Lệ Thu, Chim Oanh Về Cõi Thiên Thu
Vương Trùng Dương
Trong thời gian qua, ca nhạc sĩ đã một
thời nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi: nhạc sĩ Lê Dinh
(9/11/2020 tại Canada), nhạc sĩ Lam Phương (22/11), ca sĩ Mai Hương (29/11)… và
lần nầy đến ca sĩ Lệ Thu, sau thời gian bị nhiễm Covid-19, vừa qua đời vào 7 giớ
tối Thứ Sáu, 15/1/2021 tại Orange County (Quận Cam).
Là người đam mê âm nhạc, thưởng thức những
tiếng hát đã một thời, một đời và đã viết về hình ảnh ca sĩ làm thăng hoa nền
âm nhạc Việt Nam trong gần 3 thập niên qua. Để tưởng nhớ Mai Hương, tôi viết
bài “Mai Hương, Một Ánh Sao Rơi!” như lời tạ từ. “Muôn kiếp cô liêu, ngàn năm
vang” (Tô Vũ). Đầu mùa dịch Covid-19, ca sĩ Thái Thanh qua đời vào trưa ngày
17/3/2020 tại Orange County, đêm đó tôi viết: Danh ca Thái Thanh ra đi, gởi lại
“Tiếng Hát Vượt Thời Gian & Không Gian”, vì nghĩ đến tang lễ ca sĩ được mọi
người ái mộ, tiếc thương do lệnh khắt khe của tiểu bang nhằm tránh sự lây lan của
đại dịch nên không đễn tiễn biệt làn cuối. Và, loạt bài “Viết trong mùa đại dịch”
của tôi liên quan đến bệnh dịch trong quá khứ và tác phẩm văn học…
*
Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng
nhất giữa thập niên 60 & 70. Trong 6 thập niên, từ trong nước, ở hải ngoại,
Lệ Thu đã đi trình diễn khắp nơi, theo thời gian có trên 20 băng nhạc, CD, DVD…
đã được thực hiện từ cá nhân đến Sóng Nhạc, Asia, Thúy Nga… Năm 2017, trong tai
nạn xe cộ suýt chết, ngưng hát. Trong mùa dịch quái ác Covid-19, bị nhiễm
virus, vào bệnh viện Orange Coast Medical Center (Fountain Valley, California,
Mỹ). Sau thời gian chữa trị không không thoát khỏi cơn dịch quái ác nầy nên đã
vĩnh viễn ra đi!
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh
ngày 16 tháng 7 năm 1943 tại Hải Phòng, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông. Về
bản thân, Lệ Thu chia sẻ:
“Trước năm 1945, bố làm một chức quan nhỏ
ở Hải Phòng. Mẹ là vợ lẽ, sống dưới quyền của bà vợ cả, phải chịu đựng đủ điều.
Bà bắt mẹ cô làm đủ thứ việc. Một sân thóc rộng mênh mông, giữa trưa nắng như đổ
lửa, phải phơi, trở thóc, rồi thu dọn, quét sân từ trưa cho đến khi trời xế
bóng. Rồi đủ thứ việc, chả bao giờ được nghỉ tay.
Mẹ cô sinh tám người con, cứ đến 3 tuổi
thì mất, duy nhất có cô còn sống. Năm 1953, khi mẹ cô vào Sài Gòn, bố cô không
đi vì tiếc của cải.
Năm 1954, một ngày nọ tôi đi học về, mẹ
cô gọi vào và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Thầy con mất rồi!”. Từ đó mẹ sống lặng
lẽ, không đi bước nữa. Và cũng từ đó cô không hay tin tức gì ngoài đó nữa. Hai
mẹ con tôi sống ở chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng”.
Vì là đứa con gái duy nhất nên được
nuông chiều, cũng thích chơi các trò chơi của nam sinh, đánh đáo, u mọi… Theo Lệ
Thu “Tôi nhớ lúc 14 tuổi, đã có ngực, mà tôi hồn nhiên đi tắm mưa không mặc áo,
cũng không mặc áo ngực…” như con trai.
Lệ Thu học đàn piano từ nhỏ, khi vào Sài
Gòn học đàn guitar và hát với vị thầy cận nhà và được nhạc sĩ Đức Quỳnh chỉ dẫn
thêm về ca nhạc. Theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers. Vào đầu
thập niên 50, trường Les Lauriers ở Tân Định, giảng dạy chương trình Pháp Việt
song song với nhau. Năm 1959, trường dời về đường Đinh Công Tráng, đổi tên là
trường Tân Thịnh. Nhạc sĩ Lam Phương đã học ngôi trường nầy. Sau năm 1975 đổi
tên trường Đuốc Sống.
Lệ Thu đến với nghề ca hát hết sức tình
cờ rồi trở thành ca sĩ. Theo lời kể Lệ Thu: “Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh
nhật một người bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong
nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”.
Tôi liền đứng lên hát bài “Tà Áo Xanh” (Dang Dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ
Linh. Tự dưng giọng hát tôi lọt tai ông chủ phòng trà. Ông bèn ngỏ lời mời tôi
đi hát. Ông thuyết phục tôi: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức
khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là
đến nhà bạn học bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với
hình dung của tôi thời ấy. Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc
cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi tôi muốn được gọi
như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình.
Kỳ thực, tôi cũng biết chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu
cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu
rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại bật lên một cách tự
nhiên như thế...”. (Lúc đó Ngọc Phu & Hoàng Cầm điều khiển chương trình).
Khởi nghiệp từ phòng trà Bồng Lai, Lệ
Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là phòng trà
Tự Do vào năm 1962. (Trước tháng 11 năm 1963, cấm nhảy đầm, chỉ nghe ca nhạc
nên gọi là phòng trà. Sau thời điểm đó, báo chí, giải trí, nhảy nhót… như nắng
hạn gặp mưa, sau đó gọi là vũ trường (nơi có khiêu vũ) và sau nầy thường gọi là
phòng trà theo thói quen, Trong loạt bài Phòng Trà Ca Nhạc Sài Gòn Xưa của Lê
Văn Nghĩa viết tương đối chính xác).
Kể từ đó, Lệ Thu được nổi tiếng cùng với
những ca sĩ tên tuổi ở Sài Gòn. Tiếng hát Lệ Thu hút khách đến với các phòng
trà như Queen Bee (năm 1969 của Jo Marcel), Ritz… Tháng 4/1970, Lệ Thu đã về với
phòng trà Tự Do. Ông Ngô Văn Cường chủ Tự Do đã dùng giá cao để “giựt” Lệ Thu
ra khỏi Ritz của Jo Marcel. Trước đó Jo ký với Lệ Thu là 700.000 đồng hát một
năm, cộng tiền cát-sê khá cao, còn ông Cường kêu Lệ Thu trả hợp đồng 1 triệu và
tiền hát hằng đêm gấp đôi. Lệ Thu thường ký độc quyền với các phòng trà, hát nhạc
Việt và ngoại quốc rất hay nên ăn khách. Ngay cả phòng trà Khánh Ly đã có một
thời cộng tác với nhau vẫn sòng phẳng. Và, “một trong những giọng hát tình khúc
hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam”, nhất là các ca khúc dòng nhạc bán cổ điển
(semi-classic), ca khúc thời tiền chiến.
Giọng ca Lễ Thu được mệnh danh “Giọng Ca
Vàng Ròng”, “Tiếng Hát Vàng Mười” nghe không được “bay bổng, sang trọng, lãng mạn”
như Thanh Thúy, Thái Thanh… Nếu gọi “Giọng Oanh Vàng Tình Khúc”, vừa mang
tên người vừa mang tên loài chim oanh.
Trong thi phẩm Chinh Phụ Ngâm Chinh Phụ
Ngâm của tác giả Đặng Trần Côn (1705-1745) qua bản dịch nhà thơ Đoàn Thị Điểm
(1705-1749) có câu
“Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca”
Chim oanh biểu trưng cho mùa xuân, trong
thơ ca cổ hình ảnh này xuất hiện khá phổ biến nhất là trong Đường thi.
Lệ Thu tham gia các chương trình ca nhạc
trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Phát Thanh Quân Đội, Mẹ Việt Nam, Đài Truyền
Hình Việt Nam… và được trung tâm sản xuất băng nhạc mời cộng tác thu âm. Hầu hết
ca khúc do Lệ Thu hát, được chọn lọc, ngay cả nhạc sĩ sáng tác. Lệ Thu thường
chọn những tình khúc buồn, với tà áo dài, vừa hợp với phong cách trình diễn, âm
điệu linh động với giọng alto-contralto và mezzo-alto dễ ru vào lòng người. Từ
trong nước đến hải ngoại, trong 6 thập niên qua, Lệ Thu vẫn giữ được sự chọn lọc
nầy.
*
Năm 2010. Nhạc sĩ Cung Tiến ấn hành tuyển
tập ca khúc Hoàng Hạc Lâu, gồm 15 ca khúc trước năm 1975 và hải ngoại. Tôi
email cho Việt Hải, viết bài về Cung Tiến. Bài viết Cung Tiến: Những Tình Khúc
Lãng Mạn Về Cố Nhân của Việt Hải đăng tải trên nhật báo Saigon Nhỏ, số ra ngày
Thứ Bảy, 12 tháng 6/2010. Văn Học Nghệ Thuật với chủ đề về Cung Tiến.
Ca khúc Hương Xưa (1955) trang 18, ghi tặng
Khuất Duy Trác, ca khúc Kẻ Ở (1977-1999) phổ thơ Quang Dũng, trang 44, ghi tặng
Lệ Thu.
Tháng 10/2020, trong loạt bài “Viết
trong mùa đại dịch”, tôi viết bài Một Thoáng “Hương Xưa” về dòng nhạc đến
ý nghĩa của lời ca mang nhiều điển tích. Tình khúc Hương Xưa của nhạc sĩ Cung
Tiến hay và đẹp từ giai điệu đến lời ca ẩn chứa điển tích nói lên cái hồn của
cung bậc.
Duy Trác là ca sĩ đầu tiên hát tình khúc
Hương Xưa, và Lệ Thu khi hát Hương Xưa theo lời kể:
“Tôi còn nhớ mãi mỗi đêm ở phòng trà
Queen Bee, khi tôi hát Hương Xưa xong, khán giả lặng đi một hồi lâu, như là vẫn
còn chìm đắm miên man ở trong dòng cảm xúc của bài hát, chưa biết là bài hát đã
kết thúc. Tôi hát câu cuối là “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…” rất tình cảm
và ngân rất dài. Sau khi dứt tiếng đàn, tiếng hát, mọi người im lặng một lúc,
sau đó mới ồ lên vỗ tay…”.
Nghe ca khúc Hương Xưa rồi nghe ca khúc
Nửa Hồn Thương Đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:“Nhắm mắt cho tôi tìm một
thoáng hương xưa… Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời”… thế hệ chúng tôi sống
đời lưu vong cảm nhận như tựa đề tác phẩm “Một Thởi Để Yêu & Một Thời Để Chết”
(A Time to Love and a Time to Die) của nhà văn Đức Erich Maria Remarque.
Với tác phẩm nầy tôi đã viết Trong Mùa Dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn
(4/2020).
Với tôi, Hương Xưa là một trong những
tình khúc hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam và cũng “giới hạn” ca sĩ trình
bày. Có thể cho rằng giọng ca nào thành công với Thiên Thai của Văn Cao, Giấc
Mơ Hồi Hương của Vũ Thành, Kiếp Nào Có Yêu Nhau của Phạm Duy, Dòng Sông Xanh (lời
Phạm Duy) và Hương Xưa… thì dễ dàng thành công với nhiều tình khúc khác.
Trong thanh nhạc, kỹ thuật ngân rung
(vibrato) xuất phát rất quan trọng đánh giá giọng ca. Hầu hết, ca sĩ đều luyện
tập ngân rung cổ họng, Lệ Thu áp dụng từ bụng nên làn hơi được điêu luyện, khỏe
hơn.
Trong cuộc sống ít khi được toàn vẹn, nhất
là giới ca sĩ. Trong ca khúc Eternally của Charles Chaplin (Ánh Đèn Màu qua lời
Việt của Nguyễn Xuân Mỹ năm 1965) với thân phận:
“Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui
Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây
… Đời cam sống một bóng lặng lẽ cô đơn
Đời xa tiếng ca nào ai tiếc thương bẽ bàng”
Hay trong ca khúc Kiếp Cầm Ca của Huỳnh
Anh:
“Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần
Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa
… Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng
Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu”
Trong quyển Thân Phận & Hào Quang của
nhà báo Hoàng Nguyên Vũ ấn hành ở Việt Nam năm 2016. Tác giả phỏng vấn các ca
sĩ trong nước và các ca sĩ ở Mỹ (Bạch Yến & Họa Mi ở Pháp) về VN trình diễn.
Trong đó có bài: “Ca sĩ Lệ Thu: 3 lần đò và những nỗi đau chưa kể”.
Trích phần Lệ Thu đề cập đến các cuộc
tình:
“… Mẹ tôi sợ có con gái trong nhà như một
trái bom nổ chậm, lại theo ca hát nên mẹ sợ ế, và đặc biệt là sợ sa ngã. Tôi đi
hát, có gặp một anh chàng không quân thích tôi, gia đình họ đến đặt vấn đề hỏi
cưới, thế là mẹ “tống” tôi đi ngay.
Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay
người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một…
khúc gỗ. Người chồng thất vọng não nề về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế.
Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên anh quyết định bỏ.
… Tôi bị chồng bỏ mà vui, hí hửng về với
mẹ. Mẹ tôi cũng không buồn vì mỗi lần lên thăm con cũng cảm nhận được cái cảnh
cơm nguội canh nhạt ấy. Lạ lùng là bị chồng bỏ mà tôi không thấy đau khổ. Có lẽ
vì tôi không yêu. Bởi nếu có một tình yêu đúng nghĩa thì bằng mọi cách tôi sẽ
giữ lấy hạnh phúc của mình.
… Chia tay chừng 5-7 năm, tôi gặp lại
anh ấy một cách tình cờ khi tên tuổi tôi cũng đã nổi lắm rồi. Anh ấy cũng là một
người hát rất hay, và cũng có đi hát như một đam mê.
Năm 1963 tôi đi bước nữa. Tôi gặp một
người từ bên Pháp về đây chơi. Anh ấy ở Pháp từ nhỏ, đã có vợ có con bên đó
nhưng về đây thấy tôi thì mê, và bỏ luôn vợ bên đó.
Mãi sau này tôi mới biết chuyện này chứ
trước đó, nếu tôi biết anh ấy có vợ con rồi thì chẳng bao giờ tôi đến với anh ấy.
Sau một năm tìm hiểu chúng tôi tổ chức đám cưới.
… Tôi từng tính bỏ hát để yên phận cơ
mà. Anh ấy không phải là một người đàn ông của gia đình, đúng hơn không phải là
người chung thủy. Anh đi chơi rất nhiều mà tôi thì không chịu nổi điều đó và cuối
cùng tôi phải bỏ cảnh sống đó dù không cãi vã to tiếng. 7 năm một cuộc hôn nhân
như thế, chúng tôi có hai đứa con gái.
Với cuộc tình thứ ba:
“Năm 1969, chúng tôi gặp nhau nhưng đến
năm 1974 mới chính thức tổ chức đám cưới tại nhà thờ. Cuộc hôn nhân kéo dài 10
năm, chúng tôi có với nhau một đứa con gái, anh ấy cũng rất yêu thương, lo lắng
cho tôi.
Hạnh phúc được thử thách qua những tháng
ngày gian khổ, thế nên tôi hoàn toàn yên tâm đó là những gì ngọt ngào có được
sau những cay đắng riêng tư. Chúng tôi mất nhau cũng vì lỗi của đàn ông. Và khốn
khổ cho tôi, tôi đi Mỹ thì ngay lập tức đã có một người phụ nữ khác vào nhà tôi
sống với chồng tôi. Và lần nữa, tôi vẫn là người khờ khạo.
… Tôi cũng có một cuộc tình rất thắm thiết.
Năm 1988 tôi gặp người đó, tôi mới biết rung động thật sự là gì, tình yêu đúng
nghĩa là gì, nhưng tôi vẫn khờ khạo không giữ được tình yêu của mình.
Và từ đó tôi cũng chẳng yêu ai được nữa.
Tính tôi vốn nhát và không bao giờ đi tán tỉnh hay giành giật đàn ông dù tôi có
thích họ hoặc ước gì họ là người yêu của mình.
Cả ba người đàn ông đó giờ còn sống, kể
cả anh hàng xóm si tình năm ấy, có người ở Mỹ, có người còn ở Việt Nam. Chúng
tôi vẫn là bạn và vẫn thăm nhau nếu có dịp.
… Những người nào đi qua đời mình hay những
gì mình trải qua đều là duyên, đều là ngộ. Những gì mình khổ, hay nó vướng bận
vào đời mình và cuộc sống của mình, đều là nợ nhau cả và mình phải trả. Trả hết
thì thôi”.
Ở Việt Nam, các cây bút viết về ca sĩ,
thường khai thác về tình yêu, tình cảm lăng nhăng hầu đáp ứng tính hiếu kỳ, tò
mò của độc giả. Không dẫn chứng ca khúc nào làm nên tên tuổi. Có khi khai thác
bí ẩn theo tin đồn để tung ra…
Ở hải ngoại có nhạc sĩ Trường Kỳ đã ấn
hành các Tuyển Tập Nghệ Sĩ. Trong TTNS tập 5 năm 2001, dày 374 trang, bài viết
Lệ Thu, Sau 40 Năm Thăng Trầm Trong Âm Nhạc (trang 283-288) vì cùng sinh hoạt
trong giới ca nhạc với nhau nên ghi lại chính xác.
Với tôi, thích nhà văn Hồ Trường An,
trong tác phẩm Chân Dung Những Tiếng Hát, quyển I ấn hành năm 2001, dày 446
trang với 52 ca sĩ. Cách viết ví von và nhận xét tinh tế qua từng lời ca, giai
điệu, âm sắc… Lệ Thu, Tiếng Ca Khởi Phụng Đằng Giao (trang 127-135) “Năm 1971,
tôi có cộng tác với tờ tuần san Minh Tinh, có đến tư thất của Lệ Thu ở đường Trần
Quang Khải (Tân Định) để phỏng vấn cô. Thuở đó cô đang chung sống với nhà văn Hồng
Dương”… “Người chồng trước của cô (Người ta gọi anh là Tony Sơn). Khi gặp Lệ
Thu, nhà văn Hồng Dương ly dị vợ là nữ sĩ Linh Linh Ngọc” (Người chồng thứ ba
theo lời kể của Lệ Thu ở trên)…
Hồ Trường An nêu tên những ca khúc do Lệ
Thu hát đã được mọi người ngưỡng mộ. “Tiếng hát Lệ thu làm cho chúng ta nghĩ đến
một trái hỏa châu bắn vọt lên không trung để tỏa ngời ánh sáng… Tiếng hát Lệ
Thu là tiếng hát hay bay về trời, gợi hình ảnh khởi phụng đằng giao trong tuyện
cổ tích, trong huyền thoại”.
Đạo diễn Nguyễn Long, thuyền nhân định
cư tại Quận Cam năm 1992. Trước năm 1975 quen biết nhiều trong giới nghệ sĩ ở
Sài Gòn. Làm thân tị nạn, sống lang bạt, làm báo, viết lách. Với chiếc xe truck
cà rịch cà tàng, đóng thùng chứa sách báo. Làm chỗ ngủ qua đêm đi vòng quanh nước
Mỹ. Anh viết 88 Nữ Ca Sĩ, dày 512 trang. Và tiếp theo với 32 Nữ Ca Sĩ, ấn hành
năm 1997. Cuộc phỏng vấn Lệ Thu ngày 15/1/1996 đăng trên trang sách Trang
621-626). Lời chia sẻ của Lệ Thu về cuộc đời, tình trường cũng giống như những
gì kể trên.
Trong các mối tình kể trên cho thấy danh
vọng cuộc đời và tình yêu lận đận trong cõi vô thường nầy của Lệ Thu cũng như
nhiều nữ ca sĩ khác trên thế gian!
Hồng Dương gia nhập làng báo rất sớm ở nhật báo Chính Luận thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Cuộc tình của Hồng Dương & Lệ Thu có với nhau con gái út là Thu Uyển. Năm 1978, Lệ Thu có mở một hàng cà phê Thu Uyển ở Tân Định. Đến tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng Thu Uyển vượt biển đến Pulau Bidong và sang Mỹ vào giữa năm 1980. Đến năm 1982, hai cô con gái lớn của Lệ Thu với người chồng thứ hai (Tony Sơn) cũng vượt biên và đoàn tụ với mẹ tại Nam California.
Sau tháng 4/1974, Hồng Dương bị tù một
năm. Không vượt biên cùng Lệ Thu. Khi mới đến Quận Cam trên đất Mỹ, vả 3 gặp
nhau (có Linh Linh Ngọc) rồi “riêng một góc trời” mỗi người có cuộc sống riêng.
Để giúp bạn ta có niềm vui trên đất Mỹ, Bùi Xuân Hiến, Long Ân và Ngọc Hoài
Phương ra tuần báo Chính Luận, Hồng Dương làm Chủ Bút nhưng được thời gian tờ
Chính Luận bỏ cuộc chơi.
Sau nầy nơi cà phê Mưa Rừng (người thân
của Hồng Dương) ở góc đường Brookhurst & Edinger. Thỉnh thoảng anh ra quán
gặp bằng hữu. Hồng Dương qua đời ngày 18/1/2018 tại Quận Cam, nên lúc Lệ Thu trả
lời phỏng vấn năm 2016, anh vẫn còn sống.
Cùng là báo giới với nhau, gọi là “tình
bạn” giữa “người đó” nhà báo ở Seatlle và ca sĩ mang tính lãng mạn cho đời thêm
vui trong cõi tạm. Tôi đã từng được những lời chia sẻ, người đàn bà với ngày
tháng còn lại sợ nhất là nỗi cô đơn! Ở Mỹ, con cháu có cuộc sống riêng, hình
như “hồn nhiên” trong nỗi buồn đang “gặm nhấm tâm hồn” hoàng hôn của cuộc đời!
Cháu nội, ngoại ghé thăm cũng dán mắt vào iPhone… rồi vào chúc sức khỏe trước
khi về.
Trước đây, bạn văn Lâm Tường Dũ (tác giả
Tình Sử Nhạc Khúc) cũng vào thời điểm nầy, nhờ tôi viết bài: Lệ Thu, Tình Khúc
Với Thu. Tôi thấy đề tài ngồ ngộ vì tên tuổi ca sĩ với những tình khúc liên
quan đến Thu đã từng đi vào tâm hồn ngưới ái mộ âm nhạc từ nhạc phẩm của Đoàn
Chuẩn, Phạm Duy đến Vũ Đức Sao Biển, Ngô Thụy Miên, Trường Sa… Ở trong nước “Nhạc
Vàng” bị cấm, bị đả kích thậm tệ rồi “Nhạc Vàng ngự trị nền âm nhạc cả nước,
nhưng tôi tế nhị từ chối, tuy chẳng quan tâm ca sĩ về VN hát hò với cái nghiệp
“xướng ca” mà truyền thông Việt ngữ nơi đây đã nêu lên vài trường hợp không mấy
hay ho gì. Hát hò là chuyện thường tình nhưng tuyên bố lung tung, chấp nhận bài
hát theo “đơn đặt hàng” dễ gây dị ứng trong cộng đồng người Việt tị nạn là chuyện
khó chấp nhận. Đã có những lời bình phẩm khi viết về hình ảnh vài tiếng hát đã
hy sinh mạng sống, bỏ nước ra đi… rồi quay về ca khúc “Hậu Đình Hoa” mà nhà thơ
Đỗ Mục than thở trước vận nước trong bài thơ Bạc Tần Hoài. Chuyện cũ đã qua!
Với tâm hồn nhân bản của truyền thống Việt Nam từ thời cha ông, nghĩa tử, nghĩa tận. Nhận được tin buồn Lệ Thu vĩnh viễn ra đi trong cơn đại dịch, Orange County trong tình trạng ban bố “stay at home”, tình trạng bi đát đến lúc bệnh viện không có chỗ nhận người già bị nhiễm Covid-19, xác người trở thành “hư vô & cát bụi” quá đau thương cho thân nhân!
Trước nỗi đau nầy, mượn câu thơ trong
Chinh Phụ Ngâm để tiễn biệt Lệ Thu Bùi Thị Oanh: “Oanh bay đi biền biệt chẳng
quay về”.
Và, tiếng hát đầu tiên của cuộc đời với
câu kết trong nhạc phẩm Dang Dở như định mệnh “Hoa tàn nhạc bay theo không
gian” tiễn người: Lệ Thu về cõi thiên thu! “Đời xa tiếng ca nào ai tiếc thương
bẽ bàng” (Ánh Đèn Màu).
Little Saigon. January 16,
2021
Vương Trùng Dương
No comments:
Post a Comment