Saturday, September 2, 2023

BÁC HƯƠNG GIANG THÁI VĂN KIỂM (DƯ THỊ DIỄM BUỒN)

 


THÁI VĂN KIỂM

 

(1922-2015)

 

Ông Thái Văn Kiểm, sinh năm 1922 ở Huế, bên bờ hồ Tịnh Tâm (1), một địa danh đặc biệt của cố đô, chính quán làng Bao La, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Thời tuổi trẻ, học trường Phú Xuân, trường Quốc Học, rồi được bổ nhiệm Tham Tá Tòa Khâm. Năm 1952, giám đốc Nha Thông Tin Trung Việt, trực thuộc Hội Đồng Chấp Chính Trung Phần. Năm 1953, làm Tỉnh Trưởng Khánh Hòa, rồi Tỉnh Trưởng Ninh Thuận. Sau năm 1954, chuyển về Bộ Giáo Dục, phó giám đốc Nha Văn Hóa, chủ bút Văn Hóa Nguyệt San, chủ biên Văn Hóa Tùng Thư. Năm 1963, giám đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn; vài năm sau chuyển qua ngành ngoại giao, tùy viên văn hóa các sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Tunis (Tunisie), Dakar (Sénégal), Kinshara (Congo). Sau biến cố 1975, trở lại Pháp và định cư ở Paris, làm việc ở thư viện Trường Cao Đẳng Kiến Trúc (L’Ecole Nationale Supérieure d’Architecture de Paris) đến năm 1987 mới về hưu. Một đời người nhiều biến chuyển, đi nhiều, sống nhiều, từ trong nước ra đến hải ngoại, tất cả đều thuận lợi cho một người hiếu học, ham thích làm việc, suốt đời đọc và viết, quan sát và ghi chép, và đã để lại nhiều dấu vết quí giá.

* Học-vấn: - Tiến-sĩ Đông-phương-học, Paris, 1981- Tiến-sĩ Quốc-gia Văn-chương. * Hoạt-động tại quốc-nội: - Đốc-sự Hành-chánh- Sáng-lập đài phát-thanh Huế - Giám-đốc Thông-tin Trung Việt (1952) - Tỉnh-trưởng Khánh-hoà và Ninh-thuận (l953-1954)- Phó Giám-đốc Văn-hóa Bộ Giáo-dục (1955-1962)- Giám đốc đài phát-thanh Sài-gòn (1963)- Chủ bút Văn hóa nguyệt san, chủ-biên Văn-hóa tùng thư (1955-1962) * Cộng-tác các báo: Văn-hóa, Luận-đàm, Đại-học Huế, Bách-khoa, Sáng dội miền Nam, Đời mới, Liên-lạc Á-châu, France-Asie, Sud-Est Asie, Bulletin Société Etudes Indochinoises, Asian Culture, v.v. * Tác-giả thiên phóng-sự: Thám-hiểm động Phong-nha, giải nhất, Hà-nội 1942. Tác-giả các quyển: Cố-đô Huế (1960), Đất Việt Trời Nam (1961), Việt-Nam nhân-vật chí vựng biên (cùng Hồ Đắc Đàm), Việt-Nam, d'Hier et d'Aujourd'hui (1957), Vietnam: Past and Present (l958), Réalités Vietnamiennes (1969).* Hai tác phẩm của ông thường được nhắc đến nhiều là Cố Đô Huế (Văn Hóa Tùng Thư, 1960) và Đất Việt Trời Nam (Nguồn Sống, Sài Gòn, 1960). Cũng nên kể đến mấy quyển khác nữa là Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên, soạn chung với Hồ Đắc Hàm (Văn Hóa Tùng Thư, 1962), Chỉ Nam Về Viện Bảo Tàng Quốc Gia Việt Nam, soạn chung với Trương Bá Phát (Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh Niên xb, 1974). Cuối thập niên 90 cho đến năm 2005, tập hợp các bài viết sau thời điểm 1975 và xuất bản: -Việt Nam Tinh Hoa, Mõ Làng, Hoa Kỳ, 1997. - Việt Nam Gấm Hoa, Làng Văn, Canada, 1997. - Việt Nam Anh Hoa, Làng Văn, 2000. - Việt Nam Thăng Hoa, Làng Văn, 2005

Ông ký nhiều bút danh có lẽ là tùy cảm hứng của từng lúc, những Việt Điểu, Tân Việt Điểu, Hương Giang Tư Mã, Bao La Cư Sĩ, những bút hiệu chứa đựng tâm tình và nỗi lòng với đất nước, với quê hương, xứ sở (tài liệu Internet)

* Hoạt-động tại hải-ngoại: - Cộng-tác với các báo: Tụ-do, Việt Nam Hải-Ngoại, Làng Văn, Độc Lập, Diễn- Đàn Thanh-Niên, Hành-Trình, Cao Niên, Quê Mẹ, Ái-Hữu, Âu-Du, v.v. - Tác-giả tập Au Pays du Nénuphar, giải nhất Cosmos (1977, Montréal, Canada). - Huy-chương Hàn lâm Pháp-quốc (1982). - Đồng chủ-tịch Trung-tâm Quốc-tế Việt-học (Pháp, Bỉ).

Cộng tác với nhiều diễn đàn văn hóa, bài viết của ông xuất hiện trên Văn Hóa Nguyệt San, Luận Đàm của Tổng Hội Giáo Chức, Đại Học (Huế), Tập San Sử Địa, nguyệt san Lành Mạnh ở Huế, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam, Đời Mới, France-Asie, Sud-Est Asie, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises.

 

 

TƯỞNG NHỚ

BÁC HƯƠNG GIANG

THÁI VĂN KIỂM

 

        Cuối mùa xuân năm 1991 tác phẩm thơ đầu tay “Nỗi Lòng Người Em Nhỏ” của tác giả Dư Thị Diễm Buồn ra mắt tại thành phố Gió Chicago được quý độc và đồng điệu đón nhận nồng hậu và nhiệt tình.

Sự tiếp nhận đó lại khiến cho Dư Thị Diễm Buồn dè dặt suy nghĩ: “...Không biết có phải là những bài viết của mình có hồn, hay là vì thương mến và tội nghiệp cho một tác giả mới, tác phẩm mới nên bạn bè, người quen biết có nhã ý tiếp nhận để khuyến khích, để động viên...?”

Vì lý do đó, khi phát hành đến tập thơ thứ hai, thứ ba... và về sau. Tác giả cố tìm những cây viết có tầm vóc đã thành danh trước năm 1975 ở quê hương và sau nầy ở hải ngoại viết lời tựa, lời bạt, cảm nghĩ... cho những tác phẩm của mình trước khi chào đời. Để có thể đo được tầm viết của mình như thế nào, hầu cố gắng làm tốt them, trong những tác phẩm ở tương lai.

Thuở đó đồng điệu và đồng môn với Dư Thị Diễm Buồn (tôi) là nhà văn Nguyễn Văn Ba (GS. Thái Minh Kiệt) lúc còn sinh thời.

Khi nghe kể tự sự ý muốn của tôi, anh Ba mau miệng bảo:

-  Nếu muốn như vậy thì tập thơ nầy chị nhờ Học Giả Hương Giang Thái Văn Kiểm viết tựa cho... Ông Thái Văn Kiểm ở Pháp, tôi không có địa chỉ và điện thoại... Đâu chị thử hỏi nhà văn Hồ Trường An xem sao chắc là anh ấy có...

        Trước khi cho số điện thoại, nhà văn Hồ Trường An e dè lên tiếng:

        -  Tôi có số điện thoại của cụ Thái Văn Kiểm đây, chị tự gọi cụ xin viết tựa cho sách của chị nghe... Trong cộng đồng người Việt không riêng vì ở Pháp, mà mọi nơi nghe tên cụ ai cũng rất ngưỡng mộ và kính nể về tài năng của cụ, kể cả người bản xứ cũng vậy! Theo tôi biết thì cụ Thái Văn Kiểm ít khi viết tựa hay phê bình sách cho ai lắm chị à... Chị cũng biết, tại Paris có bao nhiêu là văn nhân thi sĩ, nhưng cụ đã nhận viết cho được mấy người đâu...

        Có số điện thoại rồi nhưng tôi còn ngại ngùng chưa dám gọi cho bác Thái Văn Kiểm, mà gọi lại cho đồng điệu Nguyễn Văn Ba.

Tôi nhăn nhó, bảo:

-  ... Nầy Mr Ba, nghe nói bác Thái Văn Kiểm ít khi viết tựa cho ai lắm! Thấy tui “khờ khạo” bộ anh muốn hại ê mặt khi bác từ chối sao, mà xúi dại con nhỏ nầy nhờ bác viết... Nếu bác không viết để anh cười tôi đó hả...?

Bên kia đầu dây điện thoại một sáng cuối tuần ấm áp. Ở tận miền gần như quanh năm giá rét lạnh lùng Canada, nhà văn Nguyễn Văn Ba cất giọng phơi phới cười ha hả, cười thống khoái... Đầu dây bên nầy nghe mà thấy ghét quá chừng, tôi lớn tiếng:

-  Bộ trúng tim đen, tim chì, tim vàng... rồi sao mà anh cười hô hố, cười hết-ga-ăng-ty vậy trời?

       Còn hụt hẫng trong tiếng cười, Nguyễn Văn Ba bảo:

-  Đâu có, ai mà hại chị hồi nào! Có số điện thoại rồi thì chị gọi hỏi bác xem, nếu bác không nhận viết thì thôi, chớ bác có biết chị là con Mít, con Xoài, con Ổi... đâu mà mắc cỡ! Bác Thái Văn Kiểm ít viết cho ai chớ đâu phải không viết, mạnh dạn lên gọi cho bác đi bà chị! Mèn ơi, tệ thì thôi, chưa ra trận mà đã chịu thua rồi...

        Bị Nguyễn Văn Ba khích tướng tôi ứa gan lắm! Liền quay điện thoại gọi bác Thái Văn Kiểm sau khi chào tạm biệt với người bạn đồng điệu, đồng môn hay có lắm chuyện nhiều trò để trêu ghẹo tôi!

        Tiếng chuông điện thoại reo vang, một giọng Huế nhỏ nhẹ:

        -  Hello, hello... Xin lỗi vị nào đó...?

        Dư Thị Diễm Buồn tôi hơi khựng, thở ra rồi lấy giọng nói một lèo muốn hụt hơi:

-  Dạ kính chào bác, tên cháu là DTDB ở bên Mỹ. Trước là gọi thăm sức khỏe bác, sau là xin bác viết lời tựa cho tập thơ của cháu sắp in...

        Vẫn giọng từ tốn và chậm rãi, bác hỏi lại:

        -  Chị bảo chị tên chi?

        -  Dạ thưa bác cháu tên Dư Thị Diễm Buồn.

        Tôi cố tình nói chậm và kéo dài họ tên từng chữ một, để ở bên kia bờ Đại Tây Dương ngàn trùng xa xôi, cách trở bác có thể nghe rõ hơn. Và tôi nghe bên kia đầu dây điện thoại bác nhỏ giọng lập lại tên tôi vài lần... Rồi bác lên tiếng, bảo:

        -  Tôi nhớ có đọc bài chị viết rải rác đâu đó trên báo và đặc san... Thôi thì chị cứ gởi bản thảo qua đi để tôi xem... Nếu viết được thì tôi sẽ viết cho chị, còn không thì thôi chị đừng có buồn nghe...

        Tôi mừng quýnh nói lời cảm ơn và chào bác rồi gác điện thoại. Miệng còn cười tươi như hoa hồng héo, và tôi lẩm bẩm một mình: “Cháu đã có cái tên Buồn rồi, thì còn buồn nỗi gì nữa bác ơi...”

        Bản thảo gởi đi hơn ba tuần thì một ngày đẹp nắng, muôn hoa khoe hương khoe sắc thắm tươi. Trên nền trời màu bích ngọc in từng vầng mây trắng ngồn ngộn như bông gòn thanh thản bay bay... Tôi vui mừng run tay cẩn thận mở bao thư dầy. Trang trừng trang giấy trắng tinh viết tay với nét chữ còn thắm tươi màu mực của bác Thái Văn Kiểm từ Pháp gởi qua.

 

 

HG.HG. THÁI VĂN KIỂM

 

Với “NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI”

 

Của Dư Thị Diễm Buồn

 

 

Kể từ năm 1975, sau những cuộc di tản lớn lao phát xuất từ Quốc Nội ra tới Hải Ngoại, chúng ta nhận thấy Cộng Đồng Việt Nam, sau khi đã ổn định khắp năm châu, đã khởi phát một phong trào Văn Hóa và Thông Tin rộng lớn bao gồm các ngành thiết yếu về mặt tinh thần là Báo Chí, Thơ Văn và Ca Nhạc...

Đám người đông đảo ấy xa quê hương vì thời cuộc, đã tạo dựng một cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, bèn đem tâm tình phơi trải trên giấy trắng, nơi ngón đàn muôn điệu và trên sân khấu muôn mặt của cuộc đời, để chia sẻ buồn vui với thiên hạ.

Trong những cách phô diễn đa diện ấy, Thi Ca đã chiếm một phần khả kính vì lẽ những kẻ đã ra đi trong cơn sóng gió, đều mang nặng một khối tâm tình chứa chất căm hờn, đắng cay và chua chát. Một số đã trở thành thi sĩ và ca sĩ, nhờ những khiếu năng đặc biệt do Tổ Tiên truyền lại qua những ca dao, hò vè thấm nhuần nhạc điệu, âm thanh, qua một thứ ngôn ngữ đa thanh, chứa đựng nhiều tình cảm nhất trong Cộng Đồng Nhân Loại.

Qua những nhận xét kể trên, chúng ta có thể nói rằng: Mỗi một người dân Việt từ lúc bé thơ, đã hấp thụ thầm kín và sâu xa những âm điệu hát hò của bà Mẹ hiền ru con trong đêm vắng, của cô lái đò hò mái nhì, mái đẩy trên dòng sông trong, hoặc là của những mục đồng nghêu ngao trên lưng trâu nơi đồng nội...

Nói tóm lại, mỗi người dân Việt, trong suốt đời mình, không ít thì nhiều, đều có thể là thi sĩ và ca sĩ. Và quanh năm suốt tháng từ ngàn xưa, cả một dân tộc đua nhau cày cấy, hát hò để quên những nhọc nhằn, phiền muộn từ nắng sớm tới chiều hôm.

Trong khung cảnh thiên nhiên ấy và những truyền thống tốt đẹp của thôn quê và thị thành, đã mang theo trong tâm hồn và huyết thống, nhập vào trào lưu mới nơi Hải Ngoại, một danh hiệu mới đã xuất hiện trên văn đàn, thi giới là Dư Thị Diễm Buồn, tác giả nhiều bài thơ mang nặng màu sắc dân tộc, hiền hòa và chất phác, mộc mạc và chân thành, tâm hồn nhạy cảm với quả tim nhịp nhàng, với tánh tình bộc trực mà lãng mạn, can đảm và hào hoa.

Xét kỹ nơi danh hiệu mới xuất hiện này. Chúng ta có thể tìm gốc gác Minh Hương của họ Dư, phát xuất từ đại tộc Bách Việt từ miền Nam sông Dương Tử tới Động Đình Hồ với Bộc Việt và Lão Việt, tiến về Nam cho tới Mân Việt (Phúc Kiến) và Nam Việt (Quảng Tây và Quảng Đông) giáp với miền Bắc Đông Dương, vốn là thổ cư nguyên thủy của các sắc dân Âu, Lạc, Mường, Kha... họp lại thành Âu Lạc, Mường Lạc, Lạc Việt, và sau cùng là Việt Nam.

Trong những họ gốc Minh Hương, Gia Thạnh, chúng ta có thể kể thêm các họ lớn trong Nam như họ Mạc ở Hà Tiên như Mạc Cửu, từ Quảng Đông (Nam Việt) sang đây, đã lấy vợ Việt tên Bùi Thị Lẫm, sinh ra con trai là Mạc Thiên Tứ, Hoa Kiều lai số 1 trong lịch sử ta (theo Gia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, cũng là Minh Hương) cũng như con cháu các họ Lâm (Đông Hồ Lâm Tấn Phác), Trần (Thượng Xuyên  khai trấn Biên Hòa), Dương (Ngạn Địch khai trấn Mỹ Tho) v.v...

Nói về Minh Hương Gia Thạnh có thể bao gồm Tổ Tiên nhà thơ nữ Dư Thị Diễm Buồn, chúng ta nên nhắc lại đây 2 câu đối của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), công thần khai quốc đời Nguyễn, tự tay ông đã viết treo trên hai cột cái, nơi đình Gia Thạnh, quận 5, Sàigòn:

 

1- Minh đồng nhật nguyệt điệu Nam thiên,

phụng chữ lân chầu Gia cẩm tú,

2- Hương mẫn càn khôn linh Việt địa

        long bàn hổ cứ Thạnh văn chương.

 

Chúng ta nên lưu ý tìm thấy 3 cặp chữ đối nhau san sát và đầy đủ ý nghĩa, xinh đẹp vô cùng: Minh Hương  - Nam Việt - Gia Thạnh vốn là tên làng tân lập của những người di cư gốc Bách Việt.

Cái điều là chúng ta nên lưu ý nữa là danh hiệu của nhà thơ có hai chữ Diễm Buồn, vừa diễm là xinh đẹp, vừa buồn là không vui. Do đó mà chúng ta nên tìm hiểu từ đâu và lý do gì mà nhà thơ họ Dư (là thừa ra, thong thả, an nhàn) đã chọn. Chữ Diễm (là xinh đẹp, như diễm lệ, hai chữ đều có nghĩa là xinh đẹp). Còn Diễm Buồn có thể giải thích như là có vẻ đẹp dịu dàng mà thoáng đôi nét buồn nhớ mông lung. Đó chỉ là sự ước đoán từ phương xa, vì lẽ chúng tôi chưa gặp người trong cuộc.

Những hình dáng yêu kiều của các kiều nữ Tây Đô, thời vàng son nơi Quốc Nội, chúng ta đã từng nhìn thấy thướt tha trên bến Ninh Kiều (Cần Thơ), mà phương danh đã được dân Nam ghi lại trong đôi câu ngạn ngữ ca ngợi những đức tính trung kiên của chàng trai, đồng thời với tài năng, cần mẫn của cô gái Thủ Đức: “Gái Thủ Đức năm canh thức đủ/ Trai cơ thần ở lại Cần Thơ”

         Ngoài ra, thi hiệu của nhà thơ cũng gợi cho tôi nhớ một nhân vật phái nữ trong “Hồn Bướm Mơ Tiên”của Khái Hưng tên Lan có "khuôn mặt trái xoan, hai má ửng hồng, đôi mắt phượng mơ màng như liễu rũ trên mặt nước hồ thu" khiến ta nhớ tới đoạn văn sau đây của Kinh Thánh ngày xưa: "Comme la lumière, sur le chan delier, telle est la beauté du visage dans l' âge épanoui". (L' Ecclésiastique, XXVI, 17).

         Những nét buồn thương và lãng mạn ấy được nhà thơ phô diễn với "tâm sự chát chua ai mua mà bán" của một bài ca cổ điển lưu truyền nơi xứ Huế mộng mơ mà nhà thơ rất quen thuộc, hòa lẫn nhiều bài thơ đánh dấu những chặng đường xuôi ngược Bắc Nam với “Những Ngày Xưa Thân Ái”

......................................................

Nước trà huế tỏa hương thơm phưng phức

Bữa ăn xong, nàng dọn quảy gánh về

Chàng say tình cất giọng hát đê mê

Câu Vọng Cổ ngọt ý tình tiết điệu

 

Buổi trưa cũ, sáng trưng thời niên thiếu

Và bây giờ đã ngăn cách đôi nơi

Lệ xót xa thấm mặn nửa cuộc đời

Một chút thôi! Cả khung trời kỷ niệm

                        (Buổi Trưa Quê)

 

Những nỗi buồn đã xuất hiện từ thuở hoa niên đôi tám, khi nàng gặp chàng thủy thủ nơi bến vắng xa xưa:

...................

Anh là người thủy thủ

Quen nước trời bao la

Mỗi khi tàu về ụ

Nhớ nhung như xa nhà

 

Tôi biết buồn từ đó

Bởi trêu ghẹo anh đùa

"...Hỡi nầy cô em nhỏ

Đã có người yêu chưa? "

 

Vô tình hay cố ý

Hờn dỗi tuổi đôi mươi

Tại sao anh không nghĩ

Để tôi sầu lẻ loi?

Một hôm anh thỏ thẻ

"...Có cô gái nhà bên

Bé ơi, giúp hộ nhé

Cho anh được làm quen..."

 

Tâm hồn tôi băng giá

Anh thật quên rồi sao?

Chúng mình đám cưới giả

Tóc cài trắng hoa cau

 

Ngày anh đi cưới vợ

Tôi theo làm phù dâu

Mỗi mùa hoa cau nở

Lòng vương vương nỗi sầu...

(Hoa Cau Trắng)

 

            Đầu dây mối nhợ của nỗi buồn da diết ấy là anh chàng thủy thủ đùa giỡn với cô em trinh trắng như tấm lụa Hà Đông, như hoa cau Đồng Tháp, vương vấn mối tình đầu và sầu tương tư ấy...Và đau điếng nhất là nhà thơ phải dằn lòng đóng vai phù dâu, thầm khóc thì hổ ngươi, mà cười tươi thì ra nước mắt!

             Âu cũng là thân phận của người đàn bà trên đường dài mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu biết đâu lựa, như lời ca Vọng Cổ dưới trăng xưa soi rọi bến Ninh Kiều và trên phà Mỹ Thuận chông chênh với trai thanh gái lịch:

 

Xe dừng lại chờ qua đò Mỹ Thuận

Cam, mít, xoài, ổi xá lỵ chín cây

Thịt nướng, tôm càng, cá chẻm, chim quay

Vùng châu thổ, món ăn ngon thơm phức!

                         (Đường Về Hậu Giang)

 

Tuy thế, nàng thơ vẫn nhớ Mẹ hiền từ Bắc vào Nam tìm trẻ trong:

...................................................

Thảm cảnh đau thương núi sông nhuộm đỏ

Con bôn ba chạy loạn lạc xứ người

Mẹ tuổi đời chồng chất đã sáu mươi

Lặn lội xa xôi vào Nam tìm trẻ

 

Con lìa Mẹ khi hãy còn tấm bé

Mẹ xa con héo hắt nửa cuộc đời

Và cứ mỗi lần thời cuộc đổi thay

Mỗi lần đổi, mỗi nghìn trùng xa cách

                                                                            

Hôm nay đây, hơn nửa vòng trái đất

Nhớ chùa Tam Thanh, nhớ nước sông Thương

Nhớ đào Mẫu Sơn nửa trắng nửa hường

Gỗ hoàng đàn, Thất Khê mùa mận chín

                          (Xa Vẫn Còn Xa)

 

              Rồi nhà thơ gọi Mẹ trong giấc mơ chập chờn xa quê nhớ cội:

........................

  Mẹ ơi, thu về sương mờ đỉnh núi

  Nỗi nhớ thương dằng dặc mãi nào nguôi

                                      (Xa Vẫn Còn Xa)

              Những bài thơ của Diễm Buồn khiến tôi nhớ đến đôi lời thở than chua xót của Nữ Sĩ Tương Phố, chị ruột của Nữ Sĩ Song Khê và cũng là tác giả "Giọt Lệ Thu", vốn là bậc trưởng thượng của nhà thơ Diễm Buồn đồng hương đồng xứ. Tôi lại nhớ bà chị dâu trong họ Thái, đã từng thốt ra những câu thơ thống thiết:

Nước loạn canh tàn khóc bể dâu!

                (Tương Phố Đỗ Thị Đàm)

              Mẹ già vào Nam không bao lâu thì lìa trần sau cơn bạo bệnh, để lại chồng con bơ vơ như sẩy đàn tan nghé. Người thủy thủ của ân tình vẫn trôi nổi đó đây:

....................................................

Thời gian đi nước trời như hẹn ước

Trên tầng không, hiện rõ cánh chim bay

Tầu xuôi ngược trăm hải trình tiến bước

Khi qua rồi vết tích cũng mờ phai...

 

Người thủy thủ sao trầm ngâm đứng đó

Đã tan rồi, trời biển vẫn xanh lơ

Có còn chăng tiếng hát buồn trong gió

Ta hữu tình, trời nước vẫn nên thơ...

                         (Hình Bóng)

             

 Rồi thình lình, trời long đất lở với sự sụp đổ của miền Nam, những chiến sĩ anh dũng nhưng thiếu lãnh đạo đã bị tù đày nhọc nhằn trong những trại cải tạo xa vời, âm u rừng núi, khiến cho hàng vạn gia đình ly tan, gió dập sóng vùi oan khiên khắp nước!

               Trong thảm cảnh ấy, Diễm Buồn đã vất vả trong nhiều năm vì cha, anh bị đày đi cải tạo. Cha bị hành hạ mỏi mòn chết trong tù, khiến Diễm Buồn lánh bạo, chạy sang xứ người lập lại cuộc đời với hai bàn tay trắng.

Tình cờ Diễm Buồn đã gặp lại người xưa:

.........................................................

Nơi xứ người, mình gặp lại nơi đây

Quốc Khánh xưa nay đổi thành Quốc Hận

Hai phương trời, hai lối sống đổi thay

 

Vẫn nụ cười trong mắt anh rạng rỡ

Tâm hồn em chao động, lệ thầm rơi

Tiếc thương chi, có duyên mà không nợ

Em viết bài thơ, từ tạ cùng người...

                      (Nụ Cười Trong Mắt Anh)

 

             Với một thân mình, cô liêu đơn chiếc, Diễm Buồn đã chịu đựng biết bao oan khiên, tang tóc, suốt một cuộc đời toàn nghịch cảnh! Như thế thì không buồn sao được(?). Và có buồn thì mới phát xuất ra thơ. Càng buồn chừng nào, thì thơ càng hay chừng nấy, đúng như lời nhận xét của nhà thơ lãng mạn Tây Phương:

"Les plus désespérés sont les chants les plus beaux

Et J' en sais d' immortels qui sont de purs sanglots !"

 (Alfred de Musset)

              Bây giờ thì Diễm Buồn cố gắng tìm vui trong cuộc sống, vui trong sáng tác văn chương, mỹ thuật. Vui trong công tác xã hội, phục vụ Quốc Gia, Dân Tộc. Và để qua một bên Lệ Đá xa xưa, để trau dồi Văn Học, quyết tâm nghe lời Cha dặn trước khi qua đời:

"......................................

Hoàn cảnh nào cũng phải giữ sắt son

Cha âu lo Nhân Nghĩa sẽ không còn

Trên đất nước mấy nghìn năm Văn Hiến..."

                                       (Nỗi Buồn Ba Tôi)

             

 Chung luận thì văn thơ của Dư Thị Diễm Buồn rất chân thành và truyền cảm tới tột độ, càng đọc càng xúc động như mình cùng sống trong cảnh ngộ của nhà thơ, nhà văn mà lụy rơi hồi nào không biết! Lời thơ, văn tuy tự nhiên mà trau chuốt, tình tứ đậm đà, thiết tha và trìu mến. Diễm Buồn là nhà thơ, nhà văn quyến luyến với Quốc Gia Dân Tộc, với bẹ chuối hoa cau, với nương rau luống sắn, với những thì thầm của bụi tre khóm trúc, ngàn đời che chở mái nhà Nam.  Với thi tập Những Ngày Xưa Thân Ái  nhà thơ khả ái Dư thị Diễm Buồn, mộc mạc mà trang đài, đã ung dung đi vào Thi Đàn đa diện Việt Nam bằng cửa lớn, trang trí với nhiều cỏ lạ hoa thơm. 

 

Paris, Chiêu Anh Các

Mùa Giáng Sinh và Tân niên Mậu Dần 1998.

Học Giả Hương Giang THÁI VĂN KIỂM

 

 

Thi tập “Những Ngày Xưa Thân Ái” in xong tôi gởi tặng bác Thái Văn Kiểm mười (10) cuốn để bác tặng theo ý thích, và nhắc bác khi cần thêm cho biết sẽ gởi qua... Sau đó thỉnh thoảng tôi gọi điện thoại thăm bác, gởi tặng bác tác phẩm thơ hoặc văn tôi vừa mới phát hành...

Trong lúc điện đàm, có lần bác hỏi:

- Theo tôi biết chị không phải sanh trưởng ở Huế, hay có thời gian sống ở Huế... Nhưng chị viết nhiều về Huế, có bài tôi ưng ý lắm. Như là bài:

 

TÂM TÌNH GỞI HUẾ

 

Huế ơi Huế, đã bao mùa lá đổ…

Là mấy mùa xa cách Huế thân yêu

Huế hôm ni còn duyên dáng mỹ miều

Trong đêm đẹp trăng rằm soi khắp lối?

 

Huế yêu ơi, bây chừ khu Thành Nội

Hồ Tịnh Tâm còn sen nở ngát hương?

Vầng hồng lên chiếu sáng lối mờ sương

Quanh cấm điện trong hoàng thành cổ kính

 

Cửu Vị Thần Công có còn cố định?

Điện Thái Hòa tám mươi cột sơn son?

Đâu sân chầu, điện Cần Chánh, Ngọ Môn…

Giữa triều đại uy hoàng trong lịch sử

 

Chúa Nguyễn Hoàng, dựng xây chùa Thiên Mụ?

Núi Ba Tầng, nhớ mãi trận Đống Đa

Phú Văn Lâu, thời vang bóng tân khoa

Bảy lăng tẩm nguy nga triều nhà Nguyễn

 

Dòng An Cựu qua bao mùa chinh chiến

Nắng đục, mưa trong tưới mát đọt mầm

Lúa chín vàng vùng Hương Thủy xa xăm

Chiều bảng lảng trên dòng sông Hương Xá

 

Ơi Thừa Thiên, răng nhớ thương chi lạ!

Lăng Cô nằm tĩnh lặng dưới Hải Vân

Đảo Tiên Trà lồng bóng nước bâng khuâng

Bình minh giục thuyền buồm ra biển cả

 

Viếng chùa La Chữ, về thăm Đập Đá

Yêu Cố Đô cổ kính đẹp dịu hiền

Tà áo bay, vành nón lá nghiêng nghiêng

Quên mô được, o nữ sinh Đồng Khánh!

 

Thương mẹ Quảng Điền quằn vai, nặng gánh

Vạn sự thay chồng đời lính bôn ba

Chuyến tàu đêm còi rúc lạnh sân ga

Nỗi cô quạnh theo bước người đưa tiễn!

 

Đụn cát Hà Trung… cảnh tình lưu luyến

Sáng hừng đông qua Thừa Phủ đò ngang

Chu choa ơi, tui e thẹn ngỡ ngàng!

Bởi anh nớ, nhìn tui cười ngượng ngập

!

Răng dị rứa! Trái tim tui khẽ đập!

Ánh mắt ai, ôi dễ mến chưa tề!

Đêm mưa buồn, bên ni nhớ bên tê!

Hương tình ái nhẹ thoáng vào tuổi ngọc

 

Mắt tha thiết chàng nam sinh Quốc Học

Lay hồn tui, chút xao động bâng khuâng!

Rồi năm tê quốc nạn Tết Mậu Thân!

Người xưa nớ, nửa đời chưa gặp được!

 

Tui yêu Huế, trong tình yêu non nước

Với chút tình thơ dại tuổi học sinh

Bao đổi thay, theo năm tháng vô tình

Tình yêu Huế vẫn mặn nồng tha thiết!

 

Đầu dây điện thoại từ Mỹ vùng tôi ở xa nước Pháp của bác hơn nửa vòng trái đất, cách mấy kinh tuyến và mấy vòng vỹ tuyến.

Trong lòng thiệt là khoái chí lắm, tôi mỉm cườ, nhẹ giọng:

- Dạ xin cám ơn bác đã cảm nhận được bài cháu viết. Thưa bác đúng như bác biết cháu cũng chưa ra thăm Huế lần nào cả... Nhưng cảm nhận được Huế và viết được một chút về vùng đất Thần Kinh Vua Chúa ngự một thời... là do lòng cháu hằng ngưỡng mộ Huế từ lúc còn đi học, và thích đọc, thích tìm hiểu ít nhiều về Huế qua phim ảnh, tài liệu trong sách vở... Thưa, cháu cũng không giấu gì bác “cháu có người yêu là Huế” bác ơi...

 

RĂNG O THƯƠNG HUẾ?

 

“Tui không được sinh ra ở Huế

 cũng chưa lần đến Huế!

Nhưng thương Huế lắm, Huế ơi!”

 

Có một hôm tôi về thăm lại Huế

Chợ Đông Ba lành lạnh khói sương mù

Con đường xưa ngập xác lá chiều thu

Cầu Bạch Hổ nhạt nhòa màn mưa bụi

 

Muốn ôm riệt vào lòng khu Thành Nội

Vùng tôn nghiêm thấm đậm nét đài trang

Hồ Thịnh Tâm gương trải dưới trăng vàng

Hàng dương liễu mơ màng thôn Vỹ Dạ

 

 

Trên đồi cao nhìn Cố Đô êm ả

Sứ nhà ai theo gió thoảng hương thơm

Tóc ngang vai ấn dấu tuổi trăng tròn

Thời cắp sách, thuở xuân hồng tuổi ngọc

 

Thấp thoáng xa, bóng nam sinh Quốc Học

Ôi thẹn thùng, má ửng nón nghiêng nghiêng

Dáng thanh thanh tà áo trắng dịu hiền

Như cánh bướm rợp sân trường Đồng Khánh

 

Xuôi Bến Ngự, giữa đêm sao lấp lánh

Mây bâng khuâng chừ bay mãi về đâu?

Răng làm mưa cho ủ dột A Sau?

Mưa phủ trắng những mồ chôn tập thể

 

Mưa Phú Lộc, mưa sa từ nguồn lệ

Khóc thương đời, khóc Huế Tết Mậu Thân

Họ có đâu vi phạm Tử Cấm Thành

Sao thi thể dập vùi không nguyên vẹn?

 

Mỏi mắt tìm người xưa ơi, lỗi hẹn!

Những địa danh nào mình đã viếng thăm?

Núi Ngự Bình cách trở Cửu Long Giang

Người ra đi, để sầu thương chất ngất

 

Huế trong tôi với tâm tình chân thật

Dù bây chừ đàng ấy đã xa rồi

Vẫn một lòng tưởng nhớ Huế xa xôi

Thương Huế lắm, người yêu tôi là Huế!

 

Mấy năm sau có dịp qua thăm Paris đôi ba lần, nhưng “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” tôi vẫn không có duyên nên chưa hân hạnh được diện kiến “Học giả Hương Giang Thái Văn Kiểm”! Đó là một mất mát và tiếc nuối lớn trong tôi!

 

Để rồi gần đây, tôi bàng hoàng xúc động đọc tin trên các Diễn Đàn:

 

Vô cùng thương tiếc hay tin

Cụ THÁI VĂN KIỂM

qua đời ngày 21 tháng 2 năm 2015.

Hưởng đại thọ 93 tuổi.

 

Vùng chúng tôi ở sáng hôm nay gần hết mùa đông! Nhưng cả không gian một màu xám tái ủ dột, gió se sắt lạnh và mưa phai phái... rồi mưa nặng hột rạt rào như đổ nước! Hướng về phương trời Paris xa thăm thẳm trong cơn mưa gió bão bùng, tôi chắp tay nguyện cầu:

 

 

 

Thành kính chia buồn cùng tang quyến

Xin nguyện cầu Hương linh bác

Hương Giang THÁI VĂN KIỂM

sớm về nước Chúa

 

California, cuối mùa đông năm Ất Dậu 2015

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

 

Trong “Bóng Thời Gian” phát hành 2021

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Email: dtdbuon@hotmail.com

 

No comments: