Để thay lời tựa cho tuyển tập 80 “Ga Cuối Đường Tàu” trình làng vào tháng 4/2018, nhà văn Huy
Phương đã gởi đến bạn bè, độc giả bốn phương những lời tâm huyết:
“Nếu cuộc đời là những chuyến tàu thì cuối
cùng, chúng ta ai cũng có một nhà ga để xuống, có điều sớm hay trễ mà thôi. Và
đến một tuổi, một lúc nào đó, chúng ta phải nghĩ là đã đến lúc sắp xuống tàu.
Vì vậy tác phẩm này, hôm nay đến tay bạn đọc. được xem như là một nhà ga cuối,
cuộn chỉ thời gian đã kéo gần hết, quỹ thời gian chẳng còn được bao nhiêu!”
Tuyển tập 80 này ra đời,
khi anh Huy Phương vừa qua tuổi 80 và cũng vừa trải qua một cơn bệnh thập tử
nhất sinh. Một hôm tôi đến thăm anh tại bệnh viện Kaiser ở Irvine. Sau một cuộc
giải phẫu nhiều giờ, anh nằm bất động, nhưng khi mở mắt nhìn tôi, anh nở nửa nụ
cười, khoe là “tớ vừa mới từ cõi âm trở lại, cứ tưởng lần này là đi đứt rồi!” Tôi đùa “mái tóc trắng của anh vẫn bồng bềnh,
anh còn đẹp lão, sức mấy mà mấy bà cho anh đi, hơn nữa anh bỏ đi thì lấy ai
thay anh để viết tiếp tạp ghi đây!”Anh nhoẻn miệng cười méo mó.
Tuần sau đó, trước khi trở
lại Bắc Âu, tôi gọi thăm và chia tay anh. Anh cho biết đang tiếp tục điều trị
và tịnh dưỡng tại nhà. Nghe giọng nói, biết anh còn yếu, đang mệt lắm, nhưng
tôi không mấy lo âu, bởi tin chắc là một người khí khái, có nhiều nghị lực và
sống chí tình với bè bạn như anh, không dễ gì mà “đi đứt” được.
Hai tuần sau, khi đang ở
NaUy, thấy anh xuất hiện trên chương trình “Quê Nhà Quê Người” với cô cháu Ngọc Lan,
dù vóc dáng có hao gầy, nhưng thần thái và giọng nói vẫn phong độ như ngày nào.
Tôi mừng cho anh và cả cho tôi. Từ lâu, chúng tôi khá thân tình, xem nhau như
anh em.
Bẵng đi một thời gian, anh
bận rộn chuyện dọn nhà. Lâu nay vẫn ở nhà thuê, giờ nghe nói anh chị và vợ
chồng cô con gái mua được ngôi nhà khá mới, rộng rãi khang trang trong một khu
yên tĩnh. Được anh báo tin kèm theo địa chỉ mới, tôi mừng cho anh chị và hứa sẽ
ghé lại thăm và mừng “tân gia”. Nhưng rồi con Coronavirus đến nhanh hơn chiếc
xe Honda Accord đời 2003 cũ kỹ của tôi. Cả California có lệnh “mang khẩu trang
và giản cách xã hội.” Không đi đâu được, cả ngày phải ở trong nhà, quá ngột
ngạt với không khí dịch bệnh và chính trị rối ren của nước Mỹ, tôi rất thèm một
chút không khí yên ả ở xứ Bắc Âu, quê hương thứ hai của tôi, nên đã mua và đổi
vé máy bay đến mấy lần mà vẫn không về được. Bỗng một buổi trưa, nghe tiếng
điện thoại reo, đầu giây bên kia là giọng “rất Huế” của anh Võ Ý, người anh cả
của Phi Đoàn Bắc Đẩu ở Pleiku, từng bao vùng, gọi khu trục yểm trợ cho đơn vị
tôi trong suốt mùa Hè 1972 ngập đầy khói lửa. Anh cũng là bạn thân, cùng Khóa
17 VB với nhà văn Song Vũ, ông anh Trung đoàn trưởng nỗi danh
“thao lược, dễ thương” của chúng tôi ngày ấy:
– Moa và Huy
Phương đang ở quán “Huế Ơi” đây. Nhớ chạy ra liền nghe. Huy Phương muốn gặp
toa.
Một ý nghĩ thoáng qua trong
đầu: Tình trạng Covid dầu sôi lửa bỏng như thế này mà hai ông anh gốc Huế còn
dám đi tìm dư hương xứ Huế? Chưa kịp tìm ra câu trả lời thì nghe tiếng
anh Huy Phương:
– Ê! Nhớ chạy
ra gấp nghe! Lần này mà không gặp thì xem như không bao giờ còn gặp nữa đó!
Giọng nói trầm và yếu ớt
này, cho tôi biết không phải là đùa.Tôi hỏi lại:
– Ông anh nói
cái gì mà nghe “khẩn trương” quá vậy? Đã sợ Covid mà còn hẹn nhau ra quán.
– Covid mà
nhằm nhò gì. Moa bị ung thư tái phát, di căn rồi. Bác sĩ bó tay, bảo về nhà
nghỉ ngơi. Toa có nhớ cách nay mấy năm, toa có đến thăm moa ở Kaiser không, lần
ấy giải phẩu thành công, tưởng chết đi sống lại, nhưng không ngờ nó trở lại.
Thời gian của moa chỉ còn vài tháng, mà cũng có thể vài ngày nữa thôi!
Tôi thoáng lo âu và cảm
động, muốn chạy ra gặp anh ngay, nhưng vì phải trông hai đứa cháu ngoại nhỏ
đang học online, nên đành phải nói lời xin lỗi, mà trong lòng thấy ưu tư, áy
náy.
Không gặp nhau, nhưng anh
đã nhờ anh Võ Ý chuyển đến biếu tôi “Tuyển Tập Huy Phương”. Đọc lời đề tặng và cả
trong lời tựa “Gởi đến bạn như một lời chia tay”, lòng tôi chùng xuống, bâng
khuâng:
“Theo luật đời, ở tuổi
ngoài 80, chúng tôi đi vào những giai đoạn già yếu, bệnh tật, và mang theo một
chứng bệnh nan y, chắc cũng phải đến lúc xuống tàu, giã từ đời sống. Chúng tôi
không có của cải, tài sản gì để lại, ngoài “Huy Phương Tuyển Tập,”xin gởi đến
bằng hữu và bạn đọc như là một món quà chia tay.”
Mấy tuần sau, anh Võ Ý gọi
báo tin: anh Huy Phương giờ yếu lắm, và rủ tôi đi thăm cùng với anh và anh Phan
Nhật Nam. Anh sẽ ghé đón. Rất tiếc, khi ấy tôi đang ở trên nhà cô con gái út,
khá xa Little Saigon, nên chỉ nhờ anh Võ Ý chuyển lời thăm, và hẹn sẽ gặp anh
Huy Phương khi về lại Little Saigon.
Tuần trước, về lại nhà, tôi
cùng anh Trần Huy Bích đến thăm anh. Biết anh mệt và có một số bạn bè thân tình
thăm viếng, nên tôi gởi tin nhắn đến điện thoại của chị Huy Phương, xin chị
chọn một thời điểm thích hợp.
11 giờ 30 trưa hôm sau,
chúng tôi đến. Ngôi nhà của anh chị nằm trong một khu thật yên tĩnh ở thành phố
Anaheim. Tôi bấm chuông với một chút lo âu, chuẩn bị tâm trạng trước những tình
huống không vui, nhưng chị Huy Phương mở cửa đón chúng tôi với một nụ cười, vồn
vã, làm chúng tôi thấy tự nhiên hơn. Anh Huy Phương từ trong phòng bước ra, tay
phải chống một cây gậy. Vẫn mái tóc bạc trắng như tuyết bồng bềnh, với một nụ
cười thân thiện cố hữu, nhưng vóc dáng anh trông tiều tụy, nếu không nói là da
bọc lấy xương. Bắt tay anh, nở nụ cười, mà lòng dạ xốn xang, thấy thương và tội
nghiệp anh.
Tôi cảm động hơn khi anh
kéo tay bảo hai anh em tôi đến ngồi bên cạnh anh, chung cái ghế sofa để nói
chuyện cho vui, vì chẳng còn có nhiều dịp được ngồi bên nhau nữa. Anh cho biết
chẳng ăn gì, chỉ uống đúng 3 ly sữa mỗi ngày, cùng với mớ thuốc men do bệnh
viện cấp. Tôi và anh Bích nhắc lại vài kỷ niệm xưa, đặc biệt mấy lần gặp anh
chị tại Oslo- NaUy, khi anh chị sang đây thăm vợ chồng người bạn thân, là giáo
chức đồng nghiệp cùng anh dạy ở trường Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, trước
khi anh nhập ngũ. Tôi đùa, bảo lúc ấy ông thầy Lê Nghiêm Kính(*) đẹp trai, chắc
cũng từng làm khổ bao nhiêu cô học trò Quảng Trị. Mấy hôm nay có cô nào xin
phép bà chị đến thăm anh Huy Phương? Cả anh chị cùng cười.
Anh bình thản kể chuyện đã
chuẩn bị tất cả cho việc hậu sự. Đã viết cả Cáo Phó và dặn dò vợ con để anh ra
đi trong bình thản. Thấy anh vui, tôi bảo “Năm nay anh đã 84, thuộc hàng đại thọ rồi. Em
cũng chỉ mong sống đến như vậy là phúc đức trời cho rồi. Từng là lính chiến, bị
tù đày rồi vượt biển mà không chết, bây giờ sắp tuổi 80 em thấy được hưởng
bonus của ông trời, nên đã mãn nguyện lắm rồi. ” Anh Trần Huy Bích tiếp
lời: “Anh
em mình bây giờ đang xếp hàng, kẻ trước người sau. Mai mốt rồi cũng sớm gặp lại
nhau thôi.”
Tôi bỗng nhớ tới bài thơ
“Chúc Thư” của anh Huy Phương viết đã khá lâu, tôi rất tâm đắc:
(Bài thơ khá dài, xin trích
đoạn)
Tôi người lính già ở xa
tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.
Không phải chỉ chịu ơn người đã
chết
Tôi như còn mang món nợ nước non.
Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
Khi tôi chết ván hòm xin đậy
nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.
Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ
tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.
Anh là huynh trưởng của
tôi, sau khi tốt nghiệp Khóa 16 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, anh đã phục vụ
trong ngành Tâm Lý Chiến cho đến ngày phải tan hàng, vào tù theo vận nước.
Trong binh nghiệp, anh cầm bút nhiều hơn cầm súng. Tôi đã buông súng, nhưng anh
thì chưa hề buông bút. Anh là một trong những người lính chiến đấu bằng ngòi
bút cho đến giây phút cuối cùng, đã để lại cho đời, cho chiến hữu, bạn bè cùng
thế hệ con cháu những “chiến tích” rất đáng được trân trọng, tự hào, như
anh đã viết trong lời tưa cho Tuyển Tập cuối cùng:
Chúng tôi không có của cải,
tài sản gì để lại, ngoài “Huy Phương Tuyển Tập,”xin gởi đến bằng hữu và bạn đọc
như là một món quà chia tay.”
Khi nhận được tuyển tập “Ga Cuối Đường Tàu” và đọc những dòng tâm
tình của anh, tôi liên tưởng tới lời xưa của cụ Phan Bội Châu:
“Con chim sắp chết hót tiếng bi
thương,
Con người sắp chết nói lời tâm huyết”
Cụ Phan Bội Châu viết lời
này trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư năm 1903. Mãi ba mươi bảy năm sau (1940), Cụ
mới qua đời tại Bến Ngự trong cảnh bị giam lỏng.
Ông anh xứ Huế của tôi vừa
bị định mệnh lên án treo. Anh có được ân xá và diên trì sự sống một thời gian
dài như Cụ Phan? Trong viễn ảnh Phật giáo mà anh là một tín đồ, tiếng gọi về
ngay hay lệnh hoãn không nhất thiết là tốt hay xấu, chỉ là duyên nghiệp trong
luật tử sinh chung. Và việc ở hay đi nào có gì quan trọng, nếu người ta sống
xứng đáng và yêu thương tới giờ phút cuối cùng.
Tôi tin anh Huy Phương đã
quan niệm và hằng sống theo chí hướng ấy.
Thấy anh đã thấm mệt, chúng
tôi xin cáo từ. Anh kéo chúng tôi ngồi sát lại anh hơn, ôm vai hai chúng tôi,
bảo cô con gái chụp mấy tấm hình kỷ niệm. Thấy anh cố gắng nở nụ cười, chúng
tôi cũng cười theo. Anh viết tặng anh Trần Huy Bích tuyển tập cuối cùng của
anh. Nét chữ run run. Anh Bích nhận món quà với nhiều cảm xúc. Chúng tôi cám ơn
chị và cháu mà không biết chia sẻ một lời nào, ôm anh thật chặt trước khi bước
ra cửa, trong lòng lẫn lộn những nỗi niềm, khó tả.
(từ
trái:Gs Trần Huy Bích- Nv Huy Phuong – Tg PTAN)
Xin cầu chúc anh, dù ở hay đi,
vẫn luôn nở những nụ cười, thanh thản, mãn nguyện. Hẹn gặp lại anh ở sân ga
cuối đường tàu.
Phạm Tín An Ninh
(đầu tháng 5 năm 2021)
(*) Lê Nghiêm Kính là tên thật
của Nhà văn Huy Phương
No comments:
Post a Comment