O Lựu - Hương Thủy
truyện ngắn
Năm tôi lên chín tuổi, mẹ mất. Chị Cả đi
lấy chồng xa, chị Hai còn dại lại đang cắp sách đến trường, Ba tôi nhờ người
bác tìm hộ một người giúp việc. Và o Lựu xuất hiện trong gia đình.
O Lựu người làng Bồ Bản, quận Triệu
Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhà nghèo lại đông con, mẹ o quyết định cho o lên tỉnh
“đi ở ” kiếm chút vốn và cũng để bớt một miệng ăn. Năm ấy o vừa mười sáu tuổi.
Không giống những người làm ruộng vất vả
khác, o Lựu có nước da trắng xanh, đuôi mắt dài, tóc chấm vai được cặp lại bằng
một cái kẹp ba lá. Vào nhà được mươi lăm phút, o đã tất tả tìm cái chổi que
quét dọn bếp núc.
Có o Lựu, tôi khỏi phải ăn những bát cơm
nửa sống nửa chín do chị Hai nấu, anh tôi không còn nhăn mặt trước dĩa chả trứng
khét lẹt và ba tôi đã có ấm nước sôi pha trà buổi sáng. O dạy chị tôi “xuốc
cươi thì phải khom người xuống”, dặn tôi “đừng leo cây ổi mà bổ lọi
tay.”
Mất mẹ lúc còn quá nhỏ, ba luôn nghiêm
nghị, ít khi biểu hiện tình cảm ra bên ngoài, tôi chỉ còn o Lựu để nhỏng nhẽo.
“ O Lựu rửa chân cho em…O Lựu cõng em đi chợ…O Lựu con mèo cào em”…Tai
quái hơn, tôi còn bắt o làm bò cho mình cởi và khi muốn “bò ” ngừng lại, tôi đấm
thình thịch vào lưng. O lẵng lặng chiều theo ý tôi, không một lời phàn nàn.
Đêm đêm khi gãi lưng cho tôi ngủ, o hay
kể chuyện làng mình. Chuyện đền thờ Thần Hoàng có cây đa cao vút với con tinh
áo trắng chuyên dọa người đi qua; chuyện bà lão hiền lành nhặt được cục vàng
khi mò cua ngoài ruộng…Thỉnh thoảng, o lại đọc những câu ca dao mang âm điệu buồn
bã “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” hoặc “Chèo
đò bẻ bắp bên sông. Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về”…Tất cả ru tôi vào
giấc ngủ êm đềm không mộng mị.
An phận thủ thường như những người giúp
việc khác nhưng o Lựu lại có một sở thích kỳ lạ: thích chụp ảnh. Hè năm đó, cậu
tôi ở Huế ra chơi đem theo cái máy ảnh Canon và chụp cho hầu hết các thành viên
trong gia đình nhằm mục đích trau dồi tay nghề tài tử.Thấy sự hiền lành của o Lựu,
cậu có nhã ý chụp cho o một tấm hình dưới gốc cây ổi. Ảnh sang ra, o trang trọng
đón nhận bằng cả hai tay.
O mua cho tôi một đồng kẹo Gia Địa và
năn nỉ tôi viết cho hai chữ “Kỷ niệm” ngòng ngoèo đằng sau ảnh. Những ngày tiếp
, o thể hiện sự biết ơn của mình một cách thầm lặng: giặt sạch bộ đồ nhà binh
dày cộp , cắm cúi đánh bóng đôi giày “ trấn thủ lưu đồn” của cậu. O xin tờ giấy
bóng kính, bao tấm ảnh và cẩn thận xếp nó vào đáy rương. Những buổi trưa rổi
rãnh, ngồi sau hiên nhà bếp, o lôi ra ngắm nghía say sưa .
Dưới đôi mắt một đứa con nít như tôi, tấm
ảnh chẳng có chi xuất sắc nếu không nói là xấu bởi vì o Lựu trong hình bị xén mất
một chân. O nói dưới làng chỉ có nhà giàu mới dám lên tỉnh chụp bóng để sau này
có ảnh mà thờ. O ao ước phải chi có nhiều tiền sẽ ra chụp một cái hình màu ở tiệm
LIDO ngoài chợ tỉnh.
Mỗi năm o Lựu được về thăm nhà một lần
vào ngày hai bảy tháng Chạp. Khi đó o mặc chiếc áo dài xanh của chị Cả tôi cho,
đi đôi guốc mộc, đầu đội nón lá. Tiền công xá ba tôi đưa, o gói trong chiếc
khăn mùi xoa và lận vào lưng quần. O xin anh tôi mấy cuốn tạp chí Thế giới tự
do về cho em dán trên vách nhà. Vắng o, tôi bần thần cả mấy ngày Tết. Năm nào o
lên muộn, ngồi trong lớp tôi sốt ruột sốt gan. Và thật sung sướng khi đi học về
đã thấy o Lựu trong nhà bếp. O đem lên làm quà những củ khoai từ đầy bột, mớ
khoai lang tươm mật và những trái khế vàng ươm.Trước vẻ mặt phụng phịu của tôi,
o hứa lần sau sẽ lên nhanh, sẽ xin cho tôi về Bồ Bản, một làng quê nghèo có lũy
tre xanh, có động cát trắng với bao nhiêu là sim, móc và những bông hoa chạc
chìu thơm ngát.
Một hôm, tôi nằm ở nhà trên, say sưa dán
mắt vào cuốn “Lửa cháy thành Phiên Ngung” thì o Lựu đi chợ về. Đã hơi trưa, o gọi
vọng lên nhờ tôi lấy giúp cái kéo cắt râu tôm kịp nấu canh cho ba tôi về ăn. Mê
mải với chàng trai Hoàng Anh Kiệt hào hùng, o giục giã vài ba lượt tôi mới nhỏm
dậy làu bàu rồi vơ cây kéo chạy vội xuống nhà bếp ném đại về phía o đang lúi
húi. Cây kéo không rơi xuống đất mà lại phi thẳng một đường vào trán, dòng máu
đỏ tuôn ra. O cúi xuống, gục mặt vào đầu gối để cầm máu.Tôi hoảng hồn đứng lặng.
Anh tôi vội vã lấy bông và thuốc đỏ rịt vết thương.Trưa hôm ấy khi thấy trán o
bị băng, ba tôi hỏi nguyên do, o nói trớ là bị va đầu vào cột nhà. O đã giúp
tôi thoát khỏi trận đòn chắc chắn sẽ xảy ra. Sau đó trên trán o có một vết sẹo
khoảng ba phân vắt ngang.
O Lựu ở với chúng tôi được 4 năm. Khi
tôi vừa lên lớp đệ lục thì mạ o lên xin cho o về làng để “lấy dôông”. Ở nhà
quê, hai mươi mà chưa có “dôông”là coi như ế. Tôi nằng nặc không cho o về. Mặc
kệ cây roi mây và lời dậm dọa của ba, mặc kệ lời dụ dỗ và những trái khế ngọt của
mạ o, tôi ôm o chặt cứng. Đêm ấy, trước khi đi ngủ tôi lấy cái khăn buộc chặt
tay tôi vào tay o nhưng sáng mai thức dậy o đã đi từ lúc nào. O để lại cho tôi
năm đồng bạc mới trên gối. Tôi khóc tỉ tê suốt cả buổi và nhất định sẽ nhờ ai
đó chở về làng tìm o. Chị Hai cứ chế diễu tôi vô duyên, không để o Lựu đi lấy
chồng.
Nhưng đứa bé 12 tuổi không dễ dàng thực
hiện được dự tính. Làng Bồ Bản quá xa so với đôi chân bé nhỏ của tôi. Chiều chiều
tôi ngẩn ngơ ra sân ngóng đợi. Có lần, chị tôi đi sinh hoạt Hội Hồng Thập Tự Thị
xã đem về tập san Đan Tay, trong đó có một bài thơ của thầy Lê Văn Mãn dạy Sử Địa
nói về Bồ Bản. Bài thơ có lẽ không có chi xuất sắc nhưng tôi thuộc nằm lòng vì
nó nhắc đến làng o Lựu:
Đường về Bồ Bản không xa
Cách một trái núi với ba
quãng đồng
Chưa đi những ngóng cùng
trông
Khi về chỉ thấy đồng không
tre già
*
Đường về Bồ Bản xa không
Muốn về nơi ấy mà lòng phân
vân
Quê nhà vắng vẻ. Trong sân
Hàng cây không lá muôn phần
nhớ thương
Phải chi có o Lựu ở đây, nghe tôi đọc chắc
o thích lắm.
Rồi thời gian qua… Trường lớp, bạn bè và
những cuộc vui cuốn hút tôi. Tôi đã lớn, đã biết đi xe đạp rồi Honda nhưng làng
o Lựu trở thành vùng xôi đậu, mất an ninh. Đôi lần nhớ về o Lựu tôi ngậm ngùi.
Chắc o đã có một gia đình êm ấm.
Năm 1972 mùa hè chinh chiến, gia đình
tôi cũng bỏ Quảng Trị mà đi. Và từ đó tôi không còn dịp quay lại tỉnh lỵ nhỏ bé
này.
*
Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng với cái
lý lịch không mấy “sạch sẽ”: Ba “ngụy quyền”; anh trai, anh rể đi “cải tạo”; với
cái nhìn không mấy thiện cảm của loại Sinh viên “Cách mạng 30”về một cô gái trước
75 hay mặc váy lên giảng đường; đi “lao động Xã hội chủ nghĩa ”vẫn áo Pull quần
Jean “tàn dư Mỹ Ngụy ”, tôi không được bổ nhiệm. Buồn tình tôi bỏ về Đà Lạt.
Thành phố cao nguyên. Những ngày nằm dài
ủ ê nghe thông reo. Chị Cả tôi, từ một mệnh phụ đã bước xuống cuộc đời. Đồ đạc
trong nhà bán dần hết. Một nách ba con với gánh hàng trên vai, chị tôi vào bán
trong Hồ Than Thở. Đây là một thắng cảnh của Đà Lạt. Cạnh đó là Trường Võ Bị Quốc
Gia nay đã đổi tên thành Học Viện Lục Quân. Hàng ngày tôi nhìn sang mà lòng ngậm
ngùi. Anh rể và anh trai tôi đều xuất thân từ ngôi trường quân sự danh giá này
và bây giờ cả hai đều bị lưu đày ở nơi thâm sơn cùng cốc. Cả hai anh đều bị xếp
vào loại “ác ôn” khi chọn lựa binh chủng Biệt Động quân với chiếc mũ nâu, cháu
tôi khi chơi đánh nhau vẫn quen mồm “Ranger ranger, kill…kill ”…Khách hàng phần
đông là những bộ đội “ cách mạng” các miền; thỉnh thoảng có những chuyến xe
Saigon của các du khách lãng mạn đi tìm dấu tích của Đồi thông hai mộ một thuở
. Sang hơn hết là xe của những cán bộ cao cấp, những đoàn chuyên gia nước ngoài
đi ngoạn cảnh mà họ dùng bằng hai từ tối nghĩa “ Thăm quan”. Hàng họ ngoài thuốc
lá, bánh kẹo thông thường, chị tôi bày thêm tranh khắc bút lửa, những con cù lần
bằng gốc cây… Mặt hàng này du khách hay mua làm kỷ niệm.Tôi thường giúp chị
trong khâu bán hàng.
Buổi trưa, úp mặt vào cuốn “Người xa lạ”
của A.Camus, tôi lơ mơ buồn bã. Đang miên man nhớ câu thơ của Vũ Hoàng Chương
“Đời tàn trong ngõ hẹp”, tôi giật mình với tiếng reo hớn hở của người bán hàng
bên cạnh: “A, khách Tây, khách Tây”. Hầu như các quán hàng đều tỉnh ngủ. Mối “sộp”
đây rồi!
Tính sĩ diện vẫn còn khiến tôi không thể
chạy theo chèo kéo khách như những người khác.Thôi thì ngồi yên ngâm nga thơ
Nguyễn Công Trứ: “ Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất. Hiêu hiêu nhiên điếu
Vị canh Sằn”. Các cháu ơi! Dì chịu thôi. Chiều nay chúng ta ăn khoai
tây vừa mót được dưới Trại Hầm hôm qua chấm với muối vậy.
Gạt những người xúm quanh, một ông Tây
bước về gian hàng bé nhỏ của tôi, chăm chú nhìn những bức tranh rồi cúi xuống
chọn lựa…
Lạy Chúa, lạy Phật phù hộ! Chị tôi đang
đi thăm nuôi anh rể ở trại cải tạo Sông Mao. Gạo trong nhà đã hết. Trống ngực
tôi đập nhanh. Bất ngờ, ông Tây hướng về phía nhóm du khách và reo vang như vừa
phát hiện một điều gì kỳ thú:
-Honey, come here. I saw
your village in the picture…
Người phụ nữ tóc vàng váy đỏ, dáng dấp Á
Đông bước tới. Bà ta có vẻ bồi hồi khi ngắm bức tranh có mái tranh với đụn rơm,
cánh đồng, con trâu đang gặm cỏ. Bà ngước lên nhìn tôi chăm chú rồi thảng thốt
kêu lên…bằng tiếng Việt:
-Bé Ti, bé Ti phải không? O
Lựu nì!
Tôi há hốc miệng. O Lựu, người giúp việc
năm xưa? Như sợ tôi không tin, người phụ nữ vén tóc trán:
-Vết sẹo nì. O đây, o đây…
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Sự nhớ
thương pha chút tủi hổ làm tôi nghẹn ngào.Tôi gục đầu vào mái tóc o như muốn
tìm lại mùi hương thời thơ ấu…
Phút xúc động lắng xuống, o giới thiệu:
“Đây là Tim John, chồng o.”
Để mặc ông chồng đứng cười hiền ngơ
ngác, o kéo tôi ngồi xuống kể chuyện tháng ngày qua…
Từ giã nhà tôi, o Lựu về làng lấy chồng
theo sự sắp xếp của cha mẹ. Chồng o là một anh nông dân hiền lành và chăm chỉ
làm ăn. Được hai năm, chưa kịp có con, anh đã chết do một phát đạn ngu ngơ
không biết của phe nào khi đang cày bừa trên mảnh ruộng nhà. Rồi làng Bồ Bản
chìm ngập trong lửa đạn. Ban ngày lính cộng hòa hành quân bố ráp, ban đêm du
kích bò ra hoạt động, dân chúng toàn phải chui hầm.
Trong một trận pháo kích của Cộng quân,
nhà o bị sập. Gia đình chết hết, o bị thương nặng được máy bay trực thăng của tổ
chức Hồng thập tự đưa ra Hạm đội cứu chữa. Không còn gia đình, làng mạc tan
hoang sau trận chiến mùa hè 1972, o Lựu không còn nơi để trở về. Số phận đưa đẩy,
Tim John là người phụ tá bác sỹ điều trị cho o đưa o qua Mỹ và họ trở thành vợ
chồng...Năm nay,Tim đại diện cho một tổ chức nhân đạo sang giúp đỡ trẻ em khuyết
tật Việt Nam do chiến tranh, o theo chồng về thăm quê hương và tình cờ gặp tôi.
Vẫn là sự thương yêu chân tình đối với “
cô chủ nhỏ” của mười năm trước, o Lựu vuốt ve mái tóc tôi, xuýt xoa khi nắn bóp
cơ thể gầy guộc thiếu ăn của “bé Ti ” , chảy nước mắt khi nghe anh tôi đi “cải
tạo” tận miền núi Hoàng Liên Sơn rừng sâu nước độc và thở dài khi biết chị tôi
đang lặn lội đi thăm chồng tù tội. Ôi! Vẫn là một o Lựu chơn chất, hiền lành của
ngôi làng Bồ Bản xa xưa.
Lúc chia tay, o tế nhị dúi vào túi áo tôi
một cuộn tiền rồi tất tả lên xe. Vẫy tay chào theo tôi không biết là mình
đang mơ hay tỉnh. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy những tờ 100 đô la Mỹ.
Nhờ số tiền của o Lựu , chị tôi từ giã
nghề buôn gánh bán bưng. Chị sang một sạp hàng tạp hóa ở chợ Đa lạt, nuôi
3 đứa con ăn học chờ chồng trở về từ trại giam.
Sáu năm sau anh chị cũng ra nước ngoài
theo diện HO.Trên đất khách quê người những ngày đầu tiên, anh chị được vợ
chồng o Lựu tận tình giúp đỡ.Tiếc rằng do vết thương chiến tranh, o Lựu
không thể có con. Vợ chồng o nhận đứa con trai của anh chị tôi làm con đỡ đầu.
Năm ngoái tôi lặng người khi nghe chị
tôi gọi điện thoại báo tin o Lựu đã qua đời sau một cơn đột quỵ. Ôi ! O Lựu,
bóng mát trên thiên đường ký ức của tôi, ân nhân của gia đình tôi trong cơn khốn
cùng…Tôi khóc o như khóc một người thân yêu nhất.
Hương Thủy
• Xuốc cươi: Quét sân
• Bổ : Té
• Lọi tay: Gãy tay
No comments:
Post a Comment