KHOE BẠN
(Truyện ngắn)
Ý Nga
Thúy đau tai và nhức cả đầu với Bà
nọ khoe mãi ông… chồng:
-Tài cao, đức trọng, làm giàu không ai
bằng, và… sợ tôi nhất nhà.
Tưởng Việt Cộng sợ bà thì mới oai chứ
hay ho gì mà bà đem ra quảng cáo một ông-chồng-sợ-vợ. Đã vậy, bà còn được ông
Kim tiếp lời, giả dối khoe… bà vợ theo kiểu XHCN (Xạo Hết Chỗ
Nói) oang oang cả phòng, rằng:
-Trên đời này vợ tôi là ngoan nhất,
hiền nhất, đảm đang nhất. Gia đình tôi, ai cũng thương vợ tôi hơn cả bầy con
ruột rà vì vợ tôi giỏi nức tiếng thiên hạ, Mẹ của tôi xem cô con dâu như… thiên
thần, còn các chị em của tôi ai cũng sợ vợ tôi lắm!
Chuyện khoe chồng, khoe vợ không dừng
lại ở đó, đã có “thiên thần” Lém đổi đề tài sang khoe… con:
-Mấy đứa con tui không đứa nào chịu lập
gia đình với người mình là vậy! Chúng nó ra kỹ sư, bác sĩ và làm lương rất cao
mà nhìn… xuống những gia đình Việt cứ khoe vợ, khoe chồng suốt
ngày thế này chúng cũng ngán ngẫm: “Quá thấp!”. Tụi nó chỉ muốn lấy người
Canadian ngang ngửa tiền tài và chức tước với tụi nó thì mới xứng. Lấy nhau
xong, việc gì cũng chia đôi cho công bằng, không ai được quyền bắt nạt ai làm
dâu, làm rể chi cả. Chúng nói rồi, cưới xong là sẽ dọn đi tỉnh bang xa, không
gần gia đình hai bên, để chẳng bên chồng hay bên vợ của ai được quyền ức hiếp
người cô thế…
❉
Bây giờ là đầu tháng Năm!
Vừa xong bổn phận phụ giúp anh em làm
báo Tưởng Niệm Tháng Tư, Thúy có cả hàng tấn công việc phải làm mà tự nhiên
khách-không-mời ở đâu kéo đến cả chục người, ngồi cà kê dê ngỗng toàn những
chuyện vô bổ, làm Thúy mất gần nửa ngày quý báu. Rõ phiền cho những kẻ nhiều
chuyện này!
Họ là những kẻ chưa bao giờ bỏ ra được 5
phút để giúp đỡ Cộng Đồng hay bất cứ ai không đem lại lợi lộc cho họ. Chẳng
những thế, họ còn là những kẻ “áo gấm về làng” để khoe của và ăn chơi
hàng năm, rồi trở lại trú quốc, họ chỉ vẽ cho nhau cách hay nhất, ít
tốn kém nhất, để bắt đồng bào nghèo khổ nhất trong nước cung
phụng cho họ thế nào là tuyệt vời nhất. Ai cũng là những kẻ chẳng ra làm
sao nhất, đi đến đâu thiên hạ cũng ghê tởm như đuổi bọn VC nằm vùng mà không
biết nhục. Mỗi một người này là một sự ích kỷ lồ lộ ra ngoài không cần che
giấu, lấy đâu ra được những vợ, những chồng, những con cái toàn “thiên
thần” thế kia? Không hiểu sao những con người này có thể “mở khúc ruột
ngàn dặm” ra một cách dễ dàng chỉ để khoe toàn chuyện… giả tưởng không
bao giờ có như thế được? Làm sao mà họ có thể đem “quỷ thần” của họ ra khoe mà
không biết ngượng miệng chút nào?
Xua được những… “thiên thần phụ huynh”
ra khỏi nhà, Thúy thật sự chỉ muốn… thiền thân một giấc cho tỉnh
người để tiếp tục công việc bề bộn, nhưng còn Hằng, một người bạn văn chương
đang ngồi chờ, nên Thúy phải trở lại vấn đề bạn đang tâm sự (trước khi “quỷ
thần” đến).
Thủy Hằng bực bội:
-Họ đúng là quỷ thần chứ thiên thần gì! Mình trở lại vấn đề có nên gác bút
không đây? Anh ấy chửi muốn tắt bếp luôn rồi!”
Thúy cười:
-Sao? Những “thiên thần” kia khoe vợ
chồng con cái, còn nàng thì định nói xấu chàng cho đã tức phải không?
Thủy Hằng phân bua:
-Mình đang tâm sự với bạn, chứ có người
thứ ba nào biết đâu mà nói xấu? Mình buồn và ấm ức quá mà không biết tìm ai tâm
sự cho vơi?
Thúy vỗ vai bạn và khuyên:
-Bồ tèo cứ viết, dù… bếp bị tắt!
Bạn cười:
-Bộ Thúy định áp dụng lý thuyết đỏ trong
nước: cán bộ chống tham nhũng giàu hơn bọn tham nhũng sao?
Thúy cũng cười:
-Thơ văn đến mà không biết tiếp
đãi thì văn thơ sẽ đi ngay. Hằng lạnh nhạt thì ai cho Hằng ấm áp? Muốn trị… tắt
bếp rất dễ, xin mách bồ rằng, đừng chẻ củi chụm lò ba kiềng nữa! Hãy ngưng mua
sắm quần áo, nữ trang chừng vài lần là có thể mua được cái lò điện rồi, bếp tắt
thì cứ tách một cái là bật lên, lại được nóng đỏ ngay! Bảo đảm cơm không sống,
cá chẳng ươn, khoai không sượng! Mà Hằng nhớ đứng gần bếp mới tích tắc bật lên
kịp thời, chứ bàn phím chữ cứ gõ gõ, suy suy, nghĩ nghĩ trong phòng sách thì
cháy nhà luôn, nói chi chỉ… tắt bếp!
Bạn lại rù rì than vãn một hồi:
-Tại, bị, bởi, thì là…”
Thúy trêu:
-Vẫn bị la mắng tơi bời vì văn chương ư?
Có chi khó đâu nào! Nếu cô nàng có thể thái những lát thịt mỏng như tờ giấy thì
cũng có thể thái những lời mắng ấy ra mỏng dính trên tờ giấy, bằng những cây
viết chì đầu nhọn như kim, có nội dung chuyền tải những chất trụ sinh mạnh nhất
vào hồn của Cục Cưng nàng để trị chứng hung dữ mà. Nhưng “bày biện” xong thì
nhớ tẩy hết những lời không hay, những ý không thanh kẻo tanh tưởi văn thi đàn
hải ngoại nha (như Bạn thái thịt xong thì nhớ rửa thớt bằng sà bông, thuốc tầy
và nước sôi để khử trùng vậy!). Tâm sự khác với kể xấu! Nếu nàng biết
biến những cái xấu của chàng thành nét đẹp là cả một nghệ thuật của sự kiên
nhẫn đó nàng ạ!
Bạn còn nhớ món Chuối Chát Chua Ngọt
ngày Tết của người Quảng Nam không? Mình phải khứa trái chuối chát thành từng
lát mỏng mà không cho đứt ra khỏi trái, cũng không được để thâm đen: khứa đến
đâu phải nhanh tay ngâm vào nước muối hòa chanh đến đó, sao cho khi hoàn tất
thì trái chuối vẫn trắng trẻo đẹp đẽ như da nàng ở tuổi xuân thì, rồi đem ngâm
vào dấm chua chua (như lời “anh ấy” thường la bạn) ngâm nhiều gừng cay thật cay
(gừng trị ông “Xã”, ông Quận, ông Tỉnh nào thường cằn nhằn rất hay và trị say
rượu cũng tuyệt). Nhớ là phải thêm vào đường cát trắng ngòn ngọt (y như lúc
Người Ta mới theo tán tỉnh bạn). Món ăn này tuyệt vời ở chỗ vẫn giữ được vị
chan chát cố hữu của cái tên chuối chát đã mang (như những lỗi lầm sơ hở bạn đã
tạo ra, cho Họ có cái cớ gây… gỗ, gây… sắt, gây… nhựa lung tung với bạn) nhưng
lại ngọt ngào, thơm thơm, chua chua vừa đủ cho các đấng mày râu đưa cay, hòa
vào vị đắng của men rượu, mà chỉ có thể say… say như lúc theo đuôi nàng nhưng
không thể say… sưa được. Có khó nhọc như thế thì lúc đem dĩa Chuối Chát Ngâm
Gừng ấy ra mời khách, nàng mới thấy hãnh diện tài nội trợ giỏi của phụ nữ VN
chứ! Phải không nào? Hãnh diện, như nhìn bài thơ ưng ý của nàng nằm khoe dáng
trên các trang báo của những người chủ bút khó tính nhất thế giới nhưng
lại biết trân trọng mọi sáng tác tâm đắc của các Cộng Tác Viên, hay
như chị Diễm Buồn: không bao giờ đòi hỏi bài phải mới hoặc bài phải độc quyền
cho tuyển tập in chung.
Hãnh diện, nếu Bạn biết sáng tác theo ý
nghĩa NGHỆ THUẬT VỊ NHÂN SINH, VĂN DĨ TẢI ĐẠO và biết đem cái xấu vào văn
chương mà trau chuốt thành nét đẹp để cảm hóa mọi người, tặng họ một chút suy
tư về
Chân, Thiện, Mỹ cho cuộc sống (không phải cứ khư khư cái kiểu
“rất tâm tư” của ông đại tướng “Lạ” VC trong nước nhé!)
❉
Hằng
lại thở than trường hợp của Nguyệt, một ngòi viết chống Cộng sâu sắc khác:
-Vì, rằng, tại, bởi…”
Thúy nghiêm chỉnh:
-Nguyệt lỡ về làm dâu một anh vũ phu
sao? Đang vừa làm thơ, vừa làm bếp vừa… bị đòn ư?
Sao mà Nguyệt khờ quá đi! Nguyệt
quên rằng mỗi người phụ nữ có cả kho vũ khí từng xử dụng qua một cách nhuần
nhuyễn khi làm chàng điêu đứng trước đây? (Ý Thúy nói là sự ngọt ngào hay nước
mắt ấm ức, như khi phải thái củ hành, chứ không phải cả một kho… dao lớn, nhỏ
đủ cỡ của đầu bếp đâu nhé. Những thứ ấy chỉ dùng để tự vệ khi quân trộm cướp
lẻn vào nhà thôi. Hãy tự vệ khi cần! Thúy nhấn mạnh: chỉ tự vệ
thôi nhé! Chiến tranh VN đã kéo dài quá nhiều năm vì bọn vô thần rồi, đừng đua
đòi theo VC, gây chiến lung tung mà có ngày tự chuốc họa vào thân đấy!).
Nguyệt nên học cách biết kháng
cự và biết tự bảo vệ khi ở thế yếu! Nếu không, sẽ bị “cai trị dài dài” như
VC đã cai trị dân ta mấy mươi năm qua.
Còn một cách hòa bình và êm đềm hơn nữa
nè: đem những cái vô lý của “Phu Quân họ Vũ” vào thơ mà xào, mà nấu, mà giã, mà
băm, mà ninh, mà luộc, mà chà bông… sao cho ra một mâm cao lương mỹ vị để mọi
“thằng... Chả, thằng... Lụa” ác nhơn, sát đức đều chẳng những biến thành một
“anh ấy hiền từ, đức độ” mà đọc xong là biết “thương vợ hơn thương… thân”
liền (cách thương cao hơn tên Kim lúc nãy cả trăm bậc).
Mà bạn nhắc giùm Nguyệt là khi viết xong
Nguyệt nhớ gửi cho Mình-của-Nguyệt đọc, khi Mình… kia đã nguôi cơn giận, chứ
“Lửa” đang bừng bừng mà "Mình… nọ" đổ thêm dầu vào, dù là dầu đậu
nành, đậu phộng hay dầu bắp, dừa, mè, hào của ta hoặc dầu ô liu, sà lách, hướng
dương, canola của Tây.v.v… thì cũng lại cháy nhà lần thứ hai ngay đó. Xin chừa!
Nhớ chửa? Vả lại, hắn dám đánh “con gái Quảng Nam” thì tay hắn cũng đau điếng
rồi. Tội nghiệp! Đau rứa thì “lòm reng mòa” (làm sao mà) cầm nỗi trang thơ của
Nguyệt, “núa chi lòa” (nói chi là) đọc?
Hằng tức tối:
-Thấy Nguyệt bị đổ máu vì hắn hoài mà
Hằng thương quá đi!
Thúy lạc quan:
-Chèn đét ơi! Tại sao sau 1975,
tay VC nhuộm biết bao nhiêu máu thân nhân của Nguyệt, Nguyệt đơn thân cô lẻ, từ
một nữ sinh khuê các đã tập tành bán buôn chợ trời mà dư cách đối phó để đưa cả
gia đình vượt thoát tìm được tự do, rồi còn bảo lãnh cả nhà sang đây, mà
bây giờ bị đổ chỉ có vài giọt máu, Nguyệt lại không biết cách nhõng nhẽo, phản
đối hay tự vệ? Có khó gì nè? Nếu cần thì nhắc Nguyệt lựa cái dĩa nứt hay cái
chén… mẻ nào gai mắt nhất mang đập… xuống đất cho bể tan tành, để đánh thức cái
lương-tâm-toàn-răng-giả hổng biết cắn rứt của Gã (hổng phải chén… me, chén… mè
hay chén… kiểu nha! Me để dành nấu canh chua, mè để dành ăn chay, bỏ uổng lắm!
Bao nhiêu là người đói ở Phi Châu phải làm bánh bằng bùn cho
con nít ăn tưởng tượng đó Hằng ạ, đừng phung phí của “giời”). Dẫu biết
rằng khi Tên Đó đánh Nguyệt thì đã đánh trên khuôn mặt mỹ miều không một chút
xót thương, nhưng Nguyệt nên mở lượng từ bi: chỉ nên đập chén dĩa xuống đất chứ
đừng giận quá mất khôn mà nhè cái đầu dễ thương của Anh Ấy đập thì chút nữa làm
hòa, Nguyệt muốn hôn lên cái đầu họ Vũ ấy một cái cũng hỏng việc đấy! Còn gì
lãng mạn hay tình tứ nữa khi vợ hôn lên mấy… trăm miếng băng keo, dán chình ình
trên vết-thương-xúc-phạm của chồng chứ?
Hằng trêu khích thêm:
-Còn nếu Nguyệt tiếc của vì nhà không có
chén, dĩa mẻ mà toàn đồ quý không thì sao?
-Thì vận hết nội công đệ lục đẳng huyền
đai Aikido ra, lấy cái thớt mà… phang xuống… đất, phang sao cho phát ra được
thứ âm thanh, lớn hơn tiếng “bốp bốp” trên mặt Nguyệt mà “Ổng” đã trổ tài
trước. Tiếc của thì lựa thớt nhựa cho… giàu sang mãi mãi! Tôi thành thật khuyên
Nguyệt đừng ném dao nghe, dao ném trúng mấy viên đá hoa cương của Ý (Italy)
không chừng nó sẽ dội ngược về… khổ chủ thì… chủ sẽ… khổ thật với
cảnh máu đổ, thịt rơi một cách “dô dziên” thêm. (bị tát mấy cái như trời giáng
mà thịt còn chưa rơi, chứ dao đi sai đường thì từng học võ, Nguyệt dư biết
“chiện” gì sẽ xảy ra rồi, phải hông nè?). Sợ gì "ông nội" đai
đen Nhu Đạo ấy khi mà Nguyệt có thể dùng thơ Đạo, văn
Nhu để cảm hóa được? Đạo, Nhu và Nhẫn thường thắng được Ác và
Cương dễ dàng lắm mà! Không phải sao? Học võ thuật để tự vệ chứ
ai lại đem về đánh… vợ bao giờ, mà ông đã đánh vợ thì cũng nên bị bà
“đánh” lại kiểu đó một lần cho ông thấm thía mùi đời :)
Hằng chuyển đề tài:
-Còn đang ngủ mà bị văn chương gọi dậy
hoài, phải làm sao chứ mất ngủ mệt quá Thúy ơi?
Thúy mím môi, liếc Thủy Hằng:
-Mừng lắm đó bồ! Chính những gì tự nhiên
như thế mới có… hồn (ma quỷ cũng chỉ hiện vào giờ “âm” kia mà). :) Hù bồ chút cho vui chứ mình
biết bồ chả sợ ai bao giờ. Thơ Thủy Hằng chém VC mình càng đọc càng mê! Mình
chỉ dám đứng đằng xa mà đọc lén thôi chứ dễ gì được bồ gửi vào hộp thư cho đọc
mà ham! Mình thấy bồ bi quan nhiều chuyện thế không tốt đâu. Trời cho bồ được
kết duyên với Nàng Thơ, Chàng Văn là bồ có phước lớn lắm đó. Sá gì chuyện nửa
đêm nàng thơ âu yếm gọi bồ dậy vòi vĩnh "rót cho nàng một ly nước"
chứ! Bồ nên vui vẻ uống một ly nước ấm với mật ong và chanh, rồi ngồi vào bàn,
viết một mạch; không cần chấm, phẩy, xuống hàng chi cả. Viết cho cạn ý đi! Đánh
máy hay viết tay cũng được. Cái thú viết tay bằng bút chì để có thể gom gom,
đổi ý, thay lời cũng thích lắm đó, nhưng chịu khó viết cho rõ ràng kẻo tí nữa
gõ bàn phím, đôi mắt sẽ mắng cái trí nhớ kém cỏi của tuổi 40 thì tiếc lắm! Chứ
bồ cứ chờ ngủ một giấc 12 tiếng, dậy, diện áo dài; điểm tâm xoài, ổi, cam, khế
cho ê răng rồi mới viết thì văn chương bay đi mất tiêu rồi.
Lạc quan lên chứ! Việc gì mang
lại lợi ích cho nhân sinh cũng có giá phải trả của nó.
Hằng nhéo Thúy một cái rõ đau:
-Ở đó mà tiểu thư như Thúy. Hà nó vừa
cho cháu nội ăn, vừa viết đó. Bài SỮA MẸ RẤT QUÝ của Hà viết nhân dịp giúp con
gái sau khi sanh nở hay quá chừng là nhờ thế. Còn anh Minh ở Quebec kể là:
-“Vừa canh cơn sốt cho cháu ngoại vừa
viết mệt quá, trong khi vợ tui ngủ như chết”
Thúy hỏi:
-Nếu anh Minh không giúp vợ, để vợ cáng
đáng một mình lo cho đàn cháu đông thế thì quá bất công cho chị Minh. Bộ chị ấy
“mình đồng, da sắt” chi mà không biết mệt chứ? Ngược lại anh Minh phải cám ơn
vợ, vì nhờ kinh nghiệm cực khổ thế mà bài ngũ ngôn vinh danh tình Mẹ của anh
Minh mới được nhạc sĩ T. phổ nhạc. Có nuôi con, cháu, chắt, chít mới
biết thương cha mẹ và thương vợ của mình.
Chuyện Hà nuôi một đàn con dại khi chồng
bị VC giam vào tù, đưa ra Bắc mà vẫn bương chãi nuôi con, thăm nuôi
chồng đều đặn. Chạy được sang xứ tự do, lại vừa đi làm, vừa đi học, vừa nuôi
con. Con lớn lại nuôi tiếp đàn cháu một cách cần cù, siêng năng và tận tâm. Hà
quả là một vị “thánh” trong nhà. Chúng tôi là người dưng mà còn tình nguyện đưa
đón tụi nhỏ trong mỗi kỳ sinh hoạt Hướng Đạo cuối tuần vì thấy Hà cứ quay mòng
mòng tất bật từ hồ bơi, đến phòng học võ, lớp dạy nhạc, "cua" luyện
thi, sân chơi bóng rổ, rồi tất bật chợ búa, cơm nước.v.v. để giúp đàn con cháu
thấy mà thương!
Hằng đay nghiến:
-Còn "cha nội, cha ngoại" Hắc
Ám ở Vancouver mỗi lần gặp Hằng là mỗi lần trách móc vợ:
“Vợ tui không cho tui có thì giờ viết
lách!”.
Thử hỏi, không thể cảm thông và chia sẻ
với những gì gần gũi chung quanh thì thơ văn gì “cha nội” này sẽ viết ra? Để
làm gì? Nụ Nhân Ái mới kết Hoa Yêu Thương chứ ái tình vớ vẩn
để tán gái trên mạng, trong khi vợ con, cháu chắt, đồng bào cần đến sự giúp đỡ
và lên tiếng mà làm lơ thì cái gì sẽ đâm chồi trên những trang giấy bạc bẽo vô
tình ấy? Hắc Ám chuyên môn làm một bài thơ tình rồi gửi cho nhiều bà, ai ngờ
trùng hợp vào mấy bà đều là thành viên trên cùng một diễn đàn. “Họa vô đơn chí”
hơn nữa, là trong cùng một ngày, mấy bà cùng đem khoe chung một bài thơ vào
diễn đàn này, thế là cãi nhau ỏm tỏi, ỏm… hành chỉ để giành một người đàn ông
đã có vợ, con, cháu, chắt, bồ… nhí, bồ… nhi, bồ… nhì, bồ tam, bồ lục... loạn xà
ngầu từ mấy chục năm nay.
Thúy tán đồng:
-Hằng nói đúng! Mình chả bao giờ đọc thơ
văn của những kẻ đem sách về VN in và lạy lục Vi Xi cho ra… mắt và ra… chân tay
khoe mẻ như “cha nội, cha ngoại” của Hằng đâu.
Hằng trợn mắt:
-Đính chính ngay nha: mắc mớ gì mà “cha
nội, cha ngoại” của mình chứ? Hắn xếp vào hàng cháu chắt của mình, mình còn
mang nhục lây chứ nói chi là “cha, anh”!
Thúy nhắc kháy:
-Ừa! Hổng biết ai mới vừa phong chức
“cha, anh” cho “thằng chả, thằng nem” đây ta?
❉
Thế rồi trước khi ra về, Thủy Hằng ngậm
ngùi kết thúc câu chuyện:
-Hằng đã thấy những nhóm tự xưng là “Nhà
Văn To, Nhà Thơ Nhớn” thường tụm nhau lại trong mấy cái dạ-vũ-gây-quỹ khoe tài,
cùng tuyên bố hùng hồn là “sáng tác phi chính trị” rồi “mặc áo thụng” xì xụp
xưng tụng và vái lẫn nhau. “Em-thi-sỉ” nào cũng ăn mặc nghèo nàn thiếu vải,
lẳng lơ mồi chài các “anh nhạc sỉ” (cả hai SỈ này đều vác cái dấu
hỏi đỏ chói, to tướng của sỉ nhục). Trong khi “anh nhạc sỉ” nào cũng
veston lả lướt, lợi dụng sự “cung phụng miễn phí” của mấy “em thi sỉ” mà sơ múi
trên sàn nhảy. Bọn Viêt gian này vừa “phi” vừa “phê”, chẳng những chả ai tha
thiết đến chuyện VN đang rơi vào tay giặc Hán cả mà còn hùa nhau lên tiếng mạt
sát và chửi bới những người chống Cộng. Trông chúng lả lơi “anh anh, em em”
dưới cái lều-“văng”-bút mà nổi cả da gà. Đúng là QUỶ-dấu-hỏi gây
QUỸ-dấu-ngã kiếm tiền bỏ túi. Họ còn… hơn mấy “quỷ thần” vừa mới rời
khỏi nhà bồ nữa đấy Thúy ạ!
Thúy phản đối:
-Phải nói là chúng
còn… thua đám “quỷ thần” lúc nãy chứ Hằng! Mà nè: đã thiếu vải thì
mấy em lấy đâu ra vải dư may áo thụng? Hay ý Hằng muốn nói là “da thụng tuổi
60” phải không?
Hằng cười:
-Thua trong câu này cũng không sai!
Nhưng Việt gian thì chúng hơn hay thua nhau cũng làm ô danh Cộng Đồng Tỵ
Nạn cả mà thôi. Còn mấy nường kia da dẻ “dao, kéo” nát cả ra, chỗ nào
thụng cũng kéo căng lên hết rồi!
Thúy chọc quê:
-Thúy đã nói Hằng đừng đến những chỗ
thiên Cộng ấy mà Hằng không nghe. Đi làm chi rồi về tức giận? Thôi! Đừng khoe
“bạn bè” Hắc Ám nữa. Cứ cầm đũa bếp nấu những món ăn thật ngọt ngào mạch nha
cho chàng và cầm viết tiếp, để Thúy có người chia sẻ chuyện văn chương chống
Cộng nhé!
Ý
Nga
Canada,
13.5.2017
*Thi, nhạc “sỉ”, “văng” bút: cố ý viết
dấu hỏi và có “g” để biếm phường văn, thi nô. (Chữ SĨ đúng nghĩa phải là dấu
ngã, VĂN BÚT không có “g”)
No comments:
Post a Comment