Thursday, January 21, 2021

NHỮNG NGƯỜI...CỦA MỘT THỜI ĐÃ MẤT (NHẤT PHƯƠNG)

 

Những Người... Của Một Thời Đã Mất

 

Nhất-Phương

*Các nhân vật được nhắc nhở, ngoài việc người giống người, còn có thêm phần hư cấu.

 

Cuốn sổ điện thoại tuy đã được ân cần xếp lại, khép kín tất cả những rộn ràng xuyến xao của nhiều chục năm đã qua, nhưng Trâm vẫn còn bàng hoàng, ngẩn ngơ ve vuốt từng mép giấy nhăn nheo cũ kỹ, úa vàng, gờn gợn màu mây quá khứ. Trong ngần ấy thời gian tàn phai, còn được bao nhiêu điều có thể ở lại với Trâm lúc này? Tầm tay ngắn, tháng ngày dài, những việc vô tình đã hong khô, quay quắc, làm héo hắc lòng người, quả thật, vẫn không chút ngại ngùng, vẫn ngang tàng hiển hiện.

 

Trâm tự hỏi lòng mình, sao thế nhỉ? Anh chị ấy, cô chú ấy, và nhất là người ấy, có đưa đẩy cuộc đời theo từng lời hát lừng danh nhờ tên tuổi của giọng ca vàng ngân nga “người đi qua đời tôi, có nhớ gì không người?”...

 

Biết bao tên đường, biết bao số nhà, biết bao góc phố vẫn còn nguyên trong cuốn sổ điện thoại quá lâu ngày dài tháng này, [tuy đã nhạt nhòa nét chữ]. Tên đọc thật gần, sờ tay chạm tới, còn các nhân vật có thật một thời mà Trâm quen, giờ phiêu bạt nơi đâu?

 

Đây là địa chỉ nhà anh chị A. Chị khá duyên dáng hiền hòa, nói năng nhỏ nhẹ, còn anh thì lừng lẫy qua các bài xã luận sắc bén. Với khuôn mặt tuy phúc hậu nhưng vẫn còn phảng phất đôi nét lém lỉnh từ thời tuổi trẻ, môi cười nửa nụ, nheo mắt có đuôi. Khi chọc phá ai anh nghiêm nghị đến nỗi người bị trêu đùa cứ tưởng…mình đang hân hạnh hưởng hoài bí danh mang „số một‟:

 

-Thấy „hắn‟ vừa đi nên anh mới dám đến ngồi cạnh em một chút lấy hơi cho đở nhớ. Em có cho phép không? [Nhưng thật ra, chỗ ngồi ấy là chỗ của chính anh chị đã được chủ nhân sắp xếp trong bàn tiệc].

 

Trâm là em kết nghĩa của anh chị ấy, và anh H. cũng là người đã cùng Trâm làm việc nhiều năm trong một đoàn thể luôn luôn phảng phất quá thời của những anh hùng, anh thư trẻ tuổi Nguyễn Thái Học và cô Giang cô Bắc. Ngày xưa, các bậc tiền nhân yêu nước bằng hành động; ngày nay, tuy vẫn còn, vẫn có, nhưng dần dần đã trở thành „hàng hiếm‟. Lúc anh rời khỏi thế gian, Trâm nén tiếng khóc âm thầm đau xót trong thời khắc biệt ly, đặt nhẹ vào tay anh chiếc pin cài áo có in hình của người con yêu vùng đất thiêng Yên Bái.

 

Căn nhà ở góc phố này, lãng đãng màu tóc mây thanh tú của vị nữ lưu một thời hương sắc, quá quen thuộc với Trâm, vì phu quân của chị được nhớ đến như một chiến sĩ từng tử thủ ở vài địa danh lừng lẫy chứng tích trên „quê hương đồng khổ‟. Thành phố Garden Grove là thành phố đầu tiên Trâm biết đến tên khi còn…lênh đênh bên bờ biển Thái Bình, chờ ngày được vào xứ sở Tự Do, (Trâm còn tưởng nơi đây trồng đầy dẫy hoa hồng, “Garden‟s Roses”). Bây giờ, sau 45 năm phiêu bồng, nơi này lưu lại cho Trâm quá nhiều kỷ niệm, vui buồn quấn quít lấy nhau, như muối như tiêu trên đầu, muốn quên hết cho đở khổ cũng không đủ tài làm chuyện ấy.

 

Nhân sinh quan nói chung, đối với Trâm, giống như khoảnh đất tươi mầu, nhưng lại lỡ mang tên vùng “Phi Quân Sự”, xấu tốt khó phân minh, đúng sai tỷ như hai phần chìm nổi của các con tàu lờ lửng giữa đại dương, bập bềnh theo sóng nước. Một cử chỉ bất thường, một lời nói u ám bâng quơ cũng đủ đem lại nỗi buồn, đau khổ cho nhau. Lúc còn sinh thời, vị nữ lưu ấy vẫn luôn tin tưởng, nên cũng đã nhiều lần cùng Trâm tâm sự :

 

-Quan niệm sống của bạn bè đối với chị, khác chi các mùa hoa trái. Bội thu tươi tốt mình nhờ, sâu rầy thất thu mình chịu. Trời cho thứ gì hưởng thứ ấy, không phàn nàn biện minh chi hết em ơi. Chị khuyên em nên nhớ kỹ một điều: lỡ bị giỏi quá người ta ganh ghét, lỡ bị dỡ quá người ta khinh khi. Làm người ngay đứng giữa cuộc đời, thôi thì cứ luôn luôn học hỏi để thăng tiến, âm thầm nhận chịu sự ganh ghét để bội thu thành quả, giúp ích nhân quần… Nhớ lại những lời này, Trâm vô cùng xúc động. Trâm biết chị thương Trâm thiệt lòng nên mới khuyên lơn nhắn nhủ. Nhìn qua khung cửa, Trâm thả hồn theo mấy vần thơ chợt loáng thoáng quá bất ngờ:

 

Trời mùa Hạ, trời nghiêng nghiêng nắng đỗ,

Mây giã từ rừng núi cũ mây bay,

Người thương ơi, nhớ nhung tràn giấc ngủ,

Tôi cúi đầu dấu mặt giữa lòng tay.

[Thơ của chú N.]

 

Những vần thơ ấy của chú N. Chú N, không những là người hàng xóm của Trâm ở Việt-Nam mà lại còn cùng quê hương xứ sở BếnTre nữa. Tuy chú không có tên trong cuốn sổ điện thoại này, nhưng bài thơ chú tặng, đến nay đã tròn 55 năm. Ngoài mấy câu dễ nhớ, được ghi lại ở trên, còn bao nhiêu câu nữa mà Trâm chưa thể viết ra trong lúc này??! Hồi ấy, chú N có mấy người anh làm phi công, lái máy bay lượn qua lượn lại hoài trên vòm trời khu xóm. Có lần, các chú anh mang hoa tươi từ Dalat về cho chú em, chú em đem qua nhà đối diện cho Trâm hai mươi mốt nụ hoa hồng nhung đỏ thẫm tuyệt vời hương sắc, tươi đến nỗi Trâm tưởng chừng sương vẫn còn đọng lấp lánh trên những đài hoa. Trâm ngạc nhiên nhìn món quà quá bất ngờ, hỏi tại sao chú cho Trâm nhiều vậy, không để dành tặng thím tương lai. Và tại sao tới hai mươi mốt nụ hoa lận? Chú nhìn Trâm im lặng một hồi rồi nói khẽ "chắc còn lâu mới có thím", nhưng bây giờ chú đang có người đồng hương bên cạnh, không tặng Trâm để hoa tàn uổng lắm. Ngập ngừng giây lát, chú mỉm cười từ giả trước khi nói nhỏ vừa đủ Trâm nghe, “năm nay chú 21 tuổi rồi nè”.

 

Đó là những nụ hồng đầu tiên Trâm nhận được khi vừa tròn mười hai tuổi. Lúc ấy, nghe chú nói thì vẫn nghe rất rõ, nhưng hiểu chắc Trâm không hiểu được nhiều. Những người chú ấy nói thương, chắc phải có cùng một mẫu số chung với chú, cùng câu hò tiếng hẹn, toàn tâm toàn ý, và nhất là cùng hướng về một lý tưởng sống. Sau này, tuy Trâm cũng thương mến hầu hết các anh chị, các bạn, những người Trâm hân hạnh gặp gỡ trong các Hội Đoàn Đồng Hương của cả ba miền, nhưng Trâm biết, những người mình thương chưa chắc họ cũng thương mình. Bởi Trâm tâm niệm rằng, hai người bạn chơi thân được với nhau lâu bền, hẳn phải có cùng một tấm lòng độ lượng để thông cảm cho nhau, tha thứ chấp nhận lỗi lầm của nhau để nuôi dưỡng Tình Thương giữa Người với Người, giữa những cộng sự viên, và nhất là để phát huy mối cảm tình Ái Hữu.

 

Trở lại với từng con đường, từng số nhà…mang tên Kỷ Niệm, có một nơi Trâm đã được ngồi thoải mái, lặng ngắm những chòm cây cắt trim khéo léo hình các thú vật của Walt Disney, nằm rải rác, rất mỹ thuật trên cỏ Permuda êm đềm hơn thảm thiệt. Bầu trời trong xanh không một gợn mây mùa Thu, thấp thoáng đâu đây tên chủ nhân của ngôi biệt thự này, “Biệt Thự NL”.

 

Hôm ấy, NL mời khá đông các bạn đến chơi. Nói là bạn, vì Trâm cũng được coi như bạn của NL, chớ thật ra đó toàn là những nhân vật tiếng tâm lẫy lừng trong quân đội thời VNCH. Đáng lẽ Trâm phải gọi bằng bác, bằng chú, nhưng các bác, các chú ấy nói, gọi bằng anh chị đi Trâm, bởi trong hai chữ đồng hương không có nét nào dành cho cấp bậc, hay dùng để đánh vần ngôi nhà của “giàu sang quý tộc” cả. Qúy tộc giàu sang gì chứ ? Bây giờ anh chị còn nghèo hơn người tài xế của chính mình thuở xưa. Mất tất cả theo vận nước rồi. Trâm nghe, Trâm hiểu, nhưng ngặt vì còn nhỏ nên cảm thấy bị lạc loài giữa đám ba quân, Trâm len lén pha ly trà cúc rồi dấu mình sau con vịt Donald. Anh N. đi quanh nhà kiếm mấy lần để giới thiệu không thấy Trâm nên anh cao giọng hỏi:

 

-Yên Trâm, “where are you”?...

 

Ngày anh N lâm trọng bịnh, Trâm chúc anh mau bình phục để còn “take two to tango”, anh cười thật hiền [không giống nụ cười mím môi ban lệnh như lúc đi tìm Trâm không được]:

 

-Bây giờ và mãi mãi về sau, partner Tango của anh là bình dưỡng khí…

 

Cuối cùng vẫn là hồi ức về người ấy, người mà khi anh không còn nữa, Trâm mới cảm thấy tội nghiệp và có lỗi, mặc dù không phải lỗi ở Trâm. Từ sau ngày anh đột ngột ra đi, Trâm mới biết trân trọng tình cảm của tất cả mọi người quan tâm tới mình, cho dù đó là tình bạn hay tình thù cũng vậy.

 

Có câu nói rằng, sống phải có kẻ thù, bởi bạn sẽ dễ quên mình, nhưng kẻ thù thì nhớ mãi… Chẳng biết đúng hay sai???!

 

Thế đó. Kỷ niệm là hai chữ rất đáng trân trọng, nhưng trong khá nhiều trường hợp, cũng rất đáng sợ. Vậy, chuỗi kỷ niệm mà Trâm mới vừa tìm gặp lại trong cuốn sổ điện thoại…quá thời này, cùng mấy câu thơ đã cũ, vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau, cuối cùng, cũng đã xảy ra, đã tô đậm một quãng đời đáng nhớ cho những người trong cuộc. Muôn vàn câu chuyện với các bóng hình từng quen biết, có thể coi như bạn, cùng sinh hoạt, đồng thanh tương ứng trong thành phố này, thành phố bên ngoài tổ quốc dấu yêu, giờ đã bay khỏi cuộc đời. Những gì của năm mươi lăm hay bốn mươi lăm năm đã qua, có đáng được gọi là Cổ Tích hay không?

 

Bây giờ, mấy tháng nữa sẽ bước qua năm 2020. Ngày hôm qua, chỉ mới đây thôi, cũng lẫn nhanh vào quá khứ. Thời buổi này, rất ít người cần đến cuốn sổ bằng giấy để viết xuống địa chỉ và số điện thoại của bạn hữu hay thân bằng quyến thuộc. Bây giờ, tất cả đều nằm trong cái IPhone tân tiến, trong cái IPad như chiếc computer thu nhỏ, chứa đựng tất cả mọi dữ kiện quan trọng của đời sống, mang theo bên cạnh, khi cần, chỉ một cái chạm tay. Và, nào ai biết trước, nếu lỡ, một vô tình nào đó, tất cả đều tan biến vào hư không.

 

Bây giờ, tin học tiến bộ, con người có nhiều năng lực như những nhà ảo thuật, chỉ cần một cái chạm tay là thấy “thiên đường”. Nhưng, đối với Trâm, đó chỉ là Thiên Đường của Ảo Ảnh. Tiếc quá, Trâm lại là người luôn luôn hoài cổ, nhớ mãi chuyện đã qua, luôn nhìn về dĩ vãng để ôn cố tri tân, như những người luống tuổi, nên không thể bắt kịp thời-buổi-tin-học, càng khó để quên những gì đã gặp một thời, cho dù các cuộc gặp gỡ ấy chỉ vô tình nhẹ lướt qua con đường mình đang đi… Họ đã, ít nhất cũng một lần đối diện, đối thoại hoặc đối đầu với Trâm. Cho dù chỉ một câu nói ngắn ngủi không hậu ý, một trách móc vu vơ…, nhưng dư âm ấy vẫn mãi thoang thoảng êm đềm như hương hoa Lý, hoa Cau, hoa Ngọc Lan, quả thật, khó lòng quên cho được.

 

Thời xưa tuy đã khép, nhưng hình bóng những người bạn trân quý, từng sinh hoạt trong cộng đồng chung vẫn ở mãi, ở hoài với Trâm, và có lẽ, một lúc nào đó, cũng sẽ tưng bừng sống lại trong ta với muôn hình vạn trạng, thẩm thấu đến vô cùng. Một lần cuối trước khi âm thầm cho “cổ tích sang trang”, xin được…khe khẽ gọi tên ai lần thứ mấy, âm thanh buồn tung đôi cánh bay cao (thơ của chú N).

 

Nhất-Phương


No comments: