Thursday, July 27, 2017

"AI ĐÔNG KHE" (Ngọc Lan)

Việt-Anh lẫn lộn nơi xứ người

Nếu những đứa bé lớn lên ở Mỹ có thể nói tiếng Việt một cách "thuần Việt" thì người lớn cũng có nên tập như thế? (Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)
Sổ tay phóng viên

WESTMINSTER, California (NV) – Lỡ phóng lao rồi thì đành nhắm mắt theo lao, tui mặc “áo giáp” (như một độc giả nào đó khuyên) viết thêm một chuyện có liên quan đến người mình – chuyện mà ngay cả khi ông “big boss” của tui gợi ý, tui hỏi lại “Vậy chứ theo ý chú thì nên như thế nào?”, ổng trả lời tỉnh bơ “Tôi không có ý gì hết. Cô mang điều đó hỏi độc giả, xem ý độc giả là nên như thế nào.”
Ra là, với sếp lớn, ý của độc giả mới là quan trọng, bởi độc giả là số đông, là 9 người vạn ý. Vậy thì ý của quý độc giả là như thế nào, về vấn đề tui sắp kể lể dưới đây, xin nêu ra cho mọi người cùng biết với.
Điều tui kể liên quan đến cách nói chuyện bằng tiếng Việt chen tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày của người mình ở bất kỳ mọi lúc mọi nơi, như kiểu tui vừa dùng chữ “big boss” trên kia.

Vấn đề này có lẽ không loại trừ ai hết, bởi sống trong xã hội loài người thì ai cũng phải nói chuyện, không nói ít thì nói nhiều, nhưng mà khi nói, giữa những người biết tiếng Việt với nhau, thì chỉ nên nói toàn bằng tiếng Việt, hay là nên cố gắng dặm thêm tiếng Mỹ vào càng nhiều càng tốt, như một cách “rèn luyện” ngôn ngữ người bản xứ?
Bàn về đề tài này, dĩ nhiên là mình không tính đến những người “mù” tiếng Anh, mà chỉ xoay quanh những người nói tiếng Anh như tiếng Mỹ, ý quên, nói tiếng Anh như tiếng Việt, hay cũng lắp bắp được vài câu tiếng Mỹ lấy le với đời.
-“Cô ơi, tôi muốn khám bệnh. – Bác mới tới đây lần đầu hả bác? – Dạ, cô. – Vậy bác ‘phiu ao’ (fill out) cái ‘phom’ (form) này dùm con nha bác…”
-“Chả nói tui suốt ngày chỉ lo ‘sốp binh’ (shopping), hỏng có ‘khe’ (care) gì cho chồng con nhà cửa. Tui nói tui có ‘khe’ (care) chứ sao không ‘khe,’ (care) không ‘khe’ (care) thì ai đi chợ ‘khút’ (cook) cho cha con chả ăn. Tui nói chả đừng có chọc tui ‘ghét mát’ (get mad) lên là tui ‘mu’ (move) ra thì đừng có mà khóc lóc năn nỉ…”
-“Anh ơi, chiều nay có quởn thì mang cái xe đi ‘quát’ (wash) dùm em nha. Sẵn anh ‘tét’ (text) luôn cho cô Tám hỏi cổ coi cái máy xay thịt của cổ còn ‘quớt’ (work) không ghé mượn về làm nem ăn…”
-“Tui đi làm kiếm tiền, tiền tui tui xài, ‘ai đông ke’ (I don’t care) ai nói gì…”
Nhìn lại, dường như việc chen những tiếng Mỹ “thông dụng” vào trong lúc nói chuyện đã trở thành thói quen hay một phản xạ vô điều kiện của nhiều người, đến mức chính họ cũng không nhìn ra.

Bên cạnh việc chen tiếng Mỹ “một cách vô thức,” cũng có nhiều người đệm tiếng Anh vào trong lúc nói chuyện một cách “có ý thức” cho có vẻ “sang chảnh” chút chơi.
“Điều mà tôi ‘khần xơn’ (concern)là khả năng làm việc của nó. Tôi thật sự thấy ‘quơ ri’ (worry) về điều này, liệu có nên để nó ‘khân ti niu’ (continue) với cái ‘chốp’ (job) này không?”
Nói đến vấn đề này, chợt nhớ đến chuyện những đứa trẻ ở đây được dạy tiếng Việt từ trong nhà cho đến trường học, mà khi để ý mới thấy một điều khá thú vị là khi tụi nhỏ đã cố gắng nói tiếng Việt thì hoàn toàn là tiếng Việt, không chêm tiếng Mỹ, trừ khi nào nó không biết chữ mà nó muốn nói trong tiếng Việt là gì, cho dù giọng nói của chúng có ngô nghê, có “lơ lớ.” Đây là điều khác hẳn với người lớn, vì hơn ai hết, người lớn biết “Ai đông ke” (I don’t care) trong tiếng Việt là gì, nói ra làm sao, hay “khần xơn” (concern)có nghĩa mần răng.
Trong khi người mẹ nhắn tin cho đứa con trai rằng “Con nhớ text cho mẹ cái address để mẹ ghé đón con,” thì cậu con trai 14-15 tuổi, đang theo học lớp tiếng Việt trong chương trình chính khóa của trường, trả lời, “Mẹ ơi, đây là địa chỉ nhà của bạn con…”
Rõ ràng là những đứa nhỏ lớn lên ở đây có thể nói được tiếng Việt một cách “thuần Việt” không cần chêm tiếng Mỹ, thứ tiếng mà chúng thông thạo hơn.
Vậy, liệu người lớn cũng có nên “tập” nói chuyện hoặc thuần Việt hoặc thuần Mỹ thôi không? Và cách nói chuyện bằng tiếng Việt chen tiếng Mỹ liệu có làm cho cái sự cố gắng gìn giữ tiếng ông bà bị mai một và lai căng theo thời gian không?

No comments: