Wednesday, June 19, 2019

TÌNH KHÚC BẤT TỬ



CHỜ NGƯỜI (LAM PHƯƠNG)

Tiểu sử và cuộc sống của nhạc sĩ Lam Phương thì mọi người đều đã biết. Hôm nay, tôi chỉ viết lại vài chuyện tình, và dĩ nhiên, cũng chỉ những chuyện tình có tác động trực tiếp tới sự nghiệp sáng tác của tác giả mà thôi. Tôi tin rằng, khi hiểu rõ xuất xứ của từng nhạc phẩm, chẳng những ca sĩ hát sẽ hay hơn mà thính giả cũng sẽ thưởng ngoạn một cách sâu sắc hơn vì cảm thông nỗi niềm với tác giả. Những chuyện tình này, tôi cũng đã từng đề cập đến trên sân khấu Paris By Night, nhưng thường chỉ lướt nhanh qua vì không đủ thì giờ. Hôm nay xin viết lại một lần, nhân nhạc sĩ Lam Phương bước vào tuổi 80, và từ nay chắc sẽ không phải nhắc đến nữa!

*Người con gái đầu tiên đi vào cuộc đời tình cảm của Lam Phương là nữ ca sĩ Bạch Yến, thua anh 5 tuổi. Bạch Yến cùng quê ở Miền Tây, 11 tuổi đoạt giải nhất Huy Chương Vàng giọng ca nhi đồng do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. Lớn lên, Bạch Yến hát cho phòng trà Hòa Bình, cùng thời điểm với Bích Chiêu, chị của Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích. Thời ấy, Đệ Nhất Cộng Hòa cấm nhảy đầm, nên khách đến chỉ ngồi nghe và say mê tiếng hát Bạch Yến qua những nhạc phẩm ngoại quốc ăn khách nhất của thập niên 1950 và 60 như Bernadine, It’s Now Or Never, Calypso Italiano, The River of No Return, April Love v.v… Về phía nhạc Việt, Bạch Yến cũng hát nhiều như Bến Cũ, Đón Xuân, nhưng nổi bật nhất, trở thành dấu ấn của Bạch Yến, là bài Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương viết từ năm 1939.
Anh Lam Phương lúc ấy đã khá nổi đình nổi đám bởi anh có vóc dáng cao, khuôn mặt đẹp trai và đóng phim từ khi mới lớn. Cá nhân tôi, mười mấy tuổi, cũng đã từng say mê anh trong phim Chân Trời Mới bên cạnh nữ tài tử Mai Ly và kịch sĩ Vũ Huân. Anh lại là tác giả một loạt ca khúc rất phổ biến. Ngay cả bản nhạc vui là Nắng Đẹp Miền Nam cũng bán ra ồ ạt sau khi Kim Hoàng hát trên các sân khấu và đài phát thanh. Từ một cậu bé xác xơ ở Rạch Giá, lang thang lên Sàigòn vừa đi học vừa đi làm, Lam Phương mau chóng làm giàu sau khi sáng tác bài Kiếp Nghèo! Cái thế của anh lúc ấy mạnh lắm, quen cô nào cũng dễ dàng. Bạch Yến có thể nói là tình yêu buổi đầu rất trong sáng của anh.

Năm 1961, Bạch Yến 19 tuổi, sang Pháp để học hỏi thêm về ca nhạc. Bốn năm sau, cô được Ed Sullivan mời sang Mỹ. Show Ed Sullivan lúc ấy cực kỳ ăn khách, giới thiệu tất cả những ban nhạc và ca sĩ hàng đầu của Mỹ, Anh và thế giới, có show thu hút đến 35 triệu người xem. Bạch Yến lên hát show này và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp Mỹ châu thêm 10 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone v.v… Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế trong hơn một thập niên. Ai đã xem phim Green Berets do tài tử John Wayne đóng vai chính, chắc hẳn vẫn còn nhớ tiếng hát Bạch Yến trong cuốn phim chiến tranh đó.

Ở lại Việt Nam, anh Lam Phương tuy có nhớ Bạch Yến nhưng chắc rồi ngày tháng trôi qua cũng làm phôi phai hình ảnh cô gái Miền Nam xinh xắn ấy.
Bỗng dưng Bạch Yến trở về, làm sống dậy mối cảm xúc tưởng đã chết hẳn trong lòng người nhạc sĩ đa cảm. Nghe tin Bạch Yến trở về sau hơn 10 năm xa cách, Lam Phương xao xuyến viết bài Chờ Người rất đặc sắc. Tôi nhớ khoảng năm 1973, ngồi ở quán café tại Mỹ Tho, tôi giật mình nghe Elvis Phương trình bày ca khúc này mà lúc đầu tôi không ngờ là của Lam Phương, bởi giai điệu của nó lách thoát hẳn ra khỏi dòng nhạc quen thuộc của anh, nhất là một bài buồn viết theo hợp âm trưởng (major) là chuyện ít có:

“Chờ em, chờ đến bao giờ
Mấy thu thuyền đã xa bờ.

Mười năm trời chẳng thương mình
Để anh thành kẻ bạc tình
Cầu xin cho mây về vui với gió
Dù có qua bao đắng cay
Muôn đời anh vẫn chờ em.”

Bạch Yến về nhưng không ở lại. Cô trình diễn một vài shows lớn tại Sàigòn rồi lại đi. Tôi nhớ lúc ấy tôi vừa được biệt phái về Sàigòn dạy học sau mấy năm ở lính, tôi hăm hở đi coi show Bạch Yến và mua băng về nghe vì rất thích những bản nhạc ngoại quốc cô hát, cộng với lối trình diễn đầy đam mê của Bạch Yến trên sân khấu. Những ca khúc mà thế hệ tôi ai cũng biết như La Vie En Rose, Malaguena, Ne me quitte pas (If You Go Away)… Cùng thời gian ấy, tôi cũng được nghe Chờ Người của Lam Phương nhưng không hề biết Lam Phương viết bài này cho Bạch Yến!

Nỗi xót xa khi chia tay lần thứ hai này thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc lời ca rất não nề như: Tình Bơ Vơ, Thu Sầu, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Tiễn Người Đi, Tình Chết Theo Mùa Đông. Bài nào cũng thống thiết bi ai:

“Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa!”
(Tình Bơ Vơ)
Hay:
“Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau…”
(Thu Sầu)
Hoặc:
“Rồi đây chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì!”
(Tiễn Người Đi)

Hồi thập niên 1970, nghe những bài này, tôi đâu có hiểu tại sao tác giả lại viết toàn những lời chia ly như vậy! Mãi 20 năm sau, gặp Lam Phương lần đầu tiên năm 1993 ở Paris, tôi mới được anh giải thích là những lời ấy anh nói với Bạch Yến khi Bạch Yến giã từ Sàigòn quay lại Mỹ. Tôi cười bảo anh:
– Như thế thì anh và tôi và tất cả thính giả đều phải cám ơn Bạch Yến đã bỏ anh đi lần thứ hai, anh mới có những nhạc phẩm này. Giá như Bạch Yến ở lại, chưa chắc anh đã giải quyết được gì!

Chắc là vậy! Anh Lam Phương cũng đồng ý ngay với tôi. Mộng không thành thì mộng mới đẹp. Con cá bắt hụt bao giờ cũng là con cá lớn! Bởi vì lúc Bạch Yến từ Mỹ trở về sau hơn 10 năm xa cách, thì Lam Phương đã lập gia đình với kịch sĩ Túy Hồng rồi. Vậy còn níu chân Bạch Yến ở lại làm gì nữa! Thôi thì cứ giữ mối quan hệ trong sáng từ thuở nhỏ, chẳng đẹp hơn hay sao!

Anh đã từng hãnh diện viết cho duyên vợ chồng của anh với Túy Hồng bài Ngày Hạnh Phúc chan hòa tình yêu:
“Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền
Đêm về nghe con khóc vui triền miên…”
(Ngày Hạnh Phúc)

Bài hát này đã trở thành ca khúc tiêu biểu được hát trong bất cứ đám cưới nào ở Việt Nam. Đó cũng là một thành công lớn mà chính Lam Phương không ngờ tới.

Nhắc đến Bạch Yến, tôi nhớ có lần tôi được mời làm MC cho show Lam Phương ở San Jose, cách đây hơn 10 năm. Hôm ấy có Bạch Yến từ Paris qua. Chị lên sân khấu không hát mà chỉ kể chuyện cũ về anh Lam Phương. Chị nói rất khéo, rất duyên và nhất là không hề cho khán giả biết Lam Phương đã từng say mê mình và viết bao nhiêu bản nhạc cho mình. Chị chỉ nhận là người quen của Lam Phương từ thuở mới lớn mà thôi! Tôi rất nể Bạch Yến ở điểm đó, khác hẳn với nhiều bà, nhiều cô cứ tự nhận là người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi đã gặp ít nhất ba bà cùng nói với tôi một câu:

– Trịnh Công Sơn viết bài Biển Nhớ để tiễn tôi đi xa!
Chờ em chờ đến bao giờ
mấy thu thuyền đã xa bờ
nhiều đêm cô đơn nhìn cây trút lá
buồn quá cơn mưa hắt hiu
đưa hồn về trong cô liêu
Tình anh lạc chốn mê rồi
nhớ chăng người cũng đi rồi
ngày vui mang theo một cơn gió lốc
lệ thắm không vơi cứ tuôn
ai còn nhớ đâu mà thương
Thôi em ra đi về nơi xứ xa
Đêm Đông cô đơn buồn cho kiếp không nhà
lạnh giá rét buốt đời bạc phước không chồng
chỉ còn lại nhớ mong
Mười năm trời chẳng thương mình
để anh thành kẻ bạc tình
cầu xin xin cho mây về vui với gió
dù có qua bao đắng cay
muôn đời anh vẫn chờ em







No comments: