Danh ca Hùng Cường và cuộc hôn nhân với mối tình đầu năm 20 tuổi
Hùng Cường là một tên tuổi nổi bật
trong làng văn nghệ miền Nam trước năm 1975. Ông là một danh ca nhạc vàng, tài
tử điện ảnh, kịch nghệ, một kép chính cải lương… ngoài ra ông còn sáng tác một
số ca khúc nhạc vàng nổi tiếng là Đêm Trao Kỷ Niệm, Về Thăm Xứ Lạnh…
Tuy là một người của công chúng và rất
nổi tiếng, nhưng cuộc sống đời tư của Hùng Cường rất ít được biết đến. Không có
nhiều người biết về cuộc hôn nhân đầu tiên của Hùng Cường. Năm 1954, khi mới 18
tuổi, ông bắt đầu mối tình đầu tiên và đã làm đám cưới sau đó 2 năm (1956). Tuy
nhiên cuộc hôn nhân này đã kết thúc năm 1972, sau đúng 18 năm, để lại kết quả
là ca sĩ Quang Bình và 4 người con khác.
Thân phụ Hùng Cường sinh quán ở Bến
Tre và là một thủy thủ cơ khí rất giỏi thường xuyên lái tàu từ Nam ra Bắc vào
những năm thập niên 1920-30. Năm 1935, trong chuyến lái tàu ra Bắc, Ông phải
lòng một phụ nữ họ Thạch người dân tộc.
Người phụ nữ này là con ông Cả, gia
đình đất Hải Phòng rất giàu. Hai người lấy nhau, và ngày 21 tháng 12 năm Bính
Tý 1936, bà đã hạ sinh người con trai, đặt tên Trần Kim Cường, tức nghệ sĩ Hùng
Cường sau này. Năm 1937, cha của Hùng Cường ra Bắc đón vợ con ra mắt bên Nội ở
Bến Tre, sau đó về sống ở Sài Gòn trong một ngõ hẻm nhỏ địa chỉ 137 khu Nguyễn
Cư Trinh – Phát Diệm (là đường Trần Đình Xu hiện giờ) gần rạp hát Quốc Thanh.
Năm 1952, có một cô thiếu nữ tên Huỳnh
Thị Bê (tên trong giấy tờ là Phạm Thị Huỳnh Liên) sinh quán ở Ninh Thuận, sau
đó vào sống ở Đà Lạt. Mỗi năm đôi lần cô ghé xuống Sài Gòn thăm người chị ruột
của mình tên Dưỡng đang sống ở ngõ 137, gần nhà của Hùng Cường. Lúc đó, cô chỉ
mới 14 tuổi và không hề biết rằng có một thiếu niên 16 tuổi thường để ý mình mỗi
khi cô từ Đà Lạt về Sài Gòn thăm chị ruột và Hùng Cường thường đi ngang qua nhà
cô.
Về sau bà Bê tâm sự: “Lúc đó tôi
biết ổng có để ý nhưng mình mới có 14 tuổi, đâu nghĩ chuyện yêu đương gì… Mà
lúc đó Hùng Cường không có đẹp trai phong độ như sau này. Tối ngày đi học xong
là về nhà đá banh ngoài đường nên đen thui, đâu có gì nổi bật hơn ai. Không có
gì hơn người, vậy mà cuộc tình lớn dậy lúc nào không ai hay biết…”
Bà Huỳnh Thị Bê bên mộ Hùng Cường năm
2014
Năm 1954, Trần Kim Cường mới 18 tuổi
đã tỏ tình lần đầu và dám xin cưới nàng thiếu nữ tên Bê tuổi 16 còn rất ngây
thơ. Chàng thường lén gia đình lên Đà Lạt đi tìm nàng cho thỏa nỗi nhớ mong.
Trong lúc vượt đèo lội suối lên Đà Lạt tìm kiếm, chàng còn sáng tác nhiều ca
khúc viết tặng người trong mộng của mình, chẳng hạn bài:
Về Thăm Xứ Lạnh:
Đà Lạt ơi, mơ người em nắng lên rồi
Vai nặng vai chiếc gánh bên đồi
Nhìn đôi môi son thắm em còn tươi,
Vai nặng vai chiếc gánh bên đồi
Nhìn đôi môi son thắm em còn tươi,
Đà Lạt ơi, sương buồn thắm ướt hàng mi
Ai người nhớ đến câu biệt ly
Lòng du khách ngập ngừng ghi…
Ai người nhớ đến câu biệt ly
Lòng du khách ngập ngừng ghi…
hoặc ca khúc Trăng Cam Ly:
Ôi suối Cam Ly đây hồn tôi
Xao xuyến tim tôi ai thờ ơ
Thu ấy em đi anh ngóng chờ
Hẹn ngày mai tràn ước mơ
Xao xuyến tim tôi ai thờ ơ
Thu ấy em đi anh ngóng chờ
Hẹn ngày mai tràn ước mơ
Người đẹp xứ Đà Lạt đã xúc động trước
sự theo đuổi của Hùng Cường. Đồng thời những năm 1955-1956, thời gian này Hùng
Cường cũng vừa đoạt ngôi vị đầu trong cuộc thi ca sĩ của đài Pháp Á với nhạc phẩm Ông
Lái Đò của Hiếu Nghĩa cho nên tên tuổi đã được nhiều người biết đến.
Riêng người đẹp Huỳnh Thị Bê cũng
không hề kém cạnh. Trong cuộc thi tuyển lựa tài tử đóng phim Người Mỹ Trầm Lặng
(The Quiet American) cuối năm 1956, bộ phim đầu tiên chuyển thể từ tác phẩm
cùng tên của nhà văn Graham Greene, đạo diễn người Mỹ Joseph L. Mankiewicz tới
miền Nam Việt Nam cần tuyển một thiếu nữ châu Á tóc dài. Trong thành phần Ban
Giám Khảo có tài tử Lê Quỳnh và vài người Pháp khác, người đẹp Huỳnh Thị Bê đã
được chọn vào vai diễn này. Hãng phim dự tính mời cô sang Hawaii đóng phim,
nhưng vì đám hỏi giữa cô và Hùng Cường vừa tổ chức xong, Hùng Cường không đồng
ý cho cô đi một mình sang ngoại quốc, vì thế cô Huỳnh Thị Bê đành từ chối hợp đồng
đóng phim trên.
Mùa Thu năm 1956, đám cưới Hùng Cường
được tổ chức liên tiếp 3 ngày. Ngày thứ nhất, dành cho bà con giòng họ bên nội ở
Bến Tre. Ngày thứ nhì, đãi thân hữu của ông bà nội và ngày thứ ba, đãi bạn bè của
Hùng Cường. Trong số quan khách hiện diện, có sự tham dự của vợ chồng ông bà
Hoàng Cao Tăng – Kim Báu, giám đốc đài phát thanh Pháp Á, ca sĩ Tuyết Mai (vợ
Duy Khánh), ca sĩ Việt Ấn, ca sĩ Thanh Thoại..
Sau khi lấy nhau, vợ chồng Hùng Cường
lần lượt có 5 mặt con, theo thứ tự là Quang Bình (ca sĩ) sinh năm 1957, Quang Đại
(đạo diễn) sinh năm 1959, Phương Giao (ca sĩ) sinh năm 1961, Phương Huy (ca sĩ
sau đó lấy chồng đi Pháp) sinh năm 1963, và sau cùng là Phương Uyên sinh năm
1965 (đã mất tháng 8 năm 1975).
Là một người tài hoa, đẹp trai, dĩ
nhiên Hùng Cường trở thành một thỏi nam châm thu hút rất nhiều cô gái thời ấy,
nên hôn nhân giữa Hùng Cường và bà Bê trở nên lung lay. Năm 1967, sau nhiều lần
bắt gặp, bà dự tính ra tòa ly dị nhưng vì nghĩ đến tai tiếng ở xã hội, hạnh
phúc gia đình, Bà lại cố gắng chịu đựng cho qua ngày. Nhưng khi vượt qua mức giới
hạn của lòng bao dung, năm 1972, bà Bê quyết định ra tòa và chính thức chia tay
với người chồng hào hoa đang là người nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở Sàigòn lúc bấy
giờ.
Bà tâm sự: “Nếu không chia tay
lúc này khi ảnh trên đỉnh cao của danh vọng, mai này làm sao có thể ra đi được
khi mà hạnh phúc gia đình không còn cứu vãn được ở tương lai”.
Nguồn: Trần Quốc Bảo
No comments:
Post a Comment