Thursday, January 24, 2019

CHUYỆN TÌNH YÊU CỦA NỮ SĨ HUYỀN CHI


Tản mạn chuyện tình yêu của nữ thi sĩ Huyền Chi – Chuyện thứ nhất
 
Nữ thi sĩ Huyền Chi – tác giả bài thơ nhạc nổi tiếng Thuyền Viễn Xứ – năm nay đã 86 tuổi.  Bà là một “cư dân mạng” đích thực với nhiều bài viết hồi ký mang nhiều cảm xúc, kể lại trên facebook những câu chuyện của bà ngày trẻ. Qua những câu chuyện cá nhân đó của bà, người đọc sẽ cảm thấy rất thú vị khi nhìn thấy được đời sống sinh hoạt của những người Việt sống cách đây đã 60,70 năm.
Xin giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện “tình thi sĩ” rất nhẹ nhàng, trong sáng và đẹp đẽ của bà hồi gần 70 năm trước.

Hồi ấy 17 tuổi, mỗi sáng khoảng 5 giờ, tôi đi cũng mẹ theo xe chở hàng từ nhà ra chợ Bến Thành. Mẹ trông hàng ngoài xe, tôi vào trước, quét sạp, trông và bày hàng lên kệ. Sở dĩ phải làm việc này sớm như thế, vì sau đó tôi còn đi học. Bỗng một buổi sáng, khi đang lúi húi với đống hàng họ tôi thấy một cái bóng vụt qua, ném vô một miếng giấy góc tư. Trên đó viết:

– Ta tiếc cho mái tóc nàng đã để lại trong mỹ viện!

Tôi nhìn quanh không một bóng người. Tôi sờ lên mái tóc tôi: Đúng! Hôm qua tôi đã đi cắt mái tóc đen óng ả dài xoã ngang lưng thành tóc ngắn lại còn hơi quăn. Chẳng biết anh chàng nào có giọng điệu như một kiếm khách thời xưa thế không biết? Nhưng cũng không để ý nữa. Độ tháng sau, khi vào sạp hàng buổi sáng lại thấy một miếng giấy như thế được ném vào. Ồ! Đó là một bài thơ độ 12 câu. Tôi nghĩ: Viết cũng được đấy, và không định trả lời, mà có biết của ai đâu mà trả lời. Tôi kể chuyện này cho bà chị họ nghe. Bà ấy nói:

– Cậu này tên là M, học Taberd, theo cô ruột từ Bắc vào. Bà ấy cũng buôn bán trong chợ này.

Mỗi ngày tôi đều nhận được một bài thơ như thế. Không thấy phản ứng, tác giả lại còn ghi thêm: “N trả lời đi, rồi để ở dưới kệ, M đi qua sẽ lấy”. (chú thích: thi sĩ Huyền Chi tên thật là K.N). Tôi bắt đầu thấy trò chơi cũng thú vị. Viết thơ vốn là đam mê của tôi nên tôi cũng đáp trả bằng một bài thơ. Thơ qua, thơ lại, nói về quê hương, về ý thích, về gia đình, đôi khi cũng bóng gió một chút tình thơ ngây. Có lần, trong một bài thơ anh viết:

– Đêm canh sạp cho bà cô, thời tiết rất lạnh.

Tôi liền đặt người đan tặng một cái áo len. Cứ thế thơ qua, thơ lại kéo dài cả năm. Giọng thơ hai phía càng ngày càng thân mật hơn. Nhưng chỉ có thế, không gặp nhau, không nói chuyện trực tiếp, tôi không biết mặt anh, nhưng có lẽ anh biết mặt tôi. Bởi vì trong thơ thường thấy anh nhắc đến một cô gái nhỏ áo dài trắng, mà tôi lại thường mặc áo dài trắng ra chợ. Rồi một ngày kia tôi viết cho anh Bài Thơ Cuối Cùng. Thình lình anh ấy biến mất, tôi cũng không biết lý do. Tiếc thay những bài thơ hay của anh ấy, tôi cũng không giữ được bài nào.

Tôi đi lấy chồng ba năm sau. Chồng tôi có một người em lúc ấy học về kỹ thuật không quân ở Pháp. Chú ấy nhận được ảnh cưới của anh mình, bèn đem khoe với các bạn đồng khoá. Chú ấy ngạc nhiên vì có một người bạn sau khi xem ảnh, mắt bỗng nhoà lệ. Chú ấy theo hỏi, người bạn im lặng không giải thích lý do. Chú ấy viết cho chồng tôi vì sự thắc mắc ấy. Anh hỏi tôi, tôi kể.
Sáu mươi lăm năm sau. Tôi tiếp một người khách trẻ tại nhà. Qua vài câu chuyện, khách cho tôi xem mấy bài thơ, trong đó có những bài viết cho N hay HC. Cuối cùng khách hỏi:

– Cô nghĩ thế nào khi xem các bài thơ này?
– Hay lắm! Cháu làm phải không?
Cậu ấy nói không phải cháu mà là ba cháu.

Trước khi về Việt Nam ba cháu đã nhờ cháu bằng mọi cách thế nào cũng phải kiếm được cô, xem cô lúc này có khoẻ không, có còn sống không?

Tôi hỏi ông ấy tên gì? Cậu ấy nói, tôi nhớ ra ngay. Thật cảm động và bất ngờ! Ông ấy vẫn còn sống, ở Mỹ, 85 tuổi. Cậu ấy xin chụp vài tấm hình của tôi. Sau đó tôi liên lạc với ông ấy nhưng rất khó vì ông ấy không chơi facebook. Thơ ông tôi không còn nhớ được bài nào và cả thơ tôi cũng thế. Tôi viết nhiều và gửi lên mây lên gió, không mấy chú ý tới. Tôi hỏi, ông ấy vẫn còn nhớ hai bài của tôi. Một bài tôi viết khi đi Đà Lạt và một bài là Bài Thơ Cuối Cùng. Ông ấy sau đó vì tôi đã học vi tính và đánh máy cho tôi hai bài thơ này. Ông vẫn còn nhớ như in, trong khi tác giả đã quên rồi. Sau đó ông ấy than:

– Mất hai giờ đánh máy cho N, đau hết cả lưng.

Ông nói ông vẫn theo dõi thơ và văn tôi, và rất vui khi biết tôi viết không kém hồi ấy. Tôi viết chuyện này để cám ơn một mối Duyên-thơ rất chân tình và đáng kính trọng đã đi qua trong cuộc đời tôi.
 
TỪ ĐÀ LẠT

Thư này tôi viết một đêm
Lòng say men lạ nghe im mái ngoài
Giao thừa nở trắng ngàn mai
Nghe sầu dâng nhẹ u hoài mộng xuân
Cố nhân đâu hỡi cố nhân
Ngàn câu thơ lạnh quê Tần đêm nay
Lòng không có rượu mà say
Lời êm như thể bàn tay của người
Chao ôi tâm sự mồ côi
Viết ra trên một mái đồi thông reo
Lòng tôi quán chợ lưng chiều
Tâm tư ngâm mãi muôn điều thế nhân
Sầu cay trên vạn đường trần
Nghe hồn lạc giữa một lần đau thương
Chiều nay gió núi vương vương
Ô hay nói mãi dễ thường tôi điên
Mấy ngày thấy khổ triền miên
Tôi không vui được giữa miền này đâu
Năm năm là chuyện bể dâu
Phồn hoa lang bạt đổi màu sắt son
Kinh kỳ chân bé con con
Lòng cao thế sự, mắt mòn đường đi
Thơ sầu lạc nẻo tương tri
Chiều nay tôi nói những gì bạn ơi!
Đà Lạt, 1952
N.


BÀI THƠ CUỐI CÙNG

Người ơi rút vạn đường tơ
Lòng tôi còn mỗi bài thơ cuối cùng
Mà thôi, số kiếp long đong
Nợ tằm chưa dứt những dòng thơ xanh
Quên ư? Mà nhớ sao đành
Bơ vơ lòng lạc ý lành đổi trao
Ra gì một giấc chiêm bao
Thương ra miệng dại, nhớ vào mắt điên
Hồn đơn gửi gió trăm miền
Đêm đêm chép mãi một thiên hận tình
Lòng đau từ thuở đầu xanh
Nghìn năm vẫn biết không thành người ơi
Mím môi cho đến nghẹn lời
Nói không, thề đến suốt đời vẫn im
Biết rằng số kiếp vô duyên
Lòng chôn cấm địa tim miền lãng quên
Đêm qua mưa trắng một đêm
Chống tay ngồi ở trước thềm nhớ đâu
Ngày mai sương gió dãi dầu
Dăm ba năm nữa còn đâu hở trời!
Tôi đi nhận tất cả lời
Mà không dám nhớ một người ngày xưa.
Lòng tôi còn mỗi bài thơ
Dệt nên bằng vạn đường tơ cuối cùng.

1953


No comments: