Wednesday, May 29, 2019

CA SĨ MỸ LAN & CHUYỆN TÌNH VỚI NS. NHẬT TRƯỜNG (VIỄN ĐÔNG)


Ca sĩ Mỹ Lan và chuyện tình với ca sĩ Nhật Trường: ‘Chúng tôi nghèo vật chất nhưng dư giả tình yêu’
Ca sĩ Mỹ Lan – người được biết đến nhiều với vai trò là người vợ lúc cuối đời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cô đã có 30 năm trong nghề ca hát, xuất thân từ ban Tuổi Xanh – Kiều Hạnh từ lúc bé thơ, rồi múa cho đoàn vũ Lưu Hồng – Lưu Bình, để mưu sinh sau năm 1975. Từ lúc đó, Mỹ Lan đã biết và xem nhạc sĩ, ca sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh như một “người anh văn nghệ”.

Năm 1988, Mỹ Lan sang Montreal, Canada theo diện đoàn tụ gia đình, và mãi 5 năm sau (1993) cô mới sang California hát cho Trung tâm Asia và Thúy Nga.

Ở đây, do nhân duyên đưa đẩy, Mỹ Lan đã gặp lại Nhật Trường trong một chương trình nhạc hội cùng với ca sĩ Duy Khánh, một tháng sau khi Nhật Trường đặt chân đến Mỹ.

Mỹ Lan tâm sự: “Tôi vẫn còn nhớ ngày 29-5-1993, suốt mấy tiếng đồng hồ gặp gỡ, anh để ý mà mình không hay biết. Ngày hôm sau, anh viết bài ‘Chuyện Không Ai Cấm’ gửi tặng tôi. Tôi nghĩ, chắc anh giỡn, chọc ghẹo thôi. Hai hôm sau, anh lại mời tôi hát chung trong một chương trình đại nhạc hội và tỏ tình bằng cách nói về bài hát mang nội dung ‘không ai cấm được anh yêu em’. Tôi vẫn không tin vì biết tính anh phóng khoáng, lãng mạn lắm. Tôi quý và coi anh như người anh văn nghệ. Mãi cho đến khi anh viết thêm bài ‘Nhớ’ riêng cho tôi, thì tôi tin anh yêu thật và bằng lòng hẹn hò, đi chơi với nhau.

Hồi đó, tôi ở Los Angeles, đi lên, đi xuống hát cho Thúy Nga trong khi anh ở khu Bolsa. Mấy tháng sau, anh mướn nhà, đón tôi về ở chung. Tuy bề ngoài nghiêm trang, nhưng thật sự thì anh đầy tính khôi hài. Anh chọc cười rất giỏi, làm người chung quanh không thể nhịn cười. Anh săn sóc tôi từng chút. Chúng tôi sống với nhau thật hạnh phúc, dù trải qua biết bao nhiêu gian nan, khổ cực, thoắt một cái đã 12 năm. Tình yêu giúp chúng tôi chống chỏi, vượt qua bao nỗi khó, cho tới khi anh mất. Tình yêu ấy giúp tôi sống ‘theo anh’, cho đến tận ngày hôm nay”.

Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sau lần gặp gỡ đầu tiên?

Ca sĩ Mỹ Lan: Ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ, mình thấy anh hiền lành, dễ thương. Nhiều người cho rằng anh nghiêm nghị quá. Thật ra thì anh rất cởi mở, dễ kết thân với người khác. Anh rất thật thà, rất quý bạn, bạn bè cần gì thì giúp đỡ liền bằng cả tấm lòng.

Anh có nhiều bạn nhưng không la cà. Trong suốt mười hai năm chung sống, anh luôn trầm lặng, ít nói, không muốn lui tới, gặp gỡ ai. Anh có nhiều tâm sự riêng vì công việc làm ăn ở Mỹ không thành công, cộng với nỗi nhớ về quê hương, lại buồn lòng vài người bạn xưa nay thân thiết bỗng ngoảnh mặt làm ngơ. Anh coi trọng bạn và quen sống xả thân vì bạn, đến khi gặp điều không may thì bạn quay lưng hoặc nói lời xúc phạm, khiến anh bị hụt hẫng, sống co rút lại.

Anh thường tâm sự rằng anh giống người bơi ngược dòng một mình bị đuối sức. Anh cảm thấy cô đơn trong cuộc chiến đấu vì tự do bằng ngòi bút. Năm 1975, tôi mới 14 tuổi, không hiểu gì về chính trị, sang Mỹ chỉ lo đi làm kiếm tiền, còn chuyện ai mặc kệ. Anh thì không. Anh yêu quê hương, đất nước mình. Anh truyền lại cho tôi nỗi nặng nợ với quê hương.


Trong những năm chung sống, điều gì khiến cô không quên về người chồng tài hoa của mình?

Anh có nhiều đức tính. Đối diện với sự phũ phàng của cuộc đời vẫn không nóng nảy, khó tính mà luôn ẩn nhẫn chấp nhận. Anh bảo, sống ngày nào thì vui đi, chuyện gì tới thì nó tới. Anh không sợ thất bại, thất bại cũng kiên nhẫn mà sống. Anh chịu đựng dẻo dai, không than thân trách phận, chỉ tiếc không còn cơ hội được về hát trên quê hương mình, cho đồng bào mình nghe.

Cô còn giữ được bao nhiêu sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa ấy?

Anh có phát hành một tập nhạc giới thiệu những tác phẩm của anh viết sau 1975 và tại hải ngoại mang tên “Gọi Tên Anh Là Lính”, chủ đề CD thứ 16. Sau khi anh mất, tôi còn phát hành thêm 2 DVD nữa, tổng cộng là ba cuốn.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thường sáng tác như thế nào?
Anh viết nhanh lắm, đặc biệt là sau những sự kiện gây xúc động mạnh. Anh ghi ra cảm xúc, ý tưởng rồi về nhà ngồi vô bàn viết liền. Buổi sáng ngủ dậy, anh ngồi uống một ly cà phê phin, chỉnh lại. Anh sáng tác bất cứ lúc nào có cảm hứng, nẩy ra trong đầu thì viết ra.

Trong những năm chung sống, cô học được điều gì ở nhạc sĩ Trần Thiện Thanh?
Tinh thần hăng say làm việc và giữ vững lập trường, không nghiêng ngả, không bỏ cuộc trước con đường đi duy nhất mà mình đã chọn. Tôi học được ở anh lòng yêu nước, yêu dân mình bền bỉ. Vì thế mà sau này tôi dấn thân nhiều hơn, hát từ thiện cho nhà thờ, cho các hội đoàn… ngoài thời gian đi làm việc kiếm sống, nuôi con.

Cô nhận xét thế nào về thiên hướng văn nghệ ở bé Trần Thiện Anh Chí từ máu nghệ sĩ của cha mẹ truyền lại?
Lúc bé 1 tuổi rưỡi đã thích nghe nhạc của ba, thích xem ba trình diễn, thích mặc đồ lính. Cháu nghe thường đến nỗi thuộc luôn nên hát một cách dễ dàng và đúng nhịp, như bài “Người Ở Lại Charlie” chẳng hạn. Sau khi anh mất, tôi cho cháu hát nhạc của anh trong các cuộc họp mặt cộng đồng để cháu nuôi dưỡng thiên hướng văn nghệ của bố, cho cháu học nhạc, học đàn piano, học guitar.
Tôi bị chỉ trích về việc cho cháu hát nhạc người lớn, nhưng tôi nghĩ, cháu là con của Trần Thiện Thanh nên phải hát nhạc của Trần Thiện Thanh. Tôi muốn cháu biết và hiểu ba cháu đã nghĩ gì và viết gì.
E rằng cháu còn nhỏ quá, hát mải mê sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành?
Thỉnh thoảng cháu mới đi hát để gây quỹ từ thiện giúp thương phế binh, giúp người nghèo. Tôi mong cháu biết thương người, không sống ích kỷ. Mục đích chính của tôi vẫn là lo cho cháu ăn học nên người.

Theo cô, giáo dục một đứa con là chuyện dễ hay khó, tại sao?
Dù chỉ có một đứa con thôi thì cũng không dễ chút nào. Nhưng với tấm lòng yêu thương và hy sinh của một người mẹ thì không có gì khó. Tôi hiểu đó là trách nhiệm, bổn phận nên cố chu toàn, còn cháu thành đạt theo mong muốn của mình hay không thì do… Trời.

Cô nói rằng 12 năm chung sống với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tuy nghèo khó nhưng hết sức hạnh phúc. Cô có thể tiết lộ kinh nghiệm giữ hạnh phúc gia đình của cô?

Có thể nói, anh là người đàn ông Việt Nam “chính cống”, thích ở nhà ăn món Việt Nam do vợ làm. Vì vậy với tôi, quan trọng nhất là quan tâm đến nhau, săn sóc, chiều chuộng nhau để nuôi dưỡng tình yêu. Đó bí quyết duy nhất để giữ hạnh phúc gia đình. Khi sống với nhau, dành thời gian nhiều cho nhau khiến tình yêu mặn nồng. Chúng tôi làm việc văn nghệ, vợ chồng có thể ít nói chuyện với nhau, nhưng luôn quan tâm đến nhau. Anh ngồi uống cà phê, viết nhạc trong khi tôi lo con cái, làm việc nội trợ, bếp núc, đi chợ, vẫn không rời mắt đến anh. Ngược lại, anh cũng vậy.

Cô đã quan tâm đến anh như thế nào?
Tôi chiều anh trong từng món ăn. Anh muốn tôi nấu chứ không chịu ra quán. Anh thích món thịt kho hột vịt, nhất món bánh căn của Phan Thiết. Anh dạy tôi cách kho cá nục sao cho rục hết xương, ăn chung với xíu mại, mà phải là cá nục gai. Anh chỉ tôi ngâm gạo, bỏ vào máy sinh tố xay lấy bột làm bánh căn, rồi món xoài bầm ăn với nước mắm. Thỉnh thoảng chúng tôi mới đi nhà hàng Tài Bửu ăn món tôm hùm.

Với chúng tôi, bữa cơm gia đình vào buổi tối quan trọng lắm. Mình là đàn bà không muốn ăn trễ quá sợ mập, nhưng không để anh ăn một mình, cho nên cũng ngồi ăn với anh. Lúc nào cũng dành thời gian “ở bên nhau”, có nhau, giúp cả hai ăn ngon miệng và luôn cảm thấy hạnh phúc. Anh rất thích không khí vừa ăn vừa chia sẻ tâm tình. Tôi biết anh có tâm trạng buồn, thích tâm sự chuyện này chuyện kia, thương anh nên dành nhiều thời gian chia sẻ với anh. Chia sẻ vui buồn, san sẻ mọi nỗi niềm trong ngày, suốt 12 năm, nhờ vậy mà chúng tôi luôn hiểu nhau. Lúc anh nằm xuống, tôi bị hụt hẫng vì quen tỉ tê tâm sự với anh.

Có khi nào hai ông bà giận nhau?
Có chứ. Người ta nói ‘thương nhau lắm, cắn nhau đau’ mà. Tôi nghe chuyện không đúng thì cự. Nhưng anh hiền, luôn làm hòa trước. Chỉ cần anh làm hòa thì tôi vui liền, coi như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi cãi nhau chung quanh chuyện mấy đứa nhỏ thôi, con anh – con em – con chúng ta.
Có lúc giận nhau, tôi không nói chuyện, “đình công”, không nấu cơm. Anh quen cơm tối có vợ có chồng, rất sợ ăn một mình. Cho nên chỉ giận nhau chừng 1 – 2 ngày thì anh tự động làm lành, hỏi nhỏ tôi “hôm nay bà có đi chợ không, anh thích ăn món đó, làm món đó nha”… Mình cười thầm trong bụng, vậy là huề và lập tức trở lại như cũ. Tôi không phải người xét nét, ích kỷ nên chúng tôi không giận nhau được lâu.

Có thể nói rằng anh Nhật Trường gặp nhiều thất bại trên đất Mỹ sau ba lần lập Trung Tâm Nhật Trường để bán băng nhạc, thua lỗ, đóng cửa, mở tiệm khác lại dẹp. Đời nghệ sĩ trên đất Mỹ cũng không được nhiều tiền. Có khi nào anh tâm sự, biết vậy ở lại Việt Nam, an nhàn hơn trong lúc tuổi lớn?

Không. Anh chọn con đường ra đi. Cháu Chương sang Mỹ, trong khi Chính mới 8 tuổi, anh nhìn thấy tương lai không thể sống được trong nước, nên bằng mọi giá phải đi.

Cô có dự định gì trong thời gian tới không?



Sống thiếu thốn, khó khăn đã quen, tôi muốn làm được nhiều việc cho những người nghèo khổ hơn mình, để nuôi dưỡng lòng nhân ái. Được đi làm nuôi con, thực hiện DVD của anh, được quý đồng hương thương mến, ủng hộ, tôi không mong gì hơn.

Viễn Đông 

No comments: