Wednesday, May 29, 2019

BA TÔI (TUYẾT VÂN)



Năm mười tám tuổi ba tôi theo hai người anh lớn rời quê trên một chiếc thương thuyền nhỏ cùng với các thanh niên khác cùng trạc lứa tuổi. Năm đó quân đội Nhật tiến mạnh, tới đâu cũng nghe có chết chóc. Những người dân quê hoảng sợ bảo nhau đưa thanh niên trong gia đình đi trốn. Cứ đi về phương Nam, họ bảo. Nơi đó quân đội Nhật chưa tới và có thể sẽ không tới. Ông bà Nội tôi đưa tiễn ba người con trai ra bến phà. Cô em gái, cô tôi, vẫy tay chào các anh, trong lòng cũng háo hức đi nhưng  bà Nội tôi đã giữ cô lại.

Ba tôi định cư ở Huế với những người cùng họ tộc. Ông giúp việc trong nhà để có chổ ăn chổ ở. Rồi ông ra riêng tự lập làm nhiều công việc khác nhau kiếm kế sinh nhai. Có một năm, ông Nội tôi gửi thư báo tin cô tôi lấy chồng, nói các anh có về dự đám cưới của em. Năm đó, ba tôi bệnh nặng vì lý do gì tôi không còn nhớ, một cánh tay ông bị bại liệt phải nằm nhà thương một thời gian. Vừa tiền bạc không có vừa bệnh hoạn, ba tôi quyết định không về. Ba tôi nói, ông không muốn về trong một hoàn cảnh như vậy. Ba tôi đã không dự được đám cưới em gái mình. Một ít lâu sau, năm 1949, hoàn cảnh chiến tranh lại càng khốc liệt hơn. Ông đã không về được để thọ tang ông Nội tôi.

Ba tôi sống ở Huế khá lâu. Bệnh ông đã bớt hẵn. Ông kể mỗi chiều ông thường lên cầu Trường Tiền nghe nhạc công người Pháp biểu diễn ở Toà Khâm Sứ bên bờ sông Hương. Ông vẫn đi làm công, từ làm bánh, làm nhang đến chạy hàng cho những thương hiệu. Một năm, một chủ tiệm sai ông vào Phan Rang mua hột dưa để chuẩn bị bán Tết. Ông đem về mấy bao bố hột dưa sống. Chủ tiệm nhìn thấy tái mặt bởi họ muốn mua hột dưa chín rồi đem ra bán lại cho các tiệm khác. Họ đâu có biết cách gì để biến chế hạt dưa. Chủ tiệm bắt ba tôi phải lấy số hàng nầy. Mỗi tối, ba tôi đi làm về nhà rồi bắt đầu ngồi rang hột dưa xong trộn chút phẩm đó vào. Và vậy là hột dưa được sẵn sàng chờ bán. Cùng một lúc chiến tranh lan rộng. Đường đi vào Phan Rang bị bom không thông thương được. Tết năm đó cả thành phố Huế và Đà Nẵng hột dưa bị khan hiếm. Ba tôi trúng hàng lớn và kiếm được khá lời. Mỗi lần kể lại câu chuyện này, ngay cả khi đến mấy mươi năm sau, ba tôi vẫn cười lớn sảng khoái nghĩ tới cái rủi mà lại thành cái may.

Vài năm sau số thanh niên rời làng quê cùng khoảng với ba tôi bắt đầu đi thêm vào miền Nam. Có người đi tới tận Sài Gòn. Hai bác tôi, người tới Phan Thiết, người ở Tuy Hòa. Khi vào Bình Đình ba tôi quen được những người cùng họ tộc. Ông quyết định ở lại đây và nhận làm bà con bên nội của mình. Ba tôi lập gia đình và bắt đầu cuộc sống định cư như nhiều gia đình khác. Chúng tôi lớn lên có nhiều cô chú xung quanh.

Ba tôi rất giỏi toán mặc dù ông chỉ được đi học tới lớp năm. Năm tôi thi vào lớp Sáu và phải luyện thi với hai cuốn sách 600 Bài Toán Mẫu và 144 Bài Toán Đố một tay ông đã giải những bài toán đó cho tôi. Ông cũng rất giỏi về hai môn Sử và Địa. Ông rành rẽ Thế Chiến Thứ I, Thế Chiến Thứ II, hay những nền văn mình cổ cũng nhờ ông đọc sách rất nhiều. Ông lại còn viết chữ rất đẹp. Năm xưa, chủ tiệm nơi ông làm công gả con gái có chồng, họ giao cho ông viết thiệp mời đám cưới. Khi còn ở trong nước cũng như tại hải ngoại ba tôi đều đọc báo và nghe đài phát thanh BBC mỗi ngày. Một lần, năm chị tôi học lớp đệ Tứ, nhà trường có làm đặc san Xuân và bắt học sinh mỗi người phải nộp một bài thơ hay bài văn, chị tôi đã cầu cứu đến tôi và ba tôi. Chị tôi vốn dở về viết lách. Tối đến ba cha con còn ngồi xung quanh chiếc bàn tròn dưới ánh đèn dầu vàng và bất đầu làm thơ cho chị tôi có bài đem nộp ngày mai. Nghĩ lại thật buồn cười.

Mùa hè, ba tôi vót tre làm diều cho em tôi chơi. Ông kể về tuổi thơ của ông thả diều với bạn bè trên đồng trống. Ba tôi còn rất giỏi về những môn thể thao khác như cờ tướng, bóng rổ, bóng chuyền, banh bông, và những môn trong ngành gymnastics. Những ngày hè oi bức, như nhiều gia đình xung quanh chúng tôi thường ra hóng mát ở trước nhà. Đôi khi có lẽ trong lòng có chút cảm hứng, ông ngâm những bài thơ cổ mà chỉ có ông hiểu được. Một trong những bản nhạc ba tôi thích hát là bài Xuân Và Tuổi Trẻ. Khi cuộc chiến của năm 1975 khốc liệt, tưởng đất nước chia đôi ở đèo Cả Nha Trang ba tôi gửi em tôi theo bà con đi lánh nạn. Ông tin rằng em tôi sẽ gặp chị tôi khi vào trong đó. Riêng ông và Má tôi ở lại để chờ tôi về.

Mặc dù thời cuộc chia rẽ, trước năm 75, gia đình tôi có đường dây liên lạc với cô tôi. Năm bảy lần gửi thư và tiền bạc về cho cô thì cũng có hai ba lần tới được. Năm 1979 ba tôi viết thư thăm cô, lá thư gửi đi từ bưu chính nơi ông ở tới bưu chính nơi cô tôi ở. Lá thư đầu tiên trực tiếp của hai anh em với nhau. Từ sau đó, cứ vài năm ba tôi lại về thăm cô. Ba tôi thương cô đã phải ở lại một mình lo cho ông bà Nội tôi. Ngôi trường tiểu học ngày xưa ba tôi đi học hư hao nhiều. Lớp thanh niên bỏ làng đi lánh nạn năm xưa đã trở lại và quyên góp xây ngôi trường khang trang tươm tất cho con cháu trong làng có chỗ đi học. Tôi cũng thật sự mừng là ba tôi đã có cơ hội để trở về quê hương thắp nhang cho ông bà Nội tôi và gặp lại được cô tôi. Quê hương, cho dù đã mấy mươi năm và xa cách ngàn trùng, nó vẫn cảm thấy rất gần bởi vì quê hương ở ngay trong trái tim của mình.

Sức khỏe của ba tôi yếu đi và ông đã không còn về quê thăm cô tôi nữa. Năm đó ông đau nặng tưởng không qua nỗi. Ngồi trong phòng bệnh với ba tôi, lòng tôi buồn bã và ân hận vì đã không theo ông về quê nội. Và tôi đã cầu nguyện thật nhiều với ơn trên cho ba tôi qua được kỳ này để tôi về quê thay cho ông, gặp lại cô tôi, và mang tin về cho ông. Tôi nhớ tôi đã cầu nguyện rằng, xin hãy cho ba con một thời gian nữa, hãy cho con một cơ hội, về sau nếu phải đến lúc ba con ra đi con sẽ không van nài than trách.

Chị em tôi đã được về quê nội, vui mừng gặp lại cô tôi. Cô tôi dẫn hai chị em đi trên đường tới ngôi trường ngày xưa ông học. Cây đa lớn trước cổng trường, theo ông nói, là cây mới, bóng mát cũ đã làm êm dịu bước chân ông đi qua biết bao nhiêu năm. Chúng tôi trở lại bến phà nơi ông Nội đã đưa ba người con trai ra đi. Chiến tranh. Chiến tranh là cái gì mà đã làm ngăn cách biết bao nhiêu gia đình. Cuộc đời ba tôi đã hai lần tỵ nạn. Từ khi sống ở hải ngoại, cuộc sống của ba tôi đã hài hòa, bình an và nó thể hiện qua bên ngoài của ông. Đi đâu ai cũng khen ông đẹp lão. Ba tôi rất thấm thía về cuộc đời, con người và những thay đổi đôi khi có thể tàn phá tâm hồn. Nhưng ông không hề phẫn nộ, chê bai. Ông nhìn cuộc đời với sự bao dung và cởi mở.
Một lần khi còn nhỏ, tôi hỏi ba tôi về những chuyện người ta nói về thế giới của thiên đường và địa ngục, ba tôi trả lời rằng, thế giới này mình còn chưa hiểu hết thì nói chi tới thế giới xa xôi, cứ lo học hành, lo làm việc, và sống tốt với mọi người là đủ rồi. Hình như đó là những lời kinh điển của ông, phải sống tốt với mọi người. Ông cũng thường nói, mặt trời lên thì mặt trời xuống, cuộc đời có hợp rồi có tan, không có gì vĩnh cửu, chỉ cần mình sống tốt trong cuộc sống hiện tại. Thực vậy, ông đã sống an nhiên giữa Trời và Đất.

Ba tôi mất một ngày cuối tháng Năm, ở tuổi 89, trong tuần lễ của mùa Tưởng Niệm, cách đây 10 năm.



No comments: