Bánh Mì Sai Gòn 4
Giới học sinh, sinh viên thường dùng những chữ: “cơm tay cầm“, ”thổi kèn“ hay gặm để ám chỉ chuyện ăn bánh mì. Cơm tay cầm cho thấy bánh mì rất phổ thông. Động tác nhai bánh mì khá giống động tác của người thổi kèn harmonica. Còn động từ gặm để tả việc ăn một món ăn nào không lấy gì làm khoái khẩu cho lắm (Bánh mì ở đây không phải là bánh mì nóng giòn mới ra lò, có thể đã để lâu, ỉu mềm hay khô khốc, ăn xong phải uống nhiều nước, thành ra no lâu!).
Có những lúc cạn tiền, nhẵn túi, đói meo, thường là cuối tháng, các cô cậu sinh viên chỉ có khả năng mua bánh mì chan nước xíu mại, người bán thương tình cho thêm miếng dưa leo hay cọng ngò hoặc là mua bánh mì trét tương đen, thứ tương ăn phở, thêm chút đồ chua, thế cũng ngon chán!
Còn những lúc trốn học với đám bạn, mỗi đứa thủ sẵn một ổ bánh mì thịt gói trong giấy nhựt trình, một bịch trà đá có ống hút, vô rạp xi nê vừa ăn, vừa xem phim, rồi tán dóc, dzui không gì sánh bằng! Nếu nói bánh mì đi theo ta suốt quãng đời đi học cũng không phải là nói quá!
Còn bây giờ anh khác thằng nhóc lắm
Ngồi xổm lan can và gặm bánh mì
Chờ áo trắng tan trường ơi áo trắng
Anh trải thơ tình để lót bước em đi
Bùi Chí Vinh
Saigon là nơi khai sinh ra bánh mì thịt: một món ăn của đường phố, một món ăn của vỉa hè với nét độc đáo riêng biệt, không phải nơi nào cũng có thể có được! Sáng, trưa, chiều hay tối, ngồi lề đường, nhai ổ bánh mì, uống ly cà phê, ngắm giòng người và xe cộ qua lại là một thói quen của người Saigon. Bởi vậy, một trong những đặc điểm của Saigon là có vô số kể các xe bánh mì lề đường hiện diện ở bất cứ đầu con hẻm nào, ở bất cứ đầu con đường nào, ở bất cứ giờ nào trong ngày, ở bất cứ địa điểm nào trong thành phố: trường học, nhà thương, công sở, bến xe.Ta đọc bốn đoạn văn sau đây nói về những xe bán bánh mì ở Saigon:
“Như bánh cuốn, phở, xôi, bún, bánh mì là thức ăn không thể thiếu của nhân dân Sài Gòn. Bánh mì là thứ người ta có thể ăn mọi lúc, ở mọi chỗ, có thể dễ mang theo. Bánh mì có mặt suốt ngày, từ sáng tinh sương đến đêm khuya, và dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đầu đường, góc phố nào của Sài Gòn. Đêm khuya khi những tiệm ăn đã đóng cửa, không còn hủ tíu, phở, chè thì xe bánh mì với ngọn đèn leo lét vẫn một mình thức trên vỉa hè đón đợi những khách cần ăn khuya.
Việt Nam không trồng lúa mì, nhưng dân Việt Nam lại thích ăn bánh mì, nên Việt Nam phải nhập cảng bột mì để làm bánh mì và mì sợi“ – Nguyễn Thị Hàm Anh
“Tôi có anh bạn nhà văn từ Hà Nội vào Sài Gòn chơi. Được dăm ngày, một buổi sáng, khi đang ngồi cà phê vỉa hè, anh chợt đưa ra nhận xét: “Sài Gòn có cái bánh mì là lạ nhất”. Tôi chưa hiểu. Anh giải thích: “Ở Hà Nội, người ta cũng bán bánh mì nhưng là để trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, một người bán bánh mì, mỗi bữa dẫu chỉ bán chục cái bánh cũng có một cái xe lắp kính hẳn hoi…”. À, thì ra cái lạ là ở chỗ “cái xe có kính” rất ư đàng hoàng tử tế ấy.
Chưa hết, bánh mì Sài Gòn còn rất ngon và có nhiều sự lựa chọn. Ngán thịt, sợ phì thì kêu bánh mì bì. Muốn bụng nhẹ, mau tiêu thì gọi bánh mì cá. Thích bồi dưỡng một chút thì “đủ thứ”. Còn chỉ cần đủ dinh dưỡng thì “trứng ốp-la” – Trần Nhã Thụy
“Xe bánh mì truyền thống thường bao giờ cũng có chiều ngang chừng tám tấc đến một thước, rộng chừng năm – sáu tấc. Nửa trên ba phía là kiếng, trưng nào bánh, nào thịt, nào gia vị để nhận vào ổ bánh. Nửa dưới đóng kín thường có một bếp than. Bánh lúc nào cũng nóng. Bánh nhận đủ sắc màu ẩm thực quốc tế bên trong: Xíu mại, thịt quay, pâté, xá xíu, lòng heo, lòng bò khìa, phô mai, thịt ba rọi,… Nhiều xe bánh mì trông đơn sơ vậy, nhưng nổi tiếng cả vài chục năm, ngay một góc đường, hoặc trước một căn nhà.”
“Còn bánh mì thịt Bưu Điện Sài Gòn thì từ lâu đã là một thương hiêu của Việt Nam. Ổ bánh nhỏ vừa một người ăn hình như làm ra chỉ để bán bánh mì thịt. Mấy xe bánh mì thịt ở đây hình thức trang trí chiếc xe trông như nhau. Nội dung và chất lượng ổ bánh mì đến giá cả không có gì khác, chẳng qua ai quen đâu mua đó mà thôi. Khách đi đường, các bác taxi, các thầy cô làm trong bưu điện, các công chức tòa Đô Chánh… là thực khách trung thành của bánh mì ở đây.
Bánh mì Bưu Điện Sài Gòn một thời tạo ra kiểu ăn bánh mì thịt của người Việt, khiến nhiều ông Tây bà Đầm về nước mà còn nhắc còn thèm. Nên nay còn có nhiều ông Tây du lịch đến Sài Gòn tìm ăn bánh mì thịt, gọi là kiểu Sài Gòn, như là món ăn có “truyền thống Saigòn” vậy. Xe bánh mì thịt với kiểu cách Bưu Điện Sài Gòn sau nầy trở thành mô típ chung cho xe bán bánh mì thịt ở miền Nam. Đi về tỉnh bạn sẽ bắt gặp trước nhà lồng chợ, cửa trường học, bên hông nhà thương, tại bến xe đò… hình ảnh những chiếc xe bánh mì thịt kiểu Bưu Điện Sài Gòn quen thuộc.” – Trần Văn Chi
Thèm ổ bánh mì, ớt cay hít hà
Cháy đỏ phần da thịt trần va chạm
Như lũ song thét gầm khô khốc
Sinh sôi tràn lớp sinh sôi
Caphesuotngay
Hồi đó, trước cửa Bưu Điện Sàigòn có hai quầy bán bánh mì mà người ta quen gọi là bánh mì Bưu điện, quầy nằm bên phải hình như có tên là Hương Lan (Nguyễn Văn Ngãi), bán những ổ bánh mì con cóc nhỏ trét sốt mayonnaise, kẹp jambon, xúc xích, thêm vài lát dưa leo ngâm giấm (cornichon của Tây, pickled cucumber của Mỹ),và đặc biệt là thịt gà quay xé nhỏ.
Nhắc tới ổ bánh mì được làm ngắn, nhỏ lại và tròn như con cóc, kẹp nhân thịt gà quay xé nhỏ của bánh mì Bưu Điện, thì ta cũng không quên nhớ lại tiệm bánh mì con cóc và thịt gà chà bông, có vị ngọt ngọt, mặn mặn rất ngon, nổi tiếng thời đó là Nguyễn Ngọ trên đường Trần Hưng Đạo, quận Nhứt, thời phong trào nuôi gà Mỹ (gà công nghiệp) rộ lên ở các trại chăn nuôi ngoại ô, khoảng sau 1965.
Nói về các tiệm bánh mì lâu năm ở Saigon, phải nói đến tiệm bánh mì Hòa Mã. Năm 1954, vợ chồng thi sỹ Lê Minh Ngọc (tác giả tập thơ Hoa Thề, được Giải Thưởng Văn Chương Việt Nam Cộng Hòa, bộ môn Thơ, trước năm 1963) và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội.
Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để phục vụ cho người Việt trong khu vực. Năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) ra đời tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng, cho đến nay vẫn là tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng, trông giống như một tiệm nước trong Cholon. Tiệm tồn tại trên nửa thế kỷ kể từ ngày thành lập.
No comments:
Post a Comment