Đâu mới thực sự là kho báu vô giá trong đời?
Con người ta khi sống sẽ theo đuổi một thứ gì đó, nhưng thứ đáng theo đuổi nhất trên đời là gì? Rất ít người suy nghĩ nghiêm túc về điều đó.
Rất nhiều người chỉ làm theo những gì người khác nói, nước chảy theo dòng, khi họ thấy người khác theo đuổi thứ gì, thì bản thân mình cũng mô phỏng theo như vậy. Khi nói về lý tưởng sống với một số bạn trẻ, có người cho rằng tiền bạc và của cải là rất quan trọng, không có tiền bạc thì không thể hạnh phúc, vì vậy nó đáng để theo đuổi cả đời. Có người cho rằng danh vọng rất quan trọng, đã thành danh thì tiền tài sẽ cuồn cuộn mà đến. Có người lại nói rằng quyền lực đáng theo đuổi hơn, bởi vì một khi có quyền lực thì có thể đạt được cả danh lẫn lợi… Những lập luận như vậy là rất thường thấy, người ta cũng rất khó nghĩ đến mục tiêu cao hơn là gì, lại càng hiếm người có thể lấy phẩm đức cao thượng hoặc đời sống tinh thần hoàn mỹ làm mục tiêu theo đuổi trong cuộc sống.
Kỳ thực một khi lấy việc theo đuổi của cải vật chất làm mục tiêu của cuộc đời mình, thì người đó sẽ rất khó làm ra hành vi với đạo đức cao thượng. Vả lại, vinh hoa phú quý trên đời không phải chỉ cần dựa vào nỗ lực là có thể nắm trong tay, như ngạn ngữ có câu:
“Mệnh trung chích hữu bát đấu mễ, tẩu biến thiên hạ bất mãn thăng” (Trong mệnh chỉ có tám đấu gạo, đi khắp thiên hạ cũng không thể lấy hơn). Có một số người cả đời lao tâm khổ tứ vì danh lợi, giống như Khoa Phụ đuổi theo Mặt Trời, vĩnh viễn không bao giờ tìm được, cuối cùng chỉ có thể kiệt sức và thất vọng không nguôi. Đó là bởi vì danh lợi, phú quý cũng là từ Đức mà chuyển hóa, người không có đức thì dù có vất vả cả đời, tính toán chi li, thì cũng chỉ là phí công vô ích.
Tác giả từng có một đồng nghiệp ở trường đại học, một thân kiêm hai công việc nên thu nhập khá tốt, nhưng cô ấy vẫn chưa hài lòng. Để có thu nhập cao hơn, cô ấy tìm việc làm thêm vào ban đêm, khiến bản thân thường xuyên thiếu ngủ. Tác giả từng có thiện ý khuyên cô ấy hãy bằng lòng với bản thân, trên con đường nhân sinh hãy đi và dừng đúng lúc, biết đủ mới có thể an vui. Thế nhưng cô ấy không cho là vậy, vẫn tiếp tục miễn cưỡng gắng sức đi làm hàng ngày. Vào ngày thứ hai sau khi cô vui mừng nhận lương của công việc thứ ba (2,500 đài tệ), do thiếu ngủ, chiếc xe hơi cô đang lái đã đâm vào đuôi xe của người khác. Mặc dù không có thương vong nhưng hai chiếc xe đã bị hư hỏng, chi phí sửa chữa đúng bằng 2,500 Đài tệ. Một tháng làm việc vất vả trong phút chốc chuyển hết thành tiền sửa xe, lúc này cô ấy mới ngộ ra đạo lý rằng: của cải vật chất trên đời là không thể cưỡng cầu.
Tiền tài vật chất vốn là thứ không thể mang theo đến khi sinh, cũng không thể mang theo đi khi chết, và ngay cả trong thế giới vật chất có thể nhìn thấy này, tác dụng của nó cũng là rất hữu hạn. Nó không thể xoa dịu nỗi đau tinh thần của con người, không thể kéo dài tuổi thọ, cũng không thể khiến con người thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử và tiến tới cảnh giới tinh thần cao thượng, tự tại tự do.
Mặc dù có người nói rằng phẩm chất đạo đức cao thượng không phải là thứ có thể ăn được, nhưng trên thực chất, người không có đức thì dẫu làm ăn mày cũng không thể kiếm được miếng cơm, còn người có đức hạnh thì dù ở đâu cũng không lo đói cơm ăn áo mặc. Đôi mắt thịt này của con người mặc dù không thể nhìn thấy sự tồn tại của đức, nhưng đức lại có ở khắp mọi nơi, đức là cội nguồn của hết thảy vinh hoa phú quý.
Vậy nên, nhân sinh quý ở tu dưỡng đạo đức. Có đức thì sẽ có được mọi thứ mà bản thân mong muốn. Người tích đức và thủ đức cũng giống như đem tài phú cất giữ trên trời, có thể sống một đời an nhiên sung túc. Do đó chỉ có phẩm chất đạo đức cao thượng và đời sống tinh thần hoàn mỹ, mới thực sự là kho báu vô giá đáng để chúng ta truy cầu mà thôi.
Quán Minh _ Xuân Hoàng
***
No comments:
Post a Comment