Monday, July 8, 2019

CHÚT TÂM TÌNH KHI VIẾT VỀ NHỮNG TRANG TRUYỆN SỬ (NGÔ VIẾT TRỌNG)



CHÚT TÂM TÌNH KHI VIẾT NHỮNG TRANG TRUYỆN SỬ

Từ thuở nhỏ tôi đã mê say môn học sử ký. Tôi cũng rất thích đọc truyện cổ tích, truyện Tàu và các truyện liên hệ đến quốc sử. Khi ra đời cũng thế, không một cuốn sách, một tài liệu nào liên quan đến lịch sử đã thấy được mà tôi bỏ qua. Vì thế, mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, mọi biến cố to lớn, những vị anh hùng đã lập được những thành tích phi phàm cho đến cả những hành vi đê nhục của những kẻ bán nước hại dân, trí óc tôi đều ghi lại được ít nhiều. Thật tình tôi chỉ mê đọc vì ham thích thôi chứ chưa hề có chủ định đọc để làm gì. Họa hoằn lắm tôi mới sử dụng chút kiến thức lịch sử đó trong các cuộc đấu hót với bạn bè. Không ngờ sau này, khi bước vào con đường viết lách, mớ kiến thức ấy đã giúp ích tôi không ít.

Số là khi sắp ra tập truyện ngắn đầu tay, ước định thấy độ dày của tập truyện còn quá mỏng, bất đắc dĩ tôi liều lôi vài sự tích trong lịch sử tán thành truyện ngắn để thêm vào. Ngờ đâu làm vậy mà lại được việc. Những truyện sử ấy không chỉ giúp cho tập truyện đầu tay của tôi có vẻ được mắt hơn mà còn tạo cái duyên giúp tôi quen biết anh Tô Hòa Dương – con của nhà văn Bình Nguyên Lộc, một người anh tinh thần đã hết lòng giúp đỡ tôi trên con đường viết truyện sử sau này. Anh Dương là người rất yêu chuộng các nhà văn viết truyện sử nước nhà. Có lần anh Dương nói:
-Vô số truyện Tàu hiện đang phổ biến khắp Việt Nam. Người Tàu mê truyện Tàu đã đành, dân Việt mình cũng có người mê truyện Tàu quá đáng. Có người hễ mở miệng là ca tụng luôn cả các nhân vật Tàu đã từng làm hại dân tộc mình như Mã Viện, Cao Biền nữa mới khổ chứ! Chuyện Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế thì ít ai biết mà chuyện Quan Công, Nhạc Phi, Địch Thanh, Càn Long họ lại rành như cơm bữa! Các nhà làm phim, soạn tuồng hát của mình cũng chạy theo thị hiếu của quần chúng, ít khi dùng tuồng tích của nước mình mà toàn lấy đề tài của Tàu để biên soạn, để trình diễn. Nếu nước mình có nhiều nhà văn viết truyện sử hấp dẫn thì đâu đến nỗi vậy? Mình bị lệ thuộc văn hóa là do những nhược điểm đó mà không hay! Tôi không hiểu sao những nhà lãnh đạo đất nước, nhất là những người có trách nhiệm về việc văn hóa giáo dục quốc dân lại không quan tâm tới vấn đề đó?
-Nếu anh được trao quyền lãnh đạo ngành văn hóa giáo dục anh sẽ làm thế nào?
Anh Dương cười:
-Nếu tôi được giao việc lãnh đạo ngành văn hóa giáo dục Việt Nam ư? Tôi sẽ đặc biệt quan tâm khuyến khích, nâng đỡ các nhà văn viết về truyện sử hay tiểu thuyết lịch sử và những soạn giả soạn những tuồng tích về quốc sử. Có thể bằng cách tổ chức những cuộc thi viết có thưởng về thể loại này. Cũng có thể trợ giá, nâng đỡ cho những nhà văn, soạn giả viết về thể loại này trong việc xuất bản, phát hành tác phẩm của họ. Có như thế may ra có thể giảm thiểu hay loại bỏ bớt những ảnh hưởng đáng buồn và đáng ngại nói trên.

Tâm đắc những lời ấy nên từ đó tôi chú tâm nhiều đến việc nghiên cứu và viết truyện sử.
Đã nói đến truyện sử, tưởng cũng nên sơ lược đôi dòng về những danh từ họ hàng với nó để quí độc giả tiện phân biệt:
Quốc gia nào đã có mặt trên thế giới cũng đã trải qua không biết bao nhiêu cảnh chìm nổi, thịnh suy, vinh nhục qua nhiều thời đại trong quá khứ. Quá trình đấu tranh xây dựng đất nước, dẹp nội loạn, chống ngoại xâm để tồn tại của quốc gia đó thường được ghi chép lại thành những bộ sách gọi là “sử ký” hay “lịch sử”. Những người làm công việc biên soạn lịch sử gọi là “sử gia”. Thời phong kiến, các triều đình ở Trung Quốc, Việt Nam vẫn ủy nhiệm cho một cơ quan lo việc biên soạn quốc sử, cơ quan này được gọi là “Quốc sử quán”. Những cuốn lịch sử nào đã được nhà nước công nhận là đúng đắn, chân xác, được cho phép dùng để dạy dỗ quốc dân gọi là “chính sử”. Những cuốn lịch sử được soạn lại từ các truyền thuyết địa phương chưa rõ mức độ chính xác gọi là “dã sử”. Những trang sách viết về những nhân vật trong nước có những hành vi quá cao đẹp, quá thần thánh không thể kiểm chứng được gọi là “huyền sử”. Những câu chuyện được xây dựng quanh một cái sườn “lịch sử”, “dã sử” hay “huyền sử” ta đều có thể gọi nó là “truyện sử” hay “truyện dã sử”. Trường hợp những “truyện sử” được xây dựng có tầm cỡ dài hơi, rộng lớn hơn ta có thể gọi là “tiểu thuyết lịch sử” hay “tiểu thuyết dã sử” v.v...


Cách viết truyện sử và cách viết truyện đời thường cũng có vài điểm khác nhau. Ở truyện đời thường, tác giả hoàn toàn tự do xây dựng cốt truyện và kết thúc truyện theo ý riêng. Còn với truyện sử, nếu không có chuyện đột phá tư tưởng, ngòi bút của tác giả thường bị giới hạn bởi cái nội dung và kết thúc truyện phần nhiều phải dựa vào kết quả thực tế của lịch sử. Với quan niệm phổ thông lịch sử là của chung, đôi khi tác giả có thể “mượn” cả một đoạn sử có sẵn (vì không thể diễn tả sự việc ra khác được) đưa vào tác phẩm của mình, dù chẳng cần chú thích gì cả vẫn chẳng bị ai bắt tội “đạo văn”. Trong khi đó, ở truyện đời thường, tác giả chỉ “viết trùng” với một tác giả khác vài câu đã có thể sinh chuyện rắc rối rồi!

Có chính sử, dã sử và cả huyền sử nữa cũng khá đủ để tìm hiểu lịch sử, viết truyện sử được ích lợi gì thêm?
Thưa có. Ta có thể ví công việc của người viết truyện sử như công việc của một nhạc sĩ phổ thơ. Khi một bài thơ đã được phổ biến, dù hay mấy cũng chưa chắc đã được nhiều người tìm đọc! Nhưng nếu có một nhạc sĩ lựa một bài thơ trong rừng thơ để phổ thành một bản nhạc hay thì không những khách yêu nhạc có thêm được một món ăn tinh thần mà thông điệp trong bài thơ của thi sĩ cũng sẽ được bay cao, tỏa rộng hơn.

Tương tự như thế, người viết truyện sử cũng có thể chọn một biến cố quan trọng, một giai đoạn gay cấn hoặc một nhân vật có nhiều công trạng hay có cá tính đặc biệt trong lịch sử để làm đề tài. Trong đề tài đó, đương nhiên nhân vật đã có sẵn, sự việc cũng đã có sẵn. Tác giả chỉ cần xác định cái thông điệp mình muốn gởi gắm cho độc giả như thế nào là coi như đã hình thành được một khung truyện.
Đã có khung truyện, tác giả cứ việc trổ tài vun đắp nội dung, thổi hồn vào truyện. Tác giả có thể cắt xén bớt những chi tiết không cần thiết hoặc thêm thắt những chi tiết khác tùy sáng kiến của mình cốt sao cho câu chuyện trở nên hợp lý, lôi cuốn có sức chinh phục độc giả.

Khi một truyện sử đã được xây dựng thành công, nó sẽ kích thích một số độc giả hiếu kỳ tự động tìm hiểu về sự việc và nhân vật tương ứng trong truyện qua các bộ sách lịch sử. Do vậy, truyện sử cũng cũng có thể trở thành chiếc cầu nối để đưa độc giả đến gần với lịch sử! Như chúng ta đã biết, môn học lịch sử đối với học trò thuở nhỏ là một môn học khô khan, khó nhớ nên phần đông học trò chỉ học qua loa, rốt cục không nhớ được bao nhiêu. Khi ra đời, nghiệm ra những giá trị sâu xa của môn này, nhiều người lại hối tiếc. Nhưng mấy ai còn đủ thì giờ và kiên nhẫn để ôn lại những gì đã học? Truyện sử, tiểu thuyết lịch sử chính là món ăn tinh thần vừa giải trí vừa ôn lại lịch sử vậy! Nếu các bậc cha mẹ yêu thích truyện sử, hay nhắc đến tên tuổi các nhân vật hay sự việc đã xảy ra trong lịch sử thì con cháu cũng sẽ quen tai dần với tên tuổi các nhân vật và các sự việc ấy. Điều này cũng là cách giúp con cháu bớt ngán sợ và dễ xích lại gần môn lịch sử hơn.

Đây là một mối ích lợi thiết thực vì công dân càng đọc sử sẽ càng hiểu lịch sử nước nhà, càng thấy những công lao khó nhọc, những sự hi sinh xương máu to lớn của tổ tiên mình trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Khi hiểu được điều đó, tình yêu nước, yêu dân tộc của họ sẽ càng nồng nàn, tha thiết hơn. Những thông điệp mà các tác giả gởi cho độc giả trên trang truyện của họ cũng có thể gây được ít nhiều tác dụng. Chẳng hạn tác giả nêu cao một tấm gương trinh liệt của một phụ nữ, một vị tướng thà chịu mất đầu chứ không chịu qui hàng giặc, một vị trung thần không tham vàng mà bỏ nghĩa v.v... nó cũng có thể làm thay đổi ít nhiều cá tính của độc giả, nhất là những độc giả đã gặp hoàn cảnh tương tự với các nhân vật trong lịch sử...
Vốn cũng học đòi lối dùng văn để chở đạo - “văn dĩ tải đạo” - nên tôi luôn tự đặt cho mình một phương hướng hẳn hoi khi xây dựng truyện. Đại khái như sau:

-Khơi sáng những trang sử oai hùng của dân tộc. Đề cao tinh thần đoàn kết, tinh thần quật cường, tự chủ của dân tộc khi gặp nạn ngoại xâm (truyện Lý Trần Tình Hận).

-Mượn hình thức tiểu thuyết để lý giải, minh oan hoặc đặt giả thuyết về một số nghi án lịch sử như cái chết của Đinh Tiên Hoàng (truyện Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm); vụ ngoại tình của Huyền Trân công chúa có đúng hay không (truyện Trần Khắc Chung); vụ lịch sử bỏ quên công lao mở nước của một vị công nữ (truyện Công Nữ Ngọc Vạn); vụ xuyên tạc, bôi nhọ vị anh thư nước Việt của người Tàu (truyện Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng) v.v…

-Gián tiếp cổ động tinh thần đoàn kết giữa các sắc tộc cùng sống trên đất Việt để chống kẻ thù chung phương Bắc (truyện Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc).

-Đề cao cảnh giác đối với những nhà lãnh đạo Việt Nam thất thế mà trông cậy, tin tưởng người Tàu sẽ cứu vớt mình thì nhà lãnh đạo ấy rất dễ dàng trở thành kẻ phản quốc (truyện Ông Già Chém Đá, truyện Dải Lụa Bích Liên v.v...).

-Chế diễu những kẻ vong bản (truyện Lạc Bất Tư Thục, Gió Xoay Chiều v.v...).

-Đề cao tinh thần tiết liệt của hàng phụ nữ (truyện Liệt Nữ Nguyễn Thị Niên, Vương Phi Mỵ Ê v.v...).

Từ khi bước vào con đường viết lách, tôi đã viết được 6 tập “tiểu thuyết lịch sử”. Ngoài ra, tôi cũng viết được một số truyện ngắn lịch sử. Các truyện sử này đang nằm rải rác ở các tập truyện ngắn đời thường của tôi hoặc trên các tạp chí. Trên mỗi truyện đều có dụng công tải theo một thông điệp mà tôi nghĩ là không đến nỗi vô ích. Nếu cứ để chúng nằm rải rác lẻ loi như thế, lâu ngày sẽ thất lạc hết cũng uổng lắm. Vì vậy, nay tôi gom số truyện sử ấy lại làm thành một tập gọi là “Tuyển Tập Truyện Sử” để cống hiến quí độc giả. Rất mong “Tuyển Tập Truyện Sử” này ngoài việc giúp quí độc giả giải trí còn có thể giúp quí độc giả rút được ít nhiều kinh nghiệm qua những việc làm của người xưa để áp dụng vào chính cuộc đời mình.

Kính chào quí độc giả,

Ngô Viết Trọng


TUYỂN TẬP TRUYỆN SỬ  ($20.00-NGÔ VIẾT TRỌNG)
và những tác phẩm trước đây
1/ DƯƠNG VÂN NGA: Non Cao Và Vực Thẳm (Tiểu thuyết lịch sử 2005)
2/ CÔNG NỮ NGỌC VẠN  (TIẾU THUYẾT LỊCH SỬ)
3/ TRẦN KHẮC CHUNG (tiểu thuyết lịch sử)
4/ CHẾ BỒNG NGA: ANH HÙNG CHIẾM QUỐC (tiểu thuyết lịch sử)
5/ LÝ TRẦN TÌNH HẬN ( tiểu thuyết lịch sử)
6/ ĐẦU VOI PHẤT NGỌN CỜ VÀNG (tiểu thuyết lịch sử)
7/XƯA VÀ NAY (tiểu luận, hồi ký, tuyện ngắn)
8/ LÃNG ĐÃNG HỒN XƯA (truyện ngắn)
Quý độc giả mua thêm 1 trong 8 cuốn trên xin tính thêm $10.00.

Địa chỉ liên lạc:
THẢO NGÔ
7441 DELLA CIRCLE
SACRAMENTO, CA. 95828
Phone : 916-549-7689


No comments: