Tuesday, October 8, 2019

COI CHỪNG TU HÚ


Coi chừng Tu hú.
 


Chim Tu hú là loài chim không ấp trứng, và cũng không nuôi con. Loài chim này chỉ đẻ trứng vào tổ chim khác. Ở Việt Nam tu hú thường đẻ vào tổ Sáo sậu rồi mặc kệ cho Sáo sậu ấp trứng nở và nuôi hộ con mình. Lý do đơn giản khiến Tu hú không gửi trứng vào tổ loài chim khác mà chỉ làm khổ Sáo sậu là vì Tu hú rất giống Sáo sậu, chỉ khác nhau ở tiếng hót (mà quả trứng thì không biết hót). Khi trứng nở thành chim con rồi lớn lên và biết hót thì lúc đó Sáo sậu mới biết không phải là con mình. Thế nhưng khi đó thì mọi sự đã muộn.


Tu hú có tên tiếng Anh là Asian Koel, còn tên Khoa học là Eudynamys scolopaceus, thuộc họ Cucu (Cuculidae) được tìm thấy ở Nam Á, Tàu, và Đông Nam Á. Từ "Koel" có gốc từ tiếng Hindi, còn gốc tiếng Phạn là "Kokila" (theo văn chương Phạn vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên loài chim này được gọi là Anya-Vapa có nghĩa là "lớn nhờ người khác nuôi"). Đặc điểm của loài Tu hú là loài đẻ nhờ (không bao giờ làm tổ mà chỉ tìm các tổ chim khác để đẻ). Vì vậy chim Tu hú non được các loài chim khác nuôi dẫn đến nhiều trường hợp chim con lớn gấp nhiều lần chim cha mẹ nuôi). Khi đẻ, Tu hú chỉ đẻ một trứng duy nhất của nó trong tổ của nhiều loài chim khác nhau, kể cả tổ của các loài chim nhỏ. Thường con Tu hú trống có nhiệm vụ bay vờn quanh tổ để thu hút sự chú ý của chim chủ nhà, và cố tình dụ cho chim chủ nhà bay ra khỏi tổ đuổi mình (để bảo vệ trứng) nhằm đánh lạc hướng cho Tu hú mái có cơ hội đẻ một quả trứng của mình vào tổ. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy sau khi chim chủ của tổ chim đẻ trứng đầu tiên được một ngày rưỡi thì Tu hú tìm cách đẻ trứng vào đó. Trứng Tu hú thường nở trước 2, 3 ngày so với trứng của chim chủ nhà, nhưng để bảo đảm trứng của mình được chăm sóc, Tu hú mái ác độc thường ăn trứng hoặc làm hư hại trứng của chim chủ nhà, rồi mới đẻ trứng của mình vào. Chim Tu hú Á châu là loài ăn tạp, chúng ăn tất cả các loại côn trùng, sâu bướm, trứng, và các động vật có xương sống nhỏ, cũng như ăn cả trái cây.


No comments: