Thursday, October 17, 2019

NGƯỜI XƯA (AN SƠN)


NGƯỜI  XƯA
Truyện ngắn

     Tôi chạy trốn cái nắng nóng khắc nghiệt chưa từng có của mùa hè ở quê nhà, những buổi trưa khi nhiệt độ tăng từ 37 độ trở lên là đầu tôi nhức như búa bổ, di chứng của những cơn sốc và sự chịu đựng khổ đau trong quá khứ đã làm thần kinh tôi suy nhược trầm trọng . Biết sức khỏe còn lại của mình nên từ lâu tôi cố giữ cho đầu óc thanh thản, cố né tránh những xích mích với xung quanh và thời tiết khắc nghiệt

     Và tôi quyết định lên Đà Lạt một thời gian để trốn nóng, để hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp hiếm hoi trong đời xem như tìm liều thuốc bổ dưỡng tinh thần.

     Trái ngược hẳn với quê nhà nắng đổ lửa thì ở đây đã ba ngày trôi qua, những cơn mưa phùn rả rích cứ kéo dài trên thành phố ngàn hoa vốn đã lạnh càng lạnh thêm, mưa cầm chân lữ khách, mưa cô đọng tâm hồn. Hằng ngày nhìn qua ô cửa kính, hình ảnh trên cao là rừng thông trầm mặc trong mưa, dưới thung lũng là những mái nhà im lìm tĩnh lặng, trên bàn luôn là đóa hồng tươi thắm cái màu đặc trưng của hoa Đà Lạt, hương vị ly cà phê nóng đầu ngày thật thú vị… tôi liên tưởng đến cuộc đời và cuộc tình mình rồi ước gì có anh bên cạnh …

                                                  ***

     Ngày đó anh là cậu học trò trung học, tôi và anh đều học chung trường nhưng khác buổi vì tôi học sau anh một lớp, đường anh đến trường đi ngang qua nhà tôi, dáng anh đi qua mỗi ngày thành hình ảnh quen thuộc dễ thương cho cô bé mới lớn là tôi, tôi thích nhìn đến nỗi ngày chủ nhật không có bóng anh là thấy nhớ, nhưng làm sao tiếp cận với anh khi biết mình là cô bé nhát hít và chịu sự giáo dục nho học nghiêm khắc của gia đình.
       Nhân dịp nhà trường tổ chức cắm trại cuối năm để chia tay về ăn tết nguyên đán 1975 tôi có dịp quan sát anh kỹ hơn,  hình ảnh anh đứng trên sân khấu hát bài hát Chiều qua Tuy Hòa của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã làm tôi mê mẩn , chút rung cảm nhẹ nhàng mỗi ngày thêm rõ rệt chưa tròn năm thì thời thế đổi thay.  Anh biến mất khỏi thành phố . Tôi ngơ ngẩn trong tuyệt vọng

     Tôi tiếp tục tuổi học trò thêm vài năm sau, học chuyên nghiệp rồi lấy chồng, cái thiếu thốn của thời bao cấp làm cho người ta thực dụng với áo cơm, và mình cũng không ngoại lệ, cố quên những điều không thực tế cho cuộc sống đầy khó khăn
     Rồi một ngày đầu mùa hè như là ngày định mệnh,  trong ngẫu nhiên của cuộc đời, tôi gặp lại anh, dù anh gầy và già đi nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra con người và tính cách xa xăm trầm tĩnh ấy, tôi không kiềm chế được, buột miệng hỏi

   - Hình như trước 1975 anh học Nguyễn Huệ ?
   - Đúng rồi, cô biết tôi từ hồi đó à ?
      Tôi bẽng lẽng giấu ánh mắt mình rồi nói
   - Có phải năm học 74 – 75 anh học buổi …
   - Cũng đúng luôn, cho tôi hỏi thật, hồi đó tôi có tán tỉnh hay làm phiền điều gì cho cô không ?
   - Dạ không
   - Vậy thì tôi yên tâm
...
     Chia tay anh tôi trở về với đêm mất ngủ, lòng buồn vì cuộc hội ngộ quá bất ngờ và nhạt nhẽo như nước ốc, anh vẫn như ngày xưa vẫn luôn đi tới không để ý gì xung quanh như một sự vô tình cố hữu, anh đâu biết sự vô tình đó đã làm nên “ nỗi buồn con gái ”  ngày ấy của tôi  và“ nỗi buồn thiếu phụ ” bây giờ . Những giọt nước mắt âm ỉ rơi trong đêm khuya không biết trách mình vô duyên hay trách người hờ hững

     Tôi cố quên anh như đã cố quên từ hơn bốn mươi năm trước, nhưng định mệnh chưa buông tha, vài tháng sau đó vào buổi chiều cuối hè, cô bạn mới quen trong câu lạc bộ thơ tôi sinh hoạt gọi điện mời cà phê ở một quán lớn trên bờ biển, dù tôi chối từ nhưng cô ấy tha thiết, nghĩ tình bạn ở xa lâu lâu về thành phố nên  miễn cưỡng nhận lời . Thật không ngờ, gặp lại anh, nhưng anh không nhớ  rõ tôi, nên tôi phải gợi lại , anh thành thật xin lỗi, anh vẫn thế vừa vô tình vừa nồng ấm ! Tôi buồn muốn khóc, tự hỏi lòng hay là kiếp trước mình nợ anh chăng ! Cũng từ đây tôi biết anh là nhà thơ thuộc hội Văn học nghệ thuật tỉnh vừa đạt giải cuộc  thi viết với cô bạn gọi mình. Bãi biển càng về chiều càng đông người hóng mát,  gió nồm nhẹ đẩy từng con sóng nhỏ làm thành hoa biển lăn tăn chạy vào bờ trong màu nắng nhạt dần mang theo vị mặn và mùi biển,một không gian thật yên bình, anh hồn nhiên tiếp chuyện bạn, thỉnh thoảng mới hỏi tôi vài câu xã giao không đủ xóa nỗi cô đơn và mong đợi trong tôi, mấy lần tôi xin về trước nhưng anh đều giữ  lại, tôi cảm giác lời anh đắng như cà phê, cái đắng làm cho người ta ghiền .

     Không biết anh vô tình hay cố ý mà làm người sau cùng ra khỏi quán một cách chậm chạp, tôi đứng chờ anh và chủ động bắt chuyện trước bằng những câu chúc mừng anh đạt giải, thấy anh vui hơn tôi xin đọc vài câu thơ cho anh nghe  “ Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo / Có nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay / Làm học trò không sách vở cầm tay / Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ ”, anh đi chậm lại và nói :
    - Hình như em thích thơ Nguyên Sa
    - Dạ, nhưng những câu thơ vừa rồi là hình ảnh đẹp có thật của em từ ngày em mới lớn đó anh
    - Chắc là  hình ảnh của ông xã em ?
      Tôi thoáng buồn nhưng cố giữ bình tĩnh trả lời anh
    -  Dạ không
    - Vậy thời trẻ ông xã em làm công việc gì, ông bà có với nhau được mấy cháu, bây giờ anh ấy còn làm việc không ….?
    - Dạ, buồn lắm anh ơi, nhưng đừng nói chuyện ấy trong thời gian hiếm hoi này
    - Xin chân thành xin lỗi em, tôi vô tình quá
     Tôi thoáng nghĩ, anh đã vô tình bao nhiêu năm rồi, và hướng mạch chuyện sang một ý khác :
    - Sắp tới ngày giỗ của ba em, người là bóng mát lớn nhất của đời em, em có cảm tác vài câu thơ nói lên tâm tình tạ ơn của mình, nhưng thấy còn dở ẹt, nay gặp anh, em càng thiếu tự tin hơn nữa
     Anh đứng lại, châm điếu thuốc rít một hơi dài rồi từ tốn trả lời :
    - Hồn thơ  chủ yếu là ở cái tâm người viết, người ta gọi là tâm thi, còn chuyện bài thơ hay hoặc dở là vô cùng, những bài thơ được đăng báo chưa chắc đã tồn tại trong lòng người hoặc sống lâu theo thời gian, ngược lại những bài thơ bị loại bỏ chưa chắc là bài thơ dở, nhưng thôi, nói chuyện đó nhiều dễ rơi vào nguy hiểm . Nếu em thích thơ hoặc ba mình thích thơ thì cứ viết bằng sự rung động của trái tim mình, đừng so sánh với thiên hạ

     Tự dưng tôi thấy gần anh hơn, thực ra anh không vô tình như tôi nghĩ, từ việc anh đứng lại đến những lời nói chân tình như đã truyền sang cho tôi làn hơi ấm tình người, tôi tự tin hơn và mạnh dạn đề xuất
     - Hay là anh cho em xin địa chỉ email để em gởi bản thảo qua rồi nhờ anh chỉnh sửa những vụng về cho em
     - Thực ra sửa thơ người khác không phải là chuyện đơn giản nếu không nói là lố bịch, hơn nữa em là gou Nguyên Sa mà , không khéo anh thành người múa rìu qua mắt thợ. Nhưng anh cho em địa chỉ emai và nói lên cảm xúc của mình sau khi đọc xong, nhớ chỉ là cảm xúc thôi nha
      Tôi giật mình và vội vàng đính chính
     - Em không được như anh nghĩ đâu, tuổi học trò thời ấy ai mà không biết vài bài thơ Nguyên Sa, ai không biết Ngày xưa Hoàng Thị, nhưng đâu phải vậy là làm được thơ hay, anh đề cao em làm em xấu hổ quá
     - Thôi được, em cứ gởi qua, tôi sẽ làm đúng lời hứa
     Mấy ngày sau anh gọi điện mời tôi cà phê, tôi rất ngạc nhiên,anh và cô bạn tôi hai người về từ hai trái núi cách thành phố hơn năm mươi cây số mà họ rất rành cà phê Tuy Hòa, quán này tôi đến lần đầu tiên, tên quán rất ấn tượng “ Dương cầm “, bỗng dưng tôi nhớ lại hình ảnh anh trên sân khấu trong đêm trại năm xưa, buổi chiều xuống thật nhẹ nhàng. Anh không nói chuyện bài thơ mà bày tỏ sự chia sẻ hoàn cảnh một quãng đời bất hạnh của tôi từ nội dung bài thơ ấy
    - Anh không nói nhiều về bài thơ, bởi hai câu đầu tiên  “ Thương con gãy gánh giữa đường / Mồ hôi ba đổ nên vườn cây xanh” đã nói lên phận người rồi, người cha nuôi con gái lớn gả chồng, chồng chết tiếp tục nuôi con và cháu ngoại. ! hai mảnh đời như những thước phim buồn trong cuộc nhân sinh không ngắn chẳng dài này . Người ta nói chia niềm vui, vui sẽ nhân đôi, chia nỗi buồn, buồn còn một nừa, anh chân thành chia sẻ tâm trạng của em, thực ra đời anh cũng chẳng suông sẻ gì, nhưng anh tâm đắc với quan niệm :  khi thượng đế đóng cánh cửa này thì sẽ mở cánh cửa kia và loài người luôn đi tìm…

      Giọng anh nói ấm áp, chậm rải và đều, anh dùng từ  “anh ” thay cho từ “ tôi”  thật tình cảm, thỉnh thoảng nhìn vào đôi mắt sâu của anh tôi thấy mình như bị mê hoặc, anh xin phép hỏi thăm về chặng đời đã qua của tôi
     - Vậy cuộc sống vợ chồng của em được bao nhiêu năm và sinh được mấy cháu?
     - Dạ hơn mười năm,  anh ấy mất đến nay cũng hơn hai mươi năm rồi, anh ra đi để lại ba con nhỏ đều là con gái, đứa lớn nhất học lớp 5, đứa giữa học lớp 3 và đứa út 5 tuổi
     - Lúc đó em làm công việc gì để nuôi con ?
     - Em là giáo viên cấp I, ngoài giờ đi dạy về nhà phải  làm nhiều việc khác nữa, như dạy kèm, trồng hoa và đúc chậu cây cảnh, nói chung là dạy học và làm vườn
     - Chuyện học hành của các cháu ra sao ?
     - Trời nuôi anh ơi, lần hồi các con đều tốt nghiệp đại học, bây giờ nhìn lại chặng đường ấy vẫn còn hãi hùng
     - Và bây giờ ?
     - Dạ, các con đều lập gia đình, công việc và đời sống ổn định . Bản thân em cũng về hưu 5 năm rồi . Hơn 20 năm em thu mình vào ốc đảo vì con, không cần biết cuộc đời đã tiến bộ, bạn bè đã đi về phía trước như thế nào, không tiếc nuối nhan sắc hao gầy đến bao nhiêu . Bây giờ mới bắt đầu những bước đầu tiên bước ra trời rộng
     - Anh rất cảm động và rất khâm phục, đàn bà quí ở tiết hạnh, em đã hy sinh tất cả bản thân mình cho con để còn lại tiết hạnh làm điều tự hào cho các con về người mẹ và cũng để em ngẩn đầu với suôi gia và con rể
       Càng nghe anh nói tôi thấy mình càng gần anh hơn và cần anh hơn

                                                 ***

       Câu lạc bộ thơ nơi tôi sinh hoạt tổ chức chuyến đi thăm hoàng cung của cố đô, tôi rạo rực với tâm trạng bước ra chân trời mới, mong mau tới ngày đi

       Ngày có mặt tại điểm tập trung chờ xe đến đón tôi giật thót tim khi thấy đứng cùng với nhiều người đã đến sớm, hỏi ra mới biết anh là bạn thân của 2 anh có vai trò quan trọng trong đoàn cùng rủ nhau kết hợp chuyến du lịch đặc biệt . Nỗi mừng có anh làm cho tôi khờ khạo không dám nói chuyện với anh

       Những ngày ở Huế anh thường nhờ tôi chụp hình cho anh và nói cho tôi biết những điều anh đã hiểu về cố đô này, anh nói cho tôi hiểu lịch sử làng Kim Long khi cả đoàn thăm khu nhà vườn cổ kính này, chỉ tôi nơi đứng chờ màu chiều rải tím trên dòng sông Hương, đưa tôi thăm gác Trịnh và  “ đường phượng bay ”trong ca khúc Mưa hồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đưa tôi về thăm thôn Vỹ Dạ và giải thích cho tôi hiểu câu thơ “ Lá trúc che ngang mặt chữ điền ” của Hàn Mạc Tử ... Gần anh tôi thấy như mình đang đọc nhiều trang sách mới

       Kỷ niệm lớn nhất trong chuyến đi ấy là khi vào thăm nơi lưu giữ các đồ dùng của vua, thấy anh đứng một mình chăm chú chiếc long bào của vua cùng với áo hoàng hậu treo trong tủ kính lớn, tôi cũng tách mọi người lại ngắm cùng anh, anh chỉ cho tôi những nét tài nghệ của nghệ nhân thời ấy, rồi anh chỉ vào hai chiếc áo và nói

       - Nếu một kiếp nào đó anh mặc chiếc áo này ( áo vua ) và em mặc áo này ( áo hoàng hậu ) thì hạnh phúc biết mấy
        Tôi vui run người và tự dưng nhớ 2 câu  thơ mình đã đọc đâu đó, vội trao anh ngay
       - Làm gì có kiếp sau mà đợi / Làm gì có trăm năm mà chờ
         Anh cười thật tươi nhìn tôi, trong ánh mắt rạng rỡ của anh tôi thấy có bóng mình

      Những ngày đầu tiên trở về nhà tự dung tôi thành người ngơ ngẩn, đêm về bóng dáng và giọng nói của anh cứ chập chờn và tôi tiên cảm : mình bắt đầu chuỗi ngày thương nhớ mới tiếp nối chuỗi nhớ ngày xưa

 Đà Lạt ngày 5 / 9 / 2019

An Sơn


No comments: