Wednesday, June 21, 2017

“TÂY DU KÝ” TẬP 5: “BUỒN ƠI LÀ BUỒN” (Thukỳ)


Thukỳ
Ngồi buồn cắn móng tay chơi,
Móng tay bị cụt -buồn ơi là buồn! (Thukỳ)
Hầu nẩm, khi tui khoác áo cô dâu zìa nhà chồng, bố tui mừng như trúng số, vì thanh toán được trái bom nổ chậm trong nhà; còn tui thì “cừ” toe toét, vì được mặc áo đẹp, được thoát khỏi cảnh “cá chậu, chim lồng” để được đi bên ông chồng có “quyền cao chức trọng”, và nhất là để “phe” với mấy con bạn dễ ghét rằng “nhờ chân tao cao, tao lao nhanh hơn bọn mày…”.

Nguyễn Thế Duy Cường (Tony) và Bùi Khắc Ngọc Diễm
Thế mà, vào ngày 20 tháng 5, 2017 vừa qua, lúc ôm cậu con trai trưởng trước khi “gả” nó cho ngừ ta, tui bỗng bật khóc, không phải vì vui, mà vì “Buồn Ơi Là Buồn!”

Đã vậy, ngày hôm sau, tui lại thấy anh “Nẫu Nè” post một số hình ảnh ngày cưới của con trai Duy Cường (Tony) kết hôn cùng cô dâu Ngọc Diễm lên Facebook với lời châm biếm “Chúc Mừng Thukỳ Trở Thành Mẹ Chồng” (bấm vào link bên để xem); rồi sau đó quý anh chị nhào vào chọc quê Thukỳ lên chức “mộng chè”, làm Thukỳ lạnh xương sống khi nghĩ đến vai trò “mẹ chồng” như đồng dao Phú Yên:
Mẹ chồng ở với nàng dâu,
Cặp mắt lấm lét như trâu với...bò.

Nhưng trước khi bước vào giai đoạn “buồn ơi là buồn”, Thukỳ tui cũng đã được hưởng những ngày “vui ơi là vui” xin được phe cùng quý anh chị:

Tuần Lễ Thần Tiên:
Kể từ ngày về hưu non đến nay, mấy tủ quần áo của Thukỳ bị mốc meo vì không đụng đến (chẳng nhẽ ngày nào cũng mặc vào rồi lượn qua, lượn lại trước mặt ông chồng già?); vì thế, khi con trai trưởng báo tin sẽ “về nhà vợ”, Thukỳ vui như mở hội; việc đầu tiên là Thukỳ nghĩ đến những chiếc áo đầm thật đẹp mà 3, 4 năm nay không đụng đến. (Làm cứ như đám cứ của mình!)
Trước ngày cưới khoảng một tháng, Thukỳ phải bỏ ra 4 ngày để suy nghĩ sẽ mang những bộ nào cho đủ 100 lbs trong 2 chiếc va-ly.  Nội giặt ủi và sắp xếp đồ đạc cũng mất thêm 3 ngày, vị chi là đúng một tuần lễ; một tuần lễ được trở về cái tuổi thần tiên sẽ được mặc áo mới trong 3 ngày tết ở La Hai.

Gái La Hai Thành Mẫu Hậu Hawaii
Thế là ngày cưới cũng gần kề, và “cậu cả” Tony báo cho biết là đã mua vé máy bay cho bố mẹ với giá mà Thukỳ nghe xây xẩm mặt mày để đi từ Florida đến Hawaii.  Vì sợ mất mặt với nhà gái, Tony còn dặn đi dặn lại là mẹ cần quần áo gì cứ nói nó sẽ mua; nhất là bố già, đừng có mặc áo thun rách đi dự đám cưới.   Chẳng hiểu Tony sinh vào giờ trùng nào, mà nó tiêu tiền như nước, không giống bản tính của cha mẹ, chắt chiu từng đồng.  
Nghe sắp được đi Hawaii, bao nhiêu đau đớn, nhức mỏi trong cơ thể Thukỳ đều tiêu tán hết; trong giấc mơ, Thukỳ cũng thấy mình được đến Hawaii để ngắm cảnh, và nhất là được đi dạo những bờ biển mà Thukỳ chỉ nhìn thấy trên internet. Nhất định kỳ này Thukỳ sẽ cổi chiếc áo La Hai để trở thành “mẫu hậu” Hawaii tham dự đám cưới của con trai!

"Mumvee"
Cuối cùng, ngày khởi hành cũng đến.  Từ sáng sớm ngày 16 tháng 5, 2017, cả gia đình gồm vợ chồng và 2 cậu con trai Tony cùng Philip ra phi trường để đáp máy bay đến Los Angeles ở chơi một đêm, rồi ngày hôm sau bay sang Hawaii.
Convertable
Đến Hawaii là cậu cả liền thuê cho mẹ một chiếc xe giống như “Humvee” mà anh “nẫu nè” nói đùa là “Mumvee” do con dâu mua tặng mẹ chồng.  Ngày hôm sau cậu cả liền trả lại chiếc “mumvee” rồi mướn một chiếc xe thể thao mui trần (convertible) để mẹ leo núi và đi hưởng gió biển của hòn đảo thơ mộng Maui.  Thế là cả nhà lái xe đi chụp hình tứ tản; nhưng ngồi xe không có mui, sợ bị cháy da, Thukỳ lại bảo thằng con kéo mui lên cho đỡ nắng.  
Hai anh em mặc đồ nhái đi scuba
Ngày 18, tức là trước lễ cưới 2 ngày, Tony và Philip lại thuê những bộ đồ nhái để rủ mẹ đi scuba; nhưng Thukỳ sợ cá mập sơi thịt mình, nên chỉ có Tony, Philip cùng nhóm bạn trẻ đi lặn; còn Thukỳ thì kéo ông xã ra bãi biển chớp hình.  
Thấy mẹ sợ biển sâu, vì vẫn còn bị ám ảnh bởi những lần vượt biên, Tony, thằng con làm như có máy in tiền, tính thuê một chiếc phi cơ chở mẹ bay lên ngắm những quần đảo núi lửa giữa Thái Bình Dương, trong đó gồm những địa danh nổi tiếng như Oahu, Honululu, Waikiki Beach và Pearl Harbor (Chân Trâu Cảng)...nhưng Thukỳ chưa làm chúc thư cho người thừa kế gia sản, nên không dám bay.

Mấy cậu còn rủ Thukỳ đi chơi trò “daredevil” ở Hana, nơi những người “đùa với tử thần” đứng trên vách núi, hoặc từ trực thăng, nhảy xuống nước; nhưng Thukỳ bị hội chứng sợ độ cao (acrophobia), nên không dám thử...

Chưa bao giờ Thukỳ được hưởng những ngày thần tiên như vậy.  Hai cậu con trai lâu ngày được gặp mẹ, nên đối xử với mẹ như “mẫu hậu”, muốn gì cũng chiều, và Thukỳ tận hưởng những ngày độc thân cuối cùng của cậu con trai trưởng trước khi nó có “mẹ” mới...

Tiền Hôn Lễ:
Đám cưới phải cần “tiền” là điều đương nhiên.  Nhưng “tiền hôn lễ” mà Thukỳ nói đây không phải là “tiền làm đám cưới” mà là “trước đám cưới” (prenuptial) mà người Mỹ gọi là “wedding rehearsal dinner”.
Thukỳ cùng anh chị sui
Thukỳ, vợ chồng Hằng (chị cô dâu) và anh chị sui
Thukỳ cùng các bạn của Tony
Tony, Diễm và vợ chồng giáo sư của Diễm
 
Vì chú rể và cô dâu lớn lên tại Mỹ, nên chúng tổ chức đám cưới theo tây phương, nghĩa là không có lễ hỏi, lễ rước dâu và hôn lễ tại nhà thờ.  Nói chung, hôn lễ có 3 ngày chính:
Tiền Hôn Lễ: Trước đám cưới, để 2 họ làm quen, và cũng để cho cô dâu-chú rể bớt căng thẳng, nhà trai tổ chức một buổi tiệc vào Thứ Sáu  gọi là “Rehearsal Dinner” tại một nhà hàng Ý ở Đảo Maui, nơi Thukỳ được giới thiệu với bạn bè của Tony mà đa số là bác sĩ và giáo sư đại học đã có gia đình; còn Tony là người lấy vợ trễ nhất.  Khi cô dâu (cũng là bác sĩ), giới thiệu mẹ chồng tương lai với một vị giáo sư, thì ổng nhìn Thukỳ, hơi khựng lại, rồi chìa tay ra bắt, và nói:  “Mẹ Tony trẻ quá, nên chúng tôi tưởng nghe lầm…” (Thukỳ cũng mong là mình hổng nghe lầm, hahah!)

Ăn uống xong, đám phù rể kéo qua quầy Bar uống rượu chúc mừng ngày “tự do” cuối cùng của Tony.  Thấy chồng tương lai của mình uống rượu mặt đỏ như Quan Công, cô dâu hổng dám “lên tiếng”; còn tui thì sợ mấy chàng trẻ tuổi lái xe trong tình trạng “DUI”, nên đến ngăn cản, liền bị mấy chàng ôm lại rồi nói “mẹ trẻ còn khó hơn mẹ… “ghẻ”.

Sau khi uống một hớp rượu mạnh, cái máu tếu của tui nổi lên, muốn kể chiện zui như mấy kỳ đại hội, nhưng không dám, vì thấy mình còn quá… “trẻ con” so với anh chị sui.   Đại khái thì “năm anh (sui) 20, em mới sinh ra đời”.  Trước 1975, anh sui là phụ giảng sư tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn; còn chị sui là một luật sư. Tự biết tuổi tác và trình độ kiến thức của mình quá chênh lệch so với anh chị sui, nên máu tếu của Thukỳ bèn teo lại, để vểnh tai trâu lên “dựa cột mà nghe” ông xã nhắc tên ông nọ bà kia mà hổng biết ngừ nào, chỉ còn cách lâu lâu gật gật cái đầu, rầu nhe răng ra cừ, làm như mình cũng có quen với những VIP mà họ đang đề cập đến. Khi bàn về lễ cưới, anh sui thấy “tội” cho tui còn “con nít” chẳng biết gì, nhưng ảnh nhún nhường nói: “chị bảo sao tôi làm vậy!” Trời ơi, làm sao tui dám “bảo” anh chị, rồi hổng biết nói sao tui lại cừ. 

Cũng may là trong hoàn cảnh bối rối này, thì cô Hằng, chị cô dâu,  nhảy vào đóng vai “mỹ nhân cứu anh hùng” bằng cách kéo tay tui “ra khỏi vòng chiến” rồi nói: “cháu kêu bằng cô nhen, vì cô trẻ quá chứ không kêu bác đâu..!” Tôi cười và bằng lòng cái rụp, rồi 2 “cô cháu” chuồn khỏi bàn tiệc, ra salon ngồi xem TV với đám nhóc.
Nơi cử hành hôn lễ

Anh sui (áo đỏ) và OX Thukỳ

Thật ra, anh chị sui rất thân thiện và vui vẻ; như hôm qua, trong lúc đi ngoạn cảnh và chụp hình địa điểm sẽ cử hành hôn lễ, chị sui đã lén chụp tui với anh sui đang “tâm tình” với nhau rồi cho mọi người coi để cùng cười.  Chị còn “phỏng vấn” Tony về vợ chồng tui, nhưng Tony lại hổng rành tiếng Việt, nên trả lời bằng song ngữ rằng cậu chỉ biết cha “làm lớn lắm nên spent a long, long time, in “re-education camps; còn mẹ thì sang Mỹ mới went to school” (OMG!).  

Hai bên gia đình chú rể và cô dâu.
Gia đình cô dâu, ba me, chị gái anh rể, em trai và em dâu







Con "cao' hơn cha là nhà đại phúc.
Gia đình chú rể, ba mẹ và em trai

Hôn Lễ  (@ Mulligans On The Blue).
Khí hậu Maui thật mát mẻ và thơ mộng, nơi nào cũng nở hoa thơm ngát.  Nhưng sắp đến giờ cử hành lễ cưới thì trời bỗng mưa lớn và kéo dài không dứt, nên mọi chuẩn bị ngoài trời (trên một ngọn đồi thơ mộng nhìn xuống bãi biển hữu tình) đành phải dọn vào bên trong.  Cũng may là lễ cưới vừa xong thì trời quang mưa tạnh; nhờ vậy mà cô dâu, chú rể và mọi người có thể ra bờ biển để nhiếp ảnh gia chụp cảnh đẹp hoàng hôn của Maui thật thơ mộng.  Tức cảnh sinh tình tui đề nghị ông xã tui làm “hấp hôn”, nhưng con trai tui hứa sẽ tổ chức cho ba mẹ đúng ngày anniversary thứ 100 … hihihi!





Tiệc Cưới  (@ Four Season Resort Hotel)
Không giống như những tiệc cưới truyền thống Việt Nam gồm hàng trăm người, wedding reception của “Tony” Duy Cường  và Ngọc Diễm, chỉ khoảng khoảng 50 người, gồm gia đình 2 họ 11 người, còn bao nhiêu là bạn cô dâu và chú rể, được tổ chức trong một căn phòng riêng có one-man-band, với cửa kính mở tung ra, như không có vách ngăn, từ trên cao nhìn xuống biển thơ mộng và đẹp lạ lùng.




Vừa xong những món khai vị và rượu mừng, Tony mời mọi người nhìn ra bãi biển thì bỗng nhiên thấy từ một chiếc tàu, những tràng pháo bông được bắn lên làm sáng rực màn đêm, tạo nên một bầu trời lộng lẫy mầu sắc như lễ đăng quang của quốc vương và hoàng hậu.  Vợ chồng tui liền chạy ra balcon, kẻ quay phim, người chụp hình, ghi lại hình ảnh ngoạn mục làm thực khách vỗ tay thích thú.



Chụp hình xong, cảm thấy đói bụng, mọi người trở lại bàn ăn, nhưng nhìn những món ăn đẹp mắt và sang trọng, tui chẳng biết ăn uống ra làm sao cho đúng cách.  
Cô dâu và chú rể thấy tôi vụng về trước một đống đĩa, dao, muỗng nĩa và ly tách chất ngất thì liền ân ần lại hỏi rối rít “mẹ có ăn được không?” Tui liền gật đầu khen ngon, nhưng trong đầu chỉ nghĩ đến đĩa cá kho tiêu, rau muống xào tỏi, chén nước mắm ớt, một bát cơm và... một đôi đũa.

Chưa ăn xong miếng đầu thì bồi bàn đã thay đĩa, muỗng, nĩa... mới; còn rượu thì mỗi thứ phải uống một kiểu ly khác nhau.  Cứ mỗi lần thay đĩa là đầu tui lại làm tính nhẩm, thấy xót xa cho túi tiền (hổng phải của mình); giá chỉ cần một đôi đũa và một cái bát thì đỡ tiền biết mấy, mà lại ngon miệng hơn; nhưng không dám nói, sợ con rầy là mẹ...nhà wê và...trùm sò!
Cậu út tập mẹ nhảy


Cắt bánh cưới xong, đến màn khiêu vũ, mà cặp nhảy mở màn là cô dâu và chú rể, rồi đến đám con nít nghe nhạc là nhún nhảy tự nhiên, dễ thương chi lạ.  Thấy đám trẻ quậy, anh chị sui cũng ngứa chân ra sàn nhảy; chỉ có tui là “quê” một cục ngồi im ru.  Hồi còn đi học, ba tui dọa nếu học nhảy đầm là ổng chặt gẫy giò; nghĩ lại, thấy thương ổng hơn là tiếc cho mình.  

Đang ngồi suy tư thì cô Hằng (chị cô dâu) đến kéo tay tui lên sàn nhảy, chị sui tế nhị nắm một tay, và bên kia con dâu nắm một tay. Không muốn giống như kẻ gian bị bắt, tui đành phải uốn éo theo kiểu “bò lúc lắc”, chân thì đạp như “giã gạo”, còn  miệng thì lẩm bẩm “trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang…”.  Thấy tội, cậu út Philip liền chạy lại để dìu mẹ theo tiếng nhạc, Tony cũng lại phụ đẩy mẹ ra sàn; thế là 2 mẹ con trở thành một cặp “dancing with the stars” trong những bức hình mà anh nẫu nè đã phe lên FB...
Khi tiệc cưới sắp tàn, trong vai trò mẹ chồng Á Đông, tôi tặng cho “gia đình mới” một tấm check “khá lớn”, đủ để trang trả chi phí cho đám cưới, bên nhà gái cũng làm như vậy; nhưng cô dâu và chú rể nhất định từ chối, nói rằng “ba má hai bên già rồi, giữ lấy tiền tiêu xài, tụi con có tiền mà….” Luôn cả những món quà mà bạn bè mừng cũng bị từ chối.  Cô dâu và chú rể nói rằng, món quà quý nhất mà họ nhận được đó là bạn bè không ngại tốn kém, đã bỏ thời gian quý báu đến Hawaii xa xôi, đắt đỏ, để chung vui cùng họ.  (Trước đó, Thukỳ cũng tặng một bộ nữ trang làm “của hồi môn” cho cô dâu, nhưng Tony không nhận).
Món quà duy nhất mà Tony nhận là tấm hình hai mẹ con “ốm đói” chụp từ một chiếc máy hình giá 5 đô-la mua ở chợ trời ngày mới đến Mỹ, ngồi trong vườn hoa Boston Garden, nơi Tony nằm ngả đầu vào ngực mẹ.  Tuy là một bức hình mờ nhạt, nhưng nó là một tài sản vô giá của mẹ con Thukỳ, mà chắc sau khi mẹ mất đi, Tony nhìn lại, sẽ ràn rụa nước mắt.

Giây phút độc thân cuối cùng



Buồn ơi là buồn!
Trong lúc đang mơ màng, bỗng máy phóng thanh vang lên “xin mời mẹ chú rể”, Thukỳ liền đứng dậy, chạy đến ôm con trai, rồi bỗng dưng bật khóc làm mọi người ngạc nhiên. Thukỳ cố ngăn dòng nước mắt, nhưng không được, những giọt lệ cứ chảy dài ướt cả vai áo Tony.  

Cuộc vui nào cũng tàn.  Tới giờ chia tay, Thukỳ cứ bịn rịn nắm tay Tony, cố cầm giọt lệ, nhưng nước mắt cứ trào ra.  Tony, theo lối Mỹ cứ hỏi “what’s wrong, Mom?” Tui lắc đầu nói “mẹ vui quá!” để thay cho “buồn ơi là buồn!”

Những giọt lệ như những giọt mưa đầu mùa ở Boston vào đầu thập niên 1980, là lúc Thukỳ dẫn Cường (Tony) từ trại tị nạn đến Mỹ với hai bàn tay trắng.  Ngày Tony chỉ mới 1 tháng tuổi, Thukỳ bồng con tiễn bố đi “cải tạo”. Lúc Tony mới chập chững biết đi, Thukỳ dẫn nó vào thăm nuôi bố tại trại tù Hàm Tân. Lúc Tony lên 5, Thukỳ lại bồng nó, rời bỏ quê hương, lên một chiếc tầu nhỏ, bất chấp sóng to, gió lớn, đói khát và hải tặc... tìm đường vượt biên chỉ vì tương lai của nó.  (Xin xem Lệ Mong”).  Đến Mỹ, không một đồng một chữ tiếng Anh, không một thân nhân, hai mẹ con ngơ ngác như nai lạc bầy…Nhưng cuối cùng mẹ con cũng đã được sung sướng bên nhau, hạnh phúc nhất là ngày con ra trường với văn bằng bác sĩ.

Cường con,
Tuy con đã có gia đình riêng, việc về thăm mẹ cũng sẽ rất khó khăn, không phải vì đường xá xa xôi, mà vì trách nhiệm nghề nghiệp và gia đình.  Từ nay, mẹ sẽ không còn cơ hội ôm con vào lòng, xoa đầu con và âu yếm gọi “thằng chó con của mẹ”. Mẹ chỉ mong con có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, vợ chồng phải nhường nhịn nhau.  Dù gì thì cũng nghĩ đến những ngày hai mẹ con mình sống cực khổ bên nhau.  Bây giờ để mẹ nói chuyện với bạn của mẹ.  Love you.  Mom.

Các anh chị thân mến, đám cưới của con mà nói chiện buồn thì không hợp lý, nhưng Thukỳ thực sự cảm thấy “buồn ơi là buồn”:
  • Thứ nhất, con mình từ nay đã có “mẹ” mới rầu, hoặc cũng có thể là “nhất vợ,  nhì mẹ vợ,  rồi 3 mới đến mẹ Kỳ”;
  • Nỗi buồn thứ nhì là lên chức “mẹ chồng” mà các anh chị chọc quê là “mộng chè”. Đã là mộng chè thì suốt ngày chỉ mơ được ăn...chè, vì còn răng đâu nữa mà ăn cơm;
  • Nỗi buồn thứ 3 là sau khi vợ chồng Tony sanh con thì Thukỳ sẽ mất chức “mẫu hậu” để trở thành “bà nậu”.  Lúc đó sẽ không còn cơ hậu mặc những bộ đồ của teenager; buồn “gơ”;  và
  • Sau cùng, bị mang tiếng:
Mẹ chồng ở với nàng dâu,
Cặp mắt lấm lét như trâu với bò.

Vì vậy, Thukỳ đành phải:
Ngồi buồn, cắn móng tay chơi,
Móng tay bị cụt: “Buồn Ơi Là Buồn!”

Navarre, bão rớt mùa Hè
Thukỳ

Căn nhà thuê ở Hawaii
MỜI ĐỌC THÊM NHỮNG TẬP TRƯỚC:
  • Tâp 1: “Tình Ơi Là Tình”, kể chiện chuyến viếng thăm nhà anh chị Thống-Hồng An;
  • Tập 2: “Vui Ơi Là Vui” thuật lại bữa tiệc do Hội Trưởng Kathy Bành cùng anh chị em Đức Trí khoản đãi;
  • Tập 3: “Đẹp Ơi Là Đẹp”, mô ta lâu đài tình ái mỹ miều của Hoa Hậu “Tanya” Tuyết Hương; và
  • Tập 4: “Nhớ Ơi Là Nhớ” hồi tưởng chuyến viếng thăm đầy tình nghĩa ở San Jose, được gia đình “Hồng Nga” và anh chị em Thung Lũng   Hoa Vàng chiêu đãi.

No comments: