còn
tơ và được trồng bên mé nước nên trái mận bánh bao lớn nhứt trong các loại mận
nằm bên cạnh. Mận bánh bao màu trắng phơi phới, da mỏng non nhẫn bóng láng như
da mặt các thiếu nữ ở tuổi tròn trăng (ví dụ dí dỏm của con bạn Tú Huệ).
Đó là chưa kể đến các loại cây ăn trái khác như cây xoài cát đen
chiết nhánh mới có trái chiếng đầu mùa là đà mặt đất. Da mốc trắng phấn, no
tròn lủng lẳng trên nhánh ở trước sân nhà. Chuối cau, chuối xiêm, chuối già quá
lứa hườm hườm chín bói mấy nải ở trên, đã bị chim rỉa. Sau nhà còn trồng nhiều
loại cây khác như mãng cầu, măng cụt, khế, ổi, muồng quân… Chạy dài ra tận mí
vườn giáp ranh ruộng lúa của người khác. Còn bông vạn thọ, cúc, hồng, nở ngày,
đỗ quyên, mười giờ, cẩm chướng, mào gà… Được trồng trên khoảng đất rộng, trong
vòng rào hai hàng gạch tiểu chất lên nhau theo hình tròn cho phân biệt ở bàn thờ
ông Thiên trước cửa lớn của nhà. Gần chòm mả thì có cây bông sứ, bông lài, bông
điệp, bông trang… và mấy cây mai hoa nở vàng ối cả khu vườn... Mỗi cây có một sắc
thái riêng biệt phơi phới dưới nắng gió xuân hồng thoảng hương ngào ngạt theo
ngọn gió đùa. Cảnh sắc đó chỉ thấy ở miền Nam nước Việt có nhiều kinh rạch sông
ngòi cho nước ngọt quanh năm... nước ngọt muôn đời.
Hàng rào trước nhà trồng bằng cây huỳnh anh có bông vàng nở chen
lá mơn mỡn chạy từ ranh đất bên nầy đến ranh đất bên kia. Dọc lằn ranh hai bên nhà
giáp với đất của chủ khác, được trồng cây bông bụp màu hồng lợt, hồng sặm, vàn
nghệ, có lá xanh mướt rượt như thoa dầu, thoa mỡ. Cậu Út trồng cây tươi làm
hàng rào thay vì rào bằng tre khô, bằng cây vuốt nhọn với cột xi-măng, hoặc kéo
kẽm gai, thì nó sẽ mất đi phần trang nhã và thanh lịch cho ngôi nhà hương hỏa cổ
kính cả mấy đời ông cha để lại cho cậu.
Các chậu sành đặt có hàng có lối trước sân, cậu còn trồng mai
chiếu thủy, cây bùm sụm được cậu khéo tay uốn thành hình cá hóa long, kỳ lân, rồng,
phụng… Những chậu kiểng nầy được chăm sóc rất chu đáo. Chứng tỏ cậu Út của Tú
Huệ là người có óc sáng tạo, mỹ thuật, và là người thích hoa, kiểng, cảnh vật
thiên nhiên.
Ở trên sông, những chiếc ghe chở khẳm lé đé trên mặt nước đầy ắp
các loại trái cây trong cần xé, những cành mai được bó lại từng bó lớn, cá tôm
rộng trong những thùng thiết vuông nước và nắp đậy, gà vịt cột lại thành chùm
kêu la oang oác trong khoang của những chiếc ghe chèo, xuồng bơi, tam bản, ghe
có gắn máy đuôi tôm, nườm nượp đổ về bến xe sát bờ sông dưới chợ. Nếu ở vào thời
Cộng Hòa trước đây, vào những ngày cận Tết như vầy, chắc chắn náo nhiệt hơn gấp
trăm, gấp ngàn lần bây giờ!
Ai ra đứng ngoài đường trước cổng nhà cậu Út của Tú Huệ nhìn xuống,
sẽ thấy rõ những chiếc xe hàng lớn đã đậu sẵn ở bến chờ bạn hàng đem hàng hóa đến,
đưa lên xe và tranh thủ trong đêm nay phải chở về các chợ tỉnh, chợ thành, nhứt
là các chợ ở Sài Gòn bán vào 29, và 30 tháng Chạp. Để khách mua về cúng ông bà
và chưng trong nhà 3 ngày Tết. Đó là những ngày lễ lớn nhứt của dân tộc miền
Nam, của nước Việt Nam, của người Việt Nam không Cộng Sản.
Mấy ngày cuối năm ở thôn quê như bừng lên sức sống, mặc dù bọn
giặc Cộng chiếm trọn lãnh thổ Việt Nam đã mấy năm rồi. Và dân miền Nam cũng đã
được nếm cái Tết đầu tiên xác xơ, hốc hác, hãi hùng sau khi bọn chúng đày quân,
dân, cán, chánh… đại đa số là thành phần trí thức của miền Nam vô trại cải tạo
tẩy não, để trả thù... Cùng những lần cướp của, giết người đại huy mô bằng thủ
đoạn đổi tiền và lùa dân đi kinh tế mới trải dài trên miền Nam...
Nước Việt Nam cả ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, cả trăm năm bị đô hộ
bởi giặc Tây. Nhưng sự trả thù của ngoại lai lên dân tộc Việt Nam vẫn chưa thâm
sâu tàn độc bằng giặc Cộng (Việt Cộng) đã trả thù dân miền Nam cùng chủng tộc,
cùng giống giồng với chính họ... Vì nỗi bức bách quá độ của lũ giặc vô thần,
nên dân Việt Nam mới ùn ùn vượt biên... bỏ lại tất cả, tìm đủ mọi phương cách để
tìm tự do xa rời người Cộng Sản và chế độ Cộng Sản.
Tịnh An và Tú Huệ là bạn thân lúc còn học lớp ba, lớp nhì ở trường
Tiểu học rồi Trung học Cần Thơ. Hai cô được sanh ra và lớn lên ở miền Hậu
Giang. Nơi đất đai trù phú có dòng Cửu Long uốn quanh cho nước ngọt muôn đời.
Có nắng đẹp, có gió hiền, có cây lành, trái ngọt. Đất đai trù phú, khí khậu ôn
hòa tươi tốt đã tạo cho dân cư tánh tình đôn hậu, bình dị, hiền hòa, chân chất
của Nam Kỳ Lục Tỉnh, có vùng đất còn được mệnh danh là Tây Đô. Nơi đây chỉ khác
Hòn Ngọc Viễn Đông (Sài Gòn) ồn ào náo nhiệt, và nơi thâm nghiêm bí sử có đền
đài cung điện nguy nga của vua chúa ở đất Thần Kinh Huế mà thôi.
Tú Huệ mồ côi cha sống hẩm hút với mẹ và hai người anh. Mẹ cô có
nghề thêu, làm khuy nút áo, đơm nút áo dài cho các tiệm may lớn nổi tiếng ở chợ
Cần Thơ, cộng vào tiền lương khiêm tốn tử tuất của chồng ba tháng lãnh một lần
(ông Phán kho bạc). Bà cần kiệm, an phận nuôi nấng ba đứa con, có cuộc sống êm
đềm trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Trời không phụ lòng một quả phụ cần
mẫn, sống theo đạo Thánh Hiền, ăn ngay ở thẳng. Nên hai con lớn là Tú Nghĩa, Tú
Tâm cùng cô gái út Tú Huệ của bà học ở trường Trung học Công lập Phan Thanh Giản
và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ).
Khi hai đứa con lớn của bà đậu Tú tài hai thì theo tiếng gọi của
quê hương, chúng xin vào binh chủng Không quân. Sau thời gian thụ huấn cơ bản
quân sự ở trường Không quân trong nước xong, thì hai anh em được ra nước Mỹ để
học về ngành chuyên môn... Năm đó Tú Huệ và Tịnh An đang học lớp Đệ tứ (năm cuối
của Trung học Đệ nhất cắp).
Nhà của Tịnh An ở cuối đường Phan Thanh Giản gần Cầu Củi. Nhà của
Tú Huệ kết Ty Cảnh sát, gần cầu Cả Đài, xéo xéo cửa trường Đoàn Thị Điểm. Mỗi
buổi sáng Tú Huệ thường đón bạn trước cổng nhà để hai đứa tình tang đi vào trường
bởi nhà chỉ cách đường Ngô Quyền thì tới trường liền hà. Từ cầu Cả Đài đi về hướng
ngã tư đại lộ Hòa Bình, qua Ty Cảnh sát đi thêm mấy căn nhà dân sự nữa thì đến
nhà cô ngay.
Mỗi ngày đi học, Tịnh An đều đi ngang qua cầu Cả Đài. Nơi đây có
những hàng quán ăn, giải khát… từ sáng cho đến tối đông đầy khách. Những xạp
bán xôi, bán chè, bán cháo… về đêm trong quán cà-phê, quán sinh tố có máy hát
những bài nhạc hiện đại, du dương trử tình rất thích hợp cho giới trẻ nhứt là học
sinh, sinh viên, và lính… Mỗi ngày nhứt là vào sáng sớm trước giờ làm việc
trong các hàng quán có bán hủ tíu, mì, phở, cơm tấm, bánh mì xíu mại, sương sa,
hột lựu… Tiếng rao mời, mùi thức ăn, nước uống tỏa bay… Đi ngang qua đây, cho
dù không đói nhưng không ai tránh khỏi cái bụng, rồi cái miệng bị quyến rủ háo
hức thèm ăn món nọ món kia...
Tịnh An bấm bụng lờ đi, vì nhớ lời Tú Huệ dặn lúc tan trường hôm
qua. Cô ta vui vẻ bảo với bạn:
- Nầy, chiều nay về tao sẽ
lãnh lương. Là tin mới, mầy giựt mình phải không Tịnh An? Đó là tiền bánh lần đầu
tiên của hai ông anh tao phát, từ đây về sau (mỗi tháng một lần). Bây giờ hai ảnh
oai phong lắm mầy ơi. Họ đi lính nên được lãnh lương hàng tháng rồi. Mầy nhớ
ngày mai đi học sớm hơn mọi ngày nghen, để hai đứa mình tảo thanh các gánh
hàng, các xe bán cốc, ổi, mực nướng… trước cửa trường cho bỏ ghét.
Nói đến đó, như để trấn an bạn. Tú Huệ tiếp:
- Mầy không phải lo, lần
nầy tao bao không hạn chế, sẽ cho mầy ăn thả giàn, cho mầy ăn ngộp thở luôn!
Tịnh An đánh vào vai bạn, cười ngất:
- Đừng có làm tàng! Mầy
cũng biết tao nổi tiếng ăn hàng thầy chạy và ăn nhiều như Tạ Hầu Đôn. Vậy mầy
nhắm có bao nổi tao không đó?
Nhướng nhường đôi chân mài liễu, miệng
Tú Huệ cười lúm đồng tiền và tươi như hoa buổi sáng:
-
Lo gì mậy? Hai ông anh tao tài trợ mà! Hai ổng còn nài nỉ hôm nào để hai
ổng đi theo bọn mình ăn hàng! Trời ơi, sức mấy, còn khuya à... bổn cô nương gạt
ngang, mầy nghĩ coi kéo thêm hai cái rờ mọt đó thì làm sao bọn mình tự nhiên mà
ăn phải không?
Tịnh An cười đồng tình với bạn, rồi gật
đầu lia lịa:
- Ờ, ờ hén… Thiệt mầy nói
tầm phải quá đi thôi!
Tan trường, nữ sinh túa ra cổng ai rẽ đường
về nhà nấy. Tú Huệ như sực nhớ chuyện gì, kéo lôi Tịnh An sang nhà mình.
Đứng trước nhà, cô gõ cửa gọi lớn:
-
Má ơi, má ơi con về nè. Mở cửa đi, mở cửa đi má…
Bà Hai Hiền ra mở cửa cho con. Bà đang
loay quay với cái khóa, miệng cười nhẹ mắng yêu:
- Con gái mà không nết na
gì ráo. Bộ không sợ người ta cười sao mà cái miệng ào ào bài hãi vậy nà?
- Dạ chào bác Hai.
Chợt nghe thấy Tịnh An, bà ngẩng đầu lên tươi cười:
- Ụa, bộ có Tịnh An ghé
qua chơi nữa hả? Vào nhà
đi, ba má cháu có khỏe không? Lâu quá rồi bác không gặp... Cây trái bên vườn dạo
nầy có huê lợi nhiều không, ba cháu vẫn ở bên đó chăm sóc chớ?
Tịnh An tự nhiên trả lời:
- Dạ thưa bác ba má cháu
vẫn khỏe. Ba cháu thường thì ở bên vườn, thỉnh thoảng mới về bên nầy ban ngày
thôi chớ không ở lại đêm. Vì ông sợ không có người lớn, bọn con nít chiều tối
thường hay lẻn vào phá hái trái non chọi phá lung tung. Còn má cháu gần như
ngày nào cũng về bển để mua sắm những vật dụng cần thiết cho ba cháu, và để bán
hoa quả của vườn cho mối lái đó, thưa bác!
Bà Hai tươi cười:
-
Vườn ở Cái Vồn, cũng không xa cho lắm. Chỉ qua bắc, rồi đi xe lam hoặc
đi bộ một đổi thì tới ngay. Như vậy dù một cảnh hai quê cũng không mấy trở ngại
làm khó cho sự tháo vác của người phụ nữ như má cháu. Tịnh An ăn cơm với Tú Huệ
nghe...
- Dạ cảm ơn bác, cháu phải
về ngay, để coi nhà cho anh cháu đi học thêm sinh ngữ ở Hội Việt Mỹ...
Tịnh An nói chuyện với bà Hiền thì Tú Huệ chạy băng vào buồng
mình, xách ra một túi nhỏ đưa cho bạn. Cô tươi vui bảo:
- Mầy mở ra xem đi Tịnh An. Tuần rồi hai
anh tao đi công tác ở Đà Lạt về, mua quà cho má tao, cho tao, và có cả phần của
mầy nữa đó.
Tịnh An mỉm cười mắt ngời sáng, đưa tay
nhận quà. Hai cô ngồi vào chiếc đi-văn rồi từ từ mở ra xem từng món một cười
khúc khích khen, hay trề miệng méo qua méo lại chê anh mình của Tú Huệ.
Bà Hai Hiền mở cửa cho con thì trở lại ngồi vào vị trí của mình.
Mặc dù hỏi thăm về ba má của Tịnh An nhưng tay bà thoăn thoắt thêu từng mũi chỉ
trên mình hàng. Thỉnh thoảng bà dừng tay lại, mắt trìu mến nhìn Tịnh An. Bà cúi
thấp đầu làm việc, nhưng tâm tư đang nghĩ suy: Đứa nhỏ nầy thật là lành gái. Nước
da trắng hồng, dáng người cao ráo thanh cảnh, mặt, mũi, miệng vừa tầm trên
khuôn mặt thanh tú đoan trang. Tánh tình lại đôn hậu, ăn nói dịu dàng lễ phép.
Nếu nó được làm vợ một trong hai thằng con trai thì còn gì vui mừng hơn cho bà.
Hai đứa con bà bây giờ đã lớn khôn, dựng vợ được rồi. Lương phạn của bọn chúng
làm nuôi sống được vợ con. Có vợ có chồng lo lường đùm bọc lẫn nhau. Như vậy bà
sẽ yên tâm và mãn nguyện lắm, dù sau nầy qua bên kia thế giới gặp chồng bà cũng
không thẹn bổn phận làm vợ và làm mẹ của các con ông...
Nhưng khi nghĩ đến mấy đứa con thì bà phì cười. Hai cái thằng khỉ
đó! Thằng lớn mỗi lần nói đến vợ con thì nó quầy quậy tìm đủ cớ bác ra. Thằng kế
thì bảo:
- Má lo cho anh Hai trước
rồi mới tới con. Nhưng thời buổi bây giờ sống độc thân khỏe hơn má ơi. Má đừng
có kiếm vợ cho con, để tự con kiếm lấy rồi sẽ cho má biết. Má chỉ mấy cô má vừa
ý, chớ con không bắc mắt chút nào thì làm sao mà cưới cho được?
Cái con tài lanh Tú Huệ, nghe thấy anh và mẹ nói cũng xen vào:
- Nè anh Hai anh Ba! Hai
anh thiệt đẻ bọc điều mà hỏng biết. Nhà mình có lợi điểm cho hai anh là ở ngang
trước trường nữ Trung học. Những buổi tan trường, lễ lộc… Ôi trước cổng trường
dập dìu là kiều nữ của Tây Đô…như… như em vậy! Nếu có cô nào lọt mắt bù lạch ăn
của hai anh thì phải lên tiếng, phải nói. Nhớ phải nói cho cô em gái tốt bụng nầy
biết, em sẽ tìm hiểu và làm mai cho... Chỉ đòi công xơ xơ nửa năm lương tiền
bánh thôi chớ không nhận đầu heo đâu. Cho nên hai anh keo kiết nổi tiếng, hãy
ráng bấm bụng mở hầu bao chớ đừng có thắt gút thật kỹ đó nghen...
Nghe em gái xí xọn... Tú Nghĩa cười lớn:
-
Thôi đi cô Tư! Cô là Thị Nở thì đúng hơn chớ kiều nữ gì? Bạn cô toàn là
búng ra sữa không hà. Anh không muốn rước về để mẹ phải nấu cơm và đưa đi học
đâu...
Tú Tâm cũng rống họng réo rắc như lên
sáu câu vọng cổ:
-
Cho tao xin hai chữ bình an đi! Bạn của mầy toàn là gấu, là chằng và ăn
hàng xàm xạp như mầy, cưới về sẽ chết đời đẹp trai, hào hoa phong nhã của tao.
Chồng lãnh lương đầu tháng, chỉ 4, 5 tây thì sạch bách... Tội nghiệp má còm
lưng làm việc nuôi thêm miệng ăn nữa...
Tú Huệ không nhịn được, vừa cười ha hả vừa
rược đánh hai anh mình:
- Đủ rồi nghen!
Coi chừng mai mốt muốn quá mà mắc lời nói hôm nay, nên không dám nhờ con nhỏ nầy
thì té hen ra ngoài. Rồi chịu không nổi vừa khóc vừa năn nỉ đưa tiền thì mất mặt
bầu cua lắm lắm...
Nghĩ đến đó
nhưng Tú Huệ đang ngồi săm soi mấy món quà với bạn. Bất chợt bắt gặp mẹ nhìn Tịnh
An! Cho dù kín đáo thế nào bà cũng không làm sao qua cặp mắt nhạy bén và tinh
ranh của cô con út nầy.
Cô cười mỉm chi cọp, lí lắc thì thầm nhỏ to
bên tai bạn: «Ê Tịnh An, mầy xem kìa, coi bộ má tao chấm mầy cho một trong hai
ông anh của tao rồi đó...». Nghe Tú Huệ nói, Tịnh An cảm thấy bẻn lẻn mắc cỡ.
Cô lật đật gom những món quà bỏ vào túi rồi xin phép ra về.
Đưa Tịnh An ra cửa trở vào. Cô nghe mẹ càm ràm:
-
Con đã nói gì, mà khiến cho Tịnh An không tự nhiên, phải mau mau ra về sớm
như vậy?
Tú Huệ cười cầu tài, chối quanh:
-
Con có nó gì đâu má? Nó về sớm để học bài đó mà...
Cô đi lại dở lồng bàn để kiếm gì ăn. Bà
Hai Hiền tay vẫn thoan thoắt từng đường kim mũi chỉ trên vải, trên hàng từ mấy
chục năm nay để nuôi sống gia đình. Ngoài trời hoàng hôn trải ánh sáng cuối
ngày vàng úa lên vạn vật. Trên cây mận say trái ở hiên nhà bầy chim trao trảo
líu lo gọi đàn rủ rê tìm trái chín. Gió lùa qua cửa sổ mát rượi, âm thanh đinh
đon, đinh đon… của chiếc phong linh treo ngoài hiên nhà nghe êm tai và dễ chịu
vô cùng.
Dáng
mảnh mai thướt tha của Tịnh An đang thông thả đi trên đường ươm nắng sáng. Bỗng
cô rảo chân đi lẹ hơn, vì cảm thấy ngại bởi có mấy nam sinh đến cổng trường
Phan Thanh Giản của họ rồi mà không chịu quẹo vào, cứ lẻo đẻo theo sau cô to nhỏ
nói cười…
Cảm ơn Trời Phật, nhờ cái giọng oang oác khó ưa như chim ác là của
nhỏ Tú Huệ mà cô được cứu bồ:
-
Nồi ơi, hôm qua tao đã dặn đi sớm rồi. Sao hôm nay mầy đến bình thường
như mọi ngày vậy? Thôi lẹ lên, kẻo ổi cốc, xoài ghim đường chờ mình đó... Lẹ
lên mầy ơi...
Đã nói trễ mà Tú Huệ còn đẫy mạnh bạn
mình qua hàng quà bánh, thay vì quẹo vào cổng trường. Tịnh An chậm chạp nói:
- Hôm khác đi, hôm nay
không đủ giờ.
- Không được, lẹ lên thì
hãy còn kịp, 10 phút nữa lận.
Cặp mắt phượng của Tú Huệ quét nhanh qua
các món trái chua, được ngâm đường và cam thảo, đựng trong các chậu kiếng trong
vắt. Đôi mi dài cong chớp chớp bỗng dừng lại trên thau nhôm đựng tầm ruột. Lanh
tay cô bóc một trái thảy vào miệng nhai giòn khưu khứu. Nước tầm ruột văn bắn
vào tay áo của Tịnh An. Cô còn đang nhai thì bà bán hàng (vợ của chú Thại người
Tàu nói tiếng Việt lơ lớ) lên tiếng:
-
Sao nị ăn không hoài zdậy? Nị muốn mua bao nhiêu?
Tú Huệ chẳng nói chẳng rằng, chụp ngay miếng xoài ngâm đường cam
thảo vàng tươi thuận tay phết luôn muối ớt cay nồng rồi đưa vào miệng nhai rào
rạo. Vừa nuốt, cô với tay lấy thêm trái cốc phết muối cầm bên tay kia. Cô cười
nguýt bà bán hàng con mắt có đuôi và hối bạn:
-
Trời ơi, bà thiệt là nhỏ mọn quá đi! Thử có một trái mà cũng càm ràm. Tính tiền chung với miếng xoài và trái cốc
đi. Ê, mầy ăn gì hãy lấy mau lên Tịnh An, đã nói trễ mà còn quàng rờ như bà già
đi Âm phủ vậy?
Tịnh An háy
bạn, chớp vội gói xí muội khô trên kệ, nhanh tay xé bao lấy để vào miệng một
trái, bảo:
- Trả tiền đi. Ăn ngấu ăn
nghiến như mầy tao sẽ bị sặc chết vì muối, vì ớt. Vả lại sáng nay tao chưa ăn
lót lòng, mấy ngử chua cay... nầy nó cồn cào bụng tao sẽ hết học hành, để trưa
tao mới ăn trả thù...
Miệng đang nhai ngồm ngoàm thì tiếng kẻng
beng, beng… báo giờ học trò vào lớp, Tú Huệ lanh miệng:
- Ờ trưa cũng được. Vậy thì đi vô lẹ lên mầy…
Vẫn còn tiếc, Tú Huệ cắn vội miếng cốc rồi
vứt que tre vào sọt rác. Cô hít hà ớt cay rồi lớn họng nói:
- Ngon ơi là ngon! Ăn như
vậy mới ngon nhưng vẫn chưa đã…
Hai cô vừa đi vừa chạy vào đứng sau chót
các bạn thì trên đầu hàng cô giáo ra lịnh di chuyển vào lớp.
Con Thu Nhi nhỏ giọng chọc quê:
- Tú Huệ hôm nay đẹp hết
chỗ chê! Mắt mầy long lanh sáng ngời, mi như tươm dòng lệ mỏng, má ửng hồng,
môi đỏ vì ớt cay quá xá phải không? Ngực áo mầy lấm tấm những giọt ngắn giọt
dài màu vàng nghệ như rải bông của nước cam thảo ngâm xoài, ngâm cốc, ngâm tầm
ruột chớ gì? Ông thầy Long khoái mầy ở chỗ đó! Đó đa!
Tú Huệ lấn đẩy rồi nạt nhỏ vào tai bạn:
- Xì, đi lẹ lên con điên!
Ra chơi tao sẽ thanh toán mầy.
Vào lớp ai nấy ngồi chỗ mình, yên lặng hồi
hợp vì thấy cô giáo dở số “Phong Thần” để gọi lên, trả bài:
Ngọt giọng Huế hơi nặng, cô Tích Lan gọi lớn:
-
Hồng Tú Huệ!
Con nhỏ giựt mình đánh độp. Nãy giờ vào lớp cái mặt nó nhăn nhó
vì bị ổi, xoài, tầm ruột hành làm cái bụng ê ẩm. Giờ lại khổ sở bị cô gọi lên
trả bài, nên mặt mày bí xị như cái bị chín quai. Nhưng nó cố làm tĩnh, nở nụ cười
tàn nhẫn đứng dậy, tay xách tập từ từ đi lên. Bạn bè trong lớp ai mà không biết
cô nàng đó thông minh, học giỏi. Nhưng cũng nổi tiếng lười biếng nhứt lớp. Ấy vậy
mà mỗi lần kết quả thi, điểm của nó đều đứng cao hơn Tịnh An và một số bạn
khác.
Cô giáo Tích Lan không đẹp nhưng rất trẻ rất có duyên. Cô tân thời,
ăn mặc áo dài dúng mốt, mang guốc cao gót, đế guốc gỏ vào nền lót gạch âm thanh
dòn dả nhúng nhảy theo nhịp bước cô đi. Nhưng cô giáo nghiêm quá, nên mặt đẹp của
cô có vẻ lạnh lùng, và tiếng nói rặt Huế nên rất khó nghe. Nhưng giọng cô như
tiếng chim hót, êm đềm như tiếng chuông chùa Thiên Mụ, và ngọt ngào hiền lành dễ
thương lửng lờ như dòng nước sông Hương.
- Đái Thị Thu Nhi, Ôn Thị
Tịnh An! Lên bảng...
Quỉ thần thiên địa ơi! Con Thu Nhi đứng lên vừa đi vừa chạy lắn
oán mắc tức cười! Lại bị cô giáo gọi tên, Tịnh An thoăn thoắt đi lên. Khi qua
bàn con Ánh Hồng, còn nghe bà già còi Thúc Cu (Thu Cúc) cố tình nói lớn:. “Ê, tụi
bây coi cái tướng lắc lư con tàu đi của nhỏ Tịnh An thấy ứa gan chưa...”
Ba cô đứng xớ rớ len lén liếc nhau, chớ không dám hé nửa lời! Họ
chờ cô giáo cho biết là trả bài, làm bài, hay viết bài? Bỗng tiếng gõ cửa, bà
Giám Thị bước vào. Hai người họ cùng ra ngoài cửa lớp. Mấy phút sau, cô Tích
Lan bước vào bảo với đám học trò của mình:
- Ba đứa trở lại chỗ ngồi
đi! Hôm nay cô có việc nhà phải về. Các em xếp sách vở, đừng làm ồn ào, xuống
sân cỏ hay vào thư viện học bài, làm bài… Nhớ trở lại đúng giờ, để tiếp tục môn
học của thầy khác. Trưởng lớp đâu? Hãy nhắc nhở các bạn giữ gìn trật tự...
Tú Huệ mắt sáng ngời và tươi cười như
hoa mai dưới nắng xuân hồng, liếc Tịnh An nhỏ giọng thì thầm:
- Một hồi nữa tan học,
tao sẽ ghé chợ mua nải chuối chín, ghé qua xe nước mía mua một ly lớn tồ bà dềnh
về cúng ông Địa, ông Tà đã phù hộ nên hôm nay bọn mình mới qua trạm cô Tích Lan
dễ dàng...
Tịnh An phì cười:
- Tự cổ chí kiêm tao chỉ
biết người ta cúng ông tà, ông Địa bằng chuối chín, thuốc hút, rượu, trà, bánh,
trái... chớ tao chưa hề nghe ai cúng nước mía cho ông Tà, ông Địa bao giờ. Mầy
muốn uống thì mua uống, đừng có xạo để mượn cớ mà mang tội đó nghen mậy.
Tiếng chuông báo tan học vang vang. Hai cô cùng cười giòn như tiếng
bể của thủy tinh và cùng nhau sắp tập vở vào cặp rồi bước ra khỏi lớp.
Ngoài trời
gió mát rười rượi lay động mấy nhánh phượng đầy hoa tươi thắm. Ánh nắng rực rỡ
thắp trên những hàng cây bên đường. Ở khu gia bịnh bên cạnh trường, giọng ngọt
ngào từ chiếc Radio cô ca sĩ tài danh lanh lảnh hát bài “Nắng Đẹp Miền Nam” của nhạc sĩ Lam
Phương:
“Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng
xanh/ Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa/ Đường
cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi! Đến mai sẽ là ngày
muôn hạt chín lả lơi mình ngắm nhau cười.../ ... Khi người lính chiến đã đấu
tranh hiến hoà bình cho Đồng Tháp Cà Mau/ Ta người nông thôn quên sương gió góp
gian lao lo được mùa mong cầu/ Nhờ tình quân dân gây bao niềm thương ấm cúng
non sông đón bình minh/ Gắng lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh rồi sống
no lành...”
Được
Ơn Trên đãi ngộ sống trong xã hội miền Nam tự do. Nhờ sự chăm sóc dạy dỗ của
gia đình, nên các thanh niên, thiếu nữ thời đó sung sướng cắp sách đến trường với
tâm hồn trong trắng, với những ước mơ, những hoài bão về tương lai sáng lạng của
đời mình. Và họ nhìn cuộc đời bằng cặp mắt kiếng màu hồng thắm. Họ vô tư chăm
lo học hành, tâm lành hồn nhiên vô tư không hiểu biết gì nhiều, và cũng không
nghĩ ngợi gì đến giặc giã, chiến tranh... Nhưng ven đô quanh thị thành vùng họ
đang sống đã sụt sôi cuộc nội chiến Quốc Cộng đẫm máu, tang thương... kéo dài
không biết chừng nào mới hết và không biết đất nước sẽ đi về đâu?
Có những đêm trường, đứng trên gác nhà nhìn thấy ánh hỏa châu
vàng úa từ các máy bay rơi rơi sáng cả một vùng trời xa. Tiếng súng lớn, súng
nhỏ lạch tạch đều tai như pháo nổ, rồi lẻ tẻ lác đác tiếng đại bác ì ầm. Những
cuộc phá rối trị an của giặc ở chỗ đông người như chọi lựu đạn nơi rạp hát, đắp
mô trên đường lộ để cản trở sự lưu thông. Độc hại hơn, giặc còn gày mìn giựt xe
đò, pháo kích vào trường học, nhà thương, giáo đường…
Bởi có “Chiến tranh nào mà
không tan nát?” Phải, có chiến tranh nào không có thương vong, không nhà
tan cửa nát? Và trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỗng đó, có biết bao nhiêu học
sinh, sinh viên, thanh niên hào kiệt... đã thức thời xếp bút nghiên theo việc
kiếm cung, để tình nguyện vào quân ngũ. Họ được tôi luyện trong thao trường đổ
mồ hôi để cho chiến trường bớt đổ máu… Họ trở thành những người lính Cộng Hòa
không nề hà gian nguy hiểm trở, hiên ngang quyết tâm hiến dâng đời mình cho sự
an nguy của gia đình và gìn giữ cõi bờ cho Tổ quốc...
Thuở đó, vào những buổi chiều tan trường nhứt là chiều thứ sáu,
những ngày lễ lớn như là Ngày Quân Lực,
Ngày Quốc Khánh… Trước cổng trường Trung học nữ, các nẽo đường phố phường,
trong các tiệm ăn, công viên… Màu cờ sắc áo phấp phới loang loáng dưới nắng đẹp
Miền Nam. Những tà áo trắng quyện theo màu áo trận của các binh chủng còn vướng
bụi đường xa, bụi chiến trường, mùi nắng khét, mùi thuốc súng… Đôi khi trong những
dịp nầy còn có những buổi tiệc thết đãi các chiến binh của công tư sở. Các buổi
tiệc gia đình tổ chức riêng rẽ long trọng như lễ đính hôn, đám cưới… Tất cả, tất
cả... đã nói lên lòng biết ơn và niềm yêu thương nồng đậm của người hậu phương
dành cho người ngoài tiền tuyến.
- Tịnh An! Tịnh An.
Cô mở to mắt ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm coi từ đâu, và ai đã gọi
tên mình? Bởi sáng sớm hôm nay nơi gốc Đại lộ Hòa Bình và đường Ngô Quyền. Bên
kia Tổng hành dinh của Quân Đoàn Bốn, xéo bên trái là gốc đường Phan Đình
Phùng. Trước dinh Tỉnh Trưởng là chỗ đặt lễ đài qua đến cổng chánh của quan
Đoàn IV (nằm trên đại lộ Hòa Bình). Mấy con đường gần đó đều bị đóng, vì ở đây
hôm nay là trọng điểm đông người nhứt Tây Đô vì đó là “Ngày Quân Lực”. Ngày đại
lễ mà hầu hết đại diện các binh chủng, công tư chức các cơ sở, học sinh, sinh
viên, dân chúng trong thành phố. các viên chức ở quận, làng xã về tham dự. Dân
cư tha hồ chiêm ngưỡng cuộc diễn hành của những đoàn dân, quân, cán, chính oai
hùng, những đoàn thiết giáp, pháo binh, phi cơ chiến đấu, những đội người nhái
tinh nhuệ...
Tịnh An còn đang dáo dác kiếm tìm thì giọng nói kia lại nổi lên:
- Em làm gì mà đứng đó vậy,
Tú Huệ đâu?
Đi thong thả gần tới bên Tịnh An là một thanh niên thanh tú. Anh
ta có dáng dấp khỏe mạnh, cao lớn hơn những thanh niên bình thường. Cái cười nửa
miệng để lộ chiếc răng duyên ở hàm trên bên phải là lợi điểm cho đương sư dễ
gây cảm tình với những người đối diện, nhứt là phái nữ. Giầy cao ống, nón và bộ
phi hành màu xám bạc làm tăng thêm vẻ hiên ngang hùng dũng của chàng lính tàu
bay ở binh chủng không quân. Tịnh An nhìn qua đối diện bên kia đường sát bờ lộ,
ngồi nơi tay lái chiếc xe jeep đang nổ máy như đợi chờ... Cô thấy anh Tú Nghĩa
mỉm cười vẫy tay chào, cô gật đầu chào lại. Tịnh An còn đang lúng túng ngượng
ngập khi Tú Tâm đứng trước mặt nhìn sâu vào mắt cô mỉm miệng cười.
Thật là vô duyên hết chỗ nói! Tại sao cô cảm thấy mắt môi, má
mình nóng ran như vậy? Anh ta đến chào hỏi thôi chớ có gì đâu mà ngượng ngùng
lính quýnh lên như thế? Có phải đây là “tà” tâm của con bé sắp bước vào ngưỡng
cửa yêu đương? Xì, ai mà biết được, nhưng cô cố trấn tình mình, rồi thỏ thẻ trả
lời:
- Dạ chào anh Tú Tâm, anh
về hồi nào vậy? Em nghe nói anh đi công tác ở đâu đó mà?
Chao ôi, thiệt là mắc cỡ muốn chết được! Cô mới mở miệng nói đến
đó thì từ đâu không ai gọi mà tới, không ai hỏi mà thưa! Con thần nanh mõ đỏ
Thu Nhi xẹt đến đứng giữa hai người.
Nó lém lĩnh nheo mắt chào anh, rồi lôi cô ra tra khảo:
- Ê con yêu lồi, bồ mầy
đó hả? Bô giai quá đi! Không quân thì Chánh Phủ đã lựa sẵn rồi! Mầy sáng mắt thật,
và sao tham lam quá chừng vậy? Ở đâu mà vớt được 2 thằng một lúc vậy mậy?
Tịnh An bấu mấy móng tay vào tay bạn thật mạnh. Con nhỏ đau điếng
nhảy cỡn lên mà không dám la. Mắt liếc về phía anh Tú Tâm, Tịnh An nhăn mặt, nhỏ
giọng bảo cô ta:
- Đừng có xạo nghe mậy bồ
hồi nào, bộ mầy điên rồi hả? Nói xàm không hà, anh của nhỏ Tú Huệ đi kiếm nó
đó... có thấy nó đâu không?
Con trời đánh Thu Nhi có phổi bò cười tòe cái miệng như cái ao,
rồi rống lớn họng như muốn cả làng cả nước nghe:
- Thôi đừng có làm bộ chối
nghen mậy! Anh của nhỏ Tú Huệ là bồ của mầy. Mầy mà nói không phải nữa, tao sẽ
kêu gọi lũ bạn câu thằng chả mất thì đừng có khóc hu hu lấy mấy cái lu đựng nước
mắt đó nghen.
Con mắc toi đó nói xong cười ha hả rồi lẫn mất dạng trong làn
sóng người sau buổi tan lễ đông như kiến cỏ. Phải nói là dập dìu tài tử giai
nhân mới đúng, bởi trên khắp các nẽo đường của thành phố các anh lính oai hùng
đại diện các binh chủng về dự lễ: Hải quân, Dù, Cảnh sát, Không quân… Địa
phương quân, Nghĩa quân, Chiến tranh chánh trị, Sư đoàn 21, SĐ 7, SĐ 9, Biệt động
quân… Mỗi binh chủng có mỗi màu cờ, sắc áo, quân hiệu riêng biệt... điểm trang
thêm sắc thái huy hoàng sinh động cho Tây Đô hôm nay.
Đứng gần bên, Tú Tâm miệng cười chúm chím, mắt sáng ngời lí lắc
nhìn vào mắt Tịnh An như ngầm hỏi cô bạn đó đã nói gì? Tịnh An cúi mặt bẽn lẽn.
Thế rồi giọng lăng líu của con Tú Huệ bỗng vang lên:
- Ủa, anh Ba về hồi nào vậy?
Chớ không phải hai anh đã đi công tác ngoài Trung hôm qua sao?
Anh Tú Tâm cười hóm hỉnh trả lời em gái:
- Hôm qua khác với hôm
nay. Hôm qua làm xong rồi thì hôm nay về đó cô Tư...
“Tú Huệ, Tú Huệ…” Nghe tiếng anh Tú Nghĩa gọi, con nhỏ cười
tươi... mắt láo liên chạy băng qua đường rồi nhảy phóc lên xe ngồi vào chỗ bên
kia. Lớn họng nói vọng qua:
- Tịnh An và anh Ba, hai
người đi bộ về nghen, tui với anh Hai về trước đó. Xin chào, “báy, bay…”
Anh Tú Tâm cười tươi gật đầu, quay qua nhỏ giọng:
- Thôi chúng ta đi Tịnh
An. Xem các cô các cậu nhìn em kìa! Coi bộ em có nhiều bạn bè quá hả?
Tịnh An lấy lại bình tĩnh, mạnh dạn bảo:
- Anh cũng biết thành phố
Cần Thơ tuy rộng nhưng vẫn nhỏ bé. Chạy xe đạp chừng 2 giờ là đi hết các con đường
ở đây rồi. Vả lại (nói đến đó, cô ngập ngừng rồi yên lặng bỏ lững câu nói) Tú
Tâm nheo mắt cười:
- Vả lại thế nào, sao em
không nói tiếp?
-
Tại có anh đi bên cạnh, và các cô không phải nhìn em, vì chúng em đã gặp
nhau ở trường ở lớp hàng ngày quen mắt rồi. Họ nhìn anh đó...
Mắt anh ta chớp nhẹ:
-
Thật vậy sao?
Tịnh An không trả lời. Hai người sóng đôi
đi bên nhau. Đại lộ Hòa Bình chan hòa ánh nắng. Gió chập chờn mơn mang trên mái
tóc huyền óng mượt còn phản phất mùi bồ kếp gội đầu của Tịnh An. Tà áo trắng của
cô tung bay trong nắng thủy tinh lung linh... Trời cao vòi vọi và xanh thẳm một
màu, màu hy vọng của nam nữ ở lứa tuổi thanh xuân chớm yêu và được yêu.
Bước
ra hàng hiên, nhìn xuống chiếc băng cây trên bờ sông, Tú Huệ thấy Tịnh An đôi mắt
mơ màng nhìn dòng nước chảy. Ánh nắng loang loáng phản chiếu mặt nước sông lăn
tăn sóng vỗ chập chờn rọi trên dáng dấp mảnh mai của bạn. Tú Huệ chép miệng, nhỏ
giọng như chỉ để mình nghe: “Ôi huyền sử
nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá, hình ảnh đẹp lắm cũng chỉ vậy thôi!” Cô đến đứng
sát bên Tịnh An mỉm cười, nhẹ giọng:
- Mầy làm gì thừ người ra
vậy?
Tịnh An nén tiếng thở dài, trớ đi:
-
Những ngày cận Tết ở thôn quê rộn ràng, sinh động nhưng êm đềm quá hả Tú
Huệ? Mầy có nghĩ ngày nào sẽ về đây sống không? Dù gì ở gần họ hàng bà con vẫn
hơn. Ờ lâu nay có được tin gì của anh Tú Nghĩa không? Ảnh rời nước đi tu nghiệp
khoảng thời gian trước giặc vào thật là may mắn! Phải chi anh Tú Tâm...
Cô khựng lại rồi buông thỏng câu nói,
trên bờ mi cong hình vương màn lệ mỏng! Hồi ức dấu yêu xa xưa dạt dào sống lại
trong lòng cô:
Đã một năm, rồi hai năm… Tịnh An đã sống trong thương nhớ và mõi
mòn chờ đợi Tú Tâm. Nhưng bóng người yêu vẫn biền biệt... và dần dần, bây giờ
thì niềm tin đó gần như tuyệt vọng trong cô!
Làm sao Tịnh An quên được Tết năm đó... bác Hai má của ba anh em
Tú Nghĩa, Tú Tâm, và Tú Huệ qua thăm gia đình. Hai bên cha mẹ hứa cho anh Tú
Tâm và cô được tới lui thăm viếng gia đình hai bên... Vào mùa hè năm tới (6
tháng nữa) cô cậu chính thức đính hôn rồi lễ cưới sẽ được tổ chức sau khi cô
thi Tú tài hai…
Đôi trai tài, gái sắc nầy đã có thời gian giun giăn giun giẻ bên
nhau. Muôn vàn thương mến trong những ngày anh nghỉ phép. Những lần vui mừng
không hẹn anh đến thăm bất chợt... Để nàng Tịnh An thấp thỏm đợi chờ âu lo
trong những chuyến công tác xa. Giữa đêm về sáng cô nghe tiếng phi cơ trên
không gian, hỏa châu soi sáng cả góc trời, tiếng đạn pháo ì ầm xa xa… . Nỗi buồn,
vui, lo, sợ… chợt đi chợt đến đó là mật ngọt thấm đậm ướp vào lòng cô. Hình như
đó cũng là mật ngọt tình yêu của các thiếu nữ có người tình là lính chiến. Dù
biết rằng “Làm người yêu lính chiến là chấp
nhận xa nhau, chấp nhận thương đau...” Nhưng thời bấy giờ các nữ sinh, các
cô gái đến tuổi lập gia đình đã thầm ước mơ...
Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975. Giặc Cộng cưỡng chiếm miền
Nam! Anh Tú Nghĩa đi công tác kẹt ở xứ người, anh Tú Tâm bặt vô âm tích... Để mỗi
lần gặp Tịnh An má anh chan hòa dòng lệ nhớ thương con... Thảm nạn chung thành
phố Tây Đô tan tác, dân Tây Đô héo xào… Gia đình mẹ con Tú Huệ khổ đau, thương
nhớ con, và sa sút vì không được lãnh lương tam cá nguyệt của cha, và công ăn
việc làm của mẹ như không còn nữa...
Trong mấy năm nay sau giặc về, gia đình Tịnh An cũng không có Tết.
Má cô chết tức tưởi sau lần đánh tư sản đợt đầu vì vườn đất, nhà cửa bị giặc cướp
sạch... Buồn rầu quá đổi, mấy tháng sau cha cô lâm trọng bịnh cũng qua đời! Đêm
đêm cô nghe lén đài VOA, biết được người dân miền Nam vượt biên càng lúc càng
đông... Anh Hai của Tịnh An trước kia làm ở Quân Đoàn IV, sau ngày bọn giặc vào
anh không ra trình diện mà trốn về quê vợ ở Cà Mau. Nay thì gia đình anh đã liều
chết quyết định tìm đường để ra đi bằng thuyền chài vượt biển Đông.
Mấy tháng gần đây, Tịnh An nhận xét thấy bà già và Tú Huệ như hồi
sinh trở lại? Bác cười nói vui vẻ, còn cô ta thì tía lia như con chim chích
chòe thuở nào. Tịnh An cũng vui lây và nghĩ rằng chắc là họ được tin anh Tú
Nghĩa ở bên Mỹ... Và mấy tuần trước Tết, Tú Huệ rủ Tịnh Yên về quê ngoại ở bên
kia sông Mỹ Thuận (thuộc lãnh thổ Định Tường) ăn Tết.
Lúc đầu Tịnh An từ chối. Nhưng nghĩ lại có lẽ đây là cái Tết sau
cùng của cô trên quê hương! Có dịp ở bên bạn thân đôi ngày trước khi ra đi cũng
nên lắm... Vì thế hôm nay hai cô mới có mặt ở vùng quê ngoại của Tú Huệ.
Dòng hồi tưởng của cô vụt bay mất, vì giọng nói lanh lãnh của nhỏ
Tú Huệ khiến cô quay về thực tế:
- Tao đứng sau lưng cả buổi
mà mầy không hay biết chi ráo. Tao tưởng mầy đã hóa đá rồi chớ? Hỏi thiệt nghen
Tịnh An, có phải mầy dang nghĩ ngợi và nhớ anh Tú Tâm của tao không?
Dòng nước mắt chảy dài xuống gò má trắng xanh như thay câu trả lời
của bạn... khiến Tú Huệ lính quính mất tự nhiên! Trời ơi, nếu giặc không vào
thì cô ta đã trở thành chị dâu mình rồi! Cảm thấy lòng áy náy, vì mấy tháng nay
cô đã giấu giếm bạn nỗi niềm thầm kín ở trong lòng! Cô bước tới, nhìn sâu vào mắt
Tịnh An chăm chăm như muốn nói điều gì đó. Nhưng giọng của mợ Út từ nhà sau gọi
vào ăn cơm. Tú Huệ khựng lại, hai cô ngần ngừ rồi lửng thửng đi vào nhà.
Mâm cơm đã dọn sẵn. Nào cá mè vinh kho
ngót vắt chanh, trên mặt tô loang loáng những chùm sao mỡ, hột ớt cùng mùi
hành, ngò rí, tiêu cay. Tép lóng dở chà hồi sáng sớm, được lột vỏ rim mặn một mớ,
còn một mớ xào với đậu rồng. Cá thác lác ngộp vì chúng lủi trốn trong sình non,
mợ Út đã cắt ngang, cắt xéo cho bớt xương... muối xã ớt chiên giòn màu vàng sặm
trên một dĩa lớn. Kia, còn có cá bống tượng chưng nấm mèo, bún tàu, củ hành
trong cái tô sành lớn nữa...
Thấy tôm cá ê hề, nhưng lòng đang buồn nên Tịnh An trầm ngâm
không nói. Còn Tú Huệ miệng cười tươi như mấy nụ hồng nhung hé nở trong chậu
ngoài hiên nhà, líu lo:
-
Gạo nàng hương thiệt nấu cơm vừa dẽo vừa thơm lại trắng bông. Cơm nầy mà
ăn với nước mắm dầm ớt cũng ngon chớ đừng nói chi các món đầy cá tôm, đậu cải
tươi như vầy. Sao mợ Út nấu nhiều món ăn chẳng khác đám giỗ nhỏ chút nào vậy?
Cháu thấy chỉ hai món kho và mặn là đủ rồi... thời buổi nầy phải tiết kiệm mới
được mợ ơi.
Mợ Út nhìn cô cháu chồng cười, hiền lành
bảo:
-
Mấy thuở các cháu về đây vui xuân với cậu mợ? Chiều cúng rước Ông Bà về
ăn Tết còn có nhiều món ngon hơn nữa đó.
Con nhỏ ham ăn có vẻ khoái chí cười híp
mắt. Cậu Út ôn tồn:
- Đúng như vậy! Mấy thuở
cháu về ăn Tết, còn có cô cháu dâu tương lai đây nữa, phải như lúc xưa thì cậu
mợ sẽ làm tiệc lớn... Thời buổi bây giờ khó khăn, không cho phép. Tôm cá nấu
các món ăn đây là hồi sáng dở chà bắt được chớ có mua sắm chi đâu. Một mớ còn rộng
ngoài khạp kia, ăn qua Tết cũng không hết. Mong bữa cháu về cá tôm còn sống để
mợ Út gởi về cho má cháu...
Tú Huệ và cơm đầy họng nên không mở miệng
được, tay quơ quơ ra hiệu. Nuốt xong miếng cơm, cô nói:
- Thôi cậu ơi, gởi bánh
trái cho má cháu được rồi. Cá tôm xách về tới nhà cũng chết cống hết. Cháu
không xách đâu.
Mợ Út cười:
-
Tú Huệ đừng lo, mợ có cách giữ cá sống xách về đến nhà cho má cháu mà
không chết. Và cháu cũng không phải xách bằng thùng thiết có đựng nước lỉnh kỉnh
nặng nề đâu mà sợ. Cháu không biết chớ cá lóc, cá trê, cá rô… các loại cá đồng
mùa nầy mạnh lắm nên dễ gì chết!
Sau bữa ăn cúng rước Ông Bà thì gia đình
hai đứa con trai, dâu, 4 cháu nội. Vợ chồng đứa con gái và hai cháu ngoại ai về
nhà nấy... Anh em họ kẻ ở xóm trong, người ở cuối thôn… quanh quẩn trong làng
không xa chi mấy. Mỗi đứa con về, mợ Út đều cho bánh phồng, bánh tráng, chuối
khô, mỗi người một trái dưa hấu Bến Lức có vỏ xanh ruột đỏ lòng son, giòn và ngọt
nổi tiếng đó đây… Mà mợ đã cụ bị sẵn sàng đâu đó rồi, mợ còn dặn hai con dâu
chiều mai qua phụ mợ gói bánh tét nữa.
Và khi anh hai, người con lớn đẩy xuồng dang xa bờ. Mợ Út còn
nói vói theo:
- Nè, thằng Hai, nhớ sáng
mùng ba phải đến sớm để đưa ba bây đi thăm ruộng đó nghen....
Anh ta gật đầu cho mẹ biết rằng mình đã
nghe và hiểu. Chiếc xuồng nhỏ chồng ngồi ở lái, vợ anh ở mũi xuống. Hai đứa con
ngồi giữa, đứa lớn chừng 5 tuổi ôm ngang lưng em mới lên 2. Thằng bé ôm chắc em
giữ cho con nhỏ ngồi yên để cha mẹ yên lòng mà bơi đi. Chiếc xuồng nhẹ nhàng lướt
êm trên dòng nước xanh lơ, trong vắt... Sóng đánh bập bềnh lả chả vào mạn xuồng
và vỗ vào bờ đất chạy dài quanh co uốn theo dòng sông dài.
Chiều
tối, cậu Út đốt đèn ống khói có bóng cao đặt trên bàn ở giữa nhà. Chuẩn bị cúng
nước và chờ đón giao thừa coi năm nay nhà cậu con gì ra đời? Thôn dân rất tin
tưởng sau đồng hồ gõ 12 tiếng (giao thừa) thì chủ nhà lắng nghe coi nghe tiếng
con gì. Sau Tết họ sẽ nhờ thầy bàn với tuổi của gia chủ coi trong nhà năm đó có
làm ăn phát tài, gia đạo ra sao…
Tịnh Anh thấy trên mặt tủ thờ có hai dĩa ngũ quá lớn, có bình
mai nở vàng cạnh bên những quả bánh, mức, những gói trà Tàu, mấy chai rượu còn
gói giấy hồng đơn hoặc giấy kiếng đỏ là quà Tết của các con đem qua biếu cha mẹ.
Trong khay có những lá trầu vàng non nhẫn nằm cạnh mấy trái cau chẻ làm tư, ruột
trắng phau, dầy cơm, cùng những cái chun nhỏ được rót rượu lưng lửng để cúng.
Trên các bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Bà đèn sáng trưng, nhang khói nghi ngút...
Bàn thờ ông Thiên ở cửa lớn trước sân nhà cũng hương trầm bát ngát tỏa bay...
Tú Huệ nhìn lên bàn thờ, thắc mắc:
-
Cháu ngạc nhiên, sao các bàn thờ vẫn cứ thắp nhang liên tiếp? Mình đã
cúng rước Ông Bà rồi mà cậu Út?
Cậu bảo với cháu:
- Theo tục lệ từ ngàn xưa
để lại, sau khi cúng rước Ông Bà về ăn Tết với cháu con thì không nên để nhang
tàn, bàn thờ lạnh lẽo. Phải thắp nhang, thắp trầm hương tỏ lòng tôn kính, với sự
vui mừng niềm nở đón rước của con cháu. Như vậy không khí trong gia đình những
ngày Tết mới ấm cúng, và năm mới sẽ được may mắn hơn năm cũ... Nếu cháu ra
ngoài sân, đứng dưới gió sẽ ngửi được mùi hương trầm, trà, hoa, quả, kẹo, bánh…
Bay sang từ nhà nầy qua nhà khác, từ xóm nọ qua xóm kia, từ làng nầy qua làng
khác. Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản vô thần thì cậu không biết, chớ ở miền Nam
của chúng ta ngày trước, từ Bến Hải cho đến Cà Mau dù có nghèo đi nữa, nhưng ba
ngày Tết khói nhang nghi ngút tươm tất lắm. Tết Nguyên Đán của chúng ta thiệt
là thiêng liêng và ấm cúng vô cùng!
Sau ngày giặc Cộng cưỡng chiếm quê
hương. Suốt dãi quê Nam lễ lớn của dân tộc như ngày Tết, Giáng Sinh, Thượng
Nguơn, Trung Nguơn, Hạ nguơn… Không còn cúng quảy, hội hè long trọng, tôn
nghiêm, vui tươi, náo nức như hồi trước nữa. Có còn chăng chỉ âm thầm riêng rẽ
thu gọn từ trong hoàn cảnh của mỗi gia đình mà thôi. Ai có tiền thì kín đáo nhỏ
nhẻ ăn uống. Vì nếu có kẻ biết được đi báo cáo với công an, với nhà nước thì tội
vạ từ trên trời rớt xuống sẽ tan nát gia đình trong chớp mắt.
Các nơi công cộng trơ trọi, xác xơ. Nơi thiêng liêng như nhà thờ,
chùa, đình, miễu... chỉ cúng lễ hạn hẹp không được tụ tập đông người. Ở nhà thờ
thì làm lễ trong giáo đường. Chùa, đình, miễu… thì không còn đón giao thừa, hái
lộc đầu năm rộn rã như xưa nữa.
Sáng mùng một chỉ lác đác xuồng ghe chở trẻ con mặc quần áo sạch
sẽ về thăm ông bà. Dân cư trong thôn làng, nam thanh nữ tú không còn từng đoàn,
từng nhóm... đi trên đường quê áo xanh, áo hồng dù tím dù hoa vui tươi cười
nói. Hay có những trò vui chơi giải trí trong ba ngày Tết như: đá gà cá độ, bầu
cua cá cọp, đốt pháo, múa lân mừng đón xuân về… Bởi họ bị chế độ Cộng Sản bần
cùn hóa! Nên người dân đau cho cái đau chung mất nước trong, các liên hệ gia
đình như cha, anh, chú, bác, chồng, con, anh em, họ hàng… bị đày vào trại tù tập
trung cải tạo không có bản án, không biết ngày về thì làm sao mà vui cho nổi! Giặc vào cướp của, giết người qua nhiều cách,
qua nhiều hình thức khác nhau... Dù lịch sử dân tộc Việt Nam bị độ hộ bởi ngoại
xâm… nhưng dân ta cũng không đau thương, khốn khổ như sau ngày Cộng chiếm. Nghĩ
đến đâu Tịnh An cảm thấy cõi lòng ai oán, nát tan... không khỏi chép miệng thở
dài ngao ngán!
Trên nền trời đêm chi chít lấp lánh những giề sao. Gió xuân man
mác lành lạnh thổi qua. Cái lạnh dễ chịu nồng ấm của hương nhang trầm tỏa bay
trong không gian nửa đêm về sáng. Gà gáy ó ó báo hiệu canh hai thì mợ Út thức dậy
lục đục hông cơm, hâm thức ăn và nầu nước pha trà để cúng các bàn thờ trong
nhà.
Cơm nước được dọn ra thì cậu Út cũng đã
thức. Và anh Hai con trai lớn của cậu Út cũng vừa mới tới. Anh dụi ngọn đuốc để
ngoài sàn lảng, rồi đi cửa sau vào nhà. Thấy con, mợ bảo:
- Con vào ăn bậy chén cơm
lót lòng với cha và mấy em rồi đi cho sớm. Kẻo đến kinh Chà Là gặp nước cạn thì
trễ nãy hết mọi việc...
Anh Hai không trả lời mẹ, hỏi:
-
Đồ đạc bưng xuống ghe hết rồi chưa má? Có đem mớ quay chèo sơ-cua theo
không?
Mợ Út trả lời ngay:
- Ba bây đã bưng để dưới
ghe từ đầu hôm. Dây quay chèo đã đổi cái ổng mới đánh và có đem theo mấy cái mới
nữa. Nước uống, bánh, trái… Mọi thứ đã chuẩn bị xong hết rồi. Thôi hãy vô nhà
ăn cơm đi con, để còn đi cho sớm...
Anh Hai đứng sau lái với hai chèo dài dưới đôi tay gân guốc. Gặp
nước xuôi nên chiếc ghe đi rất nhanh, cậu Út ngồi dùng cây dầm bản lớn, dài bơi
trước mũi. Tú Huệ và Tịnh An mỗi cô một cây giầm nhỏ, ngồi trên chiếc chiếu lớn
xếp xuôi làm hai trên xạp ghe khô ráo. Gần bên cái thúng giê đựng nào bánh tét,
ổi, mận, nước chai, ấm nước trà và cái lon có tay cầm sơn bông vẽ hoa dùng để uống
nước.
Tịnh An lấy làm lạ, tại sao chỉ đi thăm ruộng thôi mà phải đem
theo nhiều đồ đạc linh kỉnh như thế nầy? Đêm qua ngồi coi mợ Út và hai cô dâu
gói bánh tét, Tú Huệ đã rủ cô theo cậu Út đi thăm ruộng chỉ ở phía trong Quốc lộ
Bốn thôi.
Tịnh An chợt phì cười nhớ tới sự láo táo của bạn mình. Số là hai
cô ngồi coi mợ Út và dâu mợ gói bánh tét. Hai chảo nếp lớn cả chục lít cho mỗi
chảo chớ không ít đâu. Nếp tốt nên hột trọng trường dẽo nhẹo, trắng bông có trộn
đậu đen nấu chín đã xào với nước dừa còn nghi ngút khói. Mợ Út và hai người dâu
nhậm lẹ kẻ trải lá, người xúc nếp, để nhưn, quấn, gói, cột chặt chẽ đòn bánh mập
ú, có ngấn. Tịnh An thì chăm chú ngồi coi gói bánh, còn ả Tú Huệ nhà ta ngồi
sát bên chảo nếp, thỉnh thoảng thò tay vô chảo bóc đậu đen bỏ vào miệng nhai
ngon lành...
Bỗng dưng con nhỏ nhảy cởn lên rồi bỏ chạy ra lu nước bên ngoài.
Làm mọi người ngạc nhiên chưng hửng không biết tại sao? Thì ra trong khi bốc đậu
đen ăn, cô ta bốc nhầm con bọ hung (có hình dáng tròn, nhỏ và đen như hột đậu
pha nếp trong chảo. Loại bọ hung nầy thường thấy chúng ăn và đùn làm ổ ở các
đóng cứt heo). Con bọ hung kia thấy ánh đèn, bay đến bị rớt trong nếp... Nghĩ tới
đó Tịnh An phóng theo bạn, không nhịn được nàng ta cười thành tiếng, và lí lắc
hỏi: “Ê, con bọ hung tốt số đó có ngon
không mậy?” Tú Huệ trề môi ứa gan liếc
xéo... không thèm trả lời và cả buổi không thèm nói chuyện với cô!
Hướng đông vầng hồng ló dạng tỏa màu sắc rực rỡ xanh, vàng, hồng,
tím… Gió xuân là đà lay động, đong đưa những cành cây có nhiều trái hai bên bờ
sông. Xoài đầu mùa đang xanh da, cam, bưởi quá lứa chín vàng chen chúc lồ lộ
trong lá sum sê. Ghe đi dọc theo hai bờ kinh dài qua những nơi toàn là đào lộn
hột. Anh Hai thuận tay hái đào thảy cho hai đứa mấy trái đào chín, ăn ngọt miệng
thơm môi, và có nhiều nước. Nhưng ăn chỉ vài trái thì nghe gắt cổ và chát ngầm!
Thế mà hột đào đem nướng ăn béo giòn, ngon hơn đậu phộng rang nhiều.
Ngồi lâu một hỗ dưới ghe, Tịnh An một lát trở chưn về phía bên nầy,
một lát trở về phía bên kia... Cô luôn đổi cách ngồi cho khỏi bị tê chưn, vì
ghe chèo đi gần suốt cả ngày rồi vẫn chưa đến bến? Ruộng gì mà xa giữ thần ôn vậy
cà? Nắng, gió ngồi lâu tù túng khiến cô không giữ được nét tươi vui như sáng sớm
mới khởi đầu di... mà đã héo xào nhăn nhó rồi! Còn con chim chèo bẻo Tú Huệ
luôn miêng nói cười vui vẻ với cậu Út, với anh Hai. Tịnh An cảm thấy hình như
con nhỏ nầy, lâu nay mấy có chuyện gì giấu mình?
Mặt trời chiều xuống sâu về hương tây... Thiệt là khổ sở vì đi từ
sáng sớm, đến bây giờ mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa đến? Phương tây ửng màu màu
nắng hoàng hôn yếu ớt trải trên ruộng lúa mênh mông không thấy nhà cửa và cả buổi
cũng không thấy bóng dáng người!
Nắng vàng nhạt trải trên kinh dài có dòng nước đục ngàu đậm màu
phù sa, in bóng những cây ô môi hai bên bờ trổ đầy hoa rơi rụng tím cả mặt nước.
Cũng theo bờ kinh xa xa xen trong cây ô môi có cây vông đồng lá xanh nở hoa màu
đỏ thắm mơn man lay trong gió chiều. Không gian lác đác những vầng mây trắng mỏng,
in trên nền trời xanh bát ngát lừ đừ vô tranh bay về phương trời xa vời vợi...
Ôi, chỉ có tạo hóa thôi, chớ dù cho họa sĩ tài hoa đến đâu cũng không làm sao vẻ
được một cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy sinh động như thế nầy.
Cậu Út như hiểu ý của Tịnh An. Bởi ghe đi qua bao nhiêu sông lớn
sông nhỏ, kinh đào, khi nước lớn, lúc nước ròng mà vẫn chưa đến bến? Cậu ôn tồn:
- Hai cháu chắc mệt lắm
phải không? Ăn uống gì đi, bánh trái có sẵn trong thúng đó. Ráng một chút nữa,
sắp tới nơi rồi...
Tú Huệ tài lanh:
- Cháu không mệt chút nào
hết! Cháu còn cảm thấy vui là được ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của vùng ruộng đồng
bao la êm ả dọc hai bên đường mình đi đó cậu...
Cô xoay qua bạn:
- Chắc mầy cũng không mệt?
Bởi mấy thuở bọn mình được ngắm cảnh thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nổi tiếng
nầy hả Tịnh An ?
Tịnh An nghe mà phát ghét cho cái điệu bộ hí hửng của bạn. Cô cười
như mếu:
- Ờ thì mầy nghĩ sao thì
sao đi...
Rồi cô quay qua cậu Út:
- Có
ruộng ở quá xa như vậy, mỗi lần đi thăm thật là vất vả hả cậu... ?
Cậu Út mỉm cười ý nhị mạnh tay bơi chớ
không trả lời câu nói của cô cháu dâu tương lai.
Xa xa
lúm xúm chòm nhà tranh đôi ba cái đã có ánh đèn leo lét bên kia kinh mập mờ
phía sau rừng trâm bầu. Văng vẳng giọng hát buồn đưa trong gió ru con của cô phụ:
“Hò…hơ…..con
chim liễu nó biểu con hoàng oanh/ Biểu to, biểu nhỏ, hò…hơ…biểu to biểu nhỏ, biểu
anh thương nàng...” Giọng nhừa nhựa buồn ngủ, cô
phụ cất cao giọng: “Hò ơ, … Anh kia xin
chớ vội vàng/ Nếu anh có giỏi, hò ơ, thì vài hàng đối chơi.../ Chớ con “cá đối”
nằm trong “cối đá”/ Con “mèo đuôi cụt” nằm “mút đuôi kèo”/ Nếu anh đối đặng, dẫu
nghèo em cũng thương...” Cô phụ tự hò đáp lại: “Hò…ơ……con “chim mõ kiến” nằm “trên miếng cỏ”/ Con chim “dàng (vàng) lông” đậu giữa “dòng
(vồng) lan”/ Anh đà đối đặng/ Hò…hơ….
vậy nàng hãy đến đây...”
Ghe cặp bến, cậu Út gọn nhảy lên cầm sợi
dây kéo cho mũi ghe sát bờ có đầy cỏ lông dài mọc bò tàn lan. Cậu cột dây vào gốc
cây bù lời (cây gừa) gie xuống mé nước. Anh Hai dỡ tốc tấm vạt ghe nơi anh đứng
chèo, khom lưng bưng lên hai thúng bánh tét đầy ắp. Cậu Út vịn be cho ghe đứng
yên không bị lắc lư để hai cô cháu gái bước lên bờ. Rồi cậu dở nắp mũi xuồng
xách hai giỏ bánh tét nặng lên. Người ở trong căn nhà lá nhỏ kế bên mé mương, gần
bờ kinh nghe lục đục bên ngoài, đi ra với chiếc đèn cốc le lói trên tay. Chị ta
lấy bàn tay che trước trán gần chân mày để nhìn cho rõ là ai ? Chị vui mừng
trổi giọng reo lên:
- Dạ
thưa cậu Út mới lên, mợ có khỏe không? Còn gì dưới ghe không cậu để cháu xuống
phụ?
Cậu Út vừa kéo khăn lau mồ hôi, vừa bảo:
- Có
thằng Hai, để nó bưng lên được rồi. Ruộng rẩy cháu năm nay trúng mùa chớ? Bọn
nó về rồi phải không?
Chị ta đưa tay xách phụ cậu Út một giỏ
bánh, rồi trả lời:
- Dạ họ về rồi, ở trong
miễu... Mùa màng năm nay đỡ hơn mọi năm. Nếp coi bộ trúng hơn lúa đó cậu. Đi cả
ngày nay chắc mọi người đều mệt lắm. Thôi để cháu đi nấu cơm...
Tịnh An và Tú Huệ đi sau cậu Út. Cả hai
cô mỗi người trên tay đều xách một giỏ. Giỏ xách của Tịnh An là mứt, bánh, kẹo,
lạp xưởng và mấy gói trà tàu gói giấy kiếng đỏ. Cậu Út và anh Hai xách đồ dưới
ghe đem lên hết... Tịnh An lấy làm lạ quanh gần nầy chỉ có căn nhà nhỏ trơ vơ nầy.
Sau nhà có cái trại hai con trâu nghé đang nằm. Trong nhà chỉ có chị Tư với đứa
con gái nhỏ. Vậy tại sao họ đem bánh tét vào cho ai ăn mà nhiều cả mấy thúng
như vậy?
Đã vào nhà nãy giờ, Tú Huệ cười chúm chím đánh vào vai bạn, nói:
-
Chắc là mầy mệt lắm? Khăn đây nè đi rửa mặt cho tỉnh táo rồi chút nữa ăn
cơm. Mầy có đói bụng không? Tao tưởng ở gần, ai ngờ xa quá là xa.
Thiệt là vô duyên hết chỗ nói! Mặt nó
cũng hây hây đỏ vì nắng, vì gió và chưn cũng bị tê cống vì ngồi suốt cả ngày nay,
vậy mà hồi nãy cậu Út hỏi nó còn làm bộ như ta đây! Thì ra chuyến đi thăm ruộng
nầy không phải bất ngờ mà nó đã biết trước rồi! Khi trở về thế nào cô cũng tra
tấn hỏi tội con a đầu nầy mới được.
Giận trong bụng, cô nổi cáo giựt cái khăn trên tay bạn, ngoe nguẫy
bỏ đi ra lu nước. Vừa đi cô vừa càm ràm:
-
Đừng hỏi dư thừa nghen mậy. Có câu nào hay hơn để mầy hỏi không? Bộ tao
mình đồng da sắt như mầy sao mà không đói, không khát, không mệt?
Tú Huệ chẳng những không giận mà còn cười
tòe cái miệng như cái mương sau nhà, bảo:
-
Tao thiệt không mệt chút nào, mà lòng còn cảm thấy phơi phới vui như mùa
xuân mới…
- Nói với mầy tao mệt quá
đi thôi! Ờ thì mầy cứ vui như Tết đi con quỉ kiến sầu, kiến lửa, kiến hôi, kiến
vàng, kiến riệng, kiến đất, kiến đen, kiến nẻ, kiến cánh...
Tịnh An không nhịn được bật cười thành
tiếng cảm thấy thoải mái cho câu rủa xả của mình cho nhỏ Tú Huệ sao quá là hay!
Bữa cơm tối với nồi gạo lúa vé vàng trồng ở ruộng nhà. Dĩa khô
cá tạp (lộn xộn nhiều thứ như là: cá trạch, cá rô, cá trê, cá sặc…) Chị Tư câu,
hoặc xúc ăn không hết phơi để dành. Chén nước mắm đồng mùi nồng hăng hắc với
xoài non bằm xắt mỏng, và ớt hiểm chín đỏ dầm phơi hột trắng hêu trên mặt. Tô
canh bầu cắt ngoài giàn chưa ráo mủ nấu với cá rô non vừa kéo cái vó đặt ở mé
mương. Dĩa dưa leo mới hái còn tươm mủ trong, nhai giòn khưu khứu. Cả bốn người
nhứt là hai cô gái tỉnh thành nầy ăn ngon còn hơn ăn bữa giỗ có những món tóc
tiên, bào ngư, vi cá, ổ yến… của thời xưa cũ.
Ngọn gió đêm mát rượi, âm thanh rào rào êm tai do lá cành va chạm
vào nhau ở các cây quanh nhà. Tịnh An ngồi bên bếp lửa coi nồi khoai dương ngọc
mà cô tự lãnh nấu, để tránh mặt, khi thấy có mấy người khách lạ bước vào nhà.
Có lẽ họ là những nhà nông ở xóm trên xóm dưới gì của chị Tư, hoặc
là tá điền hay là người mướn ruộng của cậu Út? Tiếng nói, cười khe khẽ tươi vui
của họ Tịnh An không nghe được. Dù chỗ cô ngồi ngăn cách bằng những tấm lá chầm
vừng làm vách thôi.
Không gian bên ngoài có màu đen huyền hoặc của những ngày đầu
tháng Âm lịch không trăng. Nền trời in chi chít hàng vạn ngàn vì sao mọc thành
giề hoặc riêng rẽ nhưng như kề cận sát bên nhau. Tiếng những con chim ăn đêm về
muộn gọi đàn kêu oang oác trên không rồi mất hút. Dưới mương tiếng cá quẩy đươi
ăn móc trốc trốc, tiếng côn trùng hòa nhịp nhỏ nhẽ kêu vang vang trong tối của
đầu đêm...
Theo Tú Huệ kể, chị Tư chủ nhà khi còn đi học thì lập gia đình.
Quê chị ở chợ Vĩnh Bình, sau khi cưới nhau không lâu theo chồng về sống ở vùng
quê nghèo hẻo lánh nầy. Chị có hai con, đứa trai lớn 7 tuổi ở chợ Vĩnh Long với
ông bà nội đi học. Chị sống hủ hỉ với đứa con gái 3 tuổi và chồng đi làm xa lâu
lâu mới về. Tịnh An hơi chột dạ và nghe thương chị, thương người mẹ người vợ trẻ
(có lẽ hơn cô 5, 7 tuổi) mà phải về sống ẩn nhẫn nơi chó ăn đá gà ăn muối xa chợ,
xa xóm chòm… Cô nghĩ năm mười bữa, nửa tháng có thể chị cũng chưa nghe được tiếng
người khác nói chuyện ở vùng vắng vẻ như vầy? Ngày nầy qua ngày kia, hai mẹ con
chỉ nghe tiếng gió thổi, chim kêu, tiếng mưa rơi. Nhìn dòng nước chảy, nhìn bầu
trời trong nắng, nhìn mây bay, đêm đen, sáng trăng...
Sức mạnh nào có thể khiến chị cam chịu an phận và vui lòng trong
cuộc sống hiện tại? Đó là sức mạnh tình yêu của người vợ thương chồng chăng? Cô
không biết, nhưng sự thật chỉ có hai mẹ con chị đang sống ở đây!
Dưới ánh lửa bập bùng của nồi khoai đang
sôi sùn sụt, thỉnh thoảng nước tràn ra rớt xuống than hồng, tro nóng nghe xèo
xèo. Mắt cô mông lung nhìn trời nhìn sao, tâm hồn đang nhập vào dòng suy tư,
nên cô ngồi như bất động.
-
Đang nghĩ gì đó, cô Ôn Thị Tịnh An?
Giọng
nói nhẹ như gió nhưng làm cô giựt mình ngạc nhiên quay phắt lại! Tại sao ông ta
lại biết cả tên tộc cô mà gọi như vậy? Dù cha mẹ lúc còn sanh thời, anh chị em
ruột thịt, bạn bè hay họ hàng chỉ gọi Tịnh An thôi! Phải, chỉ hai chữ Tịnh An
ngắn gọn!
Anh ta là một trong bốn người khách mới đến. Những người đó quen
của cậu Út, hoặc bà con của chị Tư chủ nhà nên họ nhỏ to trò truyện nãy giờ.
Con tiểu yêu Tú Huệ cũng ăn ké nói chuyện ở trển không thèm xuống ngồi chụm lửa
với cô.
Với dáng điệu trầm ngâm, anh ta mặc toàn màu đen. Chiếc khăn vằn
quấn đầu choàng phủ hai bên má và luôn cả cổ. Bên trên còn đội chồng lên chiếc
nón vải của mấy người lính ngày xưa. Tịnh An chỉ thấy cái mũi và cặp mắt long
lanh dạ ánh lửa hồng của bếp lò đang cháy bập bùn.
- Không nhận ra anh sao?
Dáng người đó! Gọi cả tên tộc với giọng nói đó, cô nhớ chỉ có một
người! Phải, chỉ có một người! Nhưng thật bất chợt quá nên cô không nghĩ ra
ngay là ai? Tịnh An mở to mắt nhìn vào mắt ông ta đang dở nón và lấy khăn ra.
Cô thảng thốt, cây củi đang cằm trên tay rơi xuống!
Cô cà mà cặp mặp nói không tròn lời:
- Trời ơi, anh Tú,… Tú,… Tú Tâm ! Trời ơi,
anh Tú Tâm... thiệt là anh Tú Tâm đây sao?
Anh ta trả lời
cô bằng đôi mắt sáng ngời và nụ cười nửa miệng của ngày xưa. Nồi khoai nấu vẫn
sôi sùn sụt, củi cháy bừng lửa reo lách tách. Không gian như ngừng động! Bao
nhiêu nỗi nhớ niềm thương tràn dâng theo dòng lệ long lanh trên đôi má Tịnh An ửng
hồng ánh lửa bếp lúc mờ lúc tỏ.
Chị Tư
bưng rổ đến vớt khoai đã nấu chín. Cử chỉ của chị nhẹ nhàng lặng lẽ như sợ khuấy
động hai người. Tú Tâm lấy chéo khăn lau nước mắt cho Tịnh An, anh nhỏ giọng :
- Đừng
buồn nữa em. Không phải bây giờ chúng ta gặp lại nhau, và anh đang ngồi trước mặt
em đây sao? Hãy vui lên hồn nhiên vô tư như Tịnh An ngày xưa đi chớ. Em đã ốm
đi nhiều...
Cô nói trong dòng lệ:
-
Làm sao không ốm được? Tại sao anh không tin tức gì về cho em hết vậy?
Anh có biết em sống trong buồn khổ như thế nào không?
Tú Tâm xiết chặt tay người yêu trong tay
mình:
- Má anh và Tú Huệ biết
anh còn sống chỉ mấy tháng nay thôi. Trước ngày giặc vào, đồng đội anh có người
về với gia đình, có người bay ra ngoại quốc. Anh định về nhà, anh nhớ có đi qua
nhà em đến nhà anh
nhưng anh đổi ý không vào. Vì lúc đó thành phố rối loạn người, xe, giặc thù và
đồng đội đã cởi bỏ áo trây-di để giữ lấy thân. Anh và một số anh em khác rút về
vùng Bảy núi (nhà cô của người bạn). Các anh thề không ra trình diện. Ở đây, bọn
anh trồng khoai, trồng lúa, đốn củi, lưới cá (ai làm gì được thì làm) để nuôi sống
nhau rồi sẽ tính tới… Cuộc sống lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khắc phục
lần lần nhờ vào lòng cương quyết và bất khuất của anh em. Các anh bây giờ mỗi
ngày một khá hơn, nhờ thanh niên, nhờ dân hết lòng giúp đỡ... Gần đây, bọn anh
liên lạc được nhiều nhóm nghĩa sĩ cùng chí hướng ở rải rác từ Nam ra Bắc… Tịnh
An, anh thật sự rất mừng khi nghe Tú Huệ bảo em sắp ra đi. Có phải không?
Tịnh An lau
vội dòng nước mắt, lanh miệng:
-
Bây giờ gặp lại anh rồi, em sẽ không đi.
Tú Tâm chợt
khựng lại, vì quyết định bất ngờ của người yêu. Anh thẳng giọng:
- Bậy nè, anh biết tấm lòng của em đối với anh.
Nhưng em phải theo gia đình ra ngoài đó...
-
Không, em đã quyết định rồi em sẽ ở lại và đi theo anh.
Tú Tâm cười buồn:
- Anh không có nhà cửa, không ở nơi nào cố định.
Em biết anh ở đâu mà đòi đi theo?
- Em không cần biết chuyện đó. Tại sao anh được
còn em thì không?
- Đừng có bướng nữa!
Tú Tâm cứng
miệng trả lời, nhưng anh trầm giọng:
- Xin em đừng để anh lo. Thực tế không như em tưởng đâu. Thương yêu
anh thì em ra ngoài đó cố gắng học hành. Nếu có thể, sau nầy có nhiều việc em sẽ
giúp anh thực tiễn hơn. Đó là điều mong ước của anh ở em…
Ngọn gió
xuân đẫm sương càng về khuya càng thấm lạnh. Ở nhà trên hình như mọi người tìm
nơi nào đó nhắm mắt dưỡng thần, ngủ tạm. Anh Hai được chị Tư cho mượn chiếc nóp
(đương bằng đệm như cái bọc dài chừng 2 thước, miệng lớn ở giữa cho người lăn
vào được. Mí cửa đệm ở trên rộng hơn chụp xuống giữ kín mí dưới. Nóp dùng để ngủ
trên khô nơi nào cũng được và dễ dàng di chuyển) nên anh xách xuống ghe ngủ cho
không nghe vo ve tiếng muỗi kêu. Gần nước sẽ ấm và không lo sợ ngủ trên bờ rắn
rít nửa đêm chung vào nằm ké.
Đêm xuân nầy hai kẻ thương yêu được gặp
lại nhau. Ngày xưa, họ là đôi nam tài nữ mạo đầy mộng ước tươi sáng ở tương
lai. Theo lớp sóng phế hưng của vận nước nổi trôi, mối tình đẹp như gấm thêu
hoa của họ giờ đây như không còn hy vọng gì nữa!
Tú Tâm kể cho người yêu nghe những chuyện
anh biết và nghe thấy, trên những đoạn đường anh đã đi qua. Những đoạn đường của
chiến sĩ Cộng Hòa năm xưa đi vào bưng, không ra trình diện sau ngày giặc cưỡng
chiếm miền Nam (Tháng 30- 4-1975). Anh đã chứng kiến những chiến sĩ Việt Nam Cộng
Hòa anh hùng bất khuất đã nằm chết trên võng, chết ngồi dựa lưng bên gốc cây, hốc
đá, bờ thác đổ ầm ầm, tràm đước sầm uất trong rừng sâu U Minh Thượng, U Minh Hạ…
Trên đồi núi chập chùng của miền Trung… Mà trên tay họ vẫn trong thế ôm súng.
Cây súng bạc màu vì sương gió vẫn còn đó, bên bộ xương trắng khô!
Tịnh An kể cho chàng nghe những chuyện xảy ra trong gia đình. Nỗi
bất ngờ đau thương ba má cô đã lần lượt qua đời. Chị em cô lâm vào cảnh túng quẩn…
Đó là ách nạn chung của người dân miền Nam không Cộng Sản! Cô kể những chuyện xảy
ra của chòm xóm, bạn bè thân hoặc quen mà hai người đã biết. Ai còn, ai mất? Ai
bị đày đi cải tạo ở các miền hoang du không lai vãng bóng người nơi miền Trung,
miền Bắc? Và ai đã bôn đào đã chết vì cướp, vì thiên tai ngoài biển cả? Ai đã đến
được bến bờ tự do…
Cơn gió đêm xuân mát rượi đùa rào rào rừng tràm bên kia. Những
con đôm đốm bám lấy những cây bần cao dưới mé nước, dọc sát bờ kinh. Chúng chớp
tắt, chớp tắt lòe ánh sáng như cây thông được trang trí đèn màu trên những
trang sách báo của ngoại quốc. Như những cây thông có treo đèn hoa vào mùa
Giáng Sinh ở sân nhà thờ năm nào.
Bàn tay Tịnh An trong tay Tú Tâm. Cả hai cảm thấy như có luồng
hơi ấm truyền vào cơ thể của đối phương. Tâm hồn họ phơi phới đón nhận hương
xuân đêm nay. Họ đã quên đi không gian, thời gian và nỗi buồn dài đăng đẳng sâu
xé lòng mà trong phút chốc đây họ phải chia tay không biết bao giờ mới gặp lại!
Tịnh An chợt hỏi:
- Em nghe tiếng kêu của
loài chim lạ? Con chim gì đó anh?
- Không, đó là tín hiệu!
Bọn anh phải lên đường...
Tịnh An nói mau:
- Hay anh và gia đình
cùng đi với chúng em?
Trong ánh lửa chập chờn, cô thấy rõ nụ cười nửa miệng, đôi mắt
to sáng rỡ ngày xưa của người yêu không thay đổi. Nhưng giờ đây đượm thêm nét
ưu sầu ẩn tiềm trong đôi mắt đó, anh ốm hơn, và nỗi âu lo hiện rõ những nét
nhăn hằn trên vầng trán cao, rộng.
Tú Tâm cười buồn, nhẹ giọng:
- Nếu muốn ra đi thì anh
rời nước trước ngày giặc vào rồi. Em nhớ giữ gìn sức khỏe.
Anh như nghẹn lời ngưng giây phút, rồi nói nhanh:
- Từ đây, cái gì em muốn
làm thì hãy làm theo ý mình, đừng có hy vọng và chờ đợi anh! Chúng ta gặp lại
đây, thời gian hết sức ngắn ngủi trong đêm xuân nầy, là Thượng Đế đã ban cho
anh ân huệ lớn rồi. Cảm ơn em Ôn Thị Tịnh An! Với anh thật đã quá hạnh phúc anh
không ước gì thêm ở em.
Gà đã gáy rộ, nhưng màn tối của đêm xuân
vào đầu tháng giêng không trăng, vẫn còn bao phủ một màu đen dầy đặc. Gió xuân
ướp hơi sương lành lạnh quét trên da thịt mọi người. Tú Huệ ngồi giữa, ôm mặt sụt
sùi dòng lệ. Cậu Út ngồi bơi trước mũi, con trai cậu vẫn đứng chèo ở sau lái.
Tú Tâm đẩy mạnh cho ghe tách bến, vẩy tay chào mọi người rồi quay mặt thoăn thoắt
đi. Dáng anh mờ dần trong bóng đêm...
Tịnh An lẩm bẩm theo điệu nhạc từ CD, bài “Xuân Nơi Đây” trong chiếc máy hát vang điệu nhạc buồn, lời ca buồn
héo hắt: “Xuân nơi đây không mai vàng đua
nở/ Không hoa đào lộng lẫy dưới nắng
xuân/ Không trẻ con mặc áo quần rực rỡ/ Chạy
tung tăng đốt pháo, vỗ tay mừng/ Xuân
nơi đây không cây xanh lá thắm/ Không
áo dài tha thướt gió xuân bay/ Không
nón bài thơ khăn nâu yếm thắm/ Không
thoáng hương từ những khóm hoa lài/…Xuân nơi đây có tiếng lòng nức nở/ Tiếng thở
dài trong héo hắt nhớ thương/ Có nỗi lòng của những người xa xứ/ Đón xuân về hồn
thổn thức bâng khuâng…”
Đã bao nhiêu mùa xuân qua nơi xứ người! Tịnh An bây giờ đã hai
màu tóc! Nàng vẫn sống vui, sống khỏe, sống trong hồi tưởng dấu yêu, sống trong
chờ mong và tràn niềm hy vọng. Vì trong lòng nàng đã có mùa xuân!
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
No comments:
Post a Comment