Saturday, September 23, 2023

NHỮNG CUỘC HÔN PHỐI GIỮA THƠ VÀ NHẠC (TẠP BÚT- KHUẤT ĐẨU)

 


Những cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc

 

Tạp bút Khuất Đẩu

 

Nếu mỗi bài thơ là một cô gái thì ở cái xứ sở luôn tự hào là vương quốc của thi ca này, con gái nhiều như lá đổ muôn chiều. Con gái đương nhiên là dễ thương, Ô hay con gái bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim. Và nếu bảo mỗi bản nhạc là một chàng trai, thì đúng là trai thiếu gái thừa. Do vậy, các chàng rất chảnh, anh cứ đi đường anh, em cứ đi đường em, rất hiếm những cuộc gặp gỡ để đi đến hôn nhân, dù nhà thơ nào cũng rất muốn con gái yêu của mình lọt vào mắt xanh của các chàng.

 

Thực ra cũng có khá nhiều, phải nói là quá nhiều những cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc. Nhà thơ nào có chút ít tiếng tăm cũng có ít ra vài ba bài thơ được phổ nhạc để đem ra khoe cho xứng với đẳng cấp của mình. Nhà thơ Du Tử Lê bảo ông có đến những hơn 300 bài thơ như vậy. Có điều chúng chỉ được ra mắt đôi ba bận trong chỗ thân quen rồi lặng lẽ biến mất. Có thể vì cuộc hôn phối quá gượng ép, hoặc cô gái không đủ đẹp, hoặc chàng chỉ có bộ mã “đẹp giai” chứ chẳng có  tài cán gì.

 

Nhưng nói thế, không có nghĩa là không có những cuộc hôn phối dài lâu trên cả ước mơ. Như bài Còn một chút gì để nhớ! thơ của Vũ Hữu Định, nhạc của Pham Duy. Cô gái Pleiku má đỏ môi hồng, chẳng những mắt em ướt, tóc em ướt mà da em còn mềm như mây trời trong nữa. Em xinh quá nên chàng nhạc sĩ đào hoa họ Phạm tuy có hơi già nhưng vẫn chết mê chết mệt vì em. Cuộc hôn phối diễn ra ở một nơi buổi chiều quanh năm mùa đông không ngờ tốt đẹp đến nỗi cái phố núi buồn hiu đi dăm phút đã về chốn cũ, và lính nhiều hơn dân ấy bỗng nổi như cồn.

 

Giống như cái xóm nhỏ bên ghềnh đá có tên gọi Sorrento ở nước Ý được cả thế giới biết tiếng vì bài hát Come back to Sorrento. Đương nhiên “ông bố” Vũ Hữu Định, một anh lính chiến trên đồn biên giới cũng nổi tiếng không kém. Từ đây, người ta xót xa cho cái nghiệp lính thú của anh, một nơi mà chỉ huy hai bên ném binh như vãi đậu và khám phá ra, anh là một chàng thi sĩ rất cô đơn. Khi anh nói “xin cảm ơn thành phố có em!”, cả Pleiku, lính và dân đều ngẩng cao đầu hãnh diện. Đến khi nữ danh ca Lệ Thu cất tiếng hát, thì phải nói cả nước đều xúc động. Chưa có lời cảm ơn nào ngọt ngào, dễ thương bằng lời cảm ơn thốt ra từ đôi môi xinh đẹp của cô. Xin cảm ơn một mái tóc mềm! Sao mà tinh tế dịu dàng đến như vậy! Hóa ra lính miền Nam đâu có phải chỉ “nhắm thẳng quân thù mà bắn”, họ còn lãng mạn điệu nghệ gấp mười lần các chú lính miền Bắc nữa kia.

 

Lại có những cuộc hôn phối không giống ai, có thể gọi là xưa nay hiếm, rất khó mà viên thành nếu không qua cây đũa thần của Phạm Duy. Tôi muốn nói đến những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên được ông phổ nhạc.

 

Nguyễn Tất Nhiên là một cậu học trò mười bảy tuổi ở trường trung học Ngô Quyền, thành phố Biên Hòa. Nghèo, học không giỏi (rớt Tú tài), dân miền Nam mà lại yêu cô Bắc kỳ nho nhỏ, yêu điên điên dại dại, khiến người “bị yêu” chứ không phải “được yêu” mắc cỡ, rồi làm thơ tỏ tình giữa sân trường, không được liền trù ẻo cho nàng thi hỏng để biết thế nào là cái đau của kẻ hỏng thi!

 

Một người từng trải như Phạm Duy, đã xúc động trước mối tình nhẹ nhàng của chàng quân nhân thi sĩ, sao lại có thể “chịu” một thằng “oắt con” khùng khùng dại dại như thế, với những bài thơ chưa ra thơ, ồn ào gây sự, chứ không phải đằm thắm nồng nàn, là sao vậy?

 

Cô gái trong ca dao bị mẹ ép duyên đã gào lên một cách cay đắng như thế này:

 

Mẹ tôi tham thúng xôi dền

 

Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng

 

Tôi đã bảo mẹ rằng: Đừng!

 

Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào

 

Bây giờ đất thấp trời cao

 

Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ!

 

Nguyễn Tất Nhiên so với Phạm Duy đúng là đất thấp trời cao và cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc ấy giống như đôi đũa lệch, vậy mà từ xưa đến giờ không có cuộc hôn phối nào đình đám lẫy lừng bằng.

 

Rất nhiều bài của Nhiên được ông phổ nhạc, bài nào lúc mới ra đời cũng trở thành hiện tượng, chỉ xin đưa ra bài Thà như giọt mưa để thử xem cái “duyên trăm năm” nào đã đưa hai tâm hồn tưởng chừng lạc điệu ấy lại có thể hòa điệu với nhau nồng nàn đến như vậy.

 

Trước hết hãy nói đến “cô gái” vừa xấu vừa ngỗ nghịch của ông “bố” Nhiên. Mở đầu: Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, rồi sau cùng vỡ trên mặt Duyên, để nàng Ăn năn đau khổ muôn niên vì cái tội không yêu mình! Cái điều kiện Thà như… có còn hơn không được đặt ra với Người từ trăm năm về qua sông rộng, ngoắc đến “mòn” (!) tay mà vẫn không thèm ngó lại, đúng là lẩn thẩn và liều mạng.

 

Rất khùng! Khùng hết biết! Nhưng với Phạm Duy, có lẽ ông thích cái khùng của cậu ta, (chắc vì lúc mới lớn, ông cũng đã từng “khùng” như thế), một gã khùng hiếm có và dễ thương! Trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, một chàng nọ có bàn tay sáu ngón, bị cô nàng thách, nếu yêu tôi thì thử chặt ngón tay thừa xem nào, chàng bảo khó gì, liền lấy búa chặt phăng khiến nàng kinh hoàng, nhưng cũng từ đó cảm vì cái khùng tội nghiệp mà đáp lại tình chàng.

 

Thơ cậu ta chẳng những lạ mà còn kỳ cục, nào ngoắc mòn tay, về như dao nhọn, ta chạy lòng vòng, quỳ té trên đường đời, sợi tóc vương chân người/ ta hỏng tú tài/ đau lòng ta muốn khóc…

 

Tình không giống ai, mà thơ cũng chẳng giống ai! Nhưng với một nghệ sĩ bậc thầy như Phạm Duy, thì ông thấy đó là cả một vườn thơ hoang dại, ở đó có tiếng khóc ngất ngây, có tiếng gầm gừ hậm hực, có tiếng đập hỗn loạn của một trái tim đang phát cuồng… Và thế là, với tài nghệ tuyệt vời, ông đã biến những bài thơ mà thủơ đó, gần như cả thầy và trò trường Ngô Quyền đều cười nhạo, trở thành những bài tình ca thuộc hàng top ten.

 

Từ những cô gái xấu, thơ của Nhiên thoắt cái đã trở thành những kiều nữ và từ cậu học trò hỏng tú tài sắp phải đi quân dịch, Nhiên vụt lớn hẳn, ngang hàng với những thi sĩ như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng.

 

Một cuộc hôn phối khác có thể nói là cực kỳ viên mãn, đó là bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng được Phạm Đình Chương phổ nhạc. Bài thơ tự nó đã có nhạc điệu của thơ mới bảy chữ, thêm những hình ảnh buồn của Sông xa từng lớp lớp mưa dài, của Xứ Đoài mây trắng lắm, của Đôi mắt buồn viễn xứ khôn khuây không cần đến âm nhạc vẫn hay, nếu không muốn nói là quá hay. Bài thơ được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp lúc tác giả tham gia Tây tiến trong Đoàn quân không mọc tóc, có thể gọi là thơ yêu nước.

 

Nhưng hàng chục năm sau với nỗi nhớ quê hương, nhớ đôi mắt buồn của ai đó, Phạm Đình Chương đã chuyển thành bài nhạc tình rất thắm thiết. Rồi sau 1975, nó trở thành kinh cầu hồn cho những người bỏ nước ra đi. Đôi mắt người Sơn Tây chuyển thành đôi mắt người Việt Nam! Mà trong số hàng triệu người miền Nam phiêu bạt trên khắp thế giới có biết bao đôi mắt U uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây như thế. Hóa ra bằng tài nghệ kinh động đến cả quỷ thần, Quang Dũng và Phạm Đình Chương đã nhìn thấy trước, như hai nhà tiên tri, cái số phận bi thương của cả dân tộc!

 

Viết đến đây tôi bỗng muốn khóc vì nhớ lại tấm hình chụp cha con Quang Dũng ở Đà Lạt sau 1975, trông ông hãy còn cao lớn dềnh dàng nhưng xơ xác tội nghiệp làm sao. Sau bao năm đói khát, được mời một tô phở, ông ngồi ăn nhẩn nha thật chậm như vừa để thưởng thức mà cũng vừa để nuốt cho trôi cái cục nghẹn suốt bao năm bị đày đọa chỉ vì những đố kỵ nhỏ nhen. Hồi đó Phạm Đình Chương đã ở Mỹ, Thái Thanh cũng vậy, nhạc “đồi trụy” bị cấm, bị tịch thu, chắc là cho đến khi nhắm mắt ông cũng chưa bao giờ thấy được đứa “con gái yêu” của mình trở thành cô dâu xinh đẹp mà mắt thì đẫm lệ vì thiếu vắng “cha”! Ước gì lúc này, được đứng trước mộ ông thay vì mời rượu tôi sẽ mở bài Đôi mắt người Sơn Tây để mời ông.

 

Ông và Phạm Đình Chương, bằng tài năng và đồng cảm đã làm nên một tuyệt tác, rồi lại được tiếng hát “vượt trùng dương” của Thái Thanh thể hiện, quả thực không biết tìm đâu ra lời để ngợi ca. Tôi chỉ muốn nói, qua giọng ca của Thái Thanh và chỉ của Thái Thanh, người nghe mới thấy được và thấm được cái nỗi nhớ và nỗi đau nó da diết thống thiết đến chừng nào. Cái cảm giác nghèn nghẹn đau đớn được cô luyến láy qua hai tiếng u uẩn quả thực thần kỳ, khiến nó trở nên quằn quại ray rứt và buồn viễn xứ khôn khuây như uốn lượn theo hình “sin”, khiến cho, giả dụ rằng có Phạm Đình Chương và Quang Dũng cùng ngồi nghe, nhất định nước mắt sẽ chảy tràn trên mặt hai người, vì xúc động và vì lòng biết ơn.

 

Trên đây là ba ví dụ cho các cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc.

 

Giống như những cuộc hôn nhân giữa tài tử và giai nhân, người ta cho rằng hẳn phải có một sự sắp đặt của số mệnh, thì thơ và nhạc gặp nhau cũng vậy, chắc phải do một bí mật huyền nhiệm nào đó. Ngày mà Phạm Duy hay Phạm Đình Chương cầm cây đàn lên vừa lẩm nhẩm đọc thơ vừa lựa từng âm thanh đưa vào năm dòng kẽ, rất giống một nghệ sĩ điêu khắc cầm búa và đục, đánh thức cái tác phẩm tuyệt mỹ đang ngủ giấc ngủ hàng ngàn năm trong đá. Đó là lúc, cũng có thể gọi là giờ phút thiêng liêng đã khởi đầu, khi thi nhân và nhạc sĩ gặp nhau trong giây phút thoát thần của sáng tạo.

 

Nhưng, một bài thơ phổ nhạc chỉ thành công khi nào được công chúng đón nhận. Như bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, người nghe thích bài của Dzũng Chinh hơn bài của Phạm Duy, mặc dù tên tuổi của Phạm Duy lớn hơn. Ấy là nhờ Dzũng Chinh thực sự xúc động vì cái chết của người vợ trẻ, còn Phạm Duy chỉ muốn thử tài của mình mà thôi.

 

Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt!. Dzũng Chinh đã làm mới lời thơ, và khoác lên cái chết của người vợ trẻ không phải một màu tang u tối mà là một màu tím lãng mạn, khiến người nghe như đang trôi vào một giấc mơ buồn.

 

Phạm Duy, chẳng những đổi tên thành Áo anh sứt chỉ đường tà mà còn đổi cả hồn khi cho rằng, vì Không chết người trai khói lửa mà chết người em nhỏ hậu phương theo lời ông, chính là một khúc anh hùng ca trong thời kháng chiến, nên ông đã dùng tiết điệu trầm hùng để diễn đạt! Có vẻ như ông muốn biện hộ cho Hữu Loan, người bạn bị vùi dập chỉ vì bài thơ khóc vợ dù giấu kín trong đáy ba lô vẫn được lan truyền khắp nơi, khiến cho những người lính vệ quốc mất hết tinh thần chiến đấu.

 

Như thế là cưỡng hôn nên đứa con đầu thì to, chân thì vẹo mà trái tim thì không có hoặc quá nhỏ!

 

Theo tôi, đây có lẽ là một thất bại hiếm hoi của ông và là một thất bại đáng buồn vì ông đã đem cái ý chí chứ không phải cái tài vào nghệ thuật, nên chẳng những phá hỏng bài thơ mà còn làm sứt mẻ tình bạn. Tôi tin là Hữu Loan chẳng xúc động chút nào khi nghe bài hát này.

 

Dù vậy, ông vẫn rất xứng đáng được tôn vinh là một nhạc sĩ vĩ đại vì, chẳng những ông để lại cho chúng ta và con cháu mai sau nhiều bài ca bất hủ, mà còn có công khám phá, từ bóng tối đưa ra những viên ngọc xù xì rồi gọt giũa để trở thành ngọc quý, là những bài thơ sẽ mãi mãi bị vùi lấp trong quên lãng nếu không được ông để mắt tới.

 

Xin cảm ơn ông, cảm ơn Phạm Đình Chương… và cảm ơn những giọng hát của thế kỷ, những Thái Thanh, Lệ Thu…!

 

Nhờ các vị mà miền Nam dù đã mất nhưng hãy còn và vẫn Còn một chút gì để nhớ, để quên!

 

 

 

(Bài này được viết sau khi nghe tin Thái Thanh và Lệ Thu qua đời.

 

Như một nén tâm hương của người ái mộ, tưởng nhớ đến hai bà. Những chữ in nghiêng trong bài, tác giả mượn của các thi sĩ).

No comments: