Wednesday, January 13, 2021

CÁNH HOA GẠO ĐỎ (NHẤT PHƯƠNG)

 


Nhớ mãi lần lên thành phố San Jose ra mắt sách, chuyện đã khá lâu, nhưng ân tình cũ mênh mông muôn đời vẫn mới. Một vị giáo sư khả kính, là bạn của một người bạn, trước lạ sau quen, trở thành bạn chung của cả nhóm, có nói rằng:

 

-Cái duyên Văn Nghệ là “mối lương duyên” khó thể chối từ…

 

Cho đến bây giờ, dù đã trải qua ngấp nghé vài chục năm, tôi vẫn luôn nhập tâm bốn chữ ngoan hiền cái-duyên-văn-nghệ, yêu nó và trân quý nó, trân quý tất cả những người bạn gần xa đến với mình, qua mối lương duyên này.

 

Ngòi bút không biết phân biệt giới tính, càng không thể tô vẽ trắng đen, giàu nghèo sang hèn như một số các chiêm tinh gia đại tài chuyên coi chỉ tay có thể. Ngòi bút chỉ làm vài việc thật đơn giản và thực tế, đó là thay cho người cầm bút trang trải từ tâm-tư-tri-thức, những đúng sai chân thật nhất giữa đời sống phiêu bồng, chuyển lưu theo gió đổi mùa.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh ở Norway có bài thơ gây đậm ấn tượng trong tôi khi nhắc đến “cánh hoa Gạo đỏ”, ngẫu nhiên tôi đọc chỉ một lần mà không thể nào quên, xin phép ghi lại, chia sẻ thêm những ý tưởng độc đáo nhưng gần gũi của bà đến các bạn gần xa, và cũng để khắc ghi kỷ niệm, nhờ mối lương duyên văn nghệ mà chúng tôi mới dễ dàng quen biết nhau:

 

Nhớ nhà

Thơ Nguyễn Thị Vinh

 

Ngày còn nhỏ thích xa nhà

Đi đâu cũng được miễn là được đi

Lang thang mây chẳng định kỳ

Có chân không bước ích gì chân ơi

Bây giờ mỏi bước đường đời

Đi đâu cũng chỉ nhớ trời một phương

Cánh hoa gạo đỏ bên đường

Nhớ nhà rưng rức hồn nương mây về.

 

Tâm tư tuổi trẻ mặn mòi với hai chữ ngày mai để tạo dựng sự nghiệp, thực hiện hoài bảo một đời. Tuổi muối tiêu hiu hắt bắt đầu trân quý hiện tại và vu hồi quá khứ. Có khi nào chúng ta tự thẩm vấn lòng mình về sự dị biệt giữa hai cá thể to lớn dường bao, hay quan trọng thế nào, và nhất là có cách gì tương đối, lấp bằng được khoảng thời gian dị biệt thuở trước và sau khi tuổi đời chồng chất.

 

Ở bài thơ trên, lần đầu tiên tôi được làm quen với “tên gọi” của một loài hoa lạ lẫm, khác với sự tượng hình thoang thoảng hương quê, mộc mạc bình dị như hoa Trang, hoa Lục Bình, hoa Bằng Lăng...“Hoa Gạo” là hoa gì? Mặc dầu cùng chung Việt Tộc, cháu chắt vua Hùng, tôi chưa hề biết “cánh hoa Gạo” vuông dài ra sao, mãi cho đến khi đọc được những dòng của nhà thơ ấy. Nhắm mắt lại, tôi mường tượng ra cảnh hồ Gươm của miền đất lừng tiếng Hà Thành, thủ đô nước Văn Lang, trải qua nhiều thời lập quốc:

 

Tự thưở mang gươm đi mở Cõi,

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

(Thơ Huỳnh Văn Nghệ)

 

Hoa Gạo ơi, em đã lửng lơ bay vào Văn Học Sử, hay chính em là Văn Học Sử? Bởi trong suy nghĩ của tôi, một người miền Nam hướng lòng ra đất Bắc, chưa biết chút gì về các loài hoa bản xứ, cứ nghĩ hoa gạo cũng cùng tên gọi như hoa dưới trời Nam, là hoa Đòng Đòng, là khi cây mạ có mang em bé, cây mạ trổ bông hay “cây lúa đơm bông” trên cánh đồng quê ngoại làng Long Mỹ tỉnh Bến Tre.

 

Nhưng…tôi như bất ngờ được lạc vào cõi mộng mơ huyền ảo. Ai ơi, có hay sự ngạc nhiên trong tôi đến chới với não nùng. Hoa Gạo đẹp đài các lãng mạn kiêu sa hơn cả nhan sắc diễm kiều của các nàng công chúa. Hoa Gạo tháng ba nhuộm hồng đất Bắc, cùng với Phượng Vĩ mời gọi hè về nồng ấm nắng phương Nam.Vòm trời phi chính trị chứa chan nhan sắc của cả hai miền đất nước. Các loài hoa Nam Bắc cùng nhau hò hẹn che rợp đủ mọi mùa hoa thiếu nữ của chúng tôi. Hơn trên tất cả, dù muốn dù không, Bắc Trung Nam vẫn có chung một loài hoa Việt Tộc mọc tràn lan thắm đỏ từ thác Bản Giốc đến cuối mũi Cà Mau. Đó là nụ hoa sắc không của gió, tuy vô hình nhưng thiêng liêng mạnh mẽ, quá đủ để khơi nguồn tình thương đồng loại khởi từ thiên nhiên tự tại, đẫm ngập ước mơ kỳ vọng tô vẽ cho vuông tròn đất nước, bằng chính màu máu của tim mình.

 

Bạn tôi thân phần nhiều là dân Bắc, dân Trung, mặc dù cùng được sách đèn tại ngôi trường rặc gốc dân Nam. Nhưng kỳ lạ thay, suốt những tháng ngày dài chung học bên nhau, tôi chưa hề một lần nghe “các đằng ấy” hay “các o ấy” nhắc nhở chút gì về loài hoa công chúa. Quãng đời thiếu nữ của chúng tôi chan hòa hạnh phúc, lãng đãng sắc màu “hoa Soan bên thềm cũ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh, thấm đẫm ngàn giọt “mưa trên cây Sầu Đông”2 làm mơ huyền thành phố Huế, [ 2 tác phẩm của nhà văn Nhã Ca].

 

Có phải thuở ấy, vì thời cuộc nhiễu nhương, đất nước loạn ly nên hoa cỏ cũng bị dòng Bến Hải phân đôi, không còn con đường nào khác có thể len lén mọc tràn qua giới tuyến?

 

Nghĩ tới nghĩ lui, xoay đi ngoảnh lại, tìm một mẫu chung cho cái khoảng cách từ “ngày còn nhỏ” cho đến “bây giờ”? Chung cuộc, mẫu số ưng ý nhất được đặt ra, thu ngắn đoạn dài giữa cuộc đời, để các thi nhân ray rức làm thơ, viết nhạc, đó là tấu khúc “quay về nguồn”.

 

Ai đi rồi cũng muốn trở về nơi chốn khởi hành yêu dấu, ru êm tâm sự của chính mình như âm điệu buộc ràng du dương muôn đời vẫn đẹp “trở về mái nhà xưa”, bản lời Việt của NS Phạm Duy, bản tiếng Anh “Come back to Sorrento”, chuyển ngữ từ bản Torna A Surriento của Ernesto De Curtis, nên câu “no place like home” rất gần gũi với các “cuống rún chưa lìa” như tôi. Sống bên ngoài tổ quốc, hai chữ quê nhà đối với tôi là “home”, là ước mơ, là cuối đường chờ đợi. Mẹ tôi cũng vậy, khi biết không còn bao lâu nữa sẽ lên đường sum họp với ông bà ở cõi vô ưu, đã mỉm cười an phận. Bà chỉ nói nhỏ một câu thật bình thường nhưng nghe khá bất thường:

 

 -Nếu có “chuối quết bốc” cuốn đọt lá Cách tươi, chấm nước mắm ớt sừng pha chanh giấy của làng Long Mỹ, như những chiều mưa cũ ở quê xưa, thì coi như má đã sống đủ một đời, thơ thới về với ông bà...không còn luyến lưu gì hơn nữa. 

 


Các bạn Ba Miền của tôi ơi, có biết món chuối này không? Chẳng cao sang gì đâu bạn hỡi, tất cả chỉ làm bằng các nguyên liệu rẻ tiền ở nhà quê có sẵn như chuối Xiêm già hườm, nấu chín quết nhuyễn, trộn với dừa mới khô tới, nạo thành sợi trắng tinh, rắc thêm chút mè hoặc đậu phộng rang đâm nhỏ. Tuy nhiên, những món này mặc dù là món phụ, bình dân, nhưng không phải lúc nào cần cũng có.

 

Đọt cây lá Cách, lá Lụa thật mướt xanh, tươi non mơn mởn như màu lá mạ, to bản giống đọt xoài, cùng các loại rau thơm húng cây húng lũi húng quế, dùng để cuốn chuối đã trộn xong, không dùng bánh tráng.

 

Thuở ấy, khi nghe mẹ nói vậy, tôi thầm nghĩ mãi vẫn không hiểu, tại sao mẹ tôi đã chẳng ao ước điều gì to lớn quan trọng hơn ở phút cuối đời, như mong muốn được sống thêm vài ba năm nữa cùng con cháu, hoặc dặn dò kỹ lưỡng để tôi hiểu biết tận tường về đất đai vườn tược của ông bà để lại, đã bị phân tán trong chiến tranh, cần được thu hồi…vv và vv. Tôi nhứt thời thật sự quá tủi thân. Nhưng đến ngày kỵ giỗ tròn năm cho mẹ, tôi lần mò lục soạn chiếc hộp bà để lại, mới thẩm thấu hết nỗi lòng của người trước phút lâm chung. Mẹ mơ ước được sống một lần cuối cùng trong niềm hạnh phúc vô biên với ông bà Ngoại thuở thiếu thời. Bà thể hiện nỗi “nhớ nhà rưng rức” qua khay chuối đặc sản ở làng quê. Bên trong chiếc hộp đã sờn, đã cũ, gói ghém nỗi niềm ly xứ, còn có duy nhất một tấm bản đồ của nước Việt-Nam, được sắp xếp cẩn trọng trong vuông khăn lụa trắng. Tâm tư mẹ quay quắt “nhớ trời một phương” như tác gỉa bài thơ ví mình là cánh hoa đất Bắc. Thiết nghĩ, nếu mẹ biết làm thơ, chắc mẹ cũng âm thầm trang trải cõi lòng lên trang giấy nỗi niềm khát khao của mẹ. May mắn thay, chúng tôi còn đủ chút thời gian, thực hiện được trọn vẹn ước mơ cuối cùng (dù sau này mới biết), để mẹ mỉm cười ngủ giấc ngàn thu trong mảnh vườn thiêng liêng thuở nhỏ.

 

Ai hay khay chuối nhớ nhà

Nương theo sợi khói quê xa bỗng gần

Ngóng tìm dáng mẹ cuối sân

Trời cao đất thấp, kết tầng thương đau.

 

Đời mẹ tôi, đời một người dân sinh quán tại Bến-Tre, quanh năm chỉ sống với mương vườn. Mẹ là loài hoa mộc mạc sống dưới trời Nam, xin phép cho tôi được ví bà như loài hoa Tre hiếm quý, trăm năm mới nở một lần, mà giờ đây, tôi mãi mãi muôn đời không bao giờ gặp nữa.

Mẹ ơi!!!

 


Đời tươi mang Xuân đến

Người Ta, xa bỗng gần

Bến trăm năm còn đợi

Tre nở hoa một lần…

 

Bây giờ, hay…có khi nào, nương theo sự biến thiên của tạo hóa, nóng lạnh đổi dời không điềm báo trước, khiến quan niệm sống của mỗi miền rồi cũng phải…ăn ở theo thời. Mùa Thu thường ấp ủ yêu thương trên cây lá chín vàng, nhưng mùa thu ở vườn tre muôn đời vẫn um tùm xanh khướt. Mưa ơi, hãy rơi thêm thật nhiều, nặng hạt hơn trên cây Sầu Đâu, để sắc thắm vườn Xuân thiếu nữ ba miền sừng sững mãn khai, xứng đáng tượng trưng cho muôn vạn mầm hoa Việt Tộc.

 

Tôi lan man vọng tưởng một ngày, hoa của Hồ Gươm sẽ quyện lấy hoa Tre, lả lướt thắm xinh trên những con đường làng líu ríu chân quê, dẫn dắt mọi trái tim tương tư đất mẹ về các vùng hẻo lánh từ Bắc xuống Nam, đến cuối bãi tân bồi. Ai ơi, có thể nào không?...

 

 Nhất-Phương

No comments: