Wednesday, October 11, 2023

LAN MAN VỚI NHỮNG HỒI ỨC (TẢN MẠN VỀ GHEN)/ FB.HANG HO)

 

Lan man với những hồi ức.

TẢN MẠN VỀ "GHEN"

Mùa hè năm ngoái, hội trường Nguyễn Hoàng (NH) lần thứ 7 tại Quảng Trị.

Chúng tôi từ khắp nơi trở về sau cơn đại dịch kinh hoàng đã cướp đi bao sinh mạng con người.

Vậy mà khi “điểm danh” hội khóa, cũng thấy vắng bóng khá nhiều.

Nguyên nhân của nó thì vô số: nào là không liên lạc được, sức khỏe bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, khó khăn kinh tế, trí nhớ lãng quên, tự ti mặc cảm hoặc ngại gặp bạn bè…. Nhưng có một nguyên nhân rất “kỳ”, tôi định không viết vào đây… rồi cũng đành nhắc lại vì liên tưởng trong cuộc đời học sinh có những tình cảm mới vừa chớm mà ta không thể nào quên.

Các bạn tôi nói rằng: một số bạn không về là do họ có những người chồng hay người vợ “GHEN”, họ không muốn cho các bạn ấy gặp lại những “người xưa cũ”, mặc dù thời gian ngày ấy- bây giờ đã 50 năm rồi.

****

Phải chăng GHEN là một đặc tính của tình yêu ???

Trước hết xin tra tự điển Tiếng Việt: Ghen là gì? là trạng thái tức tối, bực bội vì nghi cho chồng (hoặc vợ) có tình ý với người khác.

Các bạn có nhớ không? Lứa học sinh tụi mình được tiếp xúc với khái niệm “tình yêu” và “ghen” rất sớm trong môn văn học ở nhà trường. Năm đệ lục, chúng ta khoảng 12 -13 tuổi mà đã được học hai tác phẩm nổi cộm của Tự Lực Văn Đoàn: “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, và “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng.

Không biết các bạn như thế nào, chứ “Nửa chừng xuân” với tôi ngày ấy còn mơ hồ lắm, các nhân vật: Mai , Huy, Lộc và lão bộc trung thành tên Hạnh chỉ đến với tâm trí tôi chốc lát.

Tôi cố nhớ lại ngày đi học đã trần thuyết tác phẩm này, nhân vật Lộc bị mẹ của mình là bà Án dựng nên những tình huống giả tạo để Lộc nổi cơn ghen, vì bà biết con của bà vốn có tính đa nghi và Lộc đã ghen như một người bị phản bội thật sự. Cơn ghen ấy tạo ra những cột khói nghi ngờ bao phủ quấn chặt suy nghĩ của Lộc. Và chính chàng cũng là nạn nhân. Bà Án đã thành công trong việc ly gián mối tình của hai người yêu nhau.

Ngày ấy Mai chỉ mới nửa chừng xuân.

Sau đó theo thời gian “Nửa chừng xuân” cũng bị lãng quên. Trong tôi còn lại đúng “ba thứ gia bảo” của cụ Tú Lãm trăn trối với hai người con lúc lâm chung: “Giữ lòng vui, giữ tâm hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”.

Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn người Thầy đã khắc sâu câu nói của cụ Tú Lãm trong lòng các học sinh lớp 8/6 Nguyễn Hoàng ở trại 5 Non Nước ngày ấy: Cố giáo sư Trần Văn Lữ.

Còn “ Đoạn tuyệt” thì sao?

Trong truyện, có một cô gái lối sống mới tên Loan gắn với hình bóng hai chàng trai trái ngược nhau: Thân và Dũng. Loan yêu Dũng nhưng phải lấy Thân. Dạo ấy những học sinh chúng tôi còn ngây thơ theo nghĩa của một đứa con trai chưa đủ lớn, khi đọc đến khúc đêm tân hôn, Thân trải một tấm vải trắng tinh lên giường, chẳng biết là gì cả.

Tâm hồn non nớt của chúng tôi làm sao hiểu hết ý nghĩa của hai từ “Đoạn tuyệt” mà tác giả muốn gửi gắm cho người đọc, cho những người yêu quê hương đất nước một cách đích thực. Chúng tôi lờ mờ nhận ra một cô Loan khó chịu trước những tập quán lỗi thời, và phẫn nộ trong câm lặng về chiếc vòng “kim cô hủ tục và đạo lý phong kiến” đã trói buộc thân phận người phụ nữ.

Loan có một mối tình rất thanh sạch với Dũng, và chính là người cho chúng tôi có ý niệm về ngoại tình tư tưởng và sự trinh tiết của tâm hồn.

Và cũng như “Nửa chừng xuân”, cốt truyện chính của “Đoạn tuyệt” không đọng lại trong chúng tôi gì cả. Duy nhất còn nhớ là một áng văn tả cảnh của Nhất Linh được đưa vào sách giáo khoa môn Kim Văn:

“Một buổi chiều cuối năm , một buổi chiều êm như giấc mộng, mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên, đợi gió…”. Bài văn xuôi đó, lớp tôi được thầy Hồ Thế Vĩnh giảng bằng một sự say mê, Thầy đã hết sức cố gắng dùng ngôn ngữ âm thanh của mình để đọc diễn cảm và nhất là cụm từ: “êm như giấc mộng”.

Các bạn lớp 7/6 Nguyễn Hoàng của tôi, có còn nhớ một buổi chiều, giờ Quốc Văn ấy trong ngôi trường mái tôn, bao che bằng ván và cót ép đơn sơ ở trại 5 Non nước không?

Rồi khi học tới lớp 8 và lớp 9 thì “đề tài ghen” đã hình thành trong các bài giảng môn Quốc Văn.

Trong bài Cổ Văn năm học lớp 8, chúng tôi được thầy Trần Văn Lữ giảng khi vẫn còn ở trại 5 . Đó là bài “Miếu vợ chàng Trương”.

Xin tóm tắt một chút cho ai lỡ quên câu chuyện trong bài thơ này: Chàng Trương Sinh có vợ là Vũ Thị Thiết. Khi anh ta đi lính, vợ đã có thai, ở nhà sanh và nuôi con, những đêm tối xa chồng, nàng Vũ Thị hay chỉ vào chiếc bóng của mình trên tường đùa với con rằng “cha của con kìa”. Mãn hạn thời gian đi lính, Trương Sinh về bế con , người vợ giới thiệu với đứa bé: cha con đó. Không ngờ theo thói quen, đứa bé lắc đầu nói: “không phải! cha tôi tối mới đến.”

Thế là cơn “ghen” trào lên trong lòng Trương Sinh, mặc cho nàng Vũ Thị giải thích, Trương vẫn cố chấp, không tin. Vũ Thị ra sông tự trầm.

Tối hôm đó, khi xác vợ còn tìm chưa ra, chàng Trương bế con đứng trước ngọn đèn, đứa bé thấy bóng người in lên tường nhà, lại la lên: Cha tôi về đây nè!

Bấy giờ Trương mới hiểu nỗi oan khuất của vợ!

Vì ghen, Trương mất đi một người vợ chung thủy.

Thầy Lữ đã diễn giảng bài thơ ấy và nói với chúng tôi vể sự nghi ngờ và cái ghen của người đàn ông.

Tiếp tục với chương trình Quốc văn lớp 9, khi chúng ta chưa kịp học về truyện Kiều thì chiến tranh: nền giáo dục miền Nam sụp đổ, nhưng cũng có nhiều bạn đã kịp biết thêm một nhân vật nữ nổi tiếng về ghen: Hoạn Thư.

Với Hoạn Thư có nhiều người bình phẩm cơn ghen của nàng. Nhưng tôi vẫn nghĩ đó là cơn ghen khôn ngoan của một người có giáo dục được sinh ra trong một gia đình quyền quý. Chỉ có người trong cuộc như Thúy Kiều và Thúc Sinh mới thấm thía “đòn ghen” rất “cao tay” của Hoạn Thư, những đòn ghen ấy, tuyệt nhiên không có một chút bạo lực.

Nhưng nhắc đến Ghen trong thơ văn tiểu thuyết mà không nhớ bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính (NB) thì thật là một thiếu sót. Ở bài thơ đó, Nguyễn Bính đã “Ghen một cách tuyệt đối” và thể hiện sự “chiếm hữu” người yêu trên các mặt tư tưởng, tình cảm và các hoạt động hàng ngày. Toàn bài thơ tác giả dùng cụm từ “Tôi muốn” và “Đừng” như một mệnh lệnh cho người mình yêu, như muốn thể hiện “quyền sở hữu” duy nhất của riêng mình.

Đọc “Ghen” của Nguyễn Bính giống như đang coi bảng “liệt kê” một loạt hành động “được và không được” của người con gái trước một chàng trai mắc chứng ghen rất lạ lùng.

Xin trích một câu mà nhiều người đọc cho rằng cơn ghen đã đến đỉnh điểm:

“Đừng tắm chiều nay, bể lắm người”

Và đây là câu cuối của bài thơ, là sự khát khao chiếm hữu:

“Cô là tất cả của riêng tôi.”

Như vậy trong văn học chúng ta đã biết người đàn ông và người phụ nữ ghen như thế nào rồi. Những cơn ghen đã “giết chết” tình cảm vốn có của người yêu nhau.

Nhiều người bạn của tôi bị “cơn ghen hành hạ” nên không thể có mặt gặp lại bạn bè sau nhiều năm xa cách. Ghen thể hiện sự ham muốn “chiếm hữu” và rất ích kỷ, người ghen thường đa nghi vì sợ “quyền sở hữu” của mình bị mất.

Ghen gần như hiện diện trong những người đang yêu và có nhiều cấp độ thể hiện: chia tay-buồn chán-tuyệt vọng, căm hận- thù hằn; đập phá-bạo lực. Tùy vào “sự hiểu biết” hoặc sự tác động bên ngoài mà cơn ghen có thể xảy ra theo từng cấp độ: nhẹ nhàng hiểu biết hay sân si hung hãn…

***

Trở lại câu chuyện về thăm quê trong lần hội trường.

Có một bữa, tôi được đi thăm lại dòng sông đào đã “chết”. Cái chết của con sông này được hiểu là dòng chảy của nó đã bị con người chặn lại, nước không còn được lưu thông, chỉ đứng yên lững lờ tại chỗ.

Con sông ấy vốn là một công trình thủy lợi và giao thông nổi tiếng được khởi công dưới triều vua Minh Mạng. Hôm tôi về, lục bình phủ đầy mặt sông không buồn trôi.

Con sông ấy từng là kỷ niệm sống của bao nhiêu người xa xứ, nay trở về họ cảm thấy một sự hụt hẫng trong tiềm thức.

Tôi đã ghi lại tâm trạng và cảm xúc đó, khi chuẩn bị đặt nhan đề, tôi sực nhớ ông Trịnh Công Sơn (TCS) có một bài hát mang tên: “Có một dòng sông đã qua đời”, tôi liền nghe và tìm hiểu về bản nhạc này.

Và thật bất ngờ khi nhận ra nguồn gốc tên bài hát mà ông TCS đã đặt: khi thấy người tình cũ (nguyên văn của nhạc sĩ kể là “người tình cũ”) đi với người yêu qua một cây cầu và ông đã cảm thấy sự mất mát quá lớn. Bóng người tình in xuống dòng sông khiến ông cảm thấy mất cả dòng sông. Trong tình yêu của ông hiện ra một “sự sở hữu” to lớn đến nỗi khi mất tình yêu, ông đánh mất luôn những gì ghi dấu hình ảnh người tình xưa. “Cơn ghen” của ông đã thể hiện ở cấp độ thấp: mất mát, buồn bã, tuyệt vọng…và không chỉ xóa bỏ hình ảnh “người ấy” mà còn xóa đi những gì dính líu đến “người ấy” nữa.

Nghe nói rằng: người con gái đó chính là Dao Ánh và người đàn ông đi bên cạnh chính là chồng của chị.

Nhưng vẫn chưa hết với người nhạc sĩ tài hoa này.

Ông còn có một bản nhạc viết từ “cơn ghen” thứ hai: đó là bài “Nguyệt ca”.

Với bài hát này thì tôi cũng lầm thực sự.

Những ngày còn trẻ đi làm, công ty tôi có một cô gái mới chuyển về làm việc, chi đoàn thanh niên sau đó giao lưu làm quen, người bạn tên Nguyệt, lần ấy tôi hát tặng bạn bài “Nguyệt ca”. Khi nghe bài hát, bạn ấy rất thích, về kể lại cho bồ của mình. Anh chàng này tìm tôi hỏi bản nhạc để hát cho người yêu của mình nghe.

Hát “Nguyệt ca” cho một người tên Nguyệt, thật ý nghĩa! Nhất là khi đó chính là người yêu của mình.

Vậy mà, khi tìm hiểu mới biết bản nhạc này ra đời không phải vì tình yêu mà là một cơn “ghen” của ông nhạc sĩ.

Câu chuyện nhắc tên người nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Minh Nguyệt, cô là một trong những hoa khôi, được mệnh danh là “người đẹp Đập Đá” gần thôn Vĩ Dạ. Dạo ấy, rất nhiều chàng trai theo đuổi cô, trong đó có Trịnh Công Sơn, và trong một lần nói chuyện với ông, chị Nguyệt buột miệng buông lời khen một chàng trai nào đó đẹp trai “vì anh ấy lai Tây”. Cứ tưởng là một câu chuyện vô tình rất nhỏ. Nhưng với Trịnh Công sơn là một sự xúc phạm, cơn “ghen” nổi lên. Tất cả tình yêu thương dành cho cô gái ấy trở nên nhạt nhòa và chấm dứt. Trịnh xem chuyện anh yêu Nguyệt “như phút đó tình cờ”.

TCS chia “ Nguyệt Ca” làm hai phân khúc: Phân khúc 1: Từ khi Em là Nguyệt và Phân khúc 2: Từ Em thôi là Nguyệt.

Để rạch ròi hai trạng thái tình cảm trái ngược, lần lượt xuất hiện trong tâm hồn người nhạc sĩ này.

Có lẽ ông TCS đã từng đọc bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính. Tôi còn đoán ông đã thuộc làu, vì cái cách ông suy nghĩ về người con gái trong hai bản nhạc ông sáng tác có bóng dáng “cái ghen khắt khe” của Nguyễn Bính quá nhiều.

Cái ghen của NB và TCS là cái ghen của người đa cảm, lãng mạn. Nó là những cơn ghen nhỏ nhặt, vu vơ, nhiều khi còn vô cớ và thậm chí là “vô duyên”.

Thế nhưng, Trịnh Công Sơn khác với nhiều người đàn ông đang “ghen” khác là ý nghĩ của ông không xen lẫn một chút gì của bạo lực. Cái thiện tính được xây dựng vững chắc bằng lý trí và tôn giáo trong người ông lớn quá, nó chế ngự bản năng gốc của con người, nên các bản nhạc “ghen tuông rất kín đáo” của ông trở nên hay ho và bay bổng.

Ca từ và nhịp điệu của bài hát chầm chậm khiến ta có một cảm giác thong thả thư thái, Vậy nên khi nghe các bài hát này không thể nào hình dung ra tâm trạng của tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời của nó.

Cũng có thể coi việc bị “phản bội” trong tình yêu như một chất liệu làm cho tâm hồn người nhạc sĩ này thăng hoa trong sáng tác.

Đến giờ, nhiều người vẫn chưa biết câu chuyện này, kể cả người bạn tên Nguyệt của tôi ngày xưa. Thỉnh thoảng gặp nhau tụ tập những người trong cơ quan cũ, Nguyệt vẫn hồn nhiên muốn nghe lại bài hát mang tên mình như ngày đầu gặp gỡ.

****

Khi tôi viết những dòng chữ này, thì thông tin Hội trường Nguyễn Hoàng lần thứ 8 năm 2024 nghe đâu đang được “xới lên” tại quê nhà .

Những người ở xa, mơ ngày về để được sống lại với “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Nhưng không phải giấc mơ của ai cũng trở thành hiện thực.

Tôi đã nghe được câu chuyện một người đàn anh vốn là người được học hành bài bản. Trước 1975, anh ấy là người thành đạt, nhưng sau này thì anh không còn như xưa, anh phải mưu sinh bằng nghề tay chân. Cuộc sống không lấy gì làm đầy đủ và nghề nghiệp cũng buồn tẻ nên anh ít có cơ hội tiếp xúc bạn bè. Khi nghe hội trường, bạn bè và anh em gọi điện nhắn tin, huynh ấy vui vẻ hẳn lên, anh chuẩn bị hành trang trở về gặp bạn cũ người xưa thì chị vợ tỏ ra khó chịu, chị không muốn anh “hẹn hò” với bạn bè thuở trước. Anh lặng trầm mấy ngày, rồi sau đó anh đành bỏ vé, bỏ chuyến đi, ở nhà với vợ.

Nhưng không may, hơn một năm sau cơn đột quỵ đã lấy sinh mạng của anh. Đám tang trong mùa dịch, càng thấy thân phận cô quạnh của anh khi sống cũng như lúc chết. Thế hệ đàn em chúng tôi cảm động rưng rưng khi nghe ai đó cất tiếng hát trong ngày anh rời dương thế: “những hẹn hò từ đây khép lại…”

Vâng, giá như lần trước chị ấy vui vẻ cho anh về gặp lại những “người xưa” thì bây giờ nhắm mắt anh không lỡ hẹn với bạn bè, với những người anh quen trước khi biết chị. Tôi đã từng làm học trò thuở ấy với những buổi tan trường, tôi biết phần lớn ai cũng có một bóng dáng “ngày xưa Hoàng Thị” chứ không phải riêng ông Phạm Thiên Thư .

Không biết bây giờ chị ấy có nghĩ gì không, còn tôi thì quá thương cho anh.

Trên trang Đồng Môn Nguyễn Hoàng, cứ ít ngày lại có những cái tên tương tự như tên anh bên cạnh một lẵng hoa và hai chữ: “Tin buồn”.

Những cái tên như tập tin sẽ biến mất khỏi thư mục.

Cứ thế, mỗi lần hội trường số lượng học sinh NH trở về càng ít lại.

Các thành viên của trường NH hôm nay được ví như một cây thư mục đã từ lâu không phát sinh thêm một tập tin nào cả, những tập tin hiện hữu đang dần bị xóa tên theo thời gian.

Cho đến một ngày thư mục gốc Nguyễn Hoàng chỉ là một tập hợp rỗng.

Rồi sẽ đến cái ngày định mệnh đó, vì trường chúng ta mất tên gần 50 chục năm rồi.

Bất chợt, tôi nhớ một bài hát mà người nhạc sĩ của những “bài không tên” sáng tác vào ngày ông không còn trẻ, ngày mà ông đã bất lực trước thời gian.

“Ngày mai rồi mình cũng già

Không thể nào níu lại nữa…”

Vâng ! Có thể hôm nay tôi đã già rồi , không phải chờ đến ngày mai.

Vì ngày hôm nay tôi hay quên chuyện hiện tại mà cứ nhớ đau đáu ngày hôm qua và lan man những hồi ức.

Hồi ức ấy tôi vội viết lại để hy vọng ngày hội NH lần thứ 8 sẽ không còn có người trở ngại vì những cái ghen vu vơ.

Để hy vọng sẽ không còn những CHS NH không về được vì cái lý do rất “kỳ” như nhiều người bạn của tôi đã khép lại lời hẹn ước.

FB. Khang Ho – Trang Đồng môn Nguyễn Hoàng

No comments: