Thursday, June 8, 2017

CHUYẾN ĐI HẢI ĐĂNG-MŨI ĐẠI LÃNH (Đoàn Minh Hùng)



MỘT CHUYẾN ĐI HẢI ĐĂNG MŨI ĐIỆN (HẢI ĐĂNG MŨI ĐẠI LÃNH)

Buổi sáng hôm ấy, nhóm chúng tôi lên phố núi Củng Sơn thăm chơi nhà bạn... 

Chiều xế nhóm xuống lại thành phố Tuy Hòa. Chúng tôi tiếp tục đi theo Quốc lộ 1 qua cầu Đà Rằng-thị trấn Hòa Vinh-cầu Bàn Thạch (Hòa Xuân)-ga xe lửa Hảo Sơn rồi lên tới ngã ba Đèo Cả-Vũng Rô, chúng tôi rẽ trái đi theo hướng đông rồi đông bắc chừng 10 km là tới Mũi Điện thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đoạn đường từ thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam) đi Mũi Điện, một bên núi cao hùng vĩ, một bên biển nước diễm lệ, thật là một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Từ địa điểm thu phí và giữ xe cho khách du lịch, nhìn xa đã thấy ngọn hải đăng Mũi Điện ( hay hải đăng Mũi Đại Lãnh) cao vút trên nền trời xanh và núi đá bên dưới ở đầu mũi đất nhô ra biển. Gửi xe, mua vé xong; chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi chừng một cây số nữa. Qua cây cầu xi-măng nhỏ là đầu dốc, dọc theo triền núi với những bậc đá càng lên càng cao thì tới ngã ba, một lối ra mũi còn một lối lên hải đăng.(*)

Chúng tôi theo lối lên ngọn hải đăng trước. Muốn leo lên đỉnh tháp du khách phải gửi dép lại ở kệ giữ giày dép (theo tôi nghĩ thì một là để giữ vệ sinh, hai là để leo lên cầu thang không bị trượt). Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890. Tháp đèn là một khối hình trụ thon đều cao 26,5m so với nền nhà và cao 110m so với mặt nước biển. Lối lên đỉnh tháp là cầu thang gỗ có 110 bậc đi theo hình xoắn ốc. Ánh đèn từ ngọn hải này có thể phát tín hiệu xa khoảng 27 hải lý.

Nhóm leo tới đỉnh thì ai nấy đều mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại, trống ngực thình thịch đứng không vững, phải ngồi xuống tay vịn lan can để an thần trở lại. Sau vài phút trấn tĩnh, phóng tầm mắt nhìn bốn phía, trời mây phiêu bồng, núi non sừng sững. Phía trên chân tháp hải đăng là Bãi Môn còn hoang sơ với nước biển trong xanh màu ngọc bích và bờ cát trắng mịn, một nơi tắm lý tưởng cho du khách vẫy vùng. Bên dưới chân tháp là ghềnh đá đôi tạo một khe hẹp sâu hút đẹp vô cùng. Chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ diệu chung quanh làm cho tinh thần phấn chấn, quên đi sự mệt mỏi trên quãng đường đến đây.

​Sau đó chúng tôi leo xuống sang bên kia Mũi Điện, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc. Ngày trước đây được coi là điểm cực Đông của Việt Nam, nhưng sau này nhờ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đo lại tọa độ thì Mũi Đôi ở bán đảo Hòn Gốm (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) có kinh độ Đông là 109 độ 27 phút 39 giây, còn Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) là 109 độ 27 phút 12 giây, như vậy là hơn 27 giây. Tuy nhiên Mũi Đôi nằm ở đảo Hòn Gốm tách rời với đất liền nên Mũi Điện là nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền của Việt Nam.

Đứng ổ Mũi Đại Lãnh nhìn về hướng đông nam, cảnh sắc cũng rất là tuyệt mỹ nếu ai đó yếu vía không dám lên tháp hải đăng. Trời về chiều càng trở nên mát mẻ bởi mặt trời đã khuất sau núi Đá Bia. Gió thổi lồng lộng từ biển vào làm cho con người thật khoan khoái dễ chịu.

​Sáu giờ chiều nhóm rời Mũi Điện mà lòng chưa muốn dứt vì thấy những cặp du khách trẻ vừa mới lên tới đây. Nhưng cuộc vui chơi nào rồi cũng kết thúc, để lại những lưu luyến êm đềm. nên ra về có vịnh bài thơ sau:

Ta đến đây rồi Mũi Điện ơi!
Hải đăng chót vót chạm mây trời
Đứng trên nhìn xuống chân run rẩy
Ngồi dưới nhìn lên cổ rã rời
Tây núi rì rào cây lá hát
Đông biển dạt dào sóng trùng khơi
Bể xanh gió lộng hồn non nước
Đường leo dốc đá thích tuyệt vời!

Đoàn Minh Hùng-06/5/2017
​(*) 3 ảnh này là mượn, các ảnh còn lại chụp bằng điện thoại rẻ tiền nên hình không được đẹp!



No comments: