Thursday, August 10, 2017

DÒNG ĐỜI (TRONG CHUYỆN TÌNH THỜI CHINH CHIẾN) - DUY LẠC.

Tr/Tá Phạm Văn Phạm Phi đoàn 524 (Thiên Lôi), Kingbee Đặng Quỳnh PĐ219, Trung Tá  Đặng Duy Lạc ( sau này là Đại Tá)  bắt tay với Trung Tá Nguyễn Văn Nghĩa (PĐT/PĐ 219) hình chụp năm 1973 Trung Tá Nghĩa vừa mơi gắn lon 


GIÒNG ÐỜI


Duy Lạc.


Tôi sinh ra vào thế hệ của thập niên 30. Thế hệ của chúng tôi chịu nhiều xáo trộn điên đảo nhất trong giòng lịch sử 60 năm của dân tộc (1930-1990). Chúng tôi may mắn là nhân chứng của nhiều sự hưng vong của bao chế độ và cuối cùng được nhìn tận mắt sự sụp đổ ngoạn mục của chế độ Cộng sản bạo ngược khắp thế giới. Ðó cũng là một niềm an ủi cuối đời cho thế hệ chúng tôi, những người chống cộng sản phải bỏ nước ra đi lang thang, bơ vơ, chịu nhiều bất hạnh, mang nhiều nổi đau buồn trên đất khách.


Ngày xưa từ tuổi nhi đồng qua thời niên thiếu, chúng tôi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của luân lý đạo đức Khổng Mạnh qua các tập "Luân Lý Giáo Khoa Thư" ở nhà trường. Trong xã hội lúc bấy giờ, một thời văn chương lãng mạn của các nhà thơ: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hàng Mạc Tử, Chế Lan Viên.v.v... và nhóm chủ trương Tự Lực Văn Ðoàn của Nhất Linh đã mang lại cho chúng tôi một ít mơ mộng về tình yêu (Hồn Bướm Mơ Tiên), hay ý thức mơ hồ về các hoạt động cách mạng (Ðôi Bạn). Sau đó từ năm 1935-1945, dòng nhạc tiền chiến trữ tình và lòng yêu nước của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy,Tô Vũ, Ðặng Thế Phong.v.v... đã thật sự thấm nhập tâm hồn tuổi trẻ vừa lãng mạn vừa khơi động tình yêu tổ quốc của tuổi thanh niên.


Kế đến thế chiến thứ hai vào giai đoạn chót bộc phát dữ dội. Bom đạn của chiến tranh bắt đầu tàn phá quê hương. Nương theo sự thất trận của Nhật, nhiều phong trào yêu nước chống Pháp nổi dậy, cuối cùng đi đến ngày 19-8-1945, ngày toàn quốc khởi nghĩa mà bọn Việt Minh Cộng sản quỷ quyệt cướp lấy công đầu. Và cũng từ hoàn cảnh đó, đám thanh niên thế hệ chúng tôi một số vào rừng, vào bưng, vào chiến khu để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Một số khác vì còn trẻ tuổi, phải bỏ thành phố tản mác về vùng quê để tạm lánh cư.


Cũng như mọi gia đình khác, cha mẹ chúng tôi vội vã bỏ hết gia sản chạy về vùng quê miền Trung. Từ đó đời tôi bắt đầu một khúc quanh: cơ cực cũng lắm, hạnh phúc cũng nhiều, chạy dài suốt một thời niên thiếu. Tôi dần dần yêu thích cảnh sống đồng quê. Say sưa với núi cao, biển rộng, rừng thông, đồi cát, ruộng mía nương khoai với những hình ảnh của đình chùa, miếu mão. Tôi yêu thương làng tôi qua lũy tre xanh. Con đường nho nhỏ thông reo. Ngôi đình cổ kính nằm bên chân đồi. Tôi mê nhất những buổi trưa hè ngồi nghe tiếng thông vi vu, réo rắt một điệu nhạc buồn như tiếng sáo diều từ lưng đồi vọng lại.


Tuổi thơ của tôi thấm đậm tình quê hương từ những ngày tháng êm đềm thơ dại đó. Những năm đầu kháng chiến, gia đình tôi chưa đến nỗi sa sút. Tôi được đi học tại trường Trung học cấp huyện, cất ngay trong làng. Ở miệt thôn quê thời kháng chiến, sự học hành bị gián đoạn nên học sinh tuy ngồi chung lớp nhưng tuổi tác chênh lệch nhau. Trong lớp "Ðệ nhất niên" của tôi có độ mươi cô nữ sinh. Các cô thuộc người làng hoặc từ những làng kế cận đến học. Phần nhiều nữ sinh thuộc gia đình giàu có trong đám hương mục ngày xưa như Chánh Tổng, Xã Trưởng, Hương Lý, Hương Hộ.v.v...


Các cô tuy là gái quê nhưng trông cũng xinh đẹp lượt là lắm. Tôi thời đó học hành dốt nát, chỉ thích lêu lỏng ngoài đường. Chuyện nhà trốn tránh, chuyện bạn bè thì mau mắn. Tôi lang thang suốt xóm trên làng dưới, tập đàn ca với đám nữ sinh cùng lớp, ít khi có mặt ở nhà.. Công việc nặng nhọc trong gia đình tôi giao cho chú em kế gánh vác. Mẹ già nhiều lúc mắng mỏ rầy la, tôi vẫn trơ mặt thịt.


Ðã vậy tôi còn tơ tưởng yêu đương. Tôi yêu tha thiết một cô em tên Nga cùng lớp. Em ngồi dãy bàn trước mặt. Tôi còn nhớ chiếc áo chemise lụa mỏng và chiếc quần lãnh đen của em. Em có đôi mắt nhung huyền sâu thẳm như đáy hồ thu mà tôi tự nguyện chết đuối trong đó những lần em quay lại nhìn tôi cầu cứu. Ðôi môi em đỏ hồng gợi cảm. Những lúc em ban phát cho tôi một nụ cười cám ơn khi tôi cho cóp bi bài toán là những lần tim tôi như ngừng đập. Em thường liếc xéo tôi mỗi khi tôi trêu chọc. Cái nguýt dài, con mắt có đuôi, kèm theo một nụ cười mỉm của cô gái dậy thì, có lúc là một "message" ưng chịu kín đáo của thời đó.


Thật tình lúc bấy giờ tôi không đoán được Nga có cảm tình gì với tôi chưa. Nhưng riêng tôi, tôi đã mê tít nàng. Cứ mỗi ngày cô em nghỉ học là mỗi ngày tôi thẩn thờ nhớ nhung. Tôi tương tư nàng như Nguyễn Bính tương tư "Cô hàng xóm"


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn...


Tuy yêu thương mê mẩn như thế, tôi chưa dám nói một lời yêu thương cùng nàng. Hồi đó tôi đen đúa xấu trai. Tóc chải bảy ba có thên một chút tango ổ quạ ngay trước trán (thời trang 1945). Tôi gầy đét và cao lêu nghiêu như cây sậy. Thật tình nhìn kỹ tôi chả giống con giáp nào! Tôi chỉ được tiếng "người Sàigòn" và một chút tài mọn về đàn ca hát xướng. Vì vậy, tôi chủ quan nghĩ rằng em đã cảm tình với tôi. Một hôm vào dịp nhà trường tổ chức đi cắm trại qua đêm ở một rừng dừa ven biển. Dĩ nhiên tối hôm ấy có đốt lửa trại và thi đua văn nghệ, giữa mấy trăm học sinh cùng trường. Tôi táo bạo ghi tên tham dự, cốt để chứng tỏ với Nga về khả năng văn nghệ của mình.. Ðêm hôm đó, trước đám đông đảo học sinh, tôi đơn ca bản nhạc "Nhớ Chiến Khu", một bài ca tủ của tôi, "Còn đâu trong chiến khu trên rừng chiều. Bên đèo tiếng suối reo, ngàn thông réo..." Tôi đang mơ màng vừa ca vừa diễn xuất bộ mặt sầu sầu của anh Vệ quốc Quân nhớ nhà, nào ngờ đến đoạn cao nhất của bài hát, một phần vì khớp, một phần vì nhìn thấy cô nàng đang theo dõi mình, tự nhiên tôi té giọng kim, dứt đoạn, rồi ngừng ngang nửa chừng. Tôi đúng như trời trồng giữa tiếng vỗ tay la ó của đám học sinh. Tôi xấu hổ, tay chân thừa thải, mặt đỏ bừng chỉ muốn độn thổ cho xong. Tội nghiệp Nga, nàng cúi đầu thương hại cho tôi.


Rồi có một lần, chuyện phải đến đã đến, Nga ngỏ lời mời tôi đến nhà nàng chơi vào chiều thứ bảy. Tôi sung sướng nhận lời. Dịp này nhất định tôi sẽ bộc lộ tâm sự với nàng bằng một lá thơ. Mấy ngày liền tôi ngồi nắn nót viết bức thư tình đầu tiên. Tôi còn nhớ rõ bức thư viết dài và hay lắm. Tôi diễn tả mối tình say đắm của mình. Văn chương lãng mạn và ướt át vô cùng.


Trong bức thư tôi còn làm dáng về vốn Pháp văn của mình bằng hai câu bất hủ "L'homme sans amour comme La Terre sans Lumière" mà tôi thuổng được ở mấy bức thư tình của bà chị tôi. Chiều hôm ấy, tôi băng mấy cánh rừng dương để đến nhà nàng.


Nhà Nga xinh xắn bao quanh bởi một vườn cau và một hàng rào bông bụp tím nhạt. Vườn có nhiều hoa và cây ăn trái. Tôi dạo chơi thơ thẩn trong vườn cùng nàng suốt buổi tối. Nàng bóc bưởi mời tôi ăn. Tôi trèo cây hái khế tặng nàng. Cứ như thế mãi cho đến khi trăng treo đầu ngọn cau và hoa bưởi bắt đầu tỏa hương thơm ngát, tôi mới từ giã nàng. Trước khi về tôi dúi vội bức thư vào tay nàng. Nàng ngập ngừng e thẹn nhận lấy thư tôi.


Sau ngày trao bức thư tình, tôi cảm thấy yêu đời, mơ mộng nhiều hơn. Và trong khi tôi nao nức đợi chờ hồi âm, thì hởi ơi! Hai câu Pháp văn bất hủ tôi viết cho nàng được loan truyền khắp nơi nhất là trong đám nữ sinh. Mấy bà chị họ, mỗi lần gặp tôi đều tủm tỉm cười, làm tôi xấu hổ vô cùng. Tôi loáng thoáng đoán rằng tôi đã lầm và quá chủ quan, chớ nàng không hề yêu thương hay tình cảm gì với tôi. Nàng đã đem bức thư của tôi bêu rếu để làm trò cười. Từ đó tôi không nhìn nàng. Tôi đau khổ hận đời, hận nàng và trốn học luôn...


Cho đến một ngày trước khi xuống tàu bỏ trốn vào Nam, vì vô tình hay cố ý, Nga chận tôi trên con đường làng vắng vẻ, gương mặt xanh xao, ánh mắt buồn buồn. Nàng khóc thật nhiều và giải thích với tôi rằng nàng đã yêu tôi. Chuyện bức thư là lỗi bất cẩn của nàng (Nga cho người bạn gái mượn quyển sách trong đó có dấu bức thư).


Nàng trách tôi tại sao bỏ học và trốn tránh không nhìn mặt nàng. Lần đầu tiên tôi run run cầm tay nàng, nhìn sâu vào đôi mắt lệ nhạt nhòa, thổn thức không nói một lời, bởi vì ngày tôi nhận được hạnh phúc tình yêu đầu đời và cũng là ngày tôi xót xa chia tay mối tình học trò ngắn ngủi đó. Ngày hôm đó, tôi đau đớn vĩnh biệt Nga mà chính nàng không hề hay biết.


Con thuyền đưa tôi vào Nam chập chùng giông bão. Giông bão xô dạt con thuyền. Giông bão ngay trong lòng tôi...


Tôi có người em kế, cùng trạc tuổi. Chúng tôi là hai thái cực. Chú Lâm hiền hòa thích sống trong gia đình. Tôi mê cuộc đời hải hồ lang bạt. Lớn lên, hai anh em cùng vào quân đội. Tôi đi lính Không Quân đồn trú tại Pleiku. Chú đi sĩ quan Thủ Ðức đóng đồn ở Daksut. Những ngày cao nguyên sôi động, nhiều lần từ trời cao, tôi xót xa nhìn chú bị vây hãm dưới đồn. Anh em tuy đóng quân cùng một vùng nhưng chả bao giờ gặp nhau. Thỉnh thoảng hành quân ngang đồn, tôi bay thấp để chào chú, hoặc liên lạc FM để thăm hỏi sức khỏe và nhắn tin nhà, thế thôi. Vậy mà chú Lâm vẫn vui vẻ sống cuộc đời gian khổ bộ binh.


Mãi đến ngày bỏ nước ra đi, chú ra đi một mình không kịp đón gia đình vợ con. Những năm tháng xa quê hương, chú Lâm vẫn sống cảnh đơn lẻ ở một tiểu bang xa lắc xa lơ. Nhưng mấy năm gần đây, chắc có lẽ chịu hết nổi cảnh "Ðồn Lẻ Chiều Xuân" chú đã âm thầm bước thêm bước nữa để nếm mùi "một cảnh hai quê". Thật tội nghiệp!


Hôm Tết vừa qua, nhân dịp đi công tác cho hãng ở Hà Nội. Lâm ghé Sàigòn thăm nhà và về làng thăm quê cũ. Một sự việc bất ngờ và cảm động là chú Lâm đã tìm được dấu tích của Nga ngày xưa. Ðuợc biết nàng đã trốn ra Bắc năm 1956 và sau ngày Viẽt cộng cưỡng chiếm miền Nam, nàng trở về với quân hàm Ðại úy và là vợ lẽ của một ông tướng già Việt cộng. Hiện nay nàng đang ở Sàigòn, khu cư xá sĩ quan Chí Hòa và ông tướng già đã chết. Trước khi trở về Mỹ, Lâm có đến tìm gặp nàng. Nga sững sốt mừng rỡ khi nhận ra Lâm em của tôi. Nàng vui vẻ kể chuyện xưa về tôi với chú Lâm và nói rõ lý do vì sao nàng bỏ xứ ra đi. Trong câu chuyện thăm hỏi, Lâm đã cố khơi lại chuyện tình ngày xưa của chúng tôi. Lâm nói: "Anh tôi vẫn nhắc nhớ về chị." Nàng cúi đầu lặng lẽ, giọng buồn buồn: "Dạ vâng, tôi đoán thế." Và nàng cảm động cho biết người làng đã kể: Có lần tôi một mình lái xe về thăm vườn cũ tìm lại người xưa, và người xưa không còn nữa. Lâm tiếp tục thăm dò: "Chị có biết anh tôi ngày xưa làm gì không?" "Dạ tôi biết, nghe nói anh ấy là một phi công trong Không Lực Cộng Hòa." "Chị có oán hận, căm thù gì chúng tôi không?" Nga lắc đầu cười chua chát, "Tôi không nghĩ đến điều đó, và chẳng bao giờ nghĩ như vậy, nhất là đối với anh ấy..."


Nàng trả lời với đôi mắt mơ màng xa vắng. Chắc có lẽ chú Lâm đã vô tình khơi dậy những kỹ niệm thời học trò của nàng. Những kỹ niệm tưởng như đã chôn vùi dưới lớp bụi thời gian sau bốn mươi năm xa cách.


Và trong buổi chiều hôm đó, theo lời nhật xét của chú Lâm. Nga như "lội ngược giòng thời gian" tìm sống lại quảng đời con gái ngây thơ, cùng với mối tình thơ mộng và đẹp nhất của đời nàng. Vì đó là mối tình đầu và mối tình không có đoạn cuối.

No comments: