Monday, July 22, 2019

LUẬT AN NINH XÃ HỘI: TRỢ CẤP Y TẾ (LS. LYLY NGUYỄN)


Luật An Sinh Xã Hội: Trợ cấp y tế
Luật Sư LyLy Nguyễn
 
Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Ngoài các loại trợ cấp hưu trí, trợ cấp tàn phế, Cơ Quan Quản Trị An Sinh Xã Hội (Social Security Administration) của chính phủ liên bang Hoa Kỳ còn nắm giữ điều hành một loại trợ cấp quan trọng khác cho công chúng. Đó là trợ cấp y tế Medicare.
Medicare được tạo ra để giúp trả một vài khoản chi phí y tế và sức khỏe căn bản cho những người sinh sống tại Hoa Kỳ, tuổi trên 65+ (tùy theo năm sinh) hoặc những người đang bị tàn phế thể xác hay tâm thần. Medicare là chương trình vĩ đại của chính phủ liên bang sử dụng ngân sách lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm.

 Medicare hoàn toàn khác biệt với Medi-Cal là tên gọi một chương trình trợ cấp y tế đặc biệt của riêng tiểu bang California, tương đương với Medicaid. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết về Medi-Cal ở một bài khác. Phúc lợi Medicare được cấp cho cá nhân hội đủ điều kiện bất kể đến “nhu cầu” tài chánh.

Medicare có hai ngành căn bản được gọi là Phần A và Phần B. Medicare Phần A thông thường được gọi là “Bảo Hiểm Bệnh Viện” (Hospital Insurance) trả cho cho những dịch vụ y tế do bệnh viện cung cấp. Phần A cũng gồm tiền trả cho những chi phí như: bệnh nhân nằm nội trú bệnh viện chạy chữa bệnh cấp tính trầm trọng, y tá chuyên môn chăm sóc bệnh nhân tại gia, chăm sóc bệnh nhân nan y tại các viện dưỡng lão và nhà tế bần, bệnh nhân nội trú chữa bệnh tâm thần, hoặc chăm sóc ở nhà do một người cung cấp dịch vụ săn sóc tại gia có chứng nhận (certified home health care provider). Điều kiện căn bản để được hưởng trợ cấp y tế Medicare là từ 65 tuổi trở lên, hoặc đang hưởng trợ cấp an sinh xã hội vì lý do tàn phế.

Medicare Phần B được gọi thông thường là “Bảo Hiểm Y Tế” (Medical Insurance). Đây là một chương trình bảo hiểm sức khỏe tự nguyện được tạo ra để bao cho những chi phí không được Phần A thanh toán, thí dụ như tiền trả các dịch vụ bệnh viện cho bệnh nhân ngoại trú (outpatient hospital services), liệu pháp vật lý (physical therapy), bệnh nhân nội trú trị liệu bệnh lý (inpatient pathology care), dịch vụ tải thương cần thiết, và dụng cụ y khoa. Khác với Phần A do tiền thuế an sinh xã hội đài thọ cho nên ai cũng được miễn phí, Phần B là một chương trình phụ mà mỗi tháng người thụ hưởng phải xuất tiền túi trả tượng trưng một khoản bảo phí (premium) dưới $50 nếu muốn chứ không bị bắt buộc phải mua.

Chính phủ liên bang ký hợp đồng với các công ty bảo hiểm tư nhân để điều hành thủ tục thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ cùng thi hành nhiều phân vụ khác của Medicare Phần A và B. Người thụ hưởng Medicare có quyền chọn bệnh viện, bác sĩ hay các dịch vụ y tế khác bao gồm trong chương trình Medicare. Lối chọn lựa cổ truyền gọi là “hệ thống trả-tiền-phục-vụ” (fee-for-service system) theo đó người thụ hưởng đến trị bệnh tại bệnh viện hay phòng mạch của bác sĩ theo ý mình rồi trả thẳng những nơi phục vụ một phần tiền “phụ bảo hiểm” (co-payment) và Medicare sẽ thanh toán theo số phần trăm chi phí còn lại. Ngoài ra người ấy còn phải trả trước một khoản “tiền đầu” (deductible) tùy theo giao kèo trước khi bảo hiểm trả tiếp. Thí dụ một người có Medicare với $500 “tiền đầu” và 20% “phụ bảo hiểm,” nếu bác sĩ khám bệnh lần đầu lấy $300 thì người ấy phải trả trọn vẹn $300. Đến lần kế tiếp giả sử bác sĩ cũng vẫn đòi $300 thì người ấy phải trả thêm $260 ($200 tiền đầu còn lại cộng với $300 x 20% = $60, tổng cộng thành $260). Trường hợp này Medicare chỉ trả $40. Tiếp tục sau đó cho đến hết năm giao kèo người này mỗi lần đi bệnh viện hay bác sĩ thì không trả “tiền đầu” nữa mà chỉ còn phải trả 20% tiền “phụ bảo hiểm” mà thôi. Tuy nhiên một số người theo “hệ thống trả-tiền-phục-vụ” có thể mua một loại bảo hiểm riêng của hãng tư để chi cho “tiền đầu” và tiền “phụ bảo hiểm” cho Medicare. Loại bảo hiểm này có tên là “Medigap” chuyên dùng kèm với Medicare để thanh toán các khoản tiền phần bệnh nhân phải trả.

Một lối khác là chọn “Tổ Chức Duy Trì Sức Khỏe” (Health Maintenance Organization gọi tắt là HMO) của mạng lưới bảo hiểm y tế tư nhân. HMO cống hiến một loạt chương trình rất rộng rãi trong việc săn sóc sức khỏe và chữa bệnh cho các thân chủ hàng tháng có đóng trước một số tiền bảo phí cố định.

Người thụ hưởng Medicare không phải mua thêm “Medigap” bởi vì chính HMO vừa nhận tiền Medicare đài thọ đồng thời cũng bao luôn chi phí phụ mà Medicare không thanh toán. Tuy nhiên HMO có khuyết điểm là người thụ hưởng Medicare bắt buộc phải sử dụng cơ sở và nhân sự trong mạng lưới HMO chứ không có quyền chọn bệnh viện hay bác sĩ bên ngoài theo lối “hệ thống trả-tiền-phục-vụ”; và cũng không còn tự do lấy ý kiến hoặc tham vấn với bác sĩ trước đó mình quen biết hay ưa thích.
Medicare không đặt mục tiêu bao trọn vẹn mọi nhu cầu y tế săn sóc sức khỏe cho dân số cao niên sinh sống trên đất Mỹ mà chỉ có ý định phụ giúp thêm ngoài những nguồn cung cấp riêng tư của họ. Vì thế có rất nhiều dịch vụ y tế không được Medicare đài thọ thí dụ như các loại sau đây:

-Săn sóc bệnh nhân tại gia do nhân viên không có chuyên môn y khoa trong nhu cầu sinh hoạt thường nhật thí dụ như giúp tắm rửa, đi bộ hay tập thể dục.
-Khám, tu bổ răng định kỳ và làm răng giả.
-Đo mắt và làm kính thuốc.
-Khám tai và cung cấp dụng cụ trợ thính (hearing aids).
-Khám sức khỏe thường niên kể cả các thử nghiệm kèm theo ngoại trừ các thử nghiệm phòng ngừa như “pap smears” và “mammograms”.
-Chủng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm (immunization).
-Dịch vụ y tế ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
-Thuốc và vật dụng có mục đích giúp tiện nghi hoặc làm dịu cho bệnh nhân.

Những cá nhân đang nhận trợ giúp “Lợi Tức An Sinh Phụ Trội” SSI và có Medicare, hay người đang nhận Medicaid nhưng có Medicare, hoặc đang được tiểu bang trả giùm bảo phí Medicare hàng tháng thì tự động được thêm tiền của chương trình “Thuốc-Theo-Toa” mà không cần nộp đơn xin. Ngược lại những người không hội các điều kiện trên vẫn có thể làm đơn xin tại các sở an sinh xã hội địa phương cho tiền “Thuốc-Theo-Toa” nếu có Medicare Phần A hoặc Phần B với điều kiện cư ngụ trong 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ.

Chúng tôi sẽ giải thích tiếp chi tiết về luật an sinh xã hội của tiểu bang California trong kỳ tới. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị. 


(Luật Sư LyLy Nguyễn)


No comments: