Lời ác ý giống như một mũi dao…
Sưu tầm
"Lời ác ý giống như một mũi dao, chớ nói những điều khiến lòng người rỉ máu".
Có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau“. Nếu không thể nói được lời hay, ý đẹp, thì bạn cũng nhất định chớ nói ra lời oán trách, thị phi khiến người khác đau lòng. Bởi sự tổn thương do lời nói gây ra thực sự rất khó cứu vãn.
Ở thôn nọ, có một chàng trai trẻ tài năng xuất chúng, hiểu biết rộng rãi. Nhưng cậu lại có điểm yếu trí mạng là thường nói năng không kiêng nể bất kỳ ai.
Cha mẹ và bạn bè thấy vậy thường khuyên bảo, nhưng cậu chỉ nói: “Có gì đáng kể đâu, chỉ là vài câu nói thôi mà. Có gì đâu mà mọi người phải tròn mắt kinh ngạc như vậy?”. Sau đó, cậu vẫn chứng nào tật nấy.
Ngày nọ, có một vị tăng nhân đến thăm làng. Khi gặp ông, theo thói quen, cậu thanh niên lại nói vài câu rất thiếu lễ độ. Khi mọi người quay ra trách mắng, cậu đáp lại rất hùng hồn: “Chẳng phải chỉ là mấy câu nói thôi sao? Tôi xin lỗi ông ấy là được chứ gì?”.
Vị tăng nhân mỉm cười nói với cậu thanh niên: “Để ta kể cho con nghe một câu chuyện nhé!”.
Mọi người vây quanh vị tăng nhân, chăm chú lắng nghe ông kể. Vị tăng nhân ngừng lại một lát rồi từ tốn bắt đầu:
* Chú gấu chó và những trận đòn roi, mắng nhiếc
Có ông lão nhặt được một chú gấu chó trong núi sâu về nuôi từ những ngày nó còn bé lũn cũn. Hàng ngày, chú cứ quanh quẩn bên cạnh ông, bám lấy ông như hình với bóng. Cứ thế bốn mùa xuân hạ thu đông qua đi, chú gấu chó cũng lớn lên bên ông lão từng ngày, thấm thoắt cũng đã trở thành một “chàng” gấu lực lưỡng.
Nhà hàng xóm bên cạnh có ruộng ngô xanh ngút ngát, bắp nào bắp nấy to ú ụ, lại chắc nịch. Chú nhìn mà nuốt nước miếng ừng ực. Một hôm nhân lúc nhà hàng xóm đi vắng, ông chủ lại không có nhà, chú gấu trúc không kiềm chế được cơn thèm thuồng, chạy ngay sang ruộng ngô nhà hàng xóm bẻtrộm ngô.
Ông hàng xóm về tới nhà thấy ruộng ngô tan tác. Ông đoán ngay rằng chú gấu chó là thủ phạm gây ra việc này. Ông chủ của chú gấu chó vừa xấu hổvừa tức giận.
Ông gọi chú gấu đến, không kiềm được cơn nóng giận, bèn cầm thanh gậy dài quật liên hồi vào người chú, vừa đánh vừa mắng nhiếc thậm tệ: “Súc sinh thì cuối cùng vẫn là súc sinh. Ta nuôi ngươi cũng chỉ uổng công”. Lửa giận vẫn chưa nguôi, ông lại lôi chú gấu ra khỏi cửa, đóng sầm cửa lại, đuổi chú gấu đáng thương ra khỏi nhà.
Sáng hôm sau tỉnh giấc, khi lòng đã lắng lại, ông mới thấy hối hận. Ông vào trong hẻm núi tìm chú gấu chó. Ông đi mãi, đi mãi, chùn chân mỏi gối mà không thấy bóng chú gấu ở đâu. Trời chạng vạng tối, những chú chim rừng nháo nhác bay về tổ. Người đàn ông chân thấp, chân cao lê bước chân mệt mỏi trở về nhà.
Kỳ thực chú gấu chó đang ở rất gần ông nhưng chú chỉ im lặng. Chú lặng lẽ đứng nhìn mãi cho tới khi bóng ông khuất dần sau núi. Trong đôi mắt đen lay láy của chú trào ra hai dòng nước mắt nóng hổi.
Một lần khác khi ông lão lên núi săn bắt, nghe thấy tiếng động lạ, ông lão vừa quay lưng lại thì thấy một con hổ đang ngoác cái miệng rộng, chực vồ lấy ông. Trong tay không tấc sắt, tưởng chừng cầm chắc cái chết. Ông chỉ biết nhắm mắt lại, mọi sự mặc cho số phận an bài.
Đột nhiên ông nghe thấy tiếng đánh nhau, tiếng vật huỳnh huỵch bên tai. Ông mở mắt ra nhìn: “A! Hóa ra là chú gấu chó!”. Chú đã quay trở về. Sau một hồi vật lộn, chú gấu chó cũng đuổi được con hổ chạy đi.
Ông lão mừng rỡ, chạy tới định ôm chú vào lòng vuốt ve cho thỏa bao ngày mong nhớ. Ông nựng chú rằng: “Tốt quá, lần trước ta đánh con có đau lắm không? Ta nhớ con lắm! Con về với ta nhé!”.
Nhưng gấu chó chỉ quay mặt đi mà rằng: “Con đã không còn đau nữa. Nhưng những lời mà ông nói vẫn cứa vào tim con, khiến con đau đớn, nó vẫn còn rất đau!”. Chú gấu nói xong bèn quay trở lại hẻm núi, để lại ông lão đứng chơ vơ một mình giữa góc rừng cô quạnh.
Khi nghe xong câu chuyện của vị tăng nhân, mọi người đều cảm động trào nước mắt. Riêng chỉ có cậu thanh niên kia là vẫn tỏ thái độ lạnh nhạt, nhưchẳng quan tâm, lại còn có ý mỉa mai.
Vị tăng nhân lại mỉm cười hiền từ, đưa mắt nhìn cậu trai nọ và nói: “Vẫn còn chưa hết. Ta lại muốn kể cho con nghe một chuyện thế này“.
* Vết sẹo trên thân cây
Vị tăng nhân nhờ mọi người tìm cho mình vài chiếc đinh. Ông đưa cho cậu thanh niên và nói: “Con hãy đóng mấy cái đinh này lên thân cây trước mặt kia”.
Cậu thanh niên cũng làm theo, đóng những cái đinh sâu hoắm lên thân cây. Đoạn, vị tăng nhân lại nói: “Con đi rút mấy cái đinh kia về”.
Cậu thanh niên không nói gì, lặng lẽ quay trở lại rút mấy cái đinh ra. Nhưng loay hoay hồi lâu, mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên khuôn mặt mà cậu cũng không nhổ được đinh ra. Cậu bèn chạy về lấy cái kìm, vặn vẹo hồi lâu mới nhổ được một chiếc đinh mang về cho vị tăng nhân.
Khi ấy, vị tăng nhân dắt cậu thanh niên đến bên thân cây, chỉ vào vết thương sâu hoắm còn lưu lại trên đó mà rằng:
“Dẫu con có nhổ được hết những chiếc đinh ra thì có thể làm được gì đây? Trên thân cây chẳng phải vẫn lưu lại những vết thương còn sâu hơn hay sao? Cũng giống như chú gấu chó trong câu chuyện ta vừa kể vậy. Mặc dù nỗi đau do đòn roi sớm đã hết, nhưng những lời mà người chủ nói ra lại khiến nó tổn thương, suốt cả cuộc đời cũng không thể nguôi ngoai”.
Vị tăng nhân đưa mắt nhìn cậu thanh niên, rồi nói tiếp: “Nói những lời khiến người khác tổn thương cũng giống như đóng những chiếc đinh kia vậy. Dẫu con có nhổ được nó lên thì sự tổn thương mà con để lại cho người khác cũng giống như vết sẹo vẫn nguyên vẹn trên thân cây kia, vĩnh viễn cũng không mất đi”.
Cậu thanh niên nghe xong, đột nhiên bừng tỉnh, nói: “Bây giờ thì con đã hiểu ra rồi. Nói năng không lễ độ cũng sẽ khiến mọi người chịu tổn thương sâu sắc như vậy. Cảm tạ đại sư đã chỉ giáo!”. Vị tăng nhân nghe xong khẽ gật đầu, rồi sau đó thản nhiên rời đi.
* * *
Khi nói ra những lời làm tổn thương người khác, cũng chính là ta đã đóng những chiếc đinh vào lòng họ, vô cùng nhức nhối, không thể nguôi ngoai. Đòn roi có thể liền sẹo nhưng lời ác ý thì mãi còn khiến lòng người rỉ máu.
Đạo Phật cũng giảng về việc “tu khẩu”, giảng về chuyện giữ gìn “khẩu đức”, có những lời thực sự không nên nói ra. Nói lời không nên nói, vừa làm tổn thương người khác, lại khiến bản thân phải gánh chịu tổn thất phúc báo. Đã là chuyện không lợi cho người cũng chẳng lợi cho mình, cớ sao còn ép bản thân làm?
Người Do Thái có một câu nói rằng: “Thứ tốt nhất trong thiên hạ là miệng lưỡi, mà thứ xấu xa nhất cũng chính là miệng lưỡi”. Lại có câu rằng: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.
Đừng nghĩ rằng “Lời nói gió bay”, cũng đừng nghĩ rằng một hai câu xin lỗi là có thể vãn hồi mọi thứ. Học cách nói năng có chừng mực, lễ độ, lịch sự, không chỉ là tôn trọng người khác mà còn là giữ phẩm giá cho chính mình. Bởi vì:
“Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”
Hãy chia sẻ với bạn bè của mình câu chuyện này, bạn nhé!
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment