Thursday, July 25, 2019

TƯỞNG NIỆM MỘT NGƯỜI BẠN (NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT)



TƯỞNG NIỆM MỘT NGƯỜI BẠN

Vào giữa thập niên 60, một buổi mai thức dậy bỗng thấy thành phố Tuy Hòa toàn là lính. Nào thiết giáp, Biệt động quân, Bộ binh….Thiết vận xa, xe jeep chạy qua, chạy lại trên đường phố. Vậy mà dân thành thị vẫn thờ ơ (trong đó có tôi), chẳng hiểu vì sao. Mãi đến sau này mới biết dạo đó chiến trường Phú Yên đang nóng bỏng. Nhưng dân thành phố vẫn sống yên bình.

Thủa đó gia đình chúng tôi ở xã Hòa Vinh chỉ cách thành phố Tuy Hòa 10km, vậy mà mất an ninh, các viên chức trong xã hằng đêm phải ra Phú Lâm ngủ. Ba tôi cũng vậy. Từ Tuy Hòa ra Phú Lâm phải đạp xe đi trên Quốc Lộ I, ngang qua cánh đồng trống, không nhà cửa, vậy mà vẫn bị Việt Cộng nằm vùng biết giờ giấc nào các vị này đi qua nên bắn sẻ.

Thấy tình hình bấc ổn nên gia đình chúng tôi bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn ra thành phố Tuy Hòa ở. Lúc đầu ba má tôi thuê căn phố của bác Ngọc Cư nằm trên đường Trần Hưng Đạo, mở cữa hàng tạp hóa.

Vào một buổi chiều có 2 quân nhân Biệt Động Quân tìm đến nhà đưa cho tôi lá thư của người bạn ở Nha Trang gửi cho tôi. Trong thư đại khái giới thiệu tôi với anh này, anh Nguyễn Lê Đại vừa tốt nghiệp võ bị Đà Lạt theo đơn vị ra Phú Yên. Anh mới ra trường, đi đến một nơi xa lạ, không người quen biết nên người bạn này gửi gấm cho tôi. Anh đi với một anh bạn cũng cùng khóa võ bị Đà Lạt, anh giới thiệu là anh Tòng. Tôi chợt nhớ ra năm học đệ nhị ở trường Kim Yến Nha Trang cũng có một anh tên Nguyễn Lê Đại ngồi sau lưng tôi, trắng trẻo, đẹp trai thường mặc chemise trắng. Còn người đang ngồi trước mặt tôi là một quân nhân, nét phong trần của một người lính chiến, vẻ thư sinh của ngày cũ không còn nên tôi không nhận ra mới hỏi :
 “Năm đệ nhị, anh có học ở trường Kim Yến Nha Trang không?”.
“Có” anh trả lời.  Vì thế chúng tôi mới nhận ra nhau. Nhắc lại kỷ niệm xưa. Sau đó anh mượn địa chỉ nhà tôi để liên lạc thư từ với gia đình nên thỉnh thoảng sau những lần dưỡng quân, anh cùng anh Tòng thường đến nhà tôi để nhận thư. Lúc nào hai anh cũng đi chung.
Những lần sau đó, anh Đại nói với tôi :
 “Chị có bạn, làm mai cho tôi một người”.
Tôi nói với anh :
”Anh có thích cô H con của nhà sách gần nhà không? Cô này hiền lành, dễ thương, tôi làm mai cho”.
 Anh nói :
”Cô ấy còn nhỏ lắm, không được.”
Tôi nói đùa với anh:
“Thì anh cứ mua gạo, nuôi cô ấy lớn rồi tính”.
Cả ba chúng tôi cùng cười.
Mấy lần sau, hai anh đến nhà tôi cũng nhắc lại chuyện làm mai. Tôi vẫn nói vô cho cô H. Lần này, anh Đại nói:
“Chị làm mai cho người nào giống y như chị là được.”
Tôi chẳng hiểu ý anh!

Sau đó anh đi phép về Sài Gòn. Khi trờ lại Tuy Hòa, quà anh cho tôi là hai trái xoài bồ. Tuần sau đó, tôi phải vào Phan Thiết gấp để nhận nhiệm sở đi làm nên không gặp được nhau để từ giã.

Lúc này, cuộc chiến đang hồi ác liệt. Đường bộ lộ Quốc Lộ I bị Việt Cộng gài mìn, đắp mộ khắp nơi , nên tôi phải đi máy bay Air VietNam vào Sài Gòn rồi từ Sài Gòn đi xe đò đi ra Phan Thiết.

Vài tháng sau, người bạn báo tin anh Đại đã hy sinh ở chiến trường Phú Yên. Nghe tin, tôi rất buồn. Tội nghiệp anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ!

Sau đó tôi lấy chồng trong vội vàng. Chồng tôi cũng là bạn với anh Đại nên được biết anh Đại trước đó đang học dược. Vì muốn thỏa chí tang bồng anh đã “xếp bút nghiêng theo việc binh đao”, nên anh vào võ bị Đà Lạt. Anh còn một ông anh đang là sinh viên y khoa. Người em kế anh Đại đang là giảng nghiệm viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn.

Sau đám cưới, một hôm vợ chồng tôi đến thăm gia đình anh Đại ở Sài Gòn. Hôm ấy là cuối tuần nên đến nhà có đông đủ hai bác, anh Chánh, anh Phú. Trong lúc mọi người đang ngồi ở phòng khách nói chuyện thì bác gái xuống nhà bếp pha trà. Tôi theo bác vào bếp. Bác rưng rưng nước mắt nói với tôi:
 “ Bác tưởng con là người yêu của Đại nên hai bác tính ra Tuy Hòa làm quen với gia đình con”. 
Có thể là một câu nói bình thường , cũng có thể một chút nào đó đã trách tôi đi lấy chồng vội. .” Trước đó tôi đã khờ, bấy giờ cũng còn dại. Tôi không nói được câu gì để an ủi bác, cũng không nói rõ cho bác biết “Chúng con chỉ là bạn thôi”.  Nghe bác nói, tôi thấy thương bác quá. Nhưng lúc còn trẻ, tôi rất ít nói, nghe chuyện vui buồn gì cũng im lặng và giấu đi cảm xúc của mình. Khi tôi lên nhà trên, bác trai nói với tôi
“Con coi có bạn nào của con làm mai cho anh một người”.

Tôi chợt nhớ ra NM hiện đang học dược ở Sài Gòn. NM Là một trong những người đẹp của Nguyễn Huệ Tuy Hòa. Tôi nói với bác
 “Con có chị bạn đang học Dược ở Sài Gòn”.
Bác rất mừng, giục anh Chánh “Con đi với em”.
Vợ chồng tôi cùng đi taxi với anh Chánh đến nhà trọ NM. Đến nơi vừa lúc NM mới tắm ra, đầu tóc còn ướt sủng. Ngồi nói chuyện một lát rồi chào ra về.

Hôm sau đó chồng tôi trở lại đơn vị. Sau đó chúng tôi có nhận được thư của anh Chánh, nhưng không nghe anh nhắc đến chuyện mai mối. Tôi nghĩ có thể anh làm vừa lòng ba má anh nên mới đi với tôi. Chứ sinh viên y khoa thì có bạn gái cũng không khó. (NM sau này cũng lấy chồng bác sĩ).

Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa mới thấy thủa ấy sao mình khờ khạo quá, ai nói bóng gió gì cũng không hiểu. Có thể anh đã tâm sự với gia đình nên bác gái tưởng tôi là người yêu của anh nên tính ra Tuy Hòa làm quen. Bác trai đã thương và tin tưởng tôi qua hình ảnh anh Đại nên mới nhờ tôi mai mối cho anh Chánh. Tiếng “Đi với em” nghe thân thương làm sao, mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên.

Qua bao nhiêu vùi dập, nghiệt ngã của đất nước sau 30/4/1975, chắc hai bác giờ cũng đã không còn. Anh Chánh là bác sĩ quân y chắc cũng không thoát khỏi cảnh tù đày. Anh Phú, anh Tòng không biết hình hài còn nguyên vẹn hay đã hy sinh nơi chiến trường nào đó; hoặc đã bỏ xác nơi các trại tù cay nghiệt của miền Bắc. Tất cả các anh không biết bây giờ ra sao, trôi dạt phương trời nào! Nếu tình cờ các anh đọc qua bài này, xin cho Tuyết gửi lời thăm hỏi chân thành nhất và luôn chúc phúc cho các anh.

Máu anh Đại đã đổ xuống cho quê hương Phú Yên. Người dân đất Phú nhớ ơn anh. Tổ Quốc ghi công anh. Tôi không quên anh, người bạn học dể mến, người chiến sĩ oai hùng của quân lực Việt Nam cộng hòa và một mối tình chưa kịp ngõ đã vĩnh biệt nghìn thu.

Hơn 50 năm vật đổi sao dời, tuổi xế chiều, ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, lòng không khỏi bùi ngùi!
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ"



Nguyễn Thị Bạch Tuyết.




No comments: