Wednesday, March 31, 2021

BS. TỐNG VIẾT MINH (BS. TRẦN XUÂN DŨNG)

Hình minh họa

 

BS. Tống Viết  Minh

 

Tống Viết Minh sinh tại Quảng Bình 1946. Ông di cư vào  Nam, năm 1954 rồi định cư  tại Cam Ranh. Tốt nghiệp Y khoa bác sĩ năm  1972. Ông thuộc vào khóa 19, Quân Y hiện dịch.

 Gia đình ông theo Thiên chúa giáo. Thân phụ ông mong ông trở thành một linh mục. Do  đó năm 1958 ông vào học tiểu chủng viện Sao biển ở Thanh Hải, Nha Trang. Ông học rất giỏi.

Trong những dịp nghỉ hè thường được về quê nhà. Nhưng chính vì được về quê và vì mình có nhãn hiệu “con nhà giầu đẹp trai học giỏi”, nên nhiều thiếu nữ có cảm tình với ông. Có lần các cô đã dám mon men đến chủng viện thăm chàng. Thế rồi thư qua   thư  lại. Kết quả bất ngờ là Minh đã rời  chủng  viện năm 1963. Thân phụ ông rất bất bình. Thân mẫu ông khuyên ông nên đi tới nhà một người chị để tránh sự đổ vỡ trong tình phụ tử. Ông vào  Qui Nhơn.

 Năm 1965, ông bắt đầu vào học y khoa. Ông tốt nghiệp bác sĩ tại Y khoa Đại học đường Sài Gòn 1972.

 Ông đã  xuất bản  một cuốn sách nhan đề  “Một thời để nhớ”.

 Ông viết rất hay. Cách viết của ông, không nhằm mục đích để người đọc, xem rồi phê bình mức độ cao thấp có tính cách hàn lâm của  một  chữ hay của mỗi câu. Cũng không nêu lên  một tư tưởng triết học trong một đoạn nào. Tất cả chỉ là những kỷ niệm, những cảm xúc của chính tác giả, cũng như những  hình ảnh, từ  thanh bình, đến thảm khốc, của   quê hương.

 

Thưở nhỏ đi học:

 

 …  “Nhớ những ngày mưa buồn giá lạnh, hai đứa phải cuốc bộ cắp   sách  đến trường.  Càng đi  bùn đất càng dính cứng vào đế guốc. Đôi guốc càng lúc càng dầy và nặng nề hơn, làm cho đôi chân bé nhỏ bước nặng nhọc hơn. Đường lầy lội trơn trượt. Lắm lần lỡ chân hay vô ý hai đứa lại trượt té. Quần áo lấm hết. Thế nhưng cũng phải tiếp tục đi.

 

Ông tả mối xúc động khi cầm tay  một cô gái:

 

… “Nhớ trong một dịp dự sinh hoạt chung tại Nha Trang, Minh có  dịp nắm tay

nàng. Chỉ một cái nắm tay ấy cũng làm cho chàng   rung  động   đến từng thớ  thịt và cái cảm giác lâng lâng  ấy  ở mãi  trong tâm trí chàng   nhiều ngày.” 

 

Khi đọc đến đoạn này trong sách của Bác sĩ  Tống Viết Minh, tôi thấy Ông bạo gan quá, và nhờ thế  có được cái may mắn hơn Nhạc sĩ Lê trạch Lựu  rất nhiều. Người nhạc sĩ tài ba này chưa dám  cầm tay người yêu để có  được  nỗi sung sướng  :

Tôi bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ, chờ đợi từ bao nhiêu ngày. Thế là hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà Nội qua làng tôi, tới  làng tạm trú của gia đình nàng. Chúng tôi đi chơi dọc dòng sông Nhuệ. Đi chơi cùng nhau, hết cả buổi chiều, thế mà tôi không hề dám cầm tay Phượng, điều này làm tôi ân hận tới bây giờ…

(Trích  Tơ lòng trên phim nhạc,Hồng Phong&Phi Anh.)

 

Mặc dầu  đã  may mắn hơn nhạc sĩ Lê trạch Lựu nhưng Ông Minh  vẫn còn thua, chưa được hưởng nỗi  sung sướng tuyệt vời  tay trong tay cùng truyền cảm,  mà nhạc sĩ Tô Vũ đã đạt được khi ông đang bị đau trong một ngày trời mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều, được em đến thăm anh một chiều mưa để rồi hai người mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời nghẹn ngào hồn anh như say như ngây vì đâu.


Quê hương Ông, Bác sĩ Minh  đã vẽ lại thật  thái bình:

… “Trước  hồ cá là những hàng cau với thân cao vút. Hoa cau khi nở trắng xóa, thu hút không biết bao nhiều ong bướm từ đâu kéo về tạo nên một cảnh sinh hoạt nhộn nhịp khác thường trông thật vui mắt. Cành lá cau khi tách thân rơi xuống đất được dùng vào nhiều việc. Mo cau để bới cơm. Cơm đùm trong mo được nén khi còn nóng, hạt dính vào nhau, dẫu nguội ăn vẫn rất ngon. Thỉnh thoảng năn nỉ lắm, Minh mới được người giúp việc cho một miếng cơm đùm đặc biệt đó, chấm với mè đường hay muối ớt, hoặc ăn với cá kho mặn, thôi thì không gì ngon bằng. Cành cau phơi khô để lợp nhà hay làm củi đốt. Vì nhà ở xa rừng, nên rơm rạ cũng như tất cả những gì có thể đốt cháy vẫn được tận dụng như những nguồn năng lượng chính trong việc bếp núc. Những giây trầu mang đầy lá xanh mướt quấn quanh  những cọc  gỗ thấp lè tè, khiêm nhường và chấp  nhận chen chúc nhau bên những thân cau  cao nghều nghệu, kênh kiệu và kiêu xa.”

 

 Khi Ông tám tuổi, 1954 hiệp định Genève  chia đôi đất nước. Song thân ông biết không thể  nào ở lại quê nhà vì phần đất  này nằm trong lãnh thổ  đã được chia cho Việt Minh.

 

Ông đã kể lại tình trạng của gia đình lúc lo chạy.

… “Trong lúc ba phải bận bịu với công việc lo di tản những người dân trong vùng, mẹ xuống Đồng Hới liên lạc với  những người quen biết xem xét tình hình để tính liệu. Khi đi mẹ đem Minh đi theo.

Gia đình đã thu xếp thuê xe  di chuyển cùng đem theo một   ít tài sản  từ quê vào Huế… Quãng đường không xa, chỉ hai,ba  chục cây số  vượt cầu Hiền lương, đường ranh phân chia hai miền  Nam Bắc để đến được vùng tự do .

 Dọ hỏi tình hình như thế nào không biết, mẹ đã có quyết định mới . Không thể chần chờ gì được nữa, mẹ và Minh  đã đi bộ từ Đồng Hới về nhà…

Về đến nơi mẹ đã ghé vội vào nhà cũ loan tin dự tính mới, trước khi tiếp tục cùng Minh đến căn nhà ba mẹ vừa xây xong cạnh bờ sông, nằm gần đồn Mỹ Trung để thông báo với  ba những gì đã chứng kiến, rồi cùng đi đến  quyết định chung: Không mang theo bất cứ một vật gì ngoài đồ tùy thân và hủy bỏ dự định  di chuyển bằng xe .Gia đình sau đó được ba dàn xếp xe quân đội  đến chở xuống  Đồng Hới, để bằng những phương tiện khác nhau, người máy bay, kẻ tàu thuỷ lìa bỏ quê hương đến vùng tự do.

Thật hết sức may mắn, mãi cho đến nhiều năm sau, ba mẹ mới  được biết người tài xế chủ nhân chiếc xe gia đình thuê di chuyển đã thông đồng bán đứng cả gia đình trên đường trốn vào Nam cho đối phương. Cán bộ Việt Minh về họp nhiều lần nơi người hàng xóm cách nhà Minh trong kế hoạch trên.”

 

Sống ở trong Nam, sự học của Ông tiến triển đều vì Ông vốn học rất giỏi.

Năm 1965 Ông vào học Y khoa Đại học đường Sài Gòn. Năm 1972, Ông ra trường. Và được mang cấp bậc Y sĩ Trung uý  và bắt đầu đi ra đơn vị.

Khi đọc quyển sách Một thời để nhớ của Bác sĩ Tống Viết Minh , tôi đặc biệt  để ý đến giai đoạn này.

Ngay khi bước chân vào con đường đi phục vụ đất nước, Ông đã  kể cho chúng ta một sự tương phản .

Thông thường ai cũng nghĩ rằng, những người ở trong quân đội, từ những cấp chỉ huy cho đến lính,   đều thường có thái độ của những kẻ bị gọi là  võ biền. Còn những kẻ đi học, hoặc là những người có bằng cấp cao, bao giờ cũng được xem như có cách cư xử của  văn nhân , nói nôm là nhẹ nhàng.

Thế nhưng đôi khi sự thật lại trái ngược. Xin đọc những phần viết dưới đây của Bác sĩ Minh.

 

…  

…“Sau khi dùng điểm tâm, người cậu  vợ chở chàng đến Bộ Chỉ Huy liên đoàn 71 Quân Y như đã dự tính. Tại đây mình gặp lại Thiện. Hai đứa cùng cảnh ngộ gặp nhau tại đơn vị mới, khuôn mặt anh nào cũng ngơ ngác không khác gì  “nai tơ trong rừng vắng” hoặc “gái mới về nhà chồng”. Sau khi trình sự vụ lệnh cho phòng nhân viên, Minh cùng bạn được mời ngồi ở phòng khách chờ trình diện bác sĩ liên đoàn phó. Bác sĩ liên đoàn trưởng không có mặt ở đó vì bận công vụ.

Chờ mãi một lúc khá lâu Minh và Thiện mới được mời vào gặp. Khi đến lượt mình, Minh đã theo đúng binh thư, đứng theo tư thế nghiêm  trình diện, chào lớn tiếng:

 “Y sĩ Trung uý Tống viết Minh số quân 67/807-684 trình diện Y sĩ Thiếu tá Liên đoàn phó.”

Hình ảnh người đàn anh ra trường trước bọn Minh có lẽ trên dưới 10 năm không bao giờ xoá mờ  trong tâm trí Minh: một người đàn ông khoảng 40 tuổi với khuôn mặt phì nộn.

Ông ta ngồi dựa trên chiếc ghế sắt bọc da, nhìn hai người với đôi mắt cú vọ. Im lặng hoàn toàn bao phủ căn phòng. Một thứ im lặng làm Minh cảm thấy khó chịu. Sau khi gác hai chân  bó gọn trong đôi giày trận hẳn lên trên bàn, ông ta vừa đu đưa qua lại trên chiếc ghế, vừa tiếp nhận đàn em và cũng là đồng nghiệp mình. Ông nhìn từ Thiện đến Minh rồi hằn giọng:

“Mấy toa làm gì mà đến hôm nay mới ra  trình diện? Nếu hôm nay không thấy mấy toa nữa là moa cho báo cáo đào ngũ rồi đó!” .Giọng Huế phát ra từ khuôn mặt béo phì nghe thật khó thương!

Cả Minh lẫn Thiện không ai mở miệng. Mỗi đứa theo đuổi một tư tưởng riêng. Minh tự nhủ không hiểu sáng nay phòng mạch vắng khách hay mới bị bà xã xài xể , lại đổ bao bực dọc lên đầu hai đứa đàn em vô tội này đây.

Sự đón tiếp chẳng mấy thiện cảm, mất lịch sự và đầy hách dịch của người đàn anh đã làm bọn Minh trở thành như tượng đá…

 

Bác sĩ Minh  được gửi đi tới trình diện một lữ đoàn thiết giáp.

 … “Đại tá Vũ quốc Gia, tư lệnh lữ đoàn, trạc hơn 40 tuổi, đầu tóc húi cao, khuôn mặt cương nghị gọn ghẽ trong bộ quân phục kaki vàng thay vì bộ đồ tác chiến, đã hết sức niềm  nở  đón tiếp hai người bác sĩ trong văn phòng của ông. Sau khi bảo người cần vụ pha một bình trà ngon đãi khách, vị tư lệnh ân cần hỏi han người bác sĩ trẻ vừa mới được tăng phái đến phục vụ đơn vị. Bình trà nóng được mang ra, chính  tay ông đích thân rót  từng tách một  mời khách. Sau khi uống một hớp trà ngon, với giọng Bắc  trầm, ông ôn tồn trình bày một cách vắn tắt nhưng mạch lạ cơ cấu tổ chức của lữ đoàn, cũng như những gì lữ đoàn mong  đợi từ toán quân y tăng phái…

 

Quả thật Minh không ngờ một người chỉ huy, trong tay có bao nhiêu quân lính, cùng với hàng trăm chiếc xe, từ những chiếc xe bọc sắt đã không còn mấy hữu hiệu với tình hình chiến trường hiện nay, cho đến những thiết vận xa có khả năng di chuyển qua các vùng sình lầy, kinh lạch sông ngòi,  hoặc các chiến xa hiện đại nhất, lại có tư cách thật  phong nhã của một kẻ sĩ hơn là một nhà chỉ huy quân sự như thế.

 

Ông không hề ngại khi nhắc đến cái giọng Huế thật khó thương  của một đàn anh. Minh là một quân y sĩ nhưng ông cũng không sợ khi phải nói ra thái độ hách dịch đáng khinh của một Bác Sĩ. Ông không bị ràng buộc bởi cái quan niệm  “xấu chàng hổ ai” , nên mới tường thuật được như thế.

Rồi Ông  trình diện một vị Đại Tá Thiết Giáp, người Bắc ,có  cách cư xử  khác hẳn. Minh chẳng quen,không biết gì vị Đại Tá,  nhưng đã viết ra cung cách thật đáng trọng của cấp chỉ huy này.

Tôi hiểu ông Minh,trong  thời gian ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển, đã thấm nhuần  được Giáo lý Thiên Chúa Giáo. Và như  một câu trong Thánh Kinh, Ông đã trở thành:

“Là con   người mà bước đường họ đi không có gì  để chê trách, họ làm  điều gì phải,  họ nói sự thật từ trái tim của họ; lưỡi của họ không nói lời vu khống, họ không làm  điều gì trái đối với người hàng xóm,và không ném ra lời chửi rủa nào tới những kẻ khác.”

                                                                                                                         (Psalm 15:2-3)

 

Đọc đoạn văn trên của Bác sĩ Minh, người ta có thể gạt bỏ cái quan niệm về  võ biền hay văn nhã, hoặc trọng văn khinh võ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt và  cả người Trung Hoa nữa .

 

Đoạn văn nói về Huế của Tống Viết Minh rất  thê lương:

… “Huế  đã mất cái nét kiều diễm, kiêu sa và  thơ mộng được nhắc đến  trong văn chương để khoác lên mình một bộ mặt mới. Các con đò vẫn ngược xuôi. Sông Hương vẫn lững lờ trôi. Những cây phượng vẫn trải thảm hoa đỏ rực bên chân cầu Trường Tiền. Con đường Lê Lợi vẫn còn đây. Đồng Khánh, Quốc học vẫn còn đó, thế nhưng Huế thay đổi thật nhiều.

 Huế đã lột xác để biến thành một thành phố lính, một thành phố quân sự. Đi đâu cũng gặp lính và những gì thuộc về lính. Gần như không thiếu một binh chủng nào, từ Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Sư đoàn 1, cho đến Thiết giáp, Pháo binh, Công Binh, Địa phương quân, Không quân, Hải quân, Biệt Kích Nhảy Dù. Người ta có thể thấy đủ mọi loại xe nhà binh, từ những chiếc xe Jeep,xe GMC, xe trọng tải có bàn tiếp  hậu còn được gọi là xe lô bồi ,cho đến cả các khẩu đại bác , các chiến xa di chuyển trên đường ra chiến trường, hay đang nằm án  ngữ  ở một vị trí chiến lược nào đó trong thành phố.

 Dáng dấp yêu kiều của các nữ sĩ trong những chiếc áo dài bay trong gió, lượt là trong con đường Lê Lợi hãy thướt tha trên cầu Tràng Tiền, cầu Bạch Hổ, những cô gái Huế nổi tiếng duyên dáng được nhắc  đến qua hai câu  thơ :

     Học trò trong Quảng ra thi

     Thấy cô gái Huế bước đi không đành.

                              (Ca dao dân gian Việt Nam.)

đã biến mất nhường chỗ cho các ông bà cụ già không buồn rời xa cái thành phố này vì đã quá già yếu hay không biết chạy đi đâu để lánh nạn,  và nào lính và lính. Có thể nói Huế đã trở thành một thành phố không có bóng dáng đàn bà, ngay cả đội ngũ những cô gái giang hồ sinh sống trên sông Hương, trên những chiếc đò  ngược xuôi, họ cũng đã rời xa dòng sông đi lánh nạn  ở các thành phố khác

Huế  đã bước vào mùa mưa. Nhiều hôm trời mưa không dứt kéo dài từ ngày này sang ngày nọ…

…Các chuyến bay bị hủy ảnh hưởng đến không những người sống mà  còn cho cả người đã khuất…

Các tử sĩ nằm xếp lớp khắc khoải chờ đợi chuyến bay ngày này qua ngày nọ ở sân bay Phú Bài . Vết thương do bom đạn cướp mất đời trai trẻ đã khô từ lâu . Họ đã chảy những giọt máu cuối cùng cho đất Mẹ, nay không có lại một giọt nào nữa để chảy. Thời tiết khắc nghiệt làm cho thân xác họ, sau nhiều ngày chờ đợi nay  đã bắt đầu ung rữa. Dầu các cỗ áo quan có bọc kẽm và Mẹ Việt Nam có cố gắng ôm những người con yêu của mình vào lòng để gọi trọn trong Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vẫn không ngăn được mùi hôi thoát ra từ  thân xác những người con yêu.

Khi mưa bắt đầu thưa, gió ngừng, bầu trời quang đãng trở lại, vận chuyển bằng đường hàng không đã có thể tái lập.

Minh may mắn được phi công trưởng một trong những chuyến bay vận chuyển các quan tài các tử sĩ đồng ý cho quá giang về Sài Gòn. Chuyến bay trên chiếc C119 cũ kỹ và già nua từ thời Thế chiến thứ II còn sót lại, với hình dáng ngộ nghĩnh không khác gì chiếc bừa của người nông dân, đã để lại cho Minh một kỷ niệm không bao giờ quên.

Ngoài hai ghế dành cho phi công ngồi ở buồng lái, tất cả các hàng ghế ở thân phi cơ đã được xếp lại. Những  chiếc quan tài phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được xếp từng hàng rất ngay ngắn và kính cẩn buộc chặt vào  trên những tấm vỉ nhôm, sau đó được đặt nằm trong lòng phi cơ. Có lẽ Minh là người bác sĩ quân y người duy nhất được hân hạnh đáp một trong những chuyến bay chở những người con yêu tổ quốc về quê Mẹ trong chiến cuộc Việt Nam nói trên.

Khi máy bay lên cao, áp suất không khí làm cho những  thân xác đang thối rữa tiết ra một mùi hôi rất khó chịu. Vì không chuẩn bị từ trước, nên dù cố gắng di chuyển hết vị thế này đến vị thế khác, Minh vẫn không sao tìm được một chỗ nào trên phi cơ có thể bớt  được mùi vị nồng nặc đó được, và mặc dầu sau bao nhiêu năm học, rất quen với đủ thứ mùi, ngay cả  đến những gì hôi thối nhất, cố gắng lắm Minh mới ngăn mình khỏi nôn.

Chuyến bay đáng ghi ấy đưa Minh về được thành phố đúng với những gì đã tính. Tuy chịu đựng mấy giờ, nhưng kỷ niệm có một không hai  trong đời này đã làm cho Minh rất thán phục các phi công không quân Việt Nam, hết chuyến này đến chuyến nọ, ngày này qua ngày khác, vượt qua bao khó khăn trong sứ mạng xem ra nhẹ nhàng, nhưng đòi hòi một sự hy sinh lớn lao mà có lẽ ít người biết được.

 

 Mặc dầu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã quyết tâm chiến đấu hết sức , và đã hy sinh tối đa, trước cuộc xâm lăng của Bắc Việt, nhưng miền Nam cuối cùng vẫn bị bức tử.

Thuở Minh  còn nhỏ, song thân ông đã đưa được gia đình chạy khỏi vùng Việt Cộng. Đến năm 1975, khi  29 tuổi, chính ông lại một  phen tìm cách đưa gia đình thoát khỏi vùng sắp bị Cộng sản Bắc Việt chiếm.

 

                                                                                 

   Bác sĩ Trần Xuân Dũng

                                                                                

  (Trích Văn Học Quân Đội)

 

1 comment:

Anonymous said...

day la mot ca nhan vo tu cach voi phu nu. Va phe binh quan doi VNCH khong du'ng, co tinh cach vo dua ca nam va ma ly. Khong xung dang dai dien dai hoc y khoa saigon. quy vi khong nen viet bai ca tung mot ca nhan nhu vay dang len mang luoi.