Thursday, January 24, 2019

SỚ TÁO QUÂN (DIỆP THẾ HÙNG)



SỚ TÁO QUÂN
Tác giả: DIỆP THẾ HÙNG.

Bài sớ này đã được anh Phạm Ngọc Lân (Kyoto) đọc ở Cư Xá Minami Senri, Osaka, ngày 18/1/1975 nhân dịp lễ Tết Ât Mão do Hội Sinh Viên Việt Nam vùng Kansai tổ chức.
Chú thích:

1) Những tiếng thông dụng trong tiếng Nhật dùng trong bài thơ dưới đây:  "Bai Tồ": arubaito (part time job), "In-phờ-lê": Inflation, "Đê tô": date (hẹn hò với người yêu, tiếng Anh), "Cô-chà": trà đen.

2) Tên những người kể trong bài sớ là tên thật:  Mỹ (chết ở hồ tắm ở Kobe-dai), Trí, Long, Liên Bích, Việt-Sơn, Lân, Ngọc Thủy, Phan Phụng, Phan Phước, Từ Bi , Hữu Tín, Cụ Lý và bác Đan (Nguyễn Triệu Đan).

3) Sớ Táo Quân kể lại chuyện đã xảy ra trong năm 1974 ở vùng Osaka: chuyện vui, chuyện buồn, chuyện lớn, chuyện nhỏ. Các bạn sẽ thấy những gì tác giả viết dưới đây thời sinh viên vẫn có những điểm chung với những gì xảy ra ngày nay, nơi này và nơi khác, trong một cộng đồng sinh viên hay cựu sinh viên.


SỚ TÁO QUÂN

Tâu Thánh Thượng, thần là quan Táo
Từ Kansai lại đáo về đây
Xin trình mọi việc riêng tây
Của năm Con Cọp lên Ngài tường minh.
Thần không dám tự mình thêm bớt
Chuyện tào lao đùa cợt với Ngài
Bởi Thần ngày tháng không dài
Phải về hạ giới viết bài "luận văn".

Chuyện Năm Cọp nhọc nhằn không xiết
Mở đầu bằng cái việc can qua
Hải quân Trung Quốc tràn qua
Chiếm tiêu quần đảo Hoàng Sa mất  rồi !
Dân chúng thảy bồi hồi căm  tức
Vùng Kansai bức rức tâm can
Mọi người   đứng dậy thành hàng
Biểu tình phát cả mấy ngàn kháng thư.

Dù vất vả đứ đừ hôm ấy
Lòng mọi  người  cảm thấy lâng lâng
Nước non khi nước non cần
Mọi người đoàn kết không chần chờ chi.

Rồi lật bật đến kỳ thi cử
Học với hành dũa chữ mài văn
Có khi thức cả năm canh
Sợ gì khi tuổi còn xanh học trò.

Nghỉ xuân phải "Bai tồ" (1) chết bỏ,
"In-phờ-lê" (1) làm cỏ mọi người.
Không còn ngày nghỉ rong chơi,
"Đê-tồ"(1) mà chỉ dám xơi "cô-chà"(1).

Xuân lại đến mặn mà muôn sắc
Cùng với hoa mặt mặt tươi cười
Kansai mới đến một người
Công dung  vẹn đủ nhiều lời ngợi khen.
Thần cũng được lắm phen mời "đớp"
Rất phục tài làm bếp của nàng
Thần xin ghi một đôi hàng
Gọi là giới  thiệu bạn vàng gần xa.

Rồi  vội vả xuân qua hè đến
Gợi biết bao yêu mến năm nào.
Chợt tai  họa đến ào ào,
Fukui bạn Trí lửa vào nhà thăm.
Sách vở cháy, áo quần cũng cháy,
Thưa Ngọc Hoàng, Ngài thấy hay không ?
Bạn bè vội vả xung phong,
Kẻ nhiều người ít hết lòng ủi an.
Câu chuyện đã chưa tan buồn bả,
Vùng Kansai tất cả lại sầu,
Khóc thương anh Mỹ qua cầu,
Khóc thương anh Mỹ bỏ bầu bạn đi.
Trời đất rộng vội chi rời bỏ ?
Đường còn dài sao nở dừng chân ?
Trách Ông Trời đã bất nhân,
Trách Ông Trời lại một lần lầm to !

Tâu Thánh Thượng xin cho Thần kể
Chuyện mùa thu kẻo trể mất giờ,
Thần không dám để chần chờ,
Sợ lâu Ngài phải mệt phờ râu ra.
Đó là lễ của ba đại học
Từ Kobe lên dọc Kyoto
Xuống Himeji mấp mô,
Anh em sắp đặt quy mô chương trình.

Các cô đã tận tình nấu nướng
Bán phở, xôi, chè nóng, bánh chiên.
Đã gây được một số tiền
Gởi về quê giúp vài miền đau thương.
Thần xin kể tận tường công việc,
Triễn lãm về nước Việt mến yêu,
Bằng bao sản phẩm mỹ miều
Bằng bao nhiêu vẽ yêu kiều thướt tha.

Thôi Thần phải kể qua việc hội,
Kẻo hết giờ mang tội với Ngài.
Thần xin trước hết trình bày
Việc công rồi việc riêng tây mỗi người.
Ban Tài Chánh tơi bời tính toán
Tiền ra vô, mỗi món phân minh
Còn Ban Báo Chí hết mình
Đặc sang "Khởi Sáng" tâm tình Xuân, Thu.
Ban Học Tập rối bù tìm cách
Lo lập thành tủ sách Kansai
Anh Em có đọc lai rai
Anh Em có đọc dài dài khoái không?

Ban Văn Nghệ hết lòng tổ chức
Tiệc Tất  Niên năm trước năm nay,
Vẫn trông cậy một "Long" này,
Hát hò, đờn trống như ngày hôm qua.
Ban Thể Tháo vật tay, quần vợt,
Bóng bàn đơn, đôi, dợt tưng bừng
Còn nhiều việc dở  nửa chừng,
Chấp Hành ban mới chào mừng Anh Em.
"Lân" chủ tịch "hom hem" gân guốc,
đã già mà dám chuốc việc công.
Việc công là việc phải "gồng",
Gồng mình làm việc hết lòng nghe anh.
Phó chủ tịch họ Phan tên Phụng,
Làng Kansai vốn cũng lâu rồi.
Tổng "Liên Bích" hẵn là người
Hăng say làm việc cho đời biết tay.
Thần xin nhắc đến ngài Tổng Phó
Mọi người cần đã có "Việt Sơn"
Non cao hố rộng không sờn
Yêu người há phải thiệt hơn suy lường.
Thể Thao có đường đường Phan Phước,
Học Tập thì mười thước "Từ Bi"
Tiền nong "Ngọc Thủy" ai bì
Văn gừng văn nghệ ly kỳ vẫn "Long".
Ban Báo Chí long đong đệ nhất
"Hữu Tín" nào dám khất Anh Em.
Nhiều khi phải thức hằng đêm,
Làm tờ "Giao Cảm" êm êm đó mà !

Thần đã kể thông qua việc Hội
Chuyện quốc gia phải nói với Ngài.
Trước tiên là việc đổi dời
Năm nay cụ "Lý" đã rời Phù Tang
Tân Đại Sứ bác "Đan" vừa đến
Mọi người đều kính mến vô cùng
Việc nan lòng vẫn không chùng
Thế thời, thời thế, anh hùng tạo ra.

Quê hương vẫn can qua không dứt
Ngày lại ngày bức rức thương đau
Hoà bình mong đợi từ lâu
Chiến tranh rồi sẽ hết mau đó mà.
Dân chúng rất xót xa đói khổ
Dù Bắc Nam vẫn chỗ Anh Em
Chiến tranh sao cứ liên miên
Gióng nòi sao cứ đảo điên hoài hoài.

Còn lắm chuyện kể hoài không hết
Thần phải xin cáo biệt mà thôi
Thần xin uống chén ly bôi
Trở về hạ giới tô bồi giang san.

Vạn vạn tuế, Long Nhan vạn tuế,
Ban ơn cho trần thế an khang
Việt Nam trăm họ trăm hàng
Sống trong hạnh phúc xóm làng bình yên.

Đó là lời chót, thần xin
Ngọc Hoàng ban bố, Thần yên tâm về.
Vạn vạn tuế.

Diệp Thế Hùng (cuối năm 1974, Osaka).






No comments: