Sunday, January 24, 2021

ĐANG CÓ 4 BIẾN CHỦNG COVID 19 MỚI ĐANG KHIẾN GIỚI KHOA HỌC MẤT NGỦ

 

Ở thời điểm hiện tại, đang có 4 biến chủng Covid-19 mới đang khiến giới khoa học mất ngủ hàng đêm.

 

Đầu tiên là chủng phát hiện tại vùng đông nam Anh Quốc, hiện tại đã xuất hiện ở ít nhất 50 quốc gia và có khả năng lây lan hiệu quả hơn rất nhiều so với chủng gốc. Nó đang khiến các nhà lãnh đạo thế giới lo sợ, phải đóng cửa biên giới và ban hành các hạn chế di chuyển nhằm ngăn mọi chuyện tồi tệ hơn.

 

Tiếp đến là 2 chủng phát hiện tại Nam Phi và Brazil. Chúng không lây lan quá nhanh và rộng, nhưng khả năng đột biến thì đang khiến giới khoa học tỏ ra cảnh giác. Và một chủng nữa thì xuất hiện tại California, chưa rõ mức độ nguy hiểm ra sao.

"Chúng tôi thực sự ngủ rất ít thời gian gần đây" - Tiến sĩ Christian Gaebler, chuyên gia miễn dịch học tại ĐH Rockefeller chia sẻ.

 

Cho đến thời điểm hiện tại, nỗi lo sợ lớn nhất của khoa học - về một chủng virus có độc lực mạnh hơn hoặc kháng được vaccine - vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó vẫn đang lởn vởn, và hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai.

Sau đây là 4 biến chủng Covid-19 mới đang khiến cả thế giới tỏ ra cảnh giác. Thử tìm hiểu xem cụ thể câu chuyện đó như thế nào.

 

Biến chủng B.1.1.7

Đây là biến chủng xuất hiện ở Anh, hiện đang đứng đầu danh sách gây lo ngại đối với thế giới hiện nay. CDC Hoa Kỳ tuần qua đã cảnh báo, B.1.1.7 hoàn toàn có khả năng khiến đại dịch trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Tuy rằng cụm từ "virus đột biến" thực sự có thể gây lo sợ, giới khoa học tỏ ra khá an tâm với những gì họ tìm được ở thời điểm hiện tại. Theo đó, hệ miễn dịch của con người có thể xử lý được biến thể mới của chủng virus này.

 

Biến chủng mới đột biến ở các gai protein, khiến chúng xâm nhập tế bào dễ dàng hơn.

"Nó sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng hơn, cũng không khiến tỉ lệ nhập viện hoặc tử vong thay đổi," - Gregory Armstrong, chuyên gia của CDC nhận định. "Những gì chúng tôi xác định được là chúng lây lan vẫn theo những cách cũ."

Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi lẽ những quy tắc để ngăn sự lây lan của chủng cũ hoàn toàn có thể được áp dụng - bao gồm khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên.

Biến chủng mới đột biến ở các gai protein, khiến chúng xâm nhập tế bào dễ dàng hơn. Nghĩa là với một số người, việc hít một luồng không khí có chứa virus bên trong có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn, thay vì khả năng thải ngược ra ngoài một cách an toàn như chủng cũ.

Theo Armstrong, các bằng chứng cho thấy B.1.1.7 lây nhiễm dễ hơn là thứ khiến ông lo ngại. Đầu tiên, chủng mới xâm chiếm vùng đông nam nước Anh trong khoảng thời điểm đáng lẽ phải bị phong tỏa vào tháng 11 - 12, lây nhiễm nhiều hơn tới 50%. Hơn nữa, những người nhiễm B.1.1.7 có lượng virus trong cơ thể nhiều hơn hẳn. Điều này là phù hợp với logic, khi chủng mới dễ xâm nhập tế bào hơn và sinh sôi cũng dễ hơn.

Tuy nhiên, ông bác bỏ các lo ngại về việc chủng mới lây lan ở trẻ em dễ hơn. Theo ông, việc nước Anh duy trì mở cửa trường học vào giai đoạn phong tỏa - cũng chính là lúc B.1.1.7 lây lan - mới là lý do khiến nhiều trẻ em nhiễm bệnh.

Về tổng thể, Armstrong nhận định mọi người cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của B.1.1.7, cho đến khi chương trình vaccine thực sự phủ sóng.

Một số chuyên gia lại có nhận định khác. Mike Osterholm, chuyên gia từ ĐH Minnesota (Mỹ) thì không có nhiều niềm tin vào tương lai của biến chủng này. "Tôi nghĩ B.1.1.7 sẽ gây ra ảnh hưởng kinh khủng về số lượng người nhiễm trong vòng 6 - 8 tuần. Hy vọng tôi sai." 

 

Tại Mỹ, CDC đã ghi nhận 120 ca nhiễm B.1.1.7 trải khắp 20 tiểu bang, trong khi các chuyên gia nhận định con số thực tế có thể cao hơn. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ hiện không có nhiều phòng thí nghiệm có khả năng kiểm tra các biến chủng mới của Covid-19.

Nhà sinh học Michael Worobey từ ĐH Arizona cho biết B.1.1.7 đã du nhập vào Mỹ ít nhất ở 5 thời điểm khác nhau, hoặc hơn. "Sự đáng sợ là chủng virus này có thể đã tới Mỹ từ 5 - 6 tuần trước khi phát hiện lần đầu tại Anh vào giữa tháng 12/2020." 

 

Biến chủng B.1.351

Biến chủng thứ 2 trong danh sách xuất hiện tại Nam Phi, còn được biết đến với cái tên 501Y.V2. Biến chủng này có dạng đột biến khác, gây ra nhiều thay đổi vật lý trong các gai protein hơn so với chủng B.1.1.7. Một trong số các đột biến có tên E484K dường như gây ảnh hưởng đến phần gai protein dùng để gắn vào tế bào.

Đây chính là lý do khiến B.1.351 trở nên đáng ngại, vì nó có khả năng trốn thoát phần nào khỏi tác động của vaccine, theo nhận định của Armstrong. Giới nghiên cứu và các nhà sản xuất vaccine hiện đang xét nghiệm biến chủng mới này, để xem liệu nó có thể kháng lại vaccine hiện hành hay không.


Biến chủng B.1.351 có khả năng trốn thoát phần nào khỏi tác động của vaccine.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Michel Nussenzweig từ ĐH Rockefeller thì không nghĩ vậy. Ông cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu về phản ứng của hệ miễn dịch khi nhiễm virus, và đưa ra nhận định rằng cơ thể người sản sinh ra hàng trăm loại kháng thể khác nhau. Một số là bẩm sinh, một số xuất hiện sau khi nhiễm bệnh, và càng ngày càng trở nên tốt hơn.

"Cơ thể chúng ta là một bể chứa kháng thể. Hệ miễn dịch sẽ tiến vào bể này và chọn ra thứ phù hợp nhất, sau đó tái cơ cấu và khiến nó tốt hơn nữa".

Nhận định này có thể giúp trấn an mọi người, theo Nussenzweig. Hệ miễn dịch của con người có thể đáp ứng rất tốt với biến chủng virus, và đủ khả năng tạo ra hàng trăm kháng thể khác nhau để tấn công chúng.

Vaccine Covid-19 hiện nay cũng tạo ra các phản ứng tương tự như khi lây nhiễm tự nhiên. Vậy nên kể cả khi biến chủng mới có khả năng né tránh tác dụng của vaccine, cơ thể vẫn sẽ tạo ra kháng thể để xử lý phần thoát ly đó.

Dẫu vậy, nhà chức trách tại Nam Phi cho biết biến chủng mới hiện nay đang là chủng phổ biến nhất tại nhiều khu vực.

Biến chủng P.1 và P.2


2 biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Brazil. 

2 biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Brazil. Trong đó, P.1 chiếm tới 42% ca nhiễm trong một cuộc khảo sát gần đây tại thành phố Manaus. Nhật Bản cũng đã phát hiện 4 ca nhiễm chủng này sau khi trở về từ Brazil.

P.2 cũng xuất hiện tại đây, khiến ít nhất 11 người nhiễm bệnh trong tuần qua.

 

Biến chủng L425R

Bất kỳ chủng virus nào cũng có thể trở nên phổ biến, chỉ cần xuất hiện đúng thời điểm. 

Và biến chủng mới nhất - L425R - xuất hiện tại California. "Chúng tôi chưa rõ sự nghiêm trọng của biến chủng này" - Armstrong cho biết. Nó cũng có các đột biến trong gai protein. Dù hiện tại đây là biến chủng phổ biến nhất trong số các ca nhiễm gần đây, vẫn chưa rõ khả năng lây lan của nó có mạnh hơn không.

Trên thực tế, bất kỳ chủng virus nào cũng có thể trở nên phổ biến, chỉ cần xuất hiện đúng thời điểm. "Một chủng virus có thể lan tỏa mạnh hơn vì hành vi của con người. Chúng phổ biến chỉ vì chúng ở đó đúng lúc, đúng chỗ." 

 

Bộ Y tế California cho biết L425R đang dần lây lan trong phạm vi tiểu bang. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm - nơi đủ khả năng xác định biến chủng mới - lại đang quá tải.

No comments: