Chiến tranh
Việt Nam đã để lại những vết thương
mà gần nửa thế kỷ sau vẫn còn rỉ máu. Đau đớn nhất là những người
lính VNCH mất vũ khí, những người vợ mất chồng, những người con mất cha, người
dân mất nhà, và những người Việt mất nước....
Một trong những
nạn nhân của sự mất mát này là Hoàng Liên Chi; nhưng ngửa mặt kêu trời, thì trời
cao thăm thẳm, kêu đất thì đất toàn sỏi đá, nên người phụ nữ yếu đuối
này chỉ còn trút nỗi uất hận này vào những vần thơ như "Một Đời Còn Tưởng Tiếc" nhân "ngày quốc hận"
vừa qua.
Để hồi tưởng phụ
thân mình, nhân "Father's Day", Liên Chi ghi những mảng ký ức ngắn trong
bài hồi ký "Mầu Thời Gian", mời quý anh chị cùng ngậm ngùi.
Phạm Đức
Hiền
1.
Đó là một ngày giữa
tháng 3 năm 1975, tình hình chiến sự nóng bỏng trên cao nguyên lan về tới Tuy
Hòa với tốc độ chóng mặt. Ba tôi thu xếp cho cả nhà vô Nha Trang lánh nạn. Mấy
chị em tôi cứ ngây thơ cười, nói ăn uống làm như gia đình đang đi nghỉ mát. Ba vẫn
còn ở lại Tuy Hòa...
Hai tuần sau...
Nghe tin Tuy Hòa thất thủ... Không khí yên bình của Nha Trang không còn nữa.
Chúng tôi hoang mang ngơ ngác nhìn nhau…
Những bữa cơm trở
nên đắng ngắt không thể nuốt trôi...Ba đang ở đâu? Đang làm gì? Chúng tôi nôn nóng
đợi chờ....
Tối hôm sau khi cả
nhà sắp sửa đi ngủ, ba đột nhiên xuất hiện như cơn gió lốc... Ba xuống tàu đi tới
cảng Cam Ranh, không theo chiến hạm Mỹ đi thẳng ra Phú Quốc mà về ngược lại Nha
trang với gia đình. Trên người còn nguyên bộ quân phục, giày, nón sắt... Chúng
tôi vây quanh yên lặng... Ba ngồi đó hai tay nắm chặt gục đầu buồn bã rồi chậm
rãi nói .... "Chúng ta đã thua trận!"
Tôi chợt thấy cổ họng
mình đắng chát. Nghe có gì vỡ vụn quanh đây!
2.
Thấm thoát ba đi “cải
tạo” đã được 3 năm. Đột nhiên, một buổi
sáng, khi má đang nấu cơm, thì thấy ba bước vào nhà với bọc hành lý nhỏ trên
tay. ,Dù không kẹo, không bánh, chị em tôi cũng vui mừng tíu tít, giống như đón
ba đi du lịch xa mới về. Ba ốm đi nhiều và thật là xanh xao... Thì ra ba bị sốt
cao, trại cho về 1 tuần để chữa bệnh.
Những ngày phép
trôi qua thật nhanh, ba vẫn còn sốt và mệt, nhưng phải lên trại để trình diện
đúng hẹn. Chúng tôi không nỡ để ba đi nhưng đó là lệnh, làm gì có đặc ân cho một
người tù? Chiếc xe camion chở hàng cho trại ghé lại đón ba đi. Trời nắng gay gắt,
ba run rẩy liêu xiêu, tay ôm bọc quần áo trèo lên phía sau xe chở hàng. ,Không
có ghế, ba đứng vịn tay vào thành xe, còm cõi, yếu ớt. Chiếc xe lao đi vội vã, để lại phía sau một
đám bụi mù che khuất bóng dáng khó nhọc của ba. Tôi quay đi, lau vội giọt nước
mắt!
3.
Khoảng 2 giờ sáng
tôi giật mình thức giấc vì tiếng lộp cộp trên lầu cứ vang lên đều đặn. Tôi cảm
thấy lạ, nhưng lười biếng không muốn dậy và cuộn mình trong chăn để ngủ tiếp. Đến khi nghe tiếng mở cửa thì tôi đã biết chuyện
gì rồi. Tôi chạy nhanh lên lầu thì thấy
ba quần áo chỉnh tề, đội mũ tay cầm cây gậy đang mở cửa bước ra ngoài.
Tôi hoảng hốt "Nửa
đêm rồi mà ba định đi đâu?"
Ba ngơ ngác "Ba
muốn ra ga về Tuy Hòa".
Tôi vừa kéo ba vô
nhà vừa thở dài "Ba ơi trời chưa sáng mà, vô ngủ đi rồi mai con chở đi".
Đó là ba tôi của những ngày cuối đời: nửa mê, nửa tỉnh, khái niệm về không gian, thời gian chỉ là vô nghĩa. Từ một vị chỉ huy oai nghiêm của quân lực VNCH, đến những năm tháng tù đầy gian khổ. Và bây giờ là những ngày cuối đời vô vị, lay lắt như ngọn đèn sắp cạn dầu. Tuổi già khắc nghiệt không chừa một ai, ba giờ như cái bóng lầm lũi trên chuyến tàu thời gian...Và cứ mãi muốn tìm về quá khứ.
Sáng nay, lại quần
áo tươm tất, ba dõng dạc nói "Chở ba đi xuống trung tâm, hôm nay có cuộc họp
với ông tỉnh trưởng!"
Chúng tôi lặng lẽ
nhìn nhau... chợt thấy cay trong mắt...
Hoàng Liên Chi
No comments:
Post a Comment