Saturday, March 27, 2021

CHIẾC MÁY BAY CÙNG 107 NGƯỜI ĐÃ MẤT TÍCH BÍ ẨN ĐÚNG 59 NĂM TRƯỚC KHI ĐANG TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN SÀI GÒN (TUYẾT LÊ)

 Chiếc máy bay này cùng 107 người đã mất tích bí ẩn đúng 59 năm trước khi đang trên đường đến Sài Gòn

March 20, 2021 - by Tuyet Le

 

Ngày 14 tháng 3 năm 1962, một chiếc máy bay của hãng hàng không Flying Tigers đã mất tích khi đang trên đường từ California đến Sài Gòn. Đến nay,, đây vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất của con người bên cạnh vụ mất tích của Malaysian Airlines MH370 vào ngày 8 tháng 3 năm 2014.

Chuyến bay 739


Flying Tiger Line hay Flying Tigers là hãng hàng không vận tải hàng hóa đầu tiên của Mỹ và trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, Flying Tigers còn điều hành các chuyến bay thuê dành cho quân đội. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1962, chuyến bay 739 của Flying Tigers cất cánh từ căn cứ không quân Travis ở California đến Sài Gòn. Chuyến bay này được thực hiện bởi máy bay Lockheed Super Constellation L-1049 – một dòng máy bay 4 động cơ cánh quạt, tốc độ hành trình chưa đến 500 km/h. Theo lịch trình ban đầu, nó sẽ tiếp nhiên liệu ở căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam, sau đó đến căn cứ Clark ở Philippines rồi mới hạ cánh ở Tân Sơn Nhất.

 

Chuyến bay mang theo 107 người trong đó có 11 thành viên phi hành đoàn, 96 hành khách gồm 93 lính Mỹ và 3 thường dân người Việt Nam. Chiếc Lockheed Super Constellation L-1049 mang số đuôi N6921C thực hiện chuyến bay chỉ mới 5 năm tuổi và phi hành đoàn 11 người với 2 tổ bay thay phiên nhau gồm gồm cơ trưởng Gregory P. Thomas, 2 cơ phó, 2 kỹ sư, 2 hoa tiêu, 4 tiếp viên.

 

Giai đoạn đầu của chuyến bay không có điều gì bất thường. Chiếc Super Constellation cất cánh tại căn cứ không quân Travis vào 5:45 GMT ngày 14 tháng 3 năm 1962, bay 12 tiếng và phải hạ cánh tại Honolulu vào 17:44 GMT để bảo trì 2 động cơ nhưng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Sau khoảng thời gian trì hoãn vì bảo trì và giải quyết các vấn đề phát sinh của phi hành đoàn, nó rời Honolulu vào 20:40 GMT và hạ cánh tại đảo Wake vào 3:54 GMT rạng sáng ngày 15 tháng 3 để tiếp tục bảo trì. Trong quá trình bảo trì này thì 4 thành viên phi hành đoàn được thay thế và đến 5:15 GMT, chiếc máy bay rời đảo Wake đến Guam, hạ cánh vào 11:14 GMT.

 

Tại Guam, chiếc máy bay được tiếp nhiên liệu và rời đảo vào 12:57 GMT để thực hiện chặng bay chính tiếp theo là Philippines. Chặng này sẽ mất 6 giờ 19 phút và chiếc máy bay mang theo nhiên liệu đủ cho 9 giờ 30 phút bay.

 

13:25 GMT, phi hành đoàn trên chuyến bay 739 liên lạc với trạm dịch vụ bay quốc tế tại Guam (Guam IFSS), yêu cầu cho leo lên độ cao 18000 ft từ 10000 ft. Guam IFSS chấp thuận yêu cầu này dù không rõ lý do gì khiến phi công xin đổi độ cao hành trình. Vào 13:28 GMT, phi công thông báo đã vượt mốc 11000 ft và tiếp tục leo, trạm Guam cũng thông báo cho phi công rằng ở cự ly 160 km cách Guam về phía tây thì radar sẽ không còn thấy chiếc máy bay. Đến 13:33 GMT, phi hành đoàn báo cáo với trạm Guam rằng họ sắp vượt ra ranh giới 160 km ngoài đảo Guam và đang bay ở độ cao 18000 ft.

14:22 GMT tổ bay liên lạc lần cuối cùng với trạm dịch vụ bay quốc tế tại Guam và báo cáo đang bay qua những đám mây ở độ cao 18000 ft cùng với vị trí ước tính. Họ còn cho biết dự kiến sẽ hạ cánh tại căn cứ không quân Clark ở Philippines vào 19:16 GMT và vẫn còn 8 giờ 12 phút nhiên liệu. Tất cả các cuộc gọi vô tuyến đều hoàn toàn bình thường tính đến thời điểm này.

 

Tìm kiếm vô vọng

Hơn 1 giờ sau đó, trạm dịch vụ bay quốc tế tại Guam gặp phải tình trạng nhiễu vô tuyến nặng khi đang liên lạc với một chuyến bay khác đến Okinawa. Đến 15:39 GMT, Guam IFSS thử liên lạc lại với chuyến bay 739 để kiểm tra vị trí của máy bay bởi đáng ra tổ bay trên chiếc Super Constellation phải chủ động thông báo theo thủ tục vào 15:30. Tuy nhiên, mặc cho những cố gắng, thứ họ nhận được là sự im lặng đáng sợ và đến 16:00 GMT, Guam IFSS đã tuyên bố chuyến bay 739 đang ở trong giai đoạn không xác định (INCERFA) theo Thủ tục khẩn nguy trên đại dương (OEP). Giai đoạn này thể hiện mối lo ngại về sự an toàn của chuyến bay cũng như những ai có mặt trên chuyến bay.

 

Đến 16:33 GMT, sau hơn 1 giờ liên lạc không thành công, trạng thái khẩn cấp được nâng lên giai đoạn cảnh báo (ALERFA) và đến 19:33 GMT, trạng thái được nâng lên mức cao nhất là thành giai đoạn gặp nạn (DETRESFA) sau khi tất cả các nỗ lực liên lạc giữa trạm kiểm soát không lưu trên mặt đất và máy bay trong khu vực bất thành. Giai đoan jnafy thể hiện sự chắc chắn có căn cứ rằng máy bay và những người ngồi trên nó đang bị đe dọa bởi một hay nhiều mối nguy hiểm nghiêm trọng. Lúc này thì hoạt động tìm kiếm và cứu hộ bắt đầu được triển khai từ căn cứ Clark ở Philippines.

 

Vào 22:27 GMT, thời điểm mà chiếc máy bay chắc chắn sẽ cạn nhiên liệu, chuyến bay 739 của Flying Tigers được tuyên bố mất tích. Rạng sáng ngày 16 tháng 3 năm 1962 thì Trung tâm điều phối cứu hộ hiện trường tại Clark cũng tuyên bố máy bay mất tích và các quan chức Hải quân cho rằng chiếc máy bay đã rơi gần đảo Guam thay vì Philippines. Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển và Thủy quân lục chiến đều tung lực lượng gồm nhiều máy bay và tàu đến khu vực nghi máy bay rơi. Đây cũng là chiến dịch tìm kiếm trên biển và trên không từng là lớn nhất trong lịch sử tại Thái Bình Dương cho đến khi chiếc Boeing 777 của Malaysian Airlines mất tích.

 

Đầu mối duy nhất

Tuy nhiên, không một mảnh vỡ hay dấu vết nào của chiếc Super Constellation được tìm thấy. Chỉ có một manh mối duy nhất đến từ một siêu tàu chở dầu có tên S.S. T. L. Lenzen có mặt trong khu vực. Thủy thủ trên con tàu này cho biết vào 15:30 GMT (tức 1:30 sáng ngày 16 tháng 3 giờ tại Guam) thì họ nhìn thấy một vụ nổ trên không. Thời điểm đó bầu trời đêm trong, trăng sáng và có mây nhỏ.

 

Đầu tiên họ nhận ra một vệt hơi hay thứ gì đó tương tự trên đầu, hơi chếch về phía bắc của tàu dầu, di chuyển theo hướng đông sang tây. Lúc đó, con tàu đang chạy theo hướng 077 tức Đông – Đông Bắc. Vệt hơi này xuyên qua một đám mây và sau đó là một vụ nổ “cực sáng, làm sáng cả boong tàu” với phần tâm vụ nổ màu trắng, bao quanh là một vùng màu cam đỏ với các đường xuyên tâm tỏa ra màu cam đỏ. Vụ nổ tạo ra 2 xung, kéo dài từ 2 đến 3 giây. Các thủy thủ tin rằng họ đã nhìn thấy 2 vật thể rực lửa có độ sáng và kích thước không bằng nhau rơi xuống biến ở tốc độ khác nhau. Khi các vật thể này rơi thì thủy thủ trên tàu dầu phát hiện ra một mục tiêu nhỏ, sáng lên trên màn hình radar ở hướng 270 tức chính Tây, cự ly cách tàu 27 km.

 

Thuyền trưởng của con tàu dầu đã lên boong chứng kiến cảnh tượng các vật thể rơi trước khi nó biến mất trên mặt biển. Ông ước tính vị trí của nó theo tham chiếu theo sao và ra lệnh cho tàu quay đầu. Con tàu tiến về hướng 270 để lần theo vị trí của vật thể trên radar. Tuy nhiên, khi đến điểm xác định thì họ không tìm thấy gì, dù là một mảnh vỡ trong hơn 5 giờ tìm kiếm. Các thủy thủ do không thể liên lạc với các trạm radio của Hải quân Mỹ tại Manila hay Guam nên sau cùng họ cho rằng vụ nổ mà họ thấy là một cuộc tập trận. Con tàu ngưng tìm kiếm và tiếp tục hành trình ban đầu.

 

Vị trí gần đúng của vụ nổ mà các thủy thủ trên tàu dầu trông thấy được xác nhận là khớp với vị trí ước tính của máy bay vào thời điểm 15:30. Sau 8 ngày tìm kiếm trên một khu vực rộng đến 520 ngàn km vuông, hoạt động tìm kiếm dừng lại mà không thu thập được gì. Báo cáo tai nạn cuối cùng chỉ kết luận chuyến bay Flying Tigers 739 bị phá hủy trên không mà không đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào.

 

Những thuyết âm mưu

Số phận của chiếc Super Constellation không rõ ràng và bí ẩn đã dẫn đến một loạt những thuyết âm mưu. Trong đó, giả thuyết phổ biến nhất là chiếc máy bay này bị phá hoại ngầm. Cuộc điều tra sau đó phát hiện ra những khu vực quanh sân bay tại Honolulu, đảo Wake và Guam không được bảo vệ an ninh chặt chẽ và bất kỳ ai cũng có thể ra vào các máy bay phi quân sự đậu tại sân bay. Tại Guam, chiếc máy bay này đã bị bỏ mặc trong một khu vực khá tối, hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho những kẻ muốn phá hoại lẻn lên máy bay.

 

Giả thuyết này càng được ủng hộ bởi chỉ sau khi chuyến bay 739 mất tích vài giờ thì một chiếc Super Constellation khác của Flying Tigers cũng gặp tai nạn. Chiếc máy bay này cũng cất cánh từ căn cứ không quân Travis ở California và gặp nạn khi hạ cánh xuống đảo Aleutian.Phi công cho biết đã gặp vấn đề kỹ thuật khi cho máy bay tiếp cận đường băng và rốt cuộc chiếc máy bay rơi ngay trên đường băng. Càng hạ cánh chính bị gãy, máy bay bốc cháy, 6 thành viên phi hành đoàn bị thương nhẹ nhưng một người bị kẹt lại trong buồng lái và chết cháy.

 

Cả 2 chiếc máy bay của Flying Tigers đều thực hiện các chuyến bay có kết nối quân sự. Chiếc máy bay thứ 2 rơi ở Aleutian chở hàng quân sự bí mật. Việc các thủy thủ trên tàu dầu báo cáo về vụ nổ vào đúng 15:30 GMT, thời điểm mà phi hành đoàn trên chuyến bay 739 phải liên lạc với trạm kiểm soát không lưu để báo cáo về vị trí lại càng cho thấy sự trùng hợp và càng khiến người ta tin rằng máy bay bị phá hoại.

Ngoài ra, cũng có giả thuyết chuyến bay 739 bị không tặc bởi nếu có vụ nổ xảy ra thì phải có mảnh vỡ và vệt nhiên liệu trên biển. Tuy nhiên, tất cả các giả thuyết này đều không có bằng chứng. Nếu muốn chiếc máy bay to lớn như Super Constellation biến mất hoàn toàn thì vụ nổ phải đủ lớn, đủ để biến mọi thứ thành tro bụi.

 

Trung sĩ Raymond “Bill” Myers cùng vợ Irene Myers. Anh là 1 trong số 107 người mất tích trên chuyến bay 739. Anh đã gởi tấm thiệp (góc dưới) cho gia đình ở Hawaii khi chiếc máy bay dừng ở Honolulu, nội dung ghi: “Gửi lời chào của tôi tới lũ trẻ. Mãi yêu.” Góc trên bức điện mà cô Irene Myers nhận được thông báo rằng chồng cô đã mất tích trên chuyến bay.

Đến nay đã 59 năm qua và số phận của chuyến bay 739 cùng 107 con người vẫn là một ẩn số. Đáng buồn hơn, những người lính mất tích trên chuyến bay 739 cũng không được ghi tên trên Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam bởi họ không đủ điều kiện bởi họ không hy sinh trên chiến trường, họ không gặp tai nạn/bệnh tật tại Việt Nam khiến họ qua đời tại nơi nào đó và cũng không chết khi đang trên đường đến/trở về từ một nhiệm vụ chiến đấu.

 

Tham khảo: Fear of landing; Airfacts Journal; Aviationoiloutlet; Wikipedia; Stripes

 

 

No comments: