Wednesday, June 5, 2019

THẰNG THỪA (AN SƠN)


THẰNG THỪA
Truyện ngắn

     Tôi vừa đưa con gái vào phòng cấp cứu bệnh viện sản nhi của tỉnh sau khi vượt qua 50 cây số đầy âu lo từ bệnh viện huyện chuyển đi, sau đó thì bà suôi và con rể cũng có mặt, tất cả cùng ngồi chờ ở hành lang phòng sinh . Đã vào nửa đêm nhưng vẫn đông người chờ đợi nhộn nhịp.  Cứ khoảng 20 phút thì có một cháu bé chào đời được cô nữ hộ sinh bồng trong vòng khăn ấm đi trước, mẹ  nằm trên xe được cha hoặc cô, dì…đẩy về phòng dưỡng . Thấy bà suôi và con rể nhìn theo mẹ tròn con vuông với tâm trạng thèm thuồng, tôi nghe lòng mình nặng như đá. Có được suôi gia hợp cách sống, gia đình chồng thực tình yêu quí con gái mình, tất cả đối xử với nhau bằng tấm lòng,  không còn khoảng cách mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng như bao đời trước đây để mình thực sự yên tâm nơi con mình gắn bó suốt đời là mãn nguyện lớn của gia đình tôi. Tuy nhiên để có được hạnh phúc viên mãn trong cõi người là điều rất khó , nhiệm vụ sinh con cho chồng, sinh cháu cho ông bà nội không hề suông sẻ , trong khi nhà người ta chỉ có một con trai cả duy nhất mà lại cưới vợ sau cùng, lần đầu sẩy thai dưới 6 tuần tuối, lần này cũng có triệu chứng tương tự, qua khảo sát của y học mới biết do người mẹ thiếu nội tiết tố, cũng may là cấp cứu kịp thời .

     Tôi miên man suy nghĩ về cuộc đời, người cần con, cháu để làm sợi dây thắt chặt hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, để duy trì nòi giống cho giòng họ thì đầy thử thách, trong khi những cuộc tình vụng trộm lại thai nghén dễ như ăn cháo dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, thậm chí gần đây có trường hợp các cháu nữ sinh viên đã không làm chủ được mình trong quan hệ tình dục để cuối cùng hài nhi ra đời rồi đem bỏ trước cửa chùa, bất nhẫn hơn là chính mẹ thả con từ lầu cao rơi xuống đất như người ta vứt một mảnh rát xuống đường ray qua ô cửa tàu lửa . Bất chợt tôi nhớ đến chuyện thằng Thừa mười mấy năm về trước .

                                                          ***

     Cơn mưa trưa của Sài Gòn tháng 6 trút nước ngộp thành phố, chốc lát đường phố “ bỗng là dòng sông uốn quanh ”, xe cộ thưa dần, tôi phải vào quán cà phê trú tạm, hơn nửa giờ mưa tạnh dần, chuẩn bị đi thì có điện thoại của bạn đồng hương, đồng môn và cũng là đồng điệu, tôi trả lời
     - Alo Thiện, tôi nghe bạn hiền
     - Ông thu xếp ngày mai về Saigon được không, mình cần gặp
     - Tôi vừa đến Saigon thì mưa như trút, đang ngồi ngồi cà phê trú mưa đây
     - Tốt quá, ông chạy ngay về Thủ Đức nghen
      Lê Đình Thiện và tôi học chung khối của trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa trước 75, cả hai cùng bước vào đời trong buổi giao thời của đất nước, rồi cùng bỏ cơ quan ra ngoài bươn chải vì không chịu nổi chật vật đồng lương thời bao cấp, Thiện về Sài Gòn, tôi đi cao nguyên, mấy chục năm sau gặp lại, bạn thành đại gia còn mình đi kiếm tiền lẻ, thế mới biết đời người có số . Giữa Saigon mà Thiện dư hẳn một căn nhà ở Thủ Đức có đủ tiện nghi để dành đọc sách, hội họa và làm chỗ cho bạn bè cùng quê gặp gỡ hàn huyên, bạn bè lỡ bước trụ ngụ … là điều hiếm người thực hiện được, hằng ngày khoảng 8 giờ sáng anh từ Bình Thạnh qua với thế giớ riêng đến chiều về lại với vợ, chuyện áo cơm không còn là nỗi lo nữa trong cái  “ lộc bất tận hưởng ” sau bao năm ba chìm bảy nổi . Tôi đến thấy Thiện đang ngồi với cậu bé bơ phờ dưới tuổi hai mươi nơi bàn chúng tôi thường trà dư tửu hậu ngoài hành lang, và bạn cho biết : Cu cậu này bị kiệt sức dưới chân cầu vượt, mình dừng xe định cho tiền ăn cơm nhưng thấy cậu đứng không vững, mình hỏi đùa : thiếu thuốc hả ? Cậu trả lời : Cháu không phải người xấu , nghe nói tiếng Phú Yên nên mình bảo lên xe chở về đây rửa ráy, mới ăn tạm cái trứng với cháo gói, chưa dám ăn nhiều, tối nay chú cháu ông nghỉ ở đây, mai đưa về chỗ ông phân việc cho nó rồi tính sau. Tôi hỏi
     - Cháu tên gì ?
     - Dạ cháu là Thừa
     - Ngoài mình ở huyện nào ?
     - Dạ ở ….
     Nhìn vẻ mặt còn bơ phờ của Thừa tôi không hỏi nữa, nhưng thầm nghĩ thằng này thứ thừa vậy nó là đứa con thứ mười một trong gia đình, chắc cha mẹ nó cũng lớn tuổi lắm rồi, có thể ngày xưa cha nó đi lính, mẹ cứ đẻ thoải mái, có lương con mà, với lại hồi đó người ta chưa thực sự kế hoạch hóa sinh đẻ nên giờ rơi vào cảnh nhà nghèo con đông trên quê hương thuần nông mà ruộng đất thì giao do Hợp tác xã quản lý, nông dân chỉ làm công ăn điểm trong chủ trương làm chủ tập thể nhưng thực tế tự đáy lòng là “ chuyện cha chung ”

     Thực ra tôi cũng mới vào đây, những ngày còn chân ướt chân ráo cũng đầy bỡ ngỡ, Thiện giới thiệu tôi với em rể là phó tổng giám đốc công ty xây dựng đang thi công cho công trình nhà máy thép của Hàn quốc năm bên bờ sông Thị vải thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu . Vào Nam không vốn lận lưng, không chuyên môn kỹ thuật, xa lạ tứ bề mà vào làm việc cho công trình lớn kể cũng ngộ, nhưng cuộc đời là thế, Thiện thường hay nói với tôi : Cứ ra đường ắt có đường đi . Thiện sắp xếp tôi và một anh bạn thân đồng môn nữa tuyển khoảng 30 công nhân lao động phổ thông phụ trách khối lượng tạp vụ của công trường như chuyển cót pha, chuyển dàn giáo, dọn dẹp xà bần …thế là tự nhiên chúng tôi thành sếp chỉ huy đội quân ấy, tôi phụ trách hậu cần còn bạn tôi phụ trách chiến thuật ra quân  vì bạn ấy rất kinh nghiệm sự phức tạp của công trường có số lượng công nhân lớn .Thừa là đệ tử của tôi, mỗi sáng dậy sớm cùng chị nuôi pha trà và cà phê để 3 chú cháu nhâm nhi chờ cơm sáng, ngoài công trường được phân việc nhẹ nhất cùng với Quyên, cô gái Bạc Liêu nhỏ tuổi nhất trong đội vừa học xong lớp 9 phải theo mẹ trốn nợ vì bể hồ tôm ở quê nhà . Theo thời gian Thừa tươi tỉnh hẳn bên nụ đời Nam bộ .

      Nhưng vài tháng sau thì chú cháu tôi phải chia tay vì tôi được đứa cháu vợ ở Sài Gòn giới thiệu vào làm việc trong đoàn làm phim truyện truyền hình của một công ty đa truyền thông, thế là tôi giã từ đời sống công trường nhiều phức tạp về sống bên người đẹp diễn viên của ngành điện ảnh trải dài nay đây mai đó du lịch không tốn tiền . Đêm cuối cùng trước ngày tôi về thành phố Thừa mời tôi đi uống cà phê để tâm sự, tôi hỏi có ai nữa để tôi chuẩn bị tâm lý, Thừa nói chỉ có mình chú thôi vì chú là người đã cứu cánh cho con trong lúc cơ cực nhất, cháu ấp ủ có hành động tạ ơn chú mà chưa kịp nên ray rứt lắm.

     Từ đó tôi mới biết bên ngoài cái bình thường, kiên nhẫn che giấu thân phận là một cuộc đời có nhiều éo le cảm động của một cậu con trai sâu sắc và nhạy cảm. Thừa có tên thật là Trương  Đắc Vĩ, cũng không phải là đứa con út hoặc áp út của người lính cộng hòa đông con đến thứ thừa, mà là con trai duy nhất sau 2 chị gái, cha mẹ đều thuộc diện lý lịch đỏ, là những cán bộ xịn trong các cơ quan trọng yếu của nhà nước, nhưng vì sinh đứa con thứ 3 vi phạm chính sách sinh đẻ có kế hoạch,  nên cha và mẹ đều bị đình nâng lương định kỳ và cùng bị hoãn lớp đi học tạo nguồn, họ sinh ra chán nãn dẫn đến tiêu cực trong công việc . Điệp khúc “ vỡ kế hoạch ” thành câu cửa miệng để thanh minh cho sự chậm tiến của họ đã chạm vào tâm hồn trong trắng của cậu bé từ lúc nào mà bậc cha mẹ không hay, khi biết mình ra đời là  “ người thừa ” của cuộc chăn gối, là vật cản đường sự nghiệp của cha mẹ, Thừa trở nên lầm lì, mặc cảm … Học hết lớp 9 lấy cớ xin ở với ông bà nội để học cấp III ở thành phố, nhưng thực ra là đi tị nạn nỗi buồn . Xong trung học em quyết định ra sống tự lập, viết thư nói hết nỗi niềm  để lại cho ông bà biết rồi trốn vào thành phố lớn khám phá cuộc đời . Nhưng một con chim non vừa ra khỏi tổ thì bị mưa gió vùi dập tơi bời . Vừa vào đến thành phố đã bị ăn cướp trấn lột sạch bách, tối phải tìm công viên để ngủ cũng bị ăn trộm bao vây, Thừa thú thật thân phận là dân tỉnh lẻ vừa bị cướp giờ chỉ còn mình trần thân trụi đang đói lả, xin được bình yên qua đêm, không ngờ được kẻ trộm chia cho ổ bánh mì và chai nước, trước khi bỏ đi chúng còn dặn : Nếu không biết đi đâu thì cứ quanh quẩn đây, tối gặp lại , và Thừa đã sống với anh em ấy 2 đêm, qua hỏi han tâm sự mới biết họ là những trẻ trong trại mồ côi bị giải tán sau 1975 và họ khuyên Thừa nên về với gia đình điều mà đối với họ chỉ có mơ ước, không những thế họ còn kiếm tiền xe cho Thừa về quê dù đó là những đồng tiền của những nạn nhân bị móc túi . Trong khốn cùng Thừa đã rất tỉnh táo để nhận rõ rằng :
      Ăn cướp không sợ chủ nên sẵn sàng giết chủ để chiếm đoạt . Ăn trộm sợ chủ nên chỉ chờ chủ sơ hở mà lén lấy
      Lương tâm không cho phép Thừa nhận lấy sự trợ giúp của những hiệp sĩ đặc biệt này và cậu đã lê tấm thân tàn ra đi để rồi ngã quị dưới chân cầu vượt cho đến khi gặp ân nhân Lê Đình Thiện .

      Hôm đó Thừa và Quyên đều xin nghỉ làm việc buổi sáng để tiễn tôi lên đường, những phút giây sau cùng của cuộc tiễn biệt tôi dặn cả hai luôn giữ vững niềm tin  chính mình trên con đường đi về tương lai còn thật dài và thật rộng, luôn nhớ câu   “ Sông có khúc, người có lúc ”. Riêng với Thừa chú có thể đồng cảm với cháu một đời ly hương đi tìm sự nghiệp nhưng không chấp nhận sự chối bỏ cha mẹ dù chỉ một phút, chối bỏ nguồn gốc là một tội lỗi rất lớn, người ta nói : “ Duyên nợ sinh ra vợ chồng, số phận sinh ra cha mẹ ” bởi vậy nếu cha mình là tướng cướp, hay mẹ mình là con đĩ thì mình vẫn phải biết ơn và tôn kính vì mình được sinh ra từ đó, chối bỏ đấng sinh thành là chối bỏ chính mình, chỉ có điều ta không đi theo vết xe đổ của cha mẹ . Khi con người rơi vào thế  u mê dục vọng họ dễ đánh mất chất người, xã hội đương đại của chúng ta đã có những cuộc đấu tố phi nhân bản, những cuộc chối từ cốt nhục cha con chỉ vì khác nhau lý tưởng chính trị để chứng tỏ lòng trung thành phục vụ cho mưu cầu tiến thân, đến khi hết  thời nằm trên giường bệnh , hối hận chỉ là vô nghĩa, nhưng nỗi buồn thế kỷ thì cứ mãi chập chờn , vậy chúng ta nên rút kinh nghiệm từ đó để có cách sống tốt hơn . Vết thương nào rồi cũng lành ,dù biết mình đã trôi lạc hướng nhưng“ quay đầu là bờ”
     Những giọt nước mắt các cháu đã làm tôi nặng lòng
                                     
                                                          ***

     Sau khi đưa con gái về phòng điều trị, tôi giao lại cho vợ mình và mẹ con chị suôi, vừa ra tới hành lang thì cuộc chạm mặt vô cùng ngạc nhiên : Ôi !...Thằng Thừa, con Quyên , mười hai năm biền biệt, cả hai đều ôm chầm lấy tôi, bảo tôi ngồi ghế đợi các cháu vào phòng dưỡng hậu sản thăm cháu ruột của Thừa mới sinh đêm qua, rồi cùng đến quán cà phê hội ngộ, đừng để lạc nhau thêm nữa .
     Hai mảnh đời khổ ải bên tôi năm xưa đã thành vợ chồng . Năm năm Vĩ đi biền biệt không liên lạc với gia đình, khi về có cả vợ con . Tôi hỏi :
     - Cảm xúc đầu tiên của ông bà nội và cha mẹ khi cháu trở về như thế nào ?
     - Dạ, tất cả đều mừng rỡ, mẹ cháu muốn xỉu, ông nội  ôm thằng cháu cố cứ lập đi lập lại “ cháu đích tôn, cháu đích tôn … ” của ông
      Tôi nói đùa
     - Vậy nó là thằng “ cần ” con của thằng “ thừa ”
      Vĩ cười rồi nói tiếp
     -  Dạ, cuộc đời nó éo le thế, thằng thừ đẻ ra thằng cần …hihi…Sau khi cháu đi ông nội đưa bức thư của cháu ra cho ba má cháu xem và phân tích sự thăng quan tiến chức của cha mẹ cháu không đổi được đứa cháu đích tôn nối giòng trong lòng ông, một giòng họ bị tuyệt tự là giòng họ vô phúc . Từ đó cha mẹ cháu hối hận và đã đi tìm cháu nhiều lần nhưng không có kết quả . Cả hai cùng xin nghỉ hưu sớm, môi trường sống mới giúp họ thoát hoàn toàn cái “ muội ” công danh
       Tôi cũng cười nói
       - Và chắc chắn trong họ cũng nghĩ lại cháu là thằng “ CẦN ”
        Vĩ nhắc lại câu nói tôi khuyên nó quay về với gia đình trong phút chia tay năm xưa :
       “  Ở đời có những suy nghĩ  bây giờ ta thấy đúng nên phán xét thiên hạ là thế này thế nọ, nhưng một thời gian sau đó nhìn lại thấy sai hoàn toàn đành mắc cỡ thầm, bởi vậy những quyết đoán cực đoan không chính xác sẽ để lại hệ lụy khôn lường

         Bất chợt tôi nhớ câu danh ngôn, đại ý : “ Cái đáng quí nhất trên cuộc đời này là con người, nhưng cái đáng khinh bỉ cũng là con người ”


                                  Tuy Hòa 1/6/2019


                                     AN SƠN

No comments: