Saturday, October 7, 2023

NHẠC SĨ VÕ TÁ HÂN (DƯ THỊ DIỄM BUỒN) & XUÂN NƠI ĐÂY (NS. VÕ TÁ HÂN/CA SĨ BẢO YẾN)

 


Thơ: Dư Thị Diễm Buồn 

Phổ nhạc: Võ Tá Hân 

Hòa âm: Quốc Dũng 

Ca sĩ: BảoYến. 

 

Trên cõi đời nhiêu khê nhiều hệ lụy nầy, vạn vật theo thời gian gần như đều đổi thay, từ tâm hồn đến hình dạng... Duy chắc chắn có một điều: Văn, thơ, nhạc... là đề tài muôn thuở không già, không xưa và không chết... trong lòng người mộ điệu.  

“...Chân thành cảm ơn nhạc sĩ Võ Tá Hân, nhạc sĩ hòa âm Quốc Dũng, ca sĩ Bảo Yến đã đưa tôi về những ngày Tết Nguyên Đán đầu tiên nơi xứ người. Vào năm 1980 ở Chicago. Xuân đến với nỗi buồn thương xao xác khắc khoải trong lòng của kẻ trốn chạy khỏi quê hương... chung quanh thì xa lạ trăm bề, ngoài trời đang bão tuyết... Nội tâm, ngoại cảnh đã khiến tôi quay quắt nhớ về xuân miền quê ngoại xa xôi nơi cố quốc mà viết nên bài “Xuân Nơi Đây”. DTDB 

XUÂN NƠI ĐÂY - Nhạc Võ Tá Hân - Thơ Dư Thị Diễm Buồn - Ca sĩ Bảo Yến


https://www.youtube.com/watch?v=DjAPDFdnQII

 

Nhạc sĩ  VÕ TÁ HÂN

 


Nhạc sĩ Võ Tá Hân sinh tại Huế năm 1948 và lớn lên ở Sài gòn. Trong khi học trung học tại trường Nguyễn Trãi (1960-67), ông cũng học thêm về guitar cổ điển với giáo sư Dương Thiệu Tước tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn (1962-67). Ông du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968, tốt nghiệp Cử nhân (1972) và Cao học (1973) tại Viện Đại Học Công Nghệ Massachusetts (MIT) với luận án tốt nghiệp về "Khu Chế Xuất và Việt Nam Sau Chiến Tranh". 

Ông làm việc về ngành Ngân hàng và Tài chính tại Montreal, Toronto (Canada), Manila (Philippines) và Singapore với Bank of Montreal, Singapore Finance, Union Bank of Switzerland.  Ông cũng đã giữ những chức vụ cao cấp trong ngành Bất Động Sản, Khách Sạn, Đầu tư, Tài chính, Công nghệ của tập đoàn Hong Leong ở Singapore. Về âm nhạc, ông tiếp tục theo học hòa âm, đối âm và phối khí tại Hoa Kỳ và cũng học thêm về piano, đàn tranh, đàn bầu.

Ông là Hội trưởng Hội guitar cổ điển ở Singapore (1983-2000), Hội Guitar Việt Mỹ (2017- ) tại Hoa kỳ,  đã trình diễn độc tấu guitar nhiều lần và làm giám khảo trong nhiều cuộc thi guitar quốc tế ở Singapore. Ông đã xuất bản hơn 100 soạn phẩm cho guitar cổ điển và piano, sáng tác hơn 700 ca khúc phổ thơ và phát hành trên 60 CD gồm các tình khúc, ca khúc Phật giáo, Trường ca, Thiền ca,v.v…

Ông hiện đã về hưu tại nam Cali từ 2010 sau khi sống và làm việc ở Singapore trong 30 năm.

 

CƠ DUYÊN NÀO

Tôi phổ nhạc thơ

Dư Thị Diễm Buồn

 

Hằng năm khi từ nam Cali về lại Singapore sau những chuyến thăm gia đình vào dịp hè, bao giờ tôi cũng luôn mang về những tạp chí, bản tin cộng đồng và sách báo tiếng Việt, trước hết là để đọc lai rai suốt năm vì cộng đồng người Việt ở đảo quốc Singapore vào thập niên 80-90 lúc ấy chỉ vỏn vẹn có hơn một chục gia đình.  Đọc báo tiếng Việt không những là để biết tin tức nhưng với tôi thì cũng là mong tìm những bài thơ để phổ nhạc vì lúc ấy tôi chỉ có trong tay 3 tập thơ của Minh Đức Hoài Trinh, Vi Khuê và Thanh Nam mà đã đọc nát ba tập thơ ấy!

Ngồi tại phi trường LA chờ máy bay về Singapore sau một chuyến nghỉ hè như thế, tôi chợt thấy trong một tập tin của cộng đồng người Việt vùng Đông Bắc Hoa kỳ, có một bài thơ mà tác giả mang một cái tên rất lạ là Dư Thị Diễm Buồn.

Bài thơ “Xuân Nơi Đây” ghi lại nỗi buồn của một người con xa xứ khi xuân về trên đất khách,  sao thích hợp với cái cảm xúc buồn man mác trong lòng khi ngồi trên máy bay mà thấy mình dần xa cái tổ ấm của đại gia đình ở nam Caliornia để vượt đại dương nửa vòng trái về lại Á châu.  Tôi viết xong bài nhạc trong chuyến bay ấy và sau đó “Xuân Nơi Đây” được giao cho ca sĩ Bảo Yến thâu hát rồi phát hành trong CD thứ 5 “Hạ Hoa” của tôi vào năm 1995.  Có người gửi tặng CD ấy cho một người bạn ở Luân đôn và thật là một sự bất ngờ mà đài BBC báo cho tôi biết là họ chọn bài “Xuân Nơi Đây” trong chương trình phát thanh về Việt Nam đúng vào giao thừa cuối năm ấy.  

Tôi còn nhớ mãi ngồi ở Singapore đêm giao thừa bên ly rượu độc ẩm, nghe tiếng hát của Bảo Yến chập chờn vọng lại từ chiếc radio sóng ngắn.  Tuy Singapore chỉ cách Việt Nam hơn một giờ đường bay nhưng sao thấy quê hương cách xa vời vợi mà lòng buồn vô hạn! Cái duyên của tôi đến với thơ Dư Thị Diễm Buồn là như thế!

Chị Diễm Buồn làm thơ như kể chuyện.  Lời thơ không rườm rà, không cao siêu, không cầu kỳ, thế nhưng những lời tâm sự giản dị ấy lại gợi lên những hình ảnh, màu sắc, hương vị và những kỷ niệm xa xưa, khiến người đọc rung động, bâng khuâng dường như chạm đến những cảm xúc nằm trong đáy lòng mình. 

 

Xuân nơi đây có tiếng lòng nức nở

Tiếng thở dài heo hắt nhớ thương

Có nỗi buồn của người xa xứ

Đón xuân về thổn thức bâng khuâng …

 

Sau “Xuân Nơi Đây” thì kế đến là bài “Màu Hoa Cài Áo” cũng một bài thơ mà tôi phổ nhạc và phát hành trong CD thứ 6, “Phượng Xa”, cùng năm 1995.   Bài hát này đến nay vẫn được hát vào mỗi dịp Vu Lan suốt hơn hai thập kỷ vừa qua. 

 

Con hỏi mẹ “Sao cài hoa màu trắng

Vào những ngày báo hiếu Lễ Vu Lan?

Sao không cài hoa hồng màu tươi thắm?

Mẹ khẽ nói “Mẹ không còn có Mẹ!”

 

Bài thơ bắt đầu với bốn giòng mộc mạc và giản dị mà lại gây nên một cảm xúc thật mạnh.  Điểm đặc biệt trong thơ của Diễm Buồn là thế đó và cũng chính cái đẹp không cầu kỳ đó đã gây cảm hứng cho những người viết nhạc như tôi.  Không là một người có tài về văn thơ để có thể diễn tả trên trang giấy với những lời hoa mỹ về cảm nghĩ của mình, hoặc có thể viết được những lời thơ bóng bẩy cho những bài nhạc của mình, tôi chỉ biết mượn những bài thơ mà mình có duyên tìm gặp để phổ nhạc mà thôi! 

Với bài “Con Đường Xưa Mưa Bay”

 

Một mình trong chiều vắng

Nhìn mưa lác đác bay

Thoang thoảng hương cây cỏ

Hương đất mẹ dâng đầy …

 

Không hiểu sao khi đọc bài thơ này thì tôi lại chợt nhớ đến con đường Nguyễn Du với hàng cây me bên cạnh Dinh Độc Lập dẫn đến trường Quốc Gia Âm Nhạc nơi mà tôi thường đến lớp học nhạc vào những buổi tối mỗi tuần suốt mấy năm dài … Và thế là một dòng nhạc lại đến ngay trong trí…

Thơ Diễm Buồn và cũng như những bài thơ của các thân hữu đã khiến tôi rung động mà phổ thành ca khúc, có lẽ tất cả nên được thưởng thức … thật chậm rãi, thật khoan thai, hay tốt hơn là ngồi nhẹ nhàng lắng nghe những dòng thơ qua tiếng nhạc, bên cạnh một tách trà, một ly rượu ngon,  để cho tất cả thấm sâu vào tâm trí mình... 

Những bài nhạc mà tôi đã phổ thơ Diễm Buồn chưa hề được các đại ca sĩ chiếu cố và cũng chưa xuất hiện trên những sân khấu hào nhoáng nóng bỏng của Paris By Night hay trung tâm Asia. Nhưng bao nhiêu năm qua vẫn tiếp tục lặng lẽ tồn tại. Mỗi mùa Vu Lan thì “Màu Hoa Cài Áo” vẫn khiến bao người con mất Mẹ thổn thức và “Xuân Nơi Đây” vẫn khiến bao con tim của những người con xa xứ ray rứt khi xuân về… “Con Đường Xưa Mưa Bay” muôn hình vạn trạng cảnh vật sinh động mà tạo hóa đã ban cho nhân thế trên trần gian. Tùy theo s thích và cảm nhận của mỗi người, khó lòng ai giống ai. Chị Dư Tị Diễm Buồn đã tâm sự: “Vùng Thủ Phủ California năm nay mưa nhiều lắm. Mấy tháng rồi cứ sáng mưa rơi, trưa sụt sùi, chiều đổ lệ... bầu trời u ám, ủ dột. Bài “Con Đường Xưa Mưa Bay” đã phổ nhạc mười mấy năm trước, nay anh Võ Tá Hân làm cái video clip với những hình ảnh đi sát ý nghĩa lời thơ, tô ý thơ thêm mượt mà quyện theo nhạc điệu linh động, giọng ca du dương trầm bổng thánh thoát trong tiếng mưa lác đác rơi trên sông, trên phố... trên con đường Nguyễn Du lá me bay, con đường tình sử Sài Gòn mật ngọt mà ngày xưa gần như mỗi chiều tôi đã đi qua... Ngày xưa, ôi những ngày xưa thân ái... đã nhẹ nhàng êm ả đi vào tâm hồn người thưởng thức và nhẹ vào hồn tôi...”.

Thế rồi mùa hè năm nay 2020, chị Dư Thị Diễm Buồn gởi tôi bài thơ, và bảo: “Tôi viết bài Chiếc Nón Sân Trương cũng mấy năm rồi, hôm nay gởi anh xem cho bớt căng thẳng trong cơn ác dịch khắp mọi nơi...”

 

“...Cảm ơn chiếc nón dễ thương

Để quên đám cỏ sân trường năm nao

Bỗng dưng trời đổ mưa ào...

Cho tôi giữ nón, hôm nào em quên...”

“....

Dừng chân quán cóc bên đường

Kìa ai quên nón sân trường ngày xưa!

Em ơi nói mấy cho vừa…

Cảm ơn chiếc nón đã đưa tôi về...”

Lời thơ thật dễ thương của tuổi học trò, đã gợi ý cho tôi viết nhạc phẩm “Chiếc Nón Sân Trường”.

Trong một góc nhỏ nào đó, thật yên lặng, vẫn còn có những tâm hồn đồng cảm, rung động với thơ Diễm Buồn và tôi tin rằng những dòng thơ phổ nhạc của Dư Thị Diễm Buồn sẽ còn vọng mãi về sau …

 

VÕ TÁ HÂN

Nam California, tháng 12, 2020

 

No comments: