Thursday, January 24, 2019

CÁI TẾT ĐẤN VỚI MỌI NGƯỜI (AN SƠN) & Thơ TÌNH XUÂN

CÁI TẾT ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI
                     
                                       Tản văn

            Đó là tên của một bài tập đọc trong sách Quốc văn giáo khoa thư  mà tôi đã học từ những ngày tóc còn để chởm . Dù hơn năm mươi năm trôi qua trong đời, mình đã đi qua nhiều lớp, nhiều trường , tâm hồn dung nạp cũng nhiều mà lãng quên cũng không ít, nhưng bài học tập đọc của lớp vỡ lòng thuở bé vẫn còn đọng mãi tận nội tâm . Nguyên đoạn văn ấn tượng ấy là:

“ Người giàu lấy tết làm vui tha hồ ăn sung mặc sướng, người nghèo lo sao cho đủ mâm cơm tất niên cúng ông bà, lo sao sắm được cho con bộ quần áo mới để ba ngày tết bằng chúng bạn ”.

Từ khi trưởng thành, cứ mỗi độ sắp tết thấy thiên hạ xôn xao thì tôi lại nhớ bài học cũ mà thương Cha Mẹ đến thắt lòng, nghĩ lại cuộc đời Cha Mẹ đi qua chiến tranh thiếu thốn đủ điều, số mái nhà Cha làm để ở tạm nhiều hơn số mặt con Cha có. Vậy thì bao nhiêu lần Cha Mẹ đã xốn xang trước tết !
 
            Thực vậy, cho dù thời đại nào thì cuộc đời vẫn luôn đan xen kẻ giàu, người nghèo, kẻ thiếu người đủ , biết rằng tính chất và ý nghĩa của ngày tết thì ai cũng cần.   Chính nhờ cái tết mà mọi người nhìn nhận và điều chỉnh mọi thu chi trong năm , tất toán nợ nầng để bắt đầu một kế hoạch mới cho năm mới, Tết cũng là dịp để chúng ta nghỉ ngơi, thăm hỏi nhau , người xa quê mạnh dạn vượt qua nỗi lo cơm áo để về thăm và hưởng tết phần nào tại quê nhà và trên hết là con cháu về thăm ông bà, cha mẹ. Nhưng để có được sự thong thả  bước vào tết thì còn không ít gia đình phải nhọc nhằn chạy vạy.

              Bản thân tôi đã đi qua cái tuổi tri thiên mệnh lâu rồi, nợ đã mòn, con đã lớn nhưng những ngày áp tết vẫn thấy có nỗi lo không tên, những băn khoăn không rõ ràng như một căn bệnh mãn tính..

           Nhớ hồi còn khổ, có lần dự tất niên nhà anh bạn, anh ta lập gia đình muộn , cưới vợ trẻ hơn mình đến mười tuổi , nhưng sinh bất phùng thời thế nào mà làm đâu trật đó, cuối cùng nấu rượu nuôi heo, làm mãi vẫn cứ thiếu, chiều cuối năm hỏi thăm chuyện làm ăn, sẵn men rượu và chút văn chương nửa mùa anh chơi luôn câu đối “ Cám hết,  gạo vơi, heo đòi thúc / Tuổi thêm, sức giảm, vợ tràn xuân ”, thiệt là cười ra nước mắt, bỡi vì ngoài chuồng gần hai mươi con heo lứa chưa đủ lớn để bán trong tết nên không có khoản dự trử,  tiền tháng chạp không có thì cám tháng giêng biết lấy đâu ra.
Nhưng thôi, chuyện công việc sẽ nhân cùng tắc biến, sợ cái khoản kia, không khéo, đồng sàng dị mộng thì khổ cả đời.
 
             Rồi còn anh bạn nữa, vợ chồng nuôi hai con học đại học ở Sài Gòn, quanh năm làm tối mặt, vay sau trả trước , đắp vá đủ kiểu để cho con có tiền ăn học , ra đường thấy đâu cũng có bà chủ nợ từ bao phân chai thuốc đến lít xăng, bận cày…vậy mà vẫn mừng vì con hơn cha, nghĩ đến tương lai con sẽ không còn khổ như đời mình mà quên đi mệt nhọc, tháng chạp đến vợ trông mau tới ngày con về để mừng và trút nhớ nhưng chồng thì lo ngay ngáy, làm sao trong ba ngày tết được thong thả thịt thà, bánh trái để con có dẫn bạn bè về nhà thì cũng nở mặt, rồi lo tiếp theo ăn tết xong lấy gì con mang đi để ăn sau tết… , thế là thầm mong cho tháng chạm qua chậm lại.

             Mà xem lại mình thì cũng chẳng hơn gì bạn, nghe tiếng xe lạ ngoài cổng thì trong lòng âu lo không biết  người ta đến đòi nợ hay trả nợ cuối năm cho mình bởi cái vòng xoáy làm ăn người nợ mình – mình nợ người không thoát ra được
            Bây giờ thì mặt bằng chung của cuộc sống được nâng lên khá nhiều, xã hội đã phát triển nhiều công nghệ  cho ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt và rẻ kể cả bông hoa chơi tết ( không nói đến mặt tiêu cực) miễn sao chúng ta có tiền, và nhìn chung người ta không còn thiếu cơm, thiếu áo như xưa, qui luật nước lên bèo lên, xóm làng khá giả thì cũng không ai để người nghèo trong làng rơi vào cùng cực ba ngày tết, nhìn rộng ra xã hội cũng có nhiều nhà từ thiện sẵn lòng từ tâm , miễn sao con người giữ được chữ TÍN.
 
            Hình ảnh cần cù ngày xưa của Mẹ trong những đêm cuối năm bên ngọn đèn dầu ngồi canh chảo rim mức vừa lửa cho khỏi thành kẹo thật là công phu, hình ảnh Cha chăm sóc chậu hoa, chăm sóc rò rau thật tốt cho kịp tết, rồi đến đêm ba mươi cả nhà ngồi quanh nồi bánh tét chờ giao thừa và còn nhiều công việc nhọc nhằn khác chứa đựng âu lo và thích thú nữa đã trở thành dĩ vãng, trở thành nỗi nhớ trong những ngày cuối năm như một nỗi hoài cổ.
 
             Chuyện thiếu, đủ, mừng, lo cho ngày tết trong cõi nhân sinh thì không bao giờ hết, nhưng cuộc đời thật khéo sắp xếp Có nghèo cũng ngày tết, có hết cũng ngày mùa, cho dù ở hoàn cảnh nào thì khi tiếng chuông giao thừa điểm là lúc  mọi tâm hồn đều được nâng lên và  hướng về TẾT


AN SƠN


                                        TÌNH XUÂN

Phải chi cái thuở hai mươi
Là thời tôi biết trên đời có em
Bây giờ bóng xế qua thềm
Nhìn nhau con mắt như thêm vương tình
Em đi bỏ lại khúc quanh
Tôi mang theo những cuộc tình phôi pha
'' Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ''
Trời Xuân con én đua vờn
Vườn Xuân nở đóa quỳnh hương khoe đời
Em xinh trong cõi thơ tôi
Ngoài kia hoàng hạc lả lơi bay về

AN SƠN

         

No comments: