Wednesday, October 18, 2023

MỘT KỶ NIỆM VỚI CÔ CS. THANH THÚY & CHÚ ÔN VĂN TÀI (TRIỀU PHONG)

 

Một kỷ niệm với cô ca sĩ Thanh Thúy và chú Ôn Văn Tài

... Viết lại kỷ niệm này như một nén hương lòng kính gửi đến chú và xin nguyện Hương Linh chú sớm về cõi Phật!



Danh ca Thanh Thúy (nhacxua.net)

 

 


Đại Úy Ôn Văn Tài, Phi Đoàn 518, Đà Nẳng 1964,  (Ảnh: Joe Reynes)     

Một buổi trưa hè nắng gắt năm 1998, tại Niệm Phật Đường ở Kalayaan Village, Pasay City; một thành phố ngoại ô bên ngoài thủ đô Manila, Philippines, trong khi bọn tôi đang ngồi chơi dưới nhà thì Trịnh Hội chợt chạy xuống, mời hết mọi người lên lầu, vào văn phòng nói chuyện. Chúng tôi, kẻ ngồi người đứng chen chúc và dù máy lạnh chạy hết công suất vẫn không đuổi nổi được cái nóng của xứ nhiệt đới này. Hội lên tiếng:

-OK, hai ngày nữa có cô ca sĩ Thanh Thuý sẽ sang đây thăm bà con mình với phu quân là chú Ôn Văn Tài cùng người em gái là ca sĩ Thanh Châu.  Ngày đó em lại có cuộc họp với bà lo về di trú ở Tòa Đại Sứ Canada nên em nhờ mấy anh đi đón họ giùm em. Trong anh em mình có ai biết cô Thanh Thuý không?

Mọi người reo vui và phấn khởi trước tin “giật gân” ấy! Tôi nhanh nhẩu trả lời ngay:

-Anh biết!

-Sao anh biết hay vậy? Hội vặn lại.

-Thấy cổ hát hoài trên tivihồi nhỏ mà!

Trịnh Hội liếc xéo tôi một cái rồi “xì” một tiếng dài:

-Người ta hỏi biết là có nghĩa đã có gặp ngoài đời bao giờ chưa kìa ông ơi, chứ thấy trên tivi thì ai mà không thấy. Em cũng thấy vậy, nhưng đâu có biết đâu!

-Nếu thế thì em phải hỏi là có ai gặp cổ bao giờ chưa mới đúng. Chứ cỡ anh thì làm sao gặp được cô ấy chớ?

-Bởi vậy em mới hỏi có ai biết tức là có ai gặp ngoài đời chưa chứ bộ?

Vậy là hai anh em lại “cãi” nhau. Thú thật là trong thời gian Trịnh Hội ở Phi giúp đồng bào đi tị nạn thì hình như chỉ có mỗi mình tôi là hay “gây lộn” với Hội. Có lẽ hai đứa tôi khắc khẩu hay “kỵ rơ” chi mà mười lần xáp lại thì sẽ có một lần tranh cãi. Chúng tôi cãi nhau đến độ mà có một lần Trịnh Hội tức quá la lên:

-Thôi nói tiếng Anh đi, tiếng Việt của em “so” bệnh! Vì lúc ấy tiếng Việt của Hội còn yếu chứ chưa khá như bây giờ.

-Tiếng Anh của anh cũng “so” bệnh vậy!

Có lẽ nhờ bất đồng ngôn ngữ như thế mà hai anh em chúng tôi chẳng thể gây gổ nhau lâu. Sau màn “cự nự” ấy rồi, chúng tôi lại phải tiếp tục bàn bạc để lo đi đón cô vào hai ngày tới và sắp xếp chương trình sinh hoạt cho gia đình cô trong chuyến viếng thăm này vì hiện giờ Hội vừa là luật sư vừa là “chủ chùa”, bởi Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo đã đi Mỹ định cư chừng khoảng vài tháng nay rồi!

Theo giờ giấc được cho biết, chuyến bay đưa cô Thanh Thúy sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Aquino khoảng 10 giờ trưa nên 8 giờ sáng là chúng tôi đã ra khỏi Niệm Phật Đường. Dù “chùa” cách sân bay không bao xa như những nơi khác trên thế giới nhưng thủ đô Manila cũng là một thành phố đang gặp nạn kẹt xe kinh khủng vào “peak time”. Bọn tôi phải đi sớm cho khỏi “lỡ chuyến đò!”

Hôm đi đón có anh Trần Tiến Nam, Khánh với mấy anh em sống quanh Niệm Phật Đường khác và tôi. Vì không có nhiều tiền nên chúng tôi không thể đi taxi mà phải đón xe “Jeepney” ra tới Rotonda gần chợ Baclaran cũng thuộc thành phố Pasay, Metro-Manila; nơi có tuyến xe lửa LRT (Light Rail Transit) chạy từ trạm đầu tiên ở đây về tới trạm cuối cùng ở Legaspi, một phương tiện giao thông rất phổ biến, hữu ích và tiện lợi của dân lao động nghèo!

Rotonda là giao điểm ra vô Manila nên có nhiều đường bộ để đi tới các đảo khác. Khi đến nơi, chúng tôi xuống xe và len lỏi vào dòng người tất tả ngược xuôi lên xuống trong cảnh hỗn độn, nóng hầm hập do nắng đã lên cao. Đi bộ dưới đường xe lửa chừng mười phút, mồ hôi vã ra ướt cả lưng áo thì anh em chúng tôi vào gần tới khu ổ chuột nghèo nàn trong chợ; nơi đây đã có sẵn mấy chiếc xe “đạp ôm” đang đứng đợi khách. Họ đon đả mời mọc bằng cung cách của người dân nghèo nhưng rất thân tình ở thủ đô và mừng rỡ khi được chúng tôi gọi chở ra phi trường.

Đây là phương tiện mà dân lao động nghĩ ra bằng cách đóng thêm cái thùng nho nhỏ có mui, gắn dính bên cạnh xe đạp và có thể chở được hai người một lúc với giá rất “bèo,” chỉ bốn “pesos” thôi vì nhờ sống và đi bán “Bà Ba Ngố” ở Manila khá lâu nên chúng tôi biết được cách đi vừa rẻ, vừa tiện lợi lại đỡ tốn thời gian này!

Nhưng “người tính không bằng trời tính” nên hôm ấy dù đi xe đạp lôi chúng tôi cũng đến hơi chậm vì tất cả những hẻm nhỏ cũng bị “kẹt xe.” Tôi nhớ thời ấy, “Arrivals” của Phi trường Aquino có cả trên lầu và dưới đất và vì tới muộn một tí nên chúng tôi thấy đã đông nghẹt du khách ở khắp sân bay rồi.

Lúc này cell phone còn là một phương tiện đắt đỏ và chỉ dành cho các người lắm tiền nhiều của chứ bọn tị nạn chúng tôi làm gì có khả năng sắm dễ dàng như hôm nay. Sau chừng mười phút chúng tôi tìm mãi khắp nơi vẫn không thấy cô Thanh Thúy đâu mặc dù chuyến bay của cô đã tới, cuối cùng anh Nam nói tôi và Khánh lên lầu xem thử. Và thật là may mắn hai anh em tôi đã nhận ra cô ngay vì cô giống y như trong các băng dĩa ca nhạc mà chúng tôi vẫn thường xem. Vừa mới tiến đến sát sau lưng cô, bọn tôi bất ngờ nghe cô than vãn:

-Trời ơi, mấy người này kỳ ghê nha. Hứa đón rồi mà bây giờ không thấy ai cả thì biết đường đâu mà đi đây?

-Dạ, dạ… tụi con đây cô.

Cô quay phắt người lại, nhoẻn miệng cười. Nụ cười của cô thật “dễ thương” mà tôi tin chắc rằng nếu ai lần đầu diện kiến nụ cười đó cũng đều xiêu lòng vì nụ cười ấy rất thân thiện, dễ chiếm được cảm tình của người đối diện. Như để chữa thẹn vì vừa bị bắt gặp đã nói xấu chúng tôi, cô giả lả:

-Trời ơi, mới nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới liền!

Người đàn ông đứng cạnh cô cũng xoay người lại và chìa tay bắt tay từng người một. Tôi đoán chừng người đàn ông lịch thiệp này là phu quân của cô, là tài tử đẹp trai, lừng danh trong phim “Bão Tình” mà tôi đã xem hồi nhỏ. Quả nhiên không ngoài suy nghĩ của chúng tôi, đó là chú Ôn Văn Tài; người đàn ông may mắn là bạn đời của cô Thanh Thuý, một thời cũng đã làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí miền Nam trước năm 1975 khi cô lên xe hoa cùng ông.

-Mấy đứa tới cô mừng quá sá, khỏi lo không biết đường đi nữa. Đâu Trịnh Hội đâu?

-Dạ, Hội bận họp trong Tòa đại sứ Canada nên kêu tụi con đi đón cô. Khánh trả lời.

-Tội hông!

Vừa nói cô vừa vỗ nhẹ vai tôi, cử chỉ thân tình của cô làm tôi có cảm giác như chúng tôi đã biết nhau lâu rồi. Giọng nói hiền hòa trầm ấm đúng như “tiếng hát liêu trai” mà người ta từng nói và tính cách bình dân của cô khiến cô rất dễ gần gũi.

Sau đó cô chú dẫn hai đứa tôi xuống dưới lầu, nơi có cô em đang đợi. Tại đây chúng tôi thấy đã có mặt anh Nam và các anh em khác đang đứng trò chuyện huyên thuyên với cô Thanh Châu tự lúc nào. Mọi người lục tục kéo nhau ra ngoài đón taxi về khách sạn Hyatt, nơi gia đình cô đặt phòng để cất hành lý rồi vào Niệm Phật Đường.

Trong lúc anh Nam đi trước trò chuyện rôm rả với cô chú thì phía sau bọn tôi chia nhau xách vali khách. Ba bốn thằng loay hoay mãi không biết làm thế nào để lôi tay kéo lên nên cuối cùng chúng tôi đành khệ nệ vác chúng lên vai. Tôi nhỏ con, ốm yếu nên được giao cái vali nhỏ nhất. Chúng tôi è cổ ra khiêng trước bao ánh mắt tò mò của du khách và dân bản địa qua lại.

Đi khoảng được chừng vài thước, cô Thanh Thuý bỗng quay lại thấy bọn tôi đang còng lưng vác mấy cái vali nặng trĩu xa xa đàng sau, cô la lớn.

-Ôi thôi chết, để xuống tụi con. Để vali xuống đất mau.

Đoạn cô chú lật đật quay lại, chú Tài phụ hạ cái vali to nặng mà Khánh đang mang trên vai xuống. Cô Thanh Thuý nhìn tôi xuýt xoa:

-Nặng lắm không con? Tội nghiệp mấy đứa chưa? Cô chú xin lỗi quên chỉ mấy đứa… Nè, mình làm vầy nè con. Dễ lắm!

Nói xong cô ấn nút lôi cần kéo tay lên cao và nhẹ nhàng kéo nó đi trước những ánh mắt nhìn vừa thán phục vừa mắc cỡ bởi sự quê mùa của bọn tôi. Không ai nói ra nhưng trong bụng có lẽ chị em cô và chú Tài thầm thương hại chúng tôi, những người bị kẹt trên “hoang đảo” quá lâu nên không bắt kịp đà tiến triển văn minh của nhân loại!

Chúng tôi thuê hai taxi, một chiếc bảy chỗ và một chiếc bốn chỗ, vừa đủ cho mọi người với hành lý. Tôi và anh Nam đi chung xe với gia đình cô. Trên đường đi vào Makati, ngắm nhà cửa cao ngất ngưởng, xe cộ chạy nườm nượp không thua gì ở New York, là khu sang trọng nhất tại Manila, chú Tài chắt lưỡi:

-Không ngờ Phi bây giờ cũng tiến bộ và đẹp như thế này. Nhớ hồi hơn hai mươi năm trước khi chú sang đây, Phi nghèo và thua xa Việt Nam mình.

Ấy là điều mà tôi được nghe nói hầu hết từ những người lớn, thế mới biết “làm lãnh đạo mà lãnh đạo quốc gia bằng một đường lối sai lầm không những chỉ hại cả một dân tộc mà đôi khi còn đưa đất nước đó đến chỗ diệt vong nữa!”

Lúc xe dừng trước khách sạn, mọi người lần lượt leo xuống thì đã có nhân viên phục vụ vồn vã chạy ra chào hỏi và mang theo cả xe đẩy hành lý. Rồi trong khi gia đình cô Thanh Thuý làm thủ tục lấy phòng tại quầy tiếp tân thì bọn tôi tò mò đi tới đi lui ngắm nghía mọi thứ. Tất cả đều to lớn, đẹp đẽ, sạch sẽ, bóng loáng và lạ lẫm với tôi. Bấy giờ tôi như kẻ nhà quê ở “Chắc Cà Đao” mới ra tỉnh dẫu rằng thuở nhỏ tôi cũng đã từng đi học nhiều năm tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Français) ở Sài Gòn!

Khi đi ngang mấy cây cột to cao được “ốp” kiếng bốn mặt vừa dùng để đỡ trần nhà và vừa làm vật trang trí, tôi bỗng thấy một bóng người ốm o, đen đúa lướt qua khiến tôi giật mình. Tôi bước lùi trở lại, nhìn vào lần nữa và chợt bàng hoàng vì người ăn mặc lôi thôi lếch thếch vô cùng xấu xí đó không ai khác hơn mà chính là tôi.

Tần ngần trước tấm gương giây lát, tôi thẫn thờ bỏ đi lòng nghĩ ngợi mông lung “mình bây giờ dơ dáy đến thế sao? Bao nhiêu năm sống dưới chế độ cộng sản, cực khổ lăn lộn tìm đường ra đi rồi bị kẹt ở trại tị nạn, sống thiếu thốn suốt nhiều năm dài và thời gian đã bôi xóa mọi thứ khiến hôm nay mình đã tàn tạ như thế này. Vì sao nên nỗi? Tất cả cho tự do thôi! Tôi tự an ủi nhưng vẫn thấy đắng và không nén nổi tiếng thở dài!

 


Ảnh: Tác giả gửi

Sắp xếp mọi thứ xong xuôi, chúng tôi đi ăn trưa và về Niệm Phật Đường. Trong chánh điện nhỏ bé, chật chội kia, cô Thanh Thúy và chú Tài lạy Phật một cách thành kính đoạn sang thăm căn phòng luật sư bên cạnh. Ở đây, trên bàn làm việc có một cái desktop cũ do nhân viên BPSOS (Boat People SOS) mang qua từ Mỹ và rất nhiều folders đựng hồ sơ của đồng bào từ các đảo gửi về cùng giấy tờ bày bề bộn cả bàn.

Gần đó là cái vali to đựng áo quần vật dụng cá nhân của Trịnh Hội nằm hờ hững trên chiếc ghế nhỏ cạnh cái giường cá nhân bé xíu dưới cửa sổ ngó ra hành lang bên ngoài. Chị em cô Thanh Thuý và chú Tài có vẻ cảm động trước sự hy sinh từ bỏ tất cả mọi sự giàu sang sung sướng của một luật sư ở đất Úc để sang đây giúp đỡ người tị nạn của Trịnh Hội.

Chiều tới thì Hội và gia đình cô Thanh Thuý gặp nhau trong vui vẻ và thân thiện. Sau khi Hội đưa vợ chồng cô đi ăn cơm tối và trở về thì đồng bào đã lũ lượt kéo đến đông đúc với mong muốn gặp mặt cô Thanh Thuý; nữ danh ca lừng lẫy một thời của nền tân nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975!

Đêm đó, cô phát cho đồng bào những đĩa CD của cô mà cô đem theo từ bên Mỹ. Rồi tâm tình về cuộc đời đi hát sớm sủa của mình, về người mẹ thân thương bệnh hoạn nằm đợi cô đi hát về hằng đêm trong tiếng nấc nghẹn ngào của kỷ niệm đắng cay khiến mọi người bùi ngùi thương cảm. Đâu đó trong căn phòng tôi nghe văng vẳng vang lên những tiếng khóc sụt sùi của tình người đồng cảm, của sự hiếu thảo mà cô Thanh Thúy dành cho mẹ và tôi cũng nghèn nghẹn nhớ tới mẹ mình ở bên nhà đã bao năm rồi không gặp. Và sau cùng không muốn cho mọi người buồn hơn, cô Thanh Thuý chuyển cuộc trò chuyện sang ca hát và chương trình văn nghệ bỏ túi bắt đầu.

-Muốn nghe cô hát bài gì trước nè? Cô hỏi.

-“Nửa đêm ngoài phố!” Tôi lẹ làng yêu cầu ngay vì đây là bài ruột của ba tôi.

-Thằng này!

Cô cười hiền, quay qua cốc nhẹ vào đầu tôi đang ngồi phía sau và gương mặt rạng rỡ niềm vui vì có lẽ không ngờ ở tận nơi xa xôi này mà vẫn có những em nhỏ nhớ bài hát ruột của mình.

Cũng cần nói thêm cô Thanh Thuý là thần tượng của ba tôi! Hồi xưa, vài năm sau khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, có một lần tôi “trúng mánh,” mua được cái JVC (radio cassette) mới tinh của người ta từ Mỹ gửi về cho thân nhân ở quê nhà để “cứu đói” thì ba tôi bảo tôi thu riêng cho ông một cuộn cassette với tiếng hát của cô. Và mỗi khi đi đâu về hay vào những lúc mệt nhọc hoặc rảnh rỗi thì ông lại mang cuộn băng ra nghe nho nhỏ. Lúc đó mà nghe “nhạc Ngụy hay nhạc ủy mị” đều bị ghép tội nghe nhạc phản động, chưa giác ngộ cách mạng và có thể đi cải tạo như chơi chứ chẳng phải đùa đâu. Đó là lý do tôi cũng “mê” và thuộc làu làu các bản nhạc bất tử cô hát là vậy.

Sau khi cô Thanh Thuý hát những bản nhạc bất hủ do đồng bào yêu cầu như “Phố Đêm, Phiên Gác Đêm Xuân, Một Chuyến Bay Đêm…” thì đến lượt cô Thanh Châu ca liên tục bốn năm bài liền và được sự vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt của mọi người. Để đáp lễ, Trịnh Hội cũng trổ tài nghiệp dư của mình. Đứng giữa đám đông thuyền nhân ngồi vây quanh, Hội vừa hát bài “Trái tim tôi là bến” của nhạc sĩ đấu tranh Phan Văn Hưng vừa tự đệm guitar; cây đàn thùng anh mới mua ở chợ dạo gần đây mà anh rất thích vì cây đàn này có âm thanh thật tốt và điều quan trọng hơn nữa bởi đó là “tài sản” đầu đời mà anh mua bằng tháng lương đầu tiên của mình!

-Nó ca hay chứ chị. Cô Thanh Châu quay sang nói với chị mình.

-Giọng nó cũng truyền cảm đó Châu!

Những ngày kế tiếp, sau khi thăm viếng, tìm hiểu vì sao một số thuyền nhân “bỏ Làng Việt Nam” để chấp nhận đời sống mua bán “Bà Ba Ngố” cơ cực quanh vùng Manila thì gia đình cô quyết định xuống thăm các bà con BV; là những gia đình đi theo diện “con lai Mỹ” từng ở trại Bataan, Morong trước đây, nay bị chuyển xuống PFAC, Palawan, là trại của thuyền nhân và hiện họ sống lây lất ở Khu 4 chứ nhất định không chịu ra ngoài Làng.

Sau này, một số người BV lên Niệm Phật Đường để nhờ Trịnh Hội làm giấy tờ, họ kể rằng ngày ấy cô Thanh Thuý ngồi ngoài hè, đầu đội nón lá ôm mấy cụ già khóc hết nước mắt trước tình cảnh nghiệt ngã, bất hạnh của họ. Cô khóc cho số phận của những người Việt Nam kém may mắn vẫn còn vất vả sau bao năm tháng lặn lội tìm tự do. Lòng bao dung, sự hiền lành và bình dị của cô khiến những người có mặt lúc đó cũng khóc theo.

Riêng chú Tài thì cũng được được mấy chú bên binh chủng không quân của Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH chiếu cố tận tình, họ muốn đến để gặp người niên trưởng “hào hoa” của họ ngoài đời mà bao lâu nay họ chỉ nghe qua báo chí, truyền thông! Và để không phụ lòng trông đợi của mọi người, chúng tôi xin phép Cha Vũ Đảo cho chúng tôi mượn nhà thờ mà Cha đang cai quản một đêm để tổ chức buổi văn nghệ hội ngộ giữa cô Thanh Thúy và người lánh cư.

Chúng tôi làm một tấm băng rôn thật to chào mừng nữ danh ca và treo tít trên cao giữa mặt tiền của ngôi nhà thờ nổi tiếng, trong sự vui vẻ của Cha và niềm hân hoan trông đợi của mọi người. Càng về chiều thuyền nhân lũ lượt kéo về gần Phủ Malacanang càng đông. Khi màn đêm xuống thì sân nhà thờ đã đầy ắp người. Bằng lòng thành của người nghệ sĩ chân chính, bằng tấm chân tình mộc mạc, bình dị, những chia sẻ, an ủi đồng bào khốn khổ của cô đã khiến người ta bùi ngùi. Cô đã khóc khi “hát cho đồng bào tôi nghe” như lúc cô nức nở ngân nga “Đò Chiều” năm nào, làm các cô, các bà cũng sụt sùi rơi lệ. Buổi hát kết thúc thật khuya trong sự lưu luyến của mọi người!

Tôi không nhớ là gia đình cô lưu lại bao lâu trong chuyến thăm viếng này nhưng hôm trước khi về Mỹ thì cô có dắt tất cả anh em chúng tôi đi ăn tối ở nhà hàng Thái tại Manila. Cô thúc giục chúng tôi cứ tự do lựa món ăn mình thích lúc thấy bọn tôi lưỡng lự. Khi chúng tôi chọn các món ăn ít tiền, cô đứng ra lựa những món ngon đắt tiền cho bọn tôi. Cuối cùng đến phần cô thì cô lại kêu cho mình một dĩa rau muống xào tỏi! Thấy bọn tôi ngẩn ngơ cô chợt hiểu ra và vội vàng phân bua:

-Mấy đứa cứ ăn tự nhiên đừng ngại gì cả, bên Mỹ thì các món này cô chú ăn hoài nên chỉ thèm rau thôi. Dĩa rau muống xào tỏi ở đây lại rẻ hơn ở Mỹ nhiều nên cô muốn ăn thử coi họ xào có ngon như bên đó không chứ không có ý gì hết. Tụi con đừng hiểu lầm nghe!

Trò chuyện vui vẻ đến tận khuya rồi chúng tôi theo gia đình cô về lại khách sạn để cô chú thu xếp hành lý mai ra phi trường. Biệt ly nào cũng để lại nhiều ngậm ngùi! Đứng trong sảnh đường to lớn của khách sạn sang trọng, cuối cùng rồi cô cũng bịn rịn chia tay, ôm lấy từng đứa không nề hà bọn tôi nghèo hèn dơ dáy hay khét nắng và nghẹn ngào an ủi trước khi từ giã.

Cô là người tình cảm, dễ vỡ khiến chúng tôi cũng bồi hồi. Khi chúng tôi dợm bước chuẩn bị ra đón xe “về nhà,” cô Thanh Thúy vội vã móc bóp lấy hết tiền và cố lục thêm từ túi áo hay túi quần để coi có còn đồng nào nữa không đưa cho chúng tôi. Cô dúi tiền và tay anh em tôi cười cười nói:

-Mấy đứa cầm tiền này mua gạo ăn nghe. Cô giữ lại $5 phòng hờ thôi. Vô Mỹ là không lo gì nữa, chỉ “cà thẻ” xẹt xẹt là xong!

Ngày đó chúng tôi đâu biết “cà thẻ xẹt xẹt” mà cô nói đùa là gì? Tuy gia đình cô Thanh Thuý sang thăm người tị nạn ở Phi chỉ một lần nhưng lòng nhân đạo thương người, sự đơn giản bình dân và chân chất của cô đã để lại một hình ảnh đẹp bởi nhân cách lớn, một biểu tượng mẫu mực của người Mẹ Việt Nam trong mỗi chúng tôi mà nhiều năm sau này khi nói đến cô bọn tôi vẫn còn cảm mến.

Và trong các ngày ở đây, tôi để ý thấy chú Tài rất là thương cô Thanh Thúy. Chú chăm sóc, lo cho cô từng ly từng tí để cô rảnh rang thực hiện những mong muốn của mình. Có lẽ nhờ chú chu toàn mọi việc như vậy mà cô đã có nhiều thời gian hơn để đi “show” hay đi làm từ thiện, đi ủy lạo, giúp đỡ người hoạn nạn cũng nên.

Chú là “người tình tri kỷ,” là chỗ dựa chẳng những cho cô khi cô mỏi mệt mà còn là điểm tựa vững chắc cho cô về tinh thần nữa. Cả hai như là một đôi “song kiếm hợp bích” mà Trời đã ban cho. Hôm nay hạc vàng đã bay xa, để lại trong cô nỗi buồn và trống vắng mênh mông nhưng tôi tin rằng cô là người tinh thông quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” của Trời Đất và cũng là người con Phật quán chiếu được cái lý lẽ của sự vô thường, để cô sẽ thanh thản dần và bình an hơn trước kiếp người phù vân trong cõi tạm này!

 

Ohio, ngày 4 Tháng Tám 2023

Triều Phong

No comments: