Wednesday, July 3, 2019

NIỀM VUI CỦA THẦY GIÁO GIÀ (TRẦN CÔNG TÍN)



Niềm vui của thầy giáo già

Đầu xuân Kỷ Hợi (2019) tôi nhận Tập san của Hội Sinh viên –học sinh Phú yên gởi tặng .trong đó có bài viết của Thạc sĩ ngữ văn Phan Thanh Bình,nhà văn ,nhà báo khá nổi tiếng của đất Phú.Đặc biệt anh có hai người con trai đậu tấn sĩ toán ở Pháp lúc chưa đầy 30 tuổi cách đây khá lâu và là niềm vinh dự của con em đất Phú (các báo đều đưa tin)đó là tiến sĩ Phan Thành Nam và tiến sĩ Phan Thanh Việt. Năm 2018 tiến sĩ Phan Thành Nam lại được;(trích bản tin trên báo Phú Yên ):

-“GS Phan Thành Nam-Niềm tự hào của trường PTTH chuyên Lê Văn Chánh-Phú Yên.Đạt giải thưởng Nhà Khoa học trẻ về Vật lý-Toán 2018 của Hội Vật lý thuần túy ứng dụng quốc tế”
Đối với tôi anh có cảm tình và tri ân đặc biệt .Lần nào tôi vào Tuy Hòa anh cũng ân cần mời tôi dùng cơm và giời thiệu con trai (nhân anh ta về thăm gia đình),ra Huế dù bận rộn đến mấy anh cũng sắp xếp đến nhà để thăm viếng.
Rồi đầu xuân anh đã viết 1 bài khá dài về tôi trên tập san Phú yên:tình cảm quá dồi dào,chi tiết đầy đủ phong phú,lòng biết ơn sâu đậm .Thật là món quà quí báu đầu năm và là niềm an ủi lớn lao đối với người lái đó năm xưa.Cảm động hết sức

TRẦN CÔNG TÍN
GS. Trần Công Tín & Thạc sĩ Phan Thanh Bình


Tiến sĩ toán Phan Thanh Việt

****

Nhớ đời tiết giảng “Tôn phu nhân quy Thục”
Trên bước đường đời tiếp cận với bể học mênh mông, ai cũng được thọ giáo với nhiều bậc ân sư để có năm ba chữ làm người. Bước vào tuổi 60 (lục thập nhị nhĩ thuận) càng thương nhớ và biết ơn quý thầy cô đã từng rèn người dạy chữ, trong đó có những tiết giảng tạo nguồn cảm hứng quyết định hướng đi của một con người. Nhiều tiết giảng của một thời đi học hằn sâu trong ký ức và đọng lại trong tôi về một tiết giảng nhớ đời về hai bài thơ xướng họa “Tôn phu nhân quy Thục” của Thầy tôi - Trần Công Tín năm lớp đệ tứ (lớp 9) 46 năm trước (niên học 1973-1974).

Thầy Trần Công Tín (cử nhân văn chương Việt - Hán Viện Đại học Huế) là vị thầy dạy môn văn chương tại Trường Nguyễn Huệ trong những năm 1967-1975. Thầy Tín là giáo sư đệ nhị cấp(cấp 3) nhưng năm học ấy Thầy có đảm nhận dạy văn lớp 9B (toàn những bạn gái nữ lưu anh kiệt, những bóng hồng diễm lệ như Mặc Thủy, Trúc Giang, Mỹ Linh, Hồng Dung, Thu Thủy…). Lớp 9J chúng tôi may mắn được thầy dạy thay thầy Phan Trọng Ngôn vài buổi.

Một buổi chiều mưa sa gió lạnh của mùa đông năm 1973, cả lớp 9J hân hoan đứng nghiêm chào thầy giáo bạch diện thư sinh, má đỏ môi hồng Trần Công Tín. Tôi nhớ như in, trước khi bước vào bài giảng chính, thầy Tín dành vài phút kiểm tra kiến thức cũ về thể loại thơ Đường. Bạn Đinh Hùng được thầy Tín “chiếu tướng” đứng dậy ấp úng được một câu “thơ Đường có 8 câu, mỗi câu 7 chữ”.
Cả lớp cũng không có bạn nào trả lời rành rọt. Ân sư Trần Công Tín thở dài và dành thêm mười phút tóm tắt những kiến thức sơ đẳng về thơ Đường luật trước khi vào bài giảng chính. Thầy Tín chỉ truyền thụ mười phút thôi nhưng súc tích, uyên thâm. Thầy tóm tắt các đỉnh cao của văn học cổ Trung Quốc “Hán phú”, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc… và dừng lại ở Đường thi với 4 thể thơ cơ bản: Thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú. 

Để phục vụ bài giảng chính, thầy Tín phân tích thêm về thể thơ Thất ngôn bát cú với hai câu đề, hai câu thực, hai câu luận, hai câu kết và quy luật gieo vần “nhất, tam, ngũ bất luận, nhị, tứ, lục phân minh”.

Vào bài giảng chính, thầy đọc qua hai bài xướng họa của hai nhà nho thi sĩ Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị, tóm tắt tiểu sử tác giả và bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ, về chí hướng đối lập của hai nhà thơ trước cảnh nước mất nhà tan bị thực dân Pháp chiếm lục tỉnh Nam Kỳ. Hai bài thơ Đường “thất ngôn bát cú” dưới dạng xướng họa thực chất là cuộc bút chiến nảy lửa giữa hai giới nho sĩ trước thời cuộc: quyết tâm chống ngoại xâm hoặc cộng tác với thực dân.

Thầy Tín giảng giải chi tiết về điển tích “Tôn phu nhân quy Thục” trong tiểu thuyết “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung và nêu bật ý nghĩa thâm thúy của hai nhà thơ đều lấy điền tích này để nêu rõ chí hướng của mình và công kích đối phương. Từng ý, từng câu trong hai bài thơ đối nhau chan chát được thầy Tín phân tích hấp dẫn, lôi cuốn. Thầy Tín kết luận: “Đã là kẻ sĩ, Tôn Thọ Tường phải hiểu rõ quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Người dân bình thường (thất phu) còn liều mình cứu nước huống hồ là sĩ phu (người có học) trong cơn quốc biến.

Đặc biệt, về nghệ thuật thể hiện, thơ ca là nghệ thuật ngôn từ tinh túy nhất, thầy Tín phân tích sắc sảo về đối ý, đối nghĩa, đối âm, đối từ loại, tĩnh đối động mong manh đối vĩnh cửu, hư đối thực… như lìa Ngô/về Hán, bịn rịn/trau tria, chòm mây bạc/mảnh má hồng/ son phấn/đá vàng, dày gió bụi/ thẹn non sông, tỏa trời Ngô/un sắc trắng, duyên về đất thục /đượm màu hồng, hai vai/một gánh, tơ tóc/cương thường/ bền trời đất/nặng núi sông…

Bài giảng của thầy Tín gieo tình yêu văn chương vào các thế hệ học trò bởi cách phân tích nghệ thuật ngôn từ tinh tế, các tầng ngữ nghĩa “ý tại ngôn ngoại”. Cả lớp 9J mê mẩn thấm từng lời bài giảng của thầy dù ngoài trời mưa bay nặng hạt rào rạt trên mái tôn.

Sáu năm sau, khi theo học năm thứ ba khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế, tôi đã vận dụng tri thức của thầy Trần Công Tín truyền dạy để trả lời một bài thi vấn đáp của giáo sư Trần Đình Hượu về nghệ thuật xướng họa trong thơ Đường dưới dạng bút chiến.
Nhờ thầy Trần Công Tín mà tôi “trúng tủ” được thầy Hượu ngợi khen và cho tôi điểm mười hiếm hoi và duy nhất không chỉ của riêng tôi mà cả khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế thời điểm ấy.

Năm tháng đã trôi qua gần nửa thế kỷ, các khóa học sinh Nguyễn Huệ từ niên khóa 1967 đến 1975 có may mắn được thọ giáo thầy Trần Công Tín đều dành cho thầy sự kính trọng yêu thương đặc biệt bởi sự tận tâm, tận lực của một nhà giáo tài hoa tận tụy hết lòng vì học sinh.

Bước vào thềm năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019, thầy Trần Công Tín đã cố gắng vượt qua bệnh tật về lại Tuy Hòa thăm lại trò xưa cảnh cũ và đồng nghiệp một thời đã xa để tiếp thêm năng lượng tinh thần “an bần lạc đạo” ở lứa tuổi xấp xỉ bát tuần thượng thọ.

      Phan Thanh Bình
Chiêu đã thầy Trần Công Tín ở Thuận Thảo
 
Thầy và trò gặp gỡ.



Mít "cây nhà lá vườn" đãi thầy.



Hình ảnh buồi chia tay thầy.









No comments: