Thursday, July 12, 2018

CÓ NHỮNG NIỀM ĐAU (THUKỲ)




CÓ NHỮNG NIỀM ĐAU (THUKỲ)



Nếu “có những niềm riêng làm tim thổn thức…” thì những niềm đau cũng làm vỡ nát trái tim. Ước gì đời không là mơ cho mình đỡ khổ; nhưng, số kiếp gian truân thì “chạy trời không khỏi nắng”.  Cứ tưởng khi đến Mỹ là bước vào thiên đàng, nhưng thiên đàng cũng có cái giá của nó, vì thoát được cái khổ vật chất, thị lại vướng vào cái khổ tâm thần…

Sau khi được hội bảo trợ lo những thủ tục hành chánh cần thiết, những người “tị nạn” bắt đầu một cuộc đời mới bằng việc đầu tiên là phải đi khám bệnh.  Đối với những người khác có lẽ dễ dàng, nhưng với Thukỳ phải nói là một cực hình, vì đường sá không rành mà tiếng Anh, tiếng U rặn nửa ngày không ra một chữ.
Mỗi lần lên xe buýt, vì không biết đọc, nên mẹ con Thukỳ cứ ngồi gần tài xế, là những ghế dành riêng cho người khuyết tật.  Muốn xuống đâu thì cứ việc đưa cho tài xế mảnh giấy viết địa chỉ, nhờ ổng nhắc nhở cho mình xuống đúng trạm.

Xe bus còn dễ nhận địa điểm chứ subway ở dưới đường hầm thật là phức tạp, chẳng biết đâu là đâu, nên mẹ con học đếm trạm, ghi tên trạm kế tiếp, vì nếu không đúng là có nguy cơ đi ngược đường.  Chỉ thiếu cặp kính râm và cây gậy là Thukỳ giống hệt một người vừa mù, câm và điếc, không gì khổ cho bằng....

Đầu tiên, Thukỳ phải tìm trường học cho con trước, sau đó mới lần mò đường đi nước bước để tự cắp sách đến trường.  

Khi còn ở Việt Nam, Thukỳ lười chảy thây, đi học chuyên đội sổ, nhưng sang đây, máu lười biến mất; dù trời lạnh thấu xương cũng ráng đi bộ ra trạm xe bus chờ đi học; và vì không có căn bản, nên phải bắt đầu từ lớp ESL (English as a Second Language) thấp nhất.  

Cuối cùng thì Thukỳ cũng qua được những cửa ải, đủ chữ nghĩa để thi vào college…

Khi còn ở bên đảo học lớp “orientation”, cán sự xã hội thường xuyên nhắc nhở là khi ra khỏi nhà phải ghi địa chỉ mình tạm trú; nếu bị lạc thì tìm cảnh sát để nói với họ rằng “I am lost” là họ sẽ chở về nhà.  Việc này làm Thukỳ nhớ lại một chuyện vui là...có một anh chàng đi lạc thì liền tìm một cảnh sát rồi đưa cho ông ta một tờ giấy mà chàng đã ghi số nhà và tên đường. Khi cảnh sát mở tờ giấy ra thì thấy có dòng chữ: “1002 One Way ST.”.  (Té ra cái bảng chỉ đường một chiều “one way”, nhưng anh chàng tưởng là tên đường).

Khi còn ở VN, sách Anh ngữ dạy khi chào thì nói “Hello!” Nhưng sang Mỹ thì mọi người lại nói “Hi!”  Việc này Thukỳ cũng nhớ lại một chuyện tếu, đó là có một bà chị đứng đợi xe bus thì gặp một người bản xứ giơ tay chào “Hi!”; chỉ hoảng hồn chạy về nhà nói với mọi người rằng “chẳng biết tại sao một anh chàng Mỹ đen lại biết chị là thứ ‘Hai’”.  Đúng là cười ra nước mắt.

Hết cái khổ về đường sá, ngôn ngữ sang đến nỗi khổ đàn ông. Thời đó ‘trai thừa gái thiếu” trầm trọng, vì gia đình nào cũng cho con trai vượt biên để khỏi phải đi “nghĩa vụ”; còn vợ thì cho chồng đi trước để dọn đường cho gia đình.  Tình trạng đó đã gây nên sự mất quân bình nam và nữ, nên phụ nữ, dù là “lão bà” rụng hết răng cũng có chàng xin “đưa nàng về dinh”. Dù nhan sắc Thukỳ cỡ Chung Vô Diệm, nhưng đâu có yên: nay chàng này tán, mai chàng khác đòi cưới xin. Khổ ơi là khổ, “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.  Trong building Thukỳ ở có một anh chàng đẹp “chai tổ nậu”. Dù anh chàng “phe” là có mang theo mấy lon vàng, nhưng Thukỳ chỉ đòi...kim cương, nên anh chàng, vì “mắc dzợ” quá, nên dọa là sẽ bỏ bùa mê để bắt Thukỳ làm “áp trại phu nhân”. Sợ quá, Thukỳ liền dẫn con lên hội khóc với bác Ân.  Nghe xong, bác Ân nói “Thời buổi bây giò mà chị con tin là có bùa mê”. Nghe bác la thì Thukỳ yên trí về nhà ăn ngủ bình yên, hổng biết bây giờ chàng đó ở đâu? Khỏi bỏ bùa mê, há mồm là ông xã tui cho đi ngay cho đỡ gánh nặng.

Nhớ lại những nỗi buồn đời tỵ nạn rất khổ nhất là một thân mình như Thukỳ thì nói sao cho hết, kể sơ chứ nếu nói hết niềm riêng thì ai cũng chết, nhờ đi có hai mẹ con không ai cho mình nương tựa hay ỷ lại, nên con nhỏ dốt triền miên phải gắng vươn lên, mà cách tốt nhất là học ngôn ngữ trước, Thukỳ thì mắc bệnh nói nhiều nên học 3 chữ sẽ nói 5 chữ áp dụng ngay khỏi cần đúng sai, nói hổng hiểu thì mình chơi tay chân liên tục, rồi nhe răng cười gây thiện cảm, Mỹ nó cũng lịch sự yes lia lịa, nhờ vậy mà ngày nay mỗi lần nói tiếng Anh là Mỹ ngẩn ngơ khâm phục, ông Trump cũng mời làm cố vấn nhưng đang suy nghĩ chưa nhận lời (nổ) không đóng thuế cho đời bớt buồn vì “niềm đau biết tỏ cùng ai?”

Thukỳ.



No comments: