Wednesday, March 31, 2021

TÂM BÃO Ở TÂM (NHẤT PHƯƠNG) "PHẦN HAI CỦA "CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI RẼ"

 


Ngày đã đứng bóng. Nắng chói chan nhưng không gian dường như đắm chìm trong cõi mù sương.

Chuông cửa bỗng reo vang, cùng lúc với tiếng người liên tục vọng vào, âm điệu tuy thân quen, nhưng hôm nay nghe sao lạ lẫm, đầy „uy quyền‟, trịch trượng và ngạo mạn:

-Ông bà còn ở nhà hay đã trốn đi đâu rồi?

 

Sương Pha quá đổi ngạc nhiên khi nghe câu hỏi ấy nên khe khẻ, rón rén run run lùa mấy ngón tay vào góc màn, len lén nhìn con người vừa mới hôm qua hãy còn thâm trầm, thân thiết lắm. Hai con chó „tóc tai‟ dựng đứng, sủa ồn ào như muốn nhảy qua dãy hàng rào hoa giấy tím cao hơn đầu nó cả thước. Sau khi mở cổng mời khách quen, đứa cháu gái vào nhà lễ phép nói với Sương Pha:

 

-Thưa dì, có bác B. tới thăm dì dượng.

Người đàn ông được gọi là „bác B‟, dáng điệu khá cẩn thận, e dè, nếu không muốn nói là…lấm la lấm lét (chắc đã bắt đầu thấy ngán hai con chó, và cũng đang tự hỏi, tại sao hôm qua nó còn vẩy đuôi mừng mà hôm nay nó lại nhìn mình như muốn cắn?). Tuy vậy, anh vẫn gắng gượng đẩy mạnh chiếc Honda màu xanh lá mạ, dựng dọc dưới giàn hoa (chỗ để quen thuộc của anh, mỗi lúc đến nhà chơi). Hai con chó vẫn còn gầm gừ tức tối, hậm hực ngó chừng. Hình ảnh này đã như vết chàm xâm khéo léo, đau đớn và trường cửu trong tâm tư Sương Pha, ngay cả sau khi nàng được đặt chân lên hải đảo; ngay cả nhiều lần-nhiều tháng-nhiều năm trong tương lai, khi an cư ổn định cuộc sống miên viễn tận xứ người. Nhưng lúc bấy giờ, nhứt thời Sương Pha nghĩ hoài vẫn chưa tìm được lý do nào khiến hai con chó không còn coi bác B. là bạn của chủ mình nữa, mặc dù trước thời điểm tang thương sập trời, chỉ mới vài ngày qua chớ lâu lắc gì, bác ấy vẫn còn là một trong khá ít người khách thường xuyên lui tới thăm nhà…

 

Anh B, có thể coi là bạn, là người rất gần gủi với Hoàng Quân. Anh là giáo sư dạy đệ nhị cấp tại trường trung học trong tỉnh. Sau khi lập gia đình, Sương Pha thường theo Hoàng Quân mỗi khi anh đi nhận công tác ở các nhiệm sở mới. Chiếc áo dài trắng học trò chưa kịp đổi màu thiếu phụ khiến Sương Pha thường bị đám “học trò chính quy” của các bạn giáo sư khác tại địa phương trêu đùa chọc phá. Ngẩn ngơ nhìn về quá khứ, gần gủi ngần ấy mà ai có ngờ ngàn trùng xa. Ly cà phê trong tay nguội lạnh, như được rót từ nỗi tủi hờn ly biệt, bắt đầu nơi chiếc ngõ vô ưu không còn lối thoát, bị vùi dập, áp đặt lên những tâm hồn yêu chuộng nhân quyền, muốn sống đời tự tại.

 

Trở lại „hiện trường‟lúc bấy giờ, Bác B đã bước đến bực tam cấp. Tiếng giày êm ru, không khua vang âm điệu „thật thà‟, nhịp nhàng của đôi chân tư bản, khiến Sương Pha nhìn xuống… Trời ơi, nhanh đến vậy sao? Hèn gì hai con chó nhảy dựng. Sương Pha quỳ gối lên đất, dang tay ôm chầm hai đứa chó vào lòng, thấm dòng nước mắt đau thương lả chả rơi trên lưng con Mino, nhạt nhòa ướt đẫm đỉnh đầu con Ki Mập. Nàng gắng gượng dấu đôi môi muốn rướm máu, giữ cho tiếng khóc âm thầm yên ắng giữa buồng tim. Có phải Tạo Hóa đang đùa vui nhân thế? Đây là lần đầu tiên Sương Pha được nhìn thấy đôi dép râu…quá mới giữa thị thành. Nhưng trớ trêu thay, nó lại đang ôm ấp gọn gàng đôi chân người bạn cũ.

 

-Anh B, mời anh vào chơi. Tiếc quá, Hoàng Quân không có nhà thưa anh.

-Trưa vầy mà ổng đi đâu vậy chị? -Tôi không có thói quen hỏi để kiểm soát bất cứ ai, chỉ biết anh ấy đi ra ngoài thôi anh à. Có lẽ cũng sắp về để dùng cơm trưa.

- Cách mạng đã thành công, ông bà nên bỏ ngay lối sống “kín cổng cao tường” đi là vừa.

- Tường cao cổng kín gì đâu anh. Anh thấy rồi đó, đứng trong nhà, hai con chó của tôi cũng có thể thay chủ để đón tiếp anh mà.

Anh B im lặng nhìn Sương Pha. Sắc mặt anh, bình thường đã luôn xanh tái, bây giờ càng tái xanh (có lẽ vì giận…hai con chó sủa dai, đón tiếp mình không thân thiện):

 -Sao chị mỉa mai tôi chi vậy? Vì muốn giúp anh chị khỏi bị bế tắc, khỏi đắc tội với cách mạng nên tôi mới sớm đến đây. Dù gì chúng ta cũng quen biết nhau. Bây giờ anh vợ tôi đang làm chủ tỉnh này. Tôi có thể nói giúp anh chị để mọi điều tốt đẹp hơn. Nhưng, nếu biết trước thái độ của chị như vầy, tui không thèm đến làm gì. Thiệt uổng công…

 -Anh cứ tự nhiên làm theo ý muốn của chính anh đi. Nhìn bộ vận của anh, tôi biết ngay mình đang tiếp chuyện với loại người nào rồi. Anh không có lý do cũng như tư cách để dùng ba tiếng thiệt-uổng-công với chúng tôi đâu. Chúng tôi nói với anh mới thiệt là đúng người đó anh à. Dù gì, anh cũng đã từng được chúng tôi coi như bạn. Vậy có phải thiệt-uổng-công khi chúng tôi quá tin tưởng nên đã giúp đở lầm, che chở lầm cho anh suốt nhiều tháng nhiều năm dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mới vài ngày qua đây chớ lâu lắc gì. Sao anh mau quên quá vậy?

 

Bác B của hai con chó cũng muốn nhảy dựng như chúng:

-Thôi mặc kệ hai ông bà, có gì đừng trách tui không nói trước đó nghen.

Nói xong, anh quay lại dẫn chiếc xe, mặt hầm hầm định bước ra, đúng lúc Hoàng Quân cũng vừa về tới. Sương Pha tự hỏi, không biết Hoàng Quân có kịp nhìn thấy đôi dép râu anh ta đang mang dưới chân chưa đây?

 

 -Mời, mời anh vào nhà chơi

Rồi quay sang Sương Pha, anh khẻ trách:

-Sao để đứng ngoài này vậy, không mời anh B. vô phòng khách?

Sương Pha chán nản, chẳng buồn trả lời Hoàng Quân. Nàng giả bộ như đang bận cột hai con chó, rồi bước nhanh vào ngõ sau, đóng sầm cửa bếp.

 

Ở nhà trên, không biết Hoàng Quân và anh ta nói chuyện gì với nhau. Sương Pha thừ người lặng ngắm chiếc bàn ăn tuy nhỏ nhắn đơn sơ, nhưng rất ấm cúng của gia đình, tâm hồn bấn loạn. Với tình hình này, anh B đang và sẽ là mối đe dọa lớn nhất, nguy hiểm nhất, có thể đưa đến nguyên nhân khiến Hoàng Quân bị bắt nhanh nhất, bởi nàng thừa sức biết, không ai có thể hại mình dễ dàng bằng chính người bạn chí thân của mình (nếu một khi họ manh nha cố tình muốn hại). Lúc này, có thể anh B là một trong vài người như thế (dĩ nhiên Sương Pha chỉ biết khi nhìn thấy đôi dép…đổi đời).

 

Sương Pha nhớ lại, từ ngày đầu, cách nay chỉ ba năm, khi những người bạn chí thân của Hoàng Quân giới thiệu vợ chồng anh B để chơi cùng, thái độ anh chị ấy rất vồn vả. Anh cười thật tươi, vui vẻ, cởi mở, thân mật tự nhiên như đã quen nhau từ lâu lắm. Ngược lại, vợ anh rất ít nói, chỉ gật đầu nhẹ nhàng, nhưng thể hiện mối cảm tình bằng đôi mắt có đuôi, dễ thương vô cùng. Tuổi trẻ dễ hòa nhập, Hoàng Quân và Sương Pha rất thích cặp đôi này nên đi đâu, làm gì cũng rủ họ tham gia, thậm chí còn mời họ đến thăm nơi Hoàng Quân làm việc cho biết. Là người miền Nam “ruột để ngoài da”, lại cùng chòm xóm, nên Hoàng Quân và Sương Pha không hề có chút xíu nghi ngờ về việc giao tiếp với anh B. Càng suy tư nghĩ ngợi, Sương Pha càng thấy mình vô tâm, hời hợt, dễ tin người…

 

“Hồi đó” (tuy mới vài tháng thôi, sao tưởng chừng như mấy chục năm dài), mỗi lần Hoàng Quân đi thăm chỗ làm, anh B rất sung sướng nếu được tháp tùng. Mỗi lần ngồi cạnh Hoàng Quân, trên chiếc xe mang số chính phủ, anh ấy tỏ rõ thái độ rất yên tâm, thoải mái khi đến gần các trạm kiểm soát trình trạng hợp lệ trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Chúng tôi không ai để ý chút gì về việc này, chỉ nghĩ rằng, có lẽ khi được chạy qua nhanh, không mất nhiều thời gian chờ đợi để xuất trình giấy tờ nên anh thích, đơn giản vậy thôi. Bây giờ mới biết… Nắng chiều nặng nề, chậm chạp lết lê qua từng bước chân của những con người vừa mới xuôi tay phá sản cùng đất nước. Bất ngờ, sáng sớm ba ngày sau, Hoàng Quân nói anh phải đến đồn công an để trình diện theo thơ mời đã nhận. Sương Pha bàng hoàng thảng thốt:

 

 -Anh nghĩ có ổn không? Anh có thể sẽ trở về không?

-Biết trả lời câu hỏi của em như thế nào đây? Thôi, ai sao mình vậy cho rồi.

Tâm tánh thâm trầm của Hoàng Quân trước giờ vẫn thế, bình tĩnh và kín đáo. Suy nghĩ của anh, nếu không dính dáng đến gia đình, chỉ có trời mới biết.

 

Hoàng Quân đi đến đồn Công An tỉnh đúng giờ chỉ định trong thơ. Từ lúc ấy, Sương Pha đứng im lìm bên mành cửa sổ đợi chờ. Mặt hồ vẫn phẳng lặng ấp ôm hầu hết các vạt nắng trưa hè. Sắc màu trong suốt, long lanh vàng ánh thái dương rực rỡ. Không gian vô tình đến thế sao? Đất trời có cảm thông với nỗi lòng bi thương của con người trong lúc này ở mọi miền đất Phương Nam không? Câu hỏi chỉ âm thầm hỏi. Câu trả lời chắc cũng chỉ âm thầm chẳng muốn ai nghe, hay còn tùy thuộc vào trạng thái suy tư của mỗi kiếp người, mỗi cảnh đời hiện tại?

 

Bên kia mặt hồ, giáp nối với công viên là bờ sông, một nhánh rẽ của dòng An-Giang, vô cùng quen thuộc. Mặt nước phù sa vẫn long lanh. Màn trời vẫn tỏa rạng ngời vòm xanh hy vọng. Vài chiếc xuồng ba lá nhấp nhô, thoáng ẩn thoáng hiện, lờ lửng mái chèo. Hỡi người đang bơi thuyền trên sóng nước, các người đang làm gì ngoài kia? Thả mồi bắt bóng hay đang cố tìm những hình ảnh ảo, lừa dối chính mình khi tỏ ra nhàn nhã, tâm bình? Làm gì cũng được, xin chở dùm hòn đá trong tâm trạng tôi bỏ xuống lòng sông. Con đường trước mặt, một đầu dẫn đến đồn công an (bót Cảnh Sát cũ của mình), một đầu dẫn đến trại “học tập cải tạo”(một trong những ngôi trường Trung Học khang trang thời Cộng Hòa). Ngã nào cũng là ngã chia ly. Đường nào cũng sẽ là đường đi một chiều, chắc gì có thể quay trở lại. Sương Pha khe khẻ hát, không đầu không đuôi các bài ca xa lìa, không hồi kết. Những giọt nước mắt đơn côi thi nhau rơi lả chả, lạnh lẽo khôn cùng dưới ánh hoàng hôn ngấp nghé.

 

“Ngày dài rồi cũng tàn”, nhưng sự trông ngóng người thân được trở về từ nơi nguy hiểm chẳng những không chịu tàn theo, mà lại còn làm thời khắc dài thêm, đảo lộn con đường vận hành của Thái Dương nữa. Bầu không gian chạng vạng buồn hắc hiu. Tuy sắc tím chiều tà nhanh chóng sơn đậm màu vũ trụ đã khá lâu, Sương Pha cứ quyết lòng kiên nhẫn ráng đợi chờ thêm, mãi mãi cũng sẽ chờ. Vẫn còn trong giờ làm việc có phải không? Có lẽ họ đang rất cay cú khi hỏi cung Hoàng Quân nên chưa chịu ngừng chăng? Nàng cũng tự an ủi chính mình, sẽ không có gì xảy ra đâu, hãy nén lòng thêm chút nữa. Ngày dù dài bao nhiêu cũng phải đến lúc phai tàn. Rồi anh sẽ được trở về, dù trong bóng đêm tâm tối, anh cũng phải trở về.

 

 Đã tám giờ hơn, Sương Pha hết còn kiên nhẫn, nội tâm đang gây hấn với chính nàng. Chắc phải chào thua định số. Trời ơi, màn đêm nở nào úp chụp thật hoàn hảo, thật nhanh chóng lên cuộc đời của tôi như thế này sao? Không gian ảm đạm vô thường. Có phải đây là màu tương lai của riêng nàng? Hay của tất cả mọi gia đình mà các quân nhân vừa lơi tay cầm súng? Đúng vào lúc đôi chân tê cứng, sắp sửa quỵ xuống, đầu óc Sương Pha mịt mờ lảo đảo theo bóng tối âm u, bỗng như có phép mầu trong cổ tích, anh bất ngờ hiện ra, tuy với dáng điệu của người lữ hành trong cơn mưa thời cuộc, phủ phàng điên đảo….

****

 

Những ngày sau đó, nhứt thời tạm yên ổn, nhưng thời gian quá nặng nề áp đặt lên đời sống phôi phai từng phút, từng giờ. Sương Pha hít thở bầu không khí hoài nghi, lan man với cái bóng hiện tại, đầy ác cảm của cuộc “phiêu lưu” trong mọi khoảnh khắc “chiêm bao giữa ban ngày”, bất chợt được tạo dựng thành các câu chuyện mà con người lương thiện không hề định trước, nhất là những giấc mơ đúng nghĩa với ý Người. Trải qua nhiều sóng gió trên đất, trên các khoảng đường tưởng chừng phẳng lặng nhưng đầy gai nhọn, chân trần không thể chạm, mắt trần không thể soi thấu, nên nàng vẫn còn bàng hoàng, nơm nớp lo sợ sẽ lại “tàn một giấc mơ”… Bấy giờ, một lần, sau biến cố, được ngồi trên chiếc thuyền con như ai đó mấy ngày trước, thả xuôi theo dòng chảy của định mệnh, Hoàng Quân mới chậm rải kể rõ cho Sương Pha nghe, những gì đã xảy ra trong phòng thẩm vấn:

 

Anh gọi người công an trẻ đang ngồi trước mặt bằng ông, nhưng hắn bảo anh hãy gọi bằng cháu(?). Cậu ấy đã mở đầu cuộc hỏi cung bằng một câu khiến anh rúng động, và nghĩ rằng thế là xong, mình sẽ không còn cơ hội được trở về nhà gặp lại gia đình, không chỉ một đêm nay, mà sẽ là mãi mãi:

 

-Chú không biết cháu, nhưng cháu, hay đúng hơn là mẹ của chúng cháu, một bà mẹ Liệt Sĩ, biết chú rất tận tường…

 

-Mẹ cậu là ai? Cậu có thể nói rõ hơn một chút về việc ấy được không, tôi…

Ông công an trẻ lẳng lặng đưa cho anh một tờ giấy viết tay và nói:

 -Đây là đơn “kể tội” của chú do một người trong tỉnh trình “tố”. Người này cũng thuộc gia đình Cách Mạng, rất có công với nhân dân, nên mọi việc làm của họ đều được cấp lãnh đạo coi trọng. Tuy vậy, bổn phận của chúng cháu cũng phải xem xét kỹ lưỡng, phải trao đổi với cấp lãnh đạo và sẽ làm việc đúng “nguyên tắc”. Đối với sự hiểu biết của gia đình cháu, chú là trường hợp đặc biệt nên „công tội‟ phải phân minh. Chú đọc thật kỹ dùm, rồi nếu không có gì để phản cung, để khiếu nại, chú ký tên rõ ràng vào là đầy đủ hết.

 

Nghe cậu ấy ra lịnh xong, anh thầm gọi Phật Trời ơi, con có công gì với „Cách Mạng‟ mà phân minh mới được chớ? Chỉ có tội thôi, khiếu nại kêu oan nỗi gì bây giờ? Chắc hắn lầm anh với ai khác rồi. Tuy nhiên, em biết không, sau khi đọc thật kỹ tờ đơn “tố cáo”, mạch lạc quá, rõ ràng quá, tuy có vài phần áp đặt cho tội trạng chồng chéo nặng nề thêm. Nào là đi xe số ẩn tế, nào là nhân viên của chính quyền Sài-Gòn biệt phái, nào là bà con của bà TT Thiệu… Do vậy, anh càng biết rõ mình“đầy dẫy tội ác với nhân dân”, khiếu nại nỗi gì cho tới. Chỉ tiếc là, thật uổng công…

 

Giờ thì Sương Pha đã đoán được tác giả của tờ đơn tố cáo là ai, không cần phải hỏi lôi thôi. Đúng là thiệt uổng công, uổng công thiệt đó. “Còn tiếng nói nào hơn tiếng lặng thinh” (xin phép được mượn chữ của thầy Nguyễn Lân, vị GS Gia-Long khả kính, trong tác phẩm Tìm Một Cõi Về).

 

Một tờ đơn viết tay khá mạch lạc phải do một người có học viết. Viết quá rõ ràng từng chi tiết để buộc tội phải thân cận lắm với „nạn nhân‟ mới biết. Những „cán bộ‟ CS vừa ở trong bưng, trong rừng về, con Lai và con Nai còn chưa phân biệt được, hỏi ai là người biết quá nhiều, quá rõ việc làm, đường đi nước bước của Hoàng Quân? Lại còn dùng cả tam đoạn luận nữa mới đáng phục chứ:

 

(tên Hoàng Quân này làm việc quá đắc lực trong chính quyền cũ. Hắn vào ra “khu vườn hậu phương” của TT Thiệu như cơm bửa, mang trái cây huê lợi đương mùa về ăn phủ phê quanh năm suốt tháng. Vợ hắn cùng quê với vợ của t…Thiệu, vậy không phải bà con với nhau là gì?)…

 Hoàng Quân nhận định, đúng hay sai không cần bàn tới, chỉ biết rằng…tác giả của tờ đơn muốn đưa hẳn anh vào cửa tử để lập đại công. Có câu nói của ông bà mình „cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán”.

 

Nhưng trong trường hợp này, oán thù gì với nhau mà đòi trả mới được chứ? Làm ơn mắc oán thì đúng hơn. Chỉ vì muốn lập công mà từ tình bạn đã biến thành tình thù. Từng chữ từng câu rõ ràng, như chiếc chìa khóa tinh khôi mở rộng cửa nhà tù, chuẩn bị để đưa nạn nhân vô cảnh lưu đày biệt xứ… Thấy anh cứ lớ ngớ tần ngần cầm tờ đơn chưa chịu ký, cậu công an mĩm cười tỏ vẻ thân mật (ít ra cũng trong trường hợp nguy hiểm ấy):

 

 -Thôi chú đừng lo lắng quá, sẽ không có chuyện gì xảy ra cho chú và cả gia đình đâu (ôi trời, có nghe lộn không đây?). Chú có lý do chính đáng để hoài nghi quyết định của Công An, nhưng Cơ Quan mời chú lên đây là muốn tạo cơ hội cho chú ghi danh đi trình diện học tập cải tạo đúng thời hạn, và nhất là để xét xử từng trường hợp tội lỗi từ đâu, sai đúng nữa (ôi trời, con người Cộng Sản (CS) học ở ai mà mau chóng quá, cũng biết đánh vần, biết phân biệt các nét chữ Sai với Đúng lúc này, nghe lạ lẫm vô cùng?).

Cậu ấy còn nói thêm rằng:

 

-Tuy chúng ta không cùng chiến tuyến, nhưng hôm nay, trước khi gặp chú, mẹ cháu có dặn, ơn đền oán trả phải phân minh. Gia đình cháu cũng là người miền Nam, cùng tỉnh với chú mà. Mẹ cháu nói biết chú, qua những tháng năm chung sống trong tỉnh này, chú làm ơn nhiều hơn là phủi ơn. Chắc chú không thể ngờ rằng, một lần trong những năm dài xưa cũ ấy, chú đã ban ơn rất lớn cho gia đình cháu. Đây là dịp để gia đình cháu trả ơn ấy lại cho chú, mặc dù chú không nhớ hoặc không biết để đòi…

 

Mẹ Cha ơi, con có nghe lầm lộn gì không? Một tên công an đang hoạch họe…xử án, lại nói chuyện báo ơn với một công chức có nợ máu ngập đầu (trong tờ đơn tố cáo đã viết mấy lần như vậy). Và không ngạc nhiên sao được, khi „người ấy‟, cũng là một người miền Nam, là bạn, sao lại nhẫn tâm, nở lòng nào…

-Thưa cán bộ, tôi…

Cậu ấy khoát tay:

-Thôi đã quá giờ làm việc rồi, chú cháu mình trao đổi cũng khá lâu, ngừng lại tại đây nghen. Ở hiền gặp lành mà chú. Chắc chú cũng mệt và đói…meo như cháu. Hôm qua mẹ cháu có dặn, phải tiếp đãi chú thật đàng hoàng. Thôi chú cháu mình đi kiếm cái gì bỏ bụng rồi về ngủ một giấc cho ngon lành nghen chú.

 

Sương Pha, em biết không, tâm trạng anh lúc bấy giờ, như bị ai trì kéo lết lê nhào nắn quay vòng tả tơi từ thượng tầng khí quyển rồi liệng xuống dương gian, phủ phàng không thương tiếc. Anh thấy mình cần nhiều hơi thở hơn nữa mới có thể tâm bình, yên tỉnh lại. Nhất thời không dám cử động mạnh, sợ đây chỉ là giấc mơ an lành tạm bợ, sẽ chóng phai tàn theo sương khói chiều hôm.

 

Mặc dù trong lòng xôn xao nôn nóng, muốn mau chóng được về nhà, vì biết em đang ngóng đợi, anh vẫn phải theo cậu ấy vào quán nhậu Ba Lít gần đồn công an, ngay bên đường đầu tỉnh để dùng cơm tối, (đấy là quán nhậu nổi tiếng của LX với món Dựng Heo chiên bơ, ăn cùng nước tương của Pháp mà mỗi lần chủ quán mang ra, đều vui vẻ giới thiệu với thực khách, “maggi thiệt, maggi thiệt…”). Có thể nói, bửa ăn ấy là khoảng không gian giao thời huyền hoặc bất thường mà anh được trải nghiệm, và cũng là cơ hội duy nhất để anh có thể hiểu tường tận ngọn ngành lý do vì sao một con người CS chịu „xá tội‟ cho kẻ thù trong đường tơ kẻ tóc, thập tử nhứt sanh như vậy.

 

Thú thật, anh cũng có chút cảm tình với cậu ấy, không phải vì được tha, mà vì tấm lòng hiếu hạnh, lời ăn tiếng nói rõ ràng không mỉa mai áp đảo, nhứt nhứt làm theo những gì mà mẹ cậu ấy căn dặn. Hoặc cũng có thể…mẹ cậu ấy mang cấp bậc cao hơn cậu ấy cũng không chừng. Nào ai biết được những gì xảy ra ở bên kia cơn bão.

 

Giờ đây, ngồi yên trên chiếc thuyền con, trên tay là cây cần câu thả trôi bồng bềnh theo vận nước, Hoàng Quân ngước mắt nhìn trời. Hóa ra trong đám bùng nhơ cũng còn có một vài gia đình miền Nam đi tập kết biết ơn đền oán trả. Nhờ cậu công an nhắc rõ, Hoàng Quân mới chợt nhớ ra một lần trong quá khứ, trên đường đi làm về, thấy bên lề liên tỉnh lộ có một bà già nhà quê đang ôm chiếc chiếu cuộn tròn khóc than thảm thiết. Hoàng Quân dừng xe thăm hỏi, mới biết con bà „đi làm ruộng‟ đạp trúng mìn mới chết, nhưng nghèo quá không có tiền mướn xe chở về chôn cất. Không cần biết ai là ai, nghĩa tử nghĩa tận, Hoàng Quân đã gom hết số tiền đang còn trong túi áo cho bà để lo an táng đứa con. Ai ngờ đâu, chuyện đó rơi đúng vào gia đình “ngoại vi” của tên công an đã thẩm vấn Hoàng Quân. Cái chết ấy đáng tội hay vô tội, cho đến bây giờ, Hoàng Quân cũng không hề biết rõ. Nhớ về chính phủ các thời Cộng Hòa ở miền Nam nước Việt, tất cả đều rất nhân từ độ lượng, ai làm nấy chịu, không có cảnh đàn áp bất cứ gia đình nào, nếu lỡ họ có người thân đi tập kết, dù việc ấy ngang nhiên đối lập với chính phủ, miễn sao những người còn ở lại vẫn chí thú làm ăn đàng hoàng. Người CS bây giờ, tuy cùng giòng máu Lạc Long như chúng ta, nhưng có lẽ hầu hết đều đã bị các „chú Ba‟ nhồi sọ nặng nề nên mất dần nhân tính?

 

Dòng đời vẫn bình thản, lờ lửng trôi xuôi cùng thời cuộc. Xã hội sau ngày “Bắc Nam thống nhất”, có cuộc sống hôm nay không hề biết đến ngày mai. Nước sông vẫn lửng lờ sáng dâng chiều cạn, tròn vẹn chu kỳ. Vậy mà nào ai đoán được, tại sao đôi bờ, có khi lại bên bồi bên lở?!

 

Thật nhiều năm sau này, thỉnh thoảng ưu tư nhớ về quá khứ, Sương Pha vẫn còn bị ám ảnh bởi chuyện các quày chuối, hoặc trái cam trái bưởi…, những thứ huê lợi tuy rất tầm thường, nhưng khá tốt tươi, đương mùa thời ấy, nhận được từ chú Thượng Sĩ già giữ miếng vườn của Cố TT Nguyễn-Văn-Thiệu mà Hoàng Quân và nàng đã ân cần đem tặng lại cho gia đình anh B, bởi anh còn mẹ già em dại (Hoàng Quân cũng đã nhiều lần tiếp giúp những chuyện rất cần làm cho người thượng sĩ ấy). Một ý tưởng, tuy không mấy rõ rệt, nhưng sao Sương Pha cứ bâng khuâng nghĩ ngợi, bởi nó thật sự liên quan đến cuộc sống, không những chỉ riêng cho nàng, mà lại còn ảnh hưởng đến mọi người chung quanh nữa. Dường như sau biến cố ấy, nàng mới trưởng thành hơn, biết chừng mực trong giao tế, chẳng còn dám khơi nguồn chân thật với các…bè mới quen. Bầu khí quyển bao phủ chợ Đời thật mơ hồ, nhập nhằng xanh đỏ lửng lơ, chợt ẩn chợt hiện giữa ánh sáng và bóng tối; giữa sum hợp với ly tan; giữa sắc son và điên đảo; giữa rực rỡ và ảm đạm của lòng biết ơn và sự bội nghĩa trong từng phút giao thời.

 

Nói gì thì nói, cuộc đời vẫn mãi mãi tươi đẹp rạng ngời bao quanh những tấm lòng nhân hậu. Bên cạnh sự tráo trở, nhỏ nhen, ganh ghét, luôn luôn tiềm ẩn chứa chan niềm thủy chung của khá nhiều bạn hiền cùng hoàn cảnh, ngào ngạt hương thơm như sen mọc trong bùn, đáng được muôn đời ngưỡng mộ…

 

NHẤT PHƯƠNG.

No comments: