Wednesday, September 27, 2023

“CHẾT DƯỚI CỘI HOA” (TRẦN TRUNG ĐẠO)

 

Đoản văn cuối tuần

“CHẾT DƯỚI CỘI HOA”

 


Đi khá lâu nhưng khi về nhà khu vườn vẫn xanh nhờ cháu ngoại và ba của cháu đến chăm sóc. Những bụi hoa hồng như chờ đợi chủ nên chưa tàn hết. Mùa hè sắp qua và mùa thu sẽ đến trong khu vườn có nhiều điều kỳ diệu này.

 

Khoảng ba tháng trước, tôi sang thăm chùa. Trong khi đang đứng trò chuyện với một vị thầy, một bác đạo hữu đến chào. Nghĩ bác có chuyện riêng muốn bạch với thầy nên tôi tính tránh đi, nhưng không, bác chào thầy trước rồi, lần này bác có ý đến chào tôi. Qua một nhân duyên nào đó bác biết ít nhiều về tôi nhưng chưa có dịp trò chuyện. Bác hỏi bây giờ làm gì, tôi đáp “Dạ làm vườn, con đang tính qua gặp thầy có cây gì xin về trồng.”

Thầy cười và bác đạo hữu cũng cười. Nhưng đó là sự thật. Tôi rất ít khi “đến chùa lạy Phật”. Phật ở khắp nơi chứ đâu chỉ ở trong chùa mà phải tìm đến lạy. Từ ngày đi theo huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Tâm Thường Định Phe X. Bach, tôi còn học được một điều rằng chánh niệm (mindfulness) như một ngôi chùa có sẵn trong nhận thức của mỗi người. Tâm Thường Định hướng dẫn chúng tôi thực hành chánh niệm nhiều lần ở trại chuyên năng Gia Đình Phật Tử, Strasbourg, Pháp và ngay cả khi hai anh em lái xe đi Thụy Sĩ.

 

Bác đạo hữu hỏi thích loại cây gì. Tôi đáp cây gì cũng được, vườn còn rộng. Trước đây không có thời gian chăm sóc, chỉ dọn dẹp sau khi nghỉ làm nên cây cối, hoa quả không nhiều.

Sáng hôm sau ra vườn chợt thấy sau cửa một gói đất trong đó có hai cây đào nhỏ (cherry blossom tree). Cây lớn nhất cao chừng một mét. Tôi đoán là bác đạo hữu mới gặp trong sân chùa hôm qua đem tặng. Qua chùa tìm bác để cảm ơn. Bác đang làm công quả. Bác bảo vì tới sớm quá nên không tiện gõ cửa. Nhà bác có mấy cây anh đào và dương đào (dogwood) sinh ra từ hạt của cây mẹ chứ không phải bác mua.

 

Tôi trồng hai cây đào nhỏ trong vườn. Người ta bảo ít nhất năm hay bảy năm đào mới có hoa. Năm hay bảy năm ở tuổi của tôi là một thời gian dài. Nhưng thật ngạc nhiên, một trong hai cây lớn rất nhanh. Nếu tôi còn chờ đợi được, biết đâu chừng hai, ba năm nữa thôi tôi sẽ chứng kiến đào nở những bông hoa đầu.

Mấy hôm sau bác đạo hữu lại đến. Lần này bác để sau cửa một cây dương đào (dogwood) cao hơn một mét. Tôi lại sang chùa để cám ơn bác nhưng tôi không trồng. Tôi muốn bác đạo hữu sang trồng để kỷ niệm. Biết tôi muốn thi vị hóa chuyện trồng cây nên bác vui vẻ đồng ý. Buổi chiều bác đạo hữu và tôi cùng trồng cây dương đào. Bà xã ra thu một đoạn phim và chụp vài tấm hình để nhớ.

 

Mấy hôm sau một buổi sáng nghe tiếng chim hót rất gần. Tôi bước ra vườn. Một cô hay chú chim lông xám (Gray Catbird) đang đậu trên cây ‘cherry’, một loại đào có trái. Tôi bước lại khá gần, chú chim không bay nhưng ngừng hót. Chú chim lông xám kia đậu rất gần không phải vì dạn dĩ mà vì chú yếu sức không còn bay nổi nữa. Chú nhuốm bệnh.

 

Buổi chiều tôi trở lại vườn, chú chim lông xám tôi gặp buổi sáng nằm chết bên cạnh cội đào của bác đạo hữu cho, cách chỗ chim đậu buổi sáng chỉ chừng vài mét. Thật xúc động khi nhìn chú chim nằm im trên đám cỏ. Quê Hương xa mờ mịt, chẳng chim nào đi tìm chú. Chợt nhớ bài hát Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng của Hoàng Thi Thơ có câu cuối cùng tội nghiệp “không còn nhớ, không còn thương ta nằm im chết bên đường.”

Nhà thơ Phạm Thiên Thư có hai câu thơ trong bài Động Hoa Vàng trùng hợp hẳn với giờ phút cuối của chú chim lông xám. Đọc bài thơ khi còn ở Vạn Hạnh nhưng phải google để kiểm chứng lời thơ:

Con chim chết dưới cội hoa

Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao.

(Động Hoa Vàng, Phạm Thiên Thư)

Tôi đào mộ và an táng chú chim dưới gốc dương đào. Cắm trên mộ chú một cành hoa và đặt chung quanh vài viên đá để khi tưới hay mưa to nước không xói mòn ngôi mộ nhỏ. Chú chim xám có một chuyến đi cuối cùng đẹp như thơ Phạm Thiên Thư.

 

Chúng tôi có thể còn ở đây, có thể bán nhà để về một nơi không có tuyết và cũng có thể ra đi thật xa mãi mãi. Không sao, vài năm nữa, dương đào sẽ nở hoa bên mộ chú chim. Trồng cây là trồng cho tương lai. Chắc là hoa sẽ đẹp hơn hoa của những cây dương đào khác. Người chủ nhà mới sẽ không biết dưới gốc cây có một chú chim lông xám làm tươi thắm màu hoa.



Đầu tháng Sáu năm nay trong khu vườn này có bốn cô chú Robin ra đời trên cây Đỗ Quyên. Sống gần sinh hoạt của chim mới biết mọi sinh vật đều có một điểm giống nhau vô cùng huyền diệu, đó là tình yêu. Robin mẹ dĩ nhiên vất vả nhưng Robin cha cũng hết lòng tận tụy với vợ con. Những hôm trời mưa lớn Robin cha không tìm chỗ tránh mưa. Thân mình ướt đẫm nhưng miệng vẫn ngậm chặt thức ăn đậu trên cành cây cách tổ vài mét để chờ vợ đang ôm ấp bốn con. Buổi chiều nhìn ra cửa sổ chợt thấy Robin mẹ dắt con đi. Hôm đó là một ngày nắng đẹp, những bụi hoa hồng vừa nở.

Những điều kỳ diệu như tôi kể không chỉ diễn ra trong khu vườn nhỏ của gia đình tôi mà diễn ra chung quanh chúng ta trong từng sát-na. Sát-na là cách gọi đơn vị thời gian ngắn nhất theo đạo Phật nhưng có thể áp dụng với mọi người khi nghĩ đến đơn vị thời gian ngắn nhất.

 

Hình ảnh bác đạo hữu trồng cây, cây dương đào xanh lá, gia đình Robin hạnh phúc, chú chim lông xám yên nghỉ dưới cội hoa đào v.v.. không chỉ xảy ra ở nơi đây, trong khu vườn nhỏ này thôi mà tại nhiều nơi dưới những hình thức khác. Nếu để ý, lắng nghe, nhìn và chiêm nghiệm, chúng ta sẽ nhận ra một thế giới đầy sinh động đang sống quanh mình.

 

Ai cũng chết nhưng thay vì ngồi chờ thời gian trôi đi trong lãng phí cho đến cuối đời, hãy sống trọn vẹn trong từng sát-na chúng ta đang có mặt. Đừng thờ ơ với trách nhiệm của con người. Hãy nói giúp những cây xanh sắp bị đốn, đấu tranh cho loài chim khỏi bị nhốt trong những chiếc ‘lồng phóng sinh’ tàn bạo, bảo vệ mỗi tấc đất của cha, yêu thương từng vùng biển mặn của mẹ. Vô số công việc có thể làm. Không nhất thiết phải làm một dòng sông mà hãy làm một giọt nước. Nhiều giọt nước góp lại thành sông. Cuộc sống nhờ đó sẽ vui hơn và ý nghĩa hơn.

 

Trần Trung Đạo.

No comments: