Giá xăng ở Mỹ tăng – trách
nhiệm của chính quyền Biden?
19/03/2021
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu
trong đời sống của các hộ gia đình Mỹ
Giá xăng ở Mỹ tăng đều đặn trong hai tháng
qua là do mất cân đối cung-cầu trong bối cảnh có sự phục hồi sau đại dịch với
nhu cầu đi lại gia tăng, nhưng các chính sách năng lượng sạch của Tổng thống
Joe Biden dự báo sẽ làm giá xăng tăng thêm trong tương lai, các phân tích gia
cho biết.
Giá xăng ở Mỹ hiện cao đáng kể so với tháng
11 năm ngoái và có thể ở mức 3 đô la một gallon cho đến mùa hè. Một gallon tương
đương 3,8 lít.
Thực tế này châm ngòi tranh luận về việc
liệu trách nhiệm có thuộc về ông Joe Biden hay không. Kể từ khi ông Biden nhậm
chức, Đảng Cộng hòa và các nhà bình luận cánh hữu đã không bỏ qua cơ hội nào để
liên kết việc tăng giá xăng với các chính sách của ông Biden và dự đoán điều tồi
tệ nhất còn ở phía trước.
“Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức,
giá xăng trung bình đã tăng hơn 50 cent/gallon,” Thượng nghị sĩ Florida Rick
Scott lưu ý trong một tuyên bố bằng văn bản trong tuần này để chỉ trích gói kích
thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la mà Đảng Dân chủ thông qua.
Khi được yêu cầu giải thích về phát ngôn
này, ông McKinley Lewis, thư ký báo chí của ông Rick Scott, chỉ nói chung
chung: “Giá xăng đã tăng kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Đó là sự thật.
Quý vị nên hỏi Nhà Trắng tại sao họ không làm nhiều hơn để giữ giá xăng thấp
cho các hộ gia đình Mỹ.”
‘Do luật cung cầu’
Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng như thế này
đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, giá xăng
dầu trung bình toàn quốc chạm mốc 2,94 đô la hồi tháng 6/2018, 2,88 đô la hồi
tháng 10/2018, và 2,89 đô la hồi tháng 4/2019. Hồi mùa hè năm 2008, giá xăng chạm
mốc 4 đô la một gallon, ngay trước khi cuộc Khủng hoảng Tài chính xảy ra.
Theo các nhà phân tích, giá xăng tăng là
do các lực thị trường, bao gồm đợt lạnh sâu ở Texas vào tháng trước khiến nhiều
cơ sở lọc dầu phải đóng cửa và tạm thời giảm sản lượng. Ngoài ra, cũng có các
nguyên nhân khác như: lo ngại căng thẳng gần đây ở Trung Đông sẽ kìm hãm năng lực
sản xuất xăng dầu ở khu vực; các quốc gia sản xuất dầu từ chối bơm thêm dầu ra
thị trường thế giới và trên hết là sự lạc quan rằng vaccine COVID-19 sẽ củng cố
niềm tin người tiêu dùng, dẫn đến việc số người lái xe ra đường trong mùa hè sẽ
tăng vọt.
Theo ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận
phân tích xăng dầu của trang web GasBuddy.com, được trang South Florida Sun
Sentinel dẫn nhận định rằng trong hoàn cảnh tương tự, giá xăng vẫn tăng bất kể
ai là Tổng thống.
Ngược lại, ‘nếu chúng ta không có
vaccine, giá xăng sẽ không tăng’, ông nói.
Mặc dù nhu cầu xăng dầu đang tăng lên,
nhưng sản lượng xăng dầu hàng ngày của Mỹ vẫn thấp hơn 20% so với mức đỉnh trước
đại dịch là 13,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, ông De Haan dẫn số liệu thống kê từ
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.
Ông De Haan chỉ ra rằng chỉ có 544 giàn
khoan đang hoạt động tại Mỹ và Canada so với 996 giàn khoan một năm trước đây.
Các nhà sản xuất dầu ở Bắc Mỹ, vốn vẫn đang lao đao trước nhu cầu xăng dầu giảm
chưa từng có đến 60% chỉ trong vòng hai tuần vào mùa xuân năm ngoái, đang tỏ ra
thận trọng trong việc khởi động lại các giàn khoan bị trùm mền. Điều này khiến
nhu cầu mới vượt xa nguồn cung, giữ giá xăng ở mức cao.
Giá xăng đang tăng ‘bởi vì nền kinh tế đang
phục hồi mạnh mẽ sau phong tỏa’, ông De Haan nói trong một cuộc phỏng vấn. “Đó
là kiến thức kinh tế cơ bản, chứ không phải vấn đề chính trị.”
Tổng thống ‘thù địch’ với ngành
dầu khí
Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng hòa
chỉ ra các sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Biden ban hành trong những ngày đầu
tiên nắm quyền để thực hiện mục tiêu của ông là chống biến đổi khí hậu nhằm loại
bỏ khí thải carbon trước năm 2050 mà ông đã vạch ra trong quá trình tranh cử.
Các thành viên Cộng hòa cho rằng mặc dù
các sắc lệnh hành pháp này có thể không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu và khí đốt
ngay lập tức, nhưng chúng có thể khiến các nhà sản xuất và kinh doanh xăng dầu
có hành động đón đầu khiến cho giá xăng tăng.
Một trong những sắc lệnh của ông Biden,
vốn được ra sau khi ông nhậm chức, là tạm dừng việc xây dựng đường ống dẫn dầu
Keystone XL dài 1.200 dặm giữa tỉnh Alberta, Canada và thành phố Steele, bang
Nebraska của Mỹ. Khi hoàn thành, đường ống này dự kiến sẽ chuyển 830.000 thùng
dầu mỗi ngày từ các bãi cát dầu của Canada đến các nhà máy lọc dầu dọc theo Vùng
Vịnh Mexico của Mỹ.
Một sắc lệnh khác cấm cấp phép hợp đồng
cho thuê mới để khoan dầu khí trên đất thuộc sở hữu liên bang, chủ yếu ở miền Tây.
Ông Biden cũng đưa Hoa Kỳ tái gia nhập
Hiệp định Khí hậu Paris, nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu và ngăn không
cho thời tiết toàn cầu nóng lên trước giữa thế kỷ này.
Phía Cộng hòa cho rằng các hành động này
là ‘cuộc tấn công’ vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá béo bở của quốc
gia và sẽ làm mất hàng nghìn việc làm. Theo nhà thầu TC Energy, quyết định ngừng
đường ống Keystone đã ngay lập tức làm mất hơn 1.000 việc làm và làm tiêu tan
luôn kế hoạch của các nhà thầu thuê mướn thêm hàng nghìn lao động.
Trên kênh Fox Business, cựu chủ tịch hãng
Shell Oil, John Hofmeister, gọi chính quyền ông Biden là ‘thù địch’ đối với ngành
dầu khí và nói rằng các chính sách năng lượng sạch của Tổng thống sẽ đẩy giá xăng
tăng trong tương lai.
Ông cảnh báo rằng lệnh cấm cho khai thác
thêm mỏ dầu mới trên đất của liên bang sẽ ‘tạo ra tâm lý là ‘xăng dầu sẽ khan
hiếm hơn’ và tâm lý này đẩy giá tăng.’
Viết trên trang web The Hill, bà Liz
Peek, nhà phân tích kinh doanh và cộng tác viên thường xuyên của Fox News, cho
biết ông Biden đã không thể chặn đà tăng giá xăng hiện tại khi ông cho công bố đánh
giá tình báo kết luận rằng Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman phải chịu trách
nhiệm trong việc chỉ đạo sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Đánh giá này đã xúc
phạm hoàng gia nước này và ‘có thể đã khiến họ quyết định không tăng sản lượng
dầu’, bà nhận định.
Ngoài ra, việc ông Biden bổ nhiệm những
người có chủ trương cấp tiến vào các chức vụ quan trọng trong Nội các của ông và
đưa các vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của mọi cơ quan chính
quyền ‘chắc chắn sẽ khiến đầu tư và sản xuất dầu khí của Mỹ giảm theo thời
gian. Hậu quả là giá xăng sẽ tăng lên’, bà viết.
Viện Nghiên cứu Năng lượng, một tổ chức
phi lợi nhuận được các nhà phê bình coi là tiếng nói của ngành công nghiệp nhiên
liệu hóa thạch, đã cho đăng một bài blog trên trang của họ hôm 9/3, trong đó viết:
“Chính quyền Biden đang đạt được những gì họ muốn – giá xăng cao hơn sẽ dẫn đến
việc người Mỹ buộc phải chuyển sang sử dụng xe điện và do đó nền kinh tế nước Mỹ
sẽ đạt mức [khí thải] ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính quyền Biden chả lo lắng gì
việc người Mỹ sẽ phải lãnh đủ và các gia đình có thu nhập thấp sẽ bị tác động
nhiều nhất.”
Tuy nhiên, bài blog đó, cũng như các bài
bình luận khác của cánh hữu, đã không đổ lỗi trực tiếp cho Biden mà thay vào đó
cho rằng ‘cung và cầu mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng giá xăng dầu
và khí đốt kể từ đỉnh đại dịch.’
‘Không nên chuyển đổi quá
nhanh’
Trao đổi với VOA từ bang Texas, Giáo sư-Tiến
sĩ Khương Hữu Lộc, giảng dạy chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường
sau đại học Keller, cho biết do nhu cầu giảm mạnh trong thời gian đại dịch đã
khiến nhiều nhà sản xuất dầu ngưng sản xuất. “Bây giờ muốn hoạt động trở lại cũng
đâu phải một sớm một chiều,” ông cho biết.
“Nhiều nhà sản xuất còn không chắc sự hồi
phục này có lâu bền không nữa. Họ đã lỗ lã quá nhiều hồi năm ngoái rồi nên họ
không sẵn sàng mở cửa trở lại,” ông nói và cho biết nhiều cơ sở khai thác dầu ở
Texas bị hư hại nặng trong đợt lạnh sâu vừa qua ‘còn phải bảo trì, sửa chữa nữa
nên chưa khôi phục năng lực sản xuất nữa’.
Ông cũng cho rằng giá xăng dầu tăng cũng
là ‘dấu hiệu cho thấy kinh tế đã trở lại’. “Gói kích thích kinh tế trị giá
1.900 tỷ đô la sẽ khiến nhiều người có tiền tiêu cho nền kinh tế nên nền kinh tế
đang trỗi dậy sẽ càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa,” ông nói.
Bên cạnh đó, ông dự đoán nhu cầu xăng dầu
sẽ tăng vọt trong mùa hè. “Bây giờ họ thấy vaccine đã tung ra, mà sắp hè nữa,
trong khi người dân bị bí, gần cả năm họ không đi đâu được nên họ sẽ lái xe đi
du lịch nhiều hơn,”ông dự báo.
Mặt khác, Giáo sư Lộc cũng chỉ ra rằng các
quy định gắt gao về phát thải CO2 của chính quyền Biden ‘làm tăng thêm chi phí
rất nhiều cho các hãng lọc dầu’.
Ông lập luận rằng Mỹ cần tham gia trở lại
vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì ‘Trái đất ấm lên là thực tế khoa học
không thể chối bỏ’ nhưng Tổng thống Biden không nên đi quá nhanh đến mức làm ảnh
hưởng đến các ngành nghề kinh tế Mỹ và năng lực cạnh tranh của Mỹ.
“Chính sách năng lượng xanh không đúng
trong thời điểm này,” ông lập luận. “Tổng thống Biden không cho khai thác năng
lượng hóa thạch trong lúc Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng năng lượng giá rẻ để sản
xuất và tăng cường sức mạnh toàn cầu.”
“Đến 10-20 năm nữa Mỹ cũng chưa chắc
chuyển sang năng lượng sạch được mà trong lúc này đang cạnh tranh với Trung Quốc
mà chính quyền Biden đi vũ bão như thế về năng lượng xanh thì sẽ thua thiệt
Trung Quốc rất nhiều,” ông nói thêm.
Tiến sĩ Lộc khuyến nghị ‘giá xăng cũng tăng
vừa phải để các ngành công nghiệp Mỹ còn tồn tại được’ và chỉ ra ngành sản xuất
thép của Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng hóa thạch sẽ bị ảnh hưởng rất
nhiều nếu giá xăng dầu tăng cao.
Vị giáo sư kinh tế này dự đoán giá xăng
sẽ còn tăng hơn nữa vào mùa hè và chính phủ Biden ‘sẽ không làm gì để kiềm giá
xuống’.
“Khi chính quyền Biden muốn người dân Mỹ
sử dụng năng lượng tái tạo thì năng lượng hóa thạch mắc cần phải mắc hơn để người
dân dần dần từ bỏ,” ông cho biết.
No comments:
Post a Comment