Áo gấm về làng
Trần Yên Hòa
Phải trở về quê một chuyến
xem thử chỗ ngồi bên gốc cây bàng trong khuôn viên chợ Quán Rườn nay có còn
không? Chắc còn, và chẳng có gì thay đổi. Bởi vì Hạo đã ngồi ở đó suốt 12 năm,
ngày ngày ngắm ông đi qua bà đi lại, mỗi khi có ai xe đạp bị hư, bể ruột, cong
niềng, trật ốc, dắt lại sửa thì anh mừng húm lên, bởi vì anh sẽ có được chút
tiền công mang về cho 3 đứa con đang đợi ở nhà.
Từ ngày ra khỏi trại tập
trung, Hạo trở về đây, ngồi dưới gốc cây bàng này, sửa xe đạp. Dù ai có nói ra
nói vào: “Cha Hạo đã một thời là thiếu tá, từng làm tiểu đoàn trưởng chỉ huy
lính đánh địch kinh hoàng, từng một thời có xe díp cần câu, có cận vệ chạy rần
trời, thế mà nay thất thế, 10 năm ở tù về, chả lại dám ngồi dưới gốc cây bàng
sửa xe, thằng cha khùng, làm mất mặt bầu cua sĩ quan”. Hạo nghĩ: “Có gì mà mất
mặt, đi ở tù, hốt phân tươi tưới rau, dòi bọ bò lổn ngổn, đi đốn gỗ, cuốc đất,
tăng gia rau xanh, làm “tà lọt” cho vệ binh, cho quản giáo, suốt 10 năm, mà chả
có lấy 1 xu tiền công, còn ăn đói nhịn khát, mặc rách. Bây giờ về, làm việc để
kiếm miếng cơm chứ có gì mà mắc cỡ”. Có người cho Hạo đã bị khùng nặng, ngơ ngơ
ngác ngác. Họ cho rằng, sau khi đi tù về, vợ đã đi theo người khác, Hạo phải
nuôi 3 đứa con, nên Hạo bị “mát dây” là chuyện bình thường. Hạo lại nghĩ khác.
Mình làm ăn lương thiện thôi, đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, có gì mà mặc cảm.
Bây giờ thì anh quyết định
trở về thăm quê, sau 5 năm ở Mỹ. Các con anh đã lớn, đã đi làm, anh yên tâm và
thấy mình may mắn. 5 năm anh đã trút bỏ đi một phần cái thân thể gầy còm ốm
nhách của ngày ra đi. Anh đã mập lên, nước da hồng hào hơn, phổng phao hơn.
Người ta nói vật chất đã làm thay đổi con người, đúng vậy, dinh dưỡng đầy đủ
của xứ Mỹ đã biến anh ra một con người khác. Anh đã làm hết bổn phận với các
con, nay anh phải tự lo lấy phần đời còn lại, cho nên anh dự định, sẽ tìm về
quê, thăm mồ mả cha mẹ, ông bà, tổ tiên, nhưng cốt lõi trong lòng anh là muốn
về quê cưới một người vợ, rồi sẽ bảo lãnh vợ sang đây sống cùng anh, cho đời
anh đỡ đi phần hiu hắt.
2.
Hạo đi chuyến bay China
Airline, mang theo 2 vali quần áo cũ mà các con đã mua ở chợ trời, định sẽ đem
về cho bà con ở quê nhà, cùng với 7 ngàn đồng anh gom góp để dành suốt mấy năm
ròng. Anh nghĩ mình sẽ chi tiêu dè sẻn, cho anh cho chị, cho bà con mỗi người
một ít, còn lại anh sẽ làm mộ cho cha mẹ anh thật tươm tất. Và khi kiếm được
người đàn bà nào vừa ý như người chị hứa sẽ dắt cho anh xem mặt mấy mối, anh sẽ
đem số tiền còn lại làm quà cưới, tiệc cưới, chắc cũng tạm đủ, vì quê anh là
một xóm quê nghèo, cuộc sống lam lũ, dân chúng không ăn xài bao nhiêu.
Chị Nhường đón anh ở sân
bay Tân Sơn Nhất với nước mắt đầm đìa. Tánh của chị anh thật giống mẹ anh ngày
xưa, ngày anh đi lính, đi hành quân, lúc nào mẹ cũng cúng vái khấn nguyện, và
cuối cùng là khóc. Nước mắt vui, nước mắt buồn đều có cả. Bây giờ mẹ mất rồi mẹ
để lại cho chị Nhường hồ nước mắt ấy. Ngày anh cùng các con khăn gói đi Mỹ, chị
khóc, bây giờ anh trở về thăm chị, chị cũng khóc.
Anh loay hoay với mớ hành
lý đem về. Ở trên phi cơ, bà con đi về kháo nhau, cửa hải quan này cho 5 đô,
cửa công an kia cho 5 đô, cứ thế coi như đấm nắm xôi vào miệng chúng cho qua
truông suôn sẻ. Hạo cũng làm theo, nhưng anh không ngờ bọn cò mồi đứng chỗ lấy
hàng, bọn nó chỉ lấy tay chỉ chỏ hay lấy tay xách hành lý cho khách mà không ai
nhờ, cuối cùng thì bọn chúng xin tiền, anh phải móc hầu bao nhưng lòng cứ ấm
ức. Đến khi đẩy xe ra cửa phi trường Hạo mới thấy như thoát nợ. Chị Nhường nhận
ra Hạo ngay khi anh vừa mới ra khỏi khu cách ly. Chị vẫy tay lia lịa và
kêu:
– Hạo,
Hạo, cậu Hạo.
Hạo đến chỗ chị và ôm lấy
chị. 5 năm mà chị già đi quá, mái tóc lưa thưa bạc, mắt có những vết nhăn, anh
ứa nước mắt, chị khóc. Hai chị em đi ra chỗ chiếc taxi đã được chị thuê đậu
phía bên ngoài. Hai chị em về khách sạn nghỉ một đêm, ngày mai mới đáp xe tốc
hành thuê bao về quê nhà.
3.
Ngày Hạo đi, quê của anh
nghèo khổ, nay anh trở về quê vẫn không thay đổi gì mấy. Hai cây cầu có tên
“Cầu Lỡ” vẫn lồi lõm từng nhịp, xe chạy qua gập ghềnh như đi xiếc. Đã 25 năm
gọi là hòa bình và tái thiết đất nước mà những vết tích của chiến tranh, bom
đạn và nghèo khổ vẫn trùm lên mỗi thân phận con người. Dọc đường từ ngã ba
Chiên Đàn lên đến chợ Quán Rườn, người dân đi bộ, đội những mớ rau, củ sắn từ
miền quê xa xuống chợ bán vẫn còn.
Đây là hình ảnh mà ngày
nhỏ,cách đây cũng 3-40 năm, ngày anh còn là cậu học trò đi học ở trường Chiên
Đàn anh đã thấy. Hình ảnh những người dân quê còm cõi đó vẫn ăn sâu vào lòng
anh như một tì vết của nghèo khổ. Anh đã từng cạn kiệt sức sống trong những
trại tập trung, đã từng lê tấm thân ngồi nơi gốc bàng vá từng lỗ vá ruột xe đạp
để kiếm miếng cơm củ khoai về nuôi con, nên anh biết rõ một điều là ai cũng
mong có cơm ăn áo mặc, mà đến ngày nay xem ra ước mơ ấy cũng chưa đạt được.
Xe chạy về đến nhà chị
Nhường thì trời cũng quá trưa. Đi một đoạn đường dài mất một ngày một đêm mới
tới. Các con cháu của chị Nhường đứng ở sân nhà chờ đợi. Chị Nhường con đông
đến 7 đứa, có mấy đứa lớn có vợ, có chồng, có con, tay bồng tay bế đứng nơi sân
đợi. Và cả bà con lối xóm nữa. Họ đứng lố nhố chung quanh sân. Chắc là họ muốn
nhìn một người đi Mỹ trở về ra sao? Một người mà cách đây 5,7 năm còn ngồi bên
gốc bàng sửa xe đạp, ốm o gầy mòn, bây giờ đã thay da đổi thịt, đã phổng phao
thấy rõ. Một người mà cách đây 10 năm theo lệnh của công an xã, nhân dân đã tụ
họp ra ngoài trụ sở ủy ban để “giải chế” cho. Có nhiều ý kiến nói ra
nói vào về “tội ác ngày xưa” của Hạo, khi anh còn làm tiểu đoàn trưởng. Nhưng
cuối cùng thì theo “ý dân”, anh được giải chế, nghĩa là chính quyền không còn
quản chế anh nữa. Nay thì cũng đám dân đó đứng trước sân nhà anh đợi anh về,
ngoắc tay, kêu lớn tiếng: “Anh Hạo ở Mỹ về đó hả, anh khỏe ghê he!”
4.
Hạo nói chị Nhượng chia
phần cho những người bà con thân sơ, mỗi người một lọ dầu gió xanh, 50 ngàn bạc
Việt Nam, và một số quần áo cũ mà các con anh đã tìm mua ở chợ trời hay các
tiệm Goodwill. Với bấy nhiêu thôi, Hạo đã được tiếng đồn lành “Ông Hạo mới 5
năm đi Mỹ, về mua quà cho cả làng”. Ngày trước cách đây 10 mấy năm chứ có đâu
xa, ngày Hạo được kêu lên xã “giải chế”, trong một đêm tối trời trong hội
trường tỏa ánh sáng đèn măng sông, cũng những người dân kia đã giơ tay cao, đã
phát biểu những lời độc địa: “Ông Hạo thuộc thành phần ngụy dữ dằn, đã từng làm
tiểu đoàn trưởng, chỉ huy quân ngụy đi càn biết bao nhiêu trận, có tội rất lớn
đối với nhân dân và cách mạng”. Câu nói như một vết chém đâm ngập vào tim Hạo,
làm tâm hồn anh tê điếng, ám ảnh Hạo suốt mấy năm ròng.
Cũng những người đó hôm
nay đến đây thăm anh, ai nhìn anh cũng khen anh khỏe mạnh, mập ra, da thịt hồng
hào. Thì ra cơm gạo tư bản dư dả quá, xứ sở người ta văn minh tiến bộ quá, còn
xứ sở mình thì đã 20 năm “giải phóng” mà người dân vẫn ăn đói mặc rách. Hạo
nghĩ, nếu không có cuộc ra đi thì chắc anh vẫn mãi ngồi bên gốc cây bàng vá
từng lỗ ruột xe đạp kiếm ăn, các con anh vẫn phải đi bán cà rem dạo hay bán trà
đá dạo, chứ có bao giờ nghĩ chúng sẽ được đi học đàng hoàng.
Chị Tửu, một phụ nữ từng
bỏ làng nhảy núi ngày chiến tranh, đã từng là trung đội trưởng du kích xã, từng
bị thương mất đi một mắt, bây giờ phục viên trở về làm ruộng, bị thiếu ăn, đói
lên đói xuống, bế đứa con gái 3 tuổi đến nhà Hạo thăm.
Từ đàng xa chị Tửu đã lên
tiếng:
– Nghe
nói anh Hạo từ Mỹ về, tôi ghé thăm anh chút, ai cũng đồn về anh.
– Đồn
gì vậy chị Tửu?
– Thì
nói anh khỏe mạnh, lột xác cũ đi.
– Vậy
còn chị thế nào, nay có khá không?
– Khá
gì mà khá, đói rã ra anh ơi. Từ ngày anh đi Mỹ tôi cũng nghỉ việc luôn, anh
nghĩ tôi tàn tật như vầy mà còn lao động gì được nữa, thế mà tôi có được cấp
dưỡng gì đâu.
Anh chạnh nhớ đến chị Tửu
ngày anh ra xã “giải chế”, Tửu đã đứng lên phát biểu: “Với sự khoan hồng của
cách mạng, xin chính quyền xã thôi không quản chế anh Hạo nữa”. Điều này Hạo
mang ơn chị Tửu, dù gì thì trong những lúc anh bị mọi phía xô anh xuống dưới
bùn đen mà có người kéo anh lên. Hôm nay để đền bù lại tấm lòng ấy, cùng với
lòng muốn cứu giúp một người hàng xóm trong cơn ngặt nghèo, anh lấy cho Tửu
những món quà anh đem về và anh cho riêng chị Tửu 100 đô la. Chị Tửu không ngờ
mình được cho nhiều như vậy, chị quỳ xuống níu lấy tay Hạo:
– Tôi
không biết lấy gì để cảm ơn anh đây, quý hóa quá, quý hóa quá!
5.
Đến ngày thứ năm thì Hạo
mệt mỏi quá rồi. Anh định về quê chơi 1 tháng để nghỉ dưỡng sức rồi qua lại Mỹ
tiếp tục “cày”. Nhưng cái mục tiếp khách này anh thấy quá mệt, những người ở
đâu rất xa nghe anh về cũng ghé thăm để được anh cho một lọ dầu, một ít áo quần
cũ. Thì ra, tiếng lành thì đồn xa, cứ cái đà này, mỗi người đến thăm anh, anh
tiếp khoảng 20 phút thì anh cũng mệt ứ hơi rồi, huống hồ gì có người ngồi hỏi
anh đủ thứ chuyện.
Anh qua Mỹ mới 5,6 năm, mà
cả ngày quần quật trong hãng làm việc, có hôm hãng cho làm over–time thì anh đi
từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, chẳng biết trời trăng mây nước gì cả, về
đến nhà cũng không buồn mở Tivi. Ở trong hãng anh làm assembly, nghĩa là công
việc sai đâu làm đó, sợ từ người chủ đến supervisor, sợ sẽ không được lòng họ,
sẽ không được lên lương, không được kêu làm thêm giờ.
Anh nhiều lúc tự cười với
chính mình, tưởng qua Mỹ làm quan làm tướng gì, lại phải chun vào làm công nhân
cấp thấp. Sợ mất việc, sợ sếp không vui nên ai cũng phải nói cười hỷ hả trong
những lúc, những chuyện không đáng cười chút nào. Sếp đặt đâu làm đó, nhiều khi
lại phải nói đệm thêm những câu cho sếp vui lòng. Anh chợt nhớ đến ngày anh còn
làm tiểu đoàn trưởng, lúc còn “hét ra lửa”, bọn lính thấy anh là sợ xếp vó,
đang vui đùa, cười nói đó, thấy anh lại im ngay, họ phải vui theo cái vui của
anh, buồn theo cái buồn của anh, quyền lực và đồng tiền vẫn ngự trị mãi trên
đời này. Cuộc sống cứ như là một cái bóng, ở đầu này thì thấy đầu kia cao lớn,
ở đầu kia thì ngược lại.
Nhân lễ cúng ông bà ngày
Hạo về cũng như cúng hai ngôi mộ cha mẹ anh vừa mới xây, anh đưa 500 đô cho chị
Nhường lo liệu một bữa tiệc mời dân cả xã đến dự. Chị Nhường đã thuê 2 cây dù
lớn, che rợp cả 1 khoảng sân và cả khu vườn, cùng thuê bàn ghế kê san sát để
tiếp đãi khách. Trong lòng Hạo coi đây là một lễ tạ ơn, tạ ơn cha mẹ, ông bà,
đã cho gia đình anh được đi Mỹ, con cái có tương lai và đời sống chính anh được
sung túc hơn, với lại trong thâm tâm, anh cũng muốn nở mày nở mặt với bà con
lối xóm. Từ ngày đứt phim, gia đình anh tan hoang, anh em đều đi tù, đều bị đày
đọa. Nhưng bây giờ cả hai đều ở Mỹ, anh muốn cho những người cán bộ xã ấp gọi
anh là ngụy, nay phải thấy rằng điều anh chọn lựa ngày trước là đúng đắn.
6.
Khi lễ cúng gần xong thì
khách khứa cũng lục tục kéo đến. Toàn là những người bà con trong xóm, trong làng
ngày trước. Có người lúc anh gặp nạn thì xót thương giúp đỡ, có người quay
lưng, có người hận thù đòi đem anh ra xử trước tòa án nhân dân. Bây giờ đã 10
mấy năm trôi qua, mọi điều đã lắng xuống, cũng có một số người làm ra vẻ cố
quên.
Hạo ra đứng trước cổng nhà
để đón khách, gặp ai anh cũng vui mừng bắt tay thăm hỏi. Ai cũng dừng lại với
anh ít phút để hỏi người nọ người kia ở Mỹ hay ở Sài Gòn. Những chức sắc trong
Ủy ban nhân dân và công an xã cũng kéo đến dự dù anh không mời. Có lẽ họ nghe
anh về và nghe bà con xôn xao bàn tán, họ muốn tới xem thực hư ra sao. Khi tất
cả đã vào bàn, thực khách tràn đầy cả một khoảng sân và khu vườn, Hạo đến từng
bàn chúc mừng khách, ai cũng níu anh lại làm một ly, dù chỉ nhấp môi cho có lệ
nhưng rượu cũng thấm làm anh choáng váng và bừng bốc. Khi anh đến bàn của đám
công an và ủy ban thì họ đồng loạt đứng dậy mời anh cạn ly. Anh thấy mặt mày
người nào cũng đỏ ửng vì men rượu.
Ông Trà, Chủ tịch ủy ban
cầm ly rượu lên mời anh:
– Mừng
anh Hạo đã trở về quê thăm bà con, tụi tôi mừng lắm.
– Thì
đi lâu cũng nhớ quê nên muốn trở về thăm.
Ông Hữu, Trưởng công an
xã, người đã từng quản chế anh trong suốt 3 năm, cũng cầm ly rượu đứng lên:
– Anh
Hạo, tụi tôi đến đây dự cùng anh hôm nay cũng có ý là, thứ nhất, chia vui cùng
anh, thứ hai là nhờ anh cộng tác với xã để xây dựng một vài công trình mà xã
đang còn bế tắc. Đáng lẽ chuyện này phải mời anh ra Ủy ban để nói, nhưng sẵn
đây, anh em với nhau cả nói anh dễ thông cảm hơn, xã nhờ anh chung góp một ít
để làm cây cầu lỡ mà từ lâu ta không làm được, biết anh ở Mỹ làm ăn dễ dàng với
trình độ của anh cũng cao nên chắc làm ăn khá.Thôi thì xin anh đóng góp cho 10
ngàn đô cho công tác chung của xã chắc anh chẳng từ nan.
Ông Hữu nói một hơi dài,
cái giọng vẫn còn cái giọng kẻ cả và ra lệnh, Hạo thấy như quá đường đột, anh
vẫn biết rằng về quê sẽ gặp những cảnh mồi chài tiền bạc nhưng anh không ngờ
anh đang ở trong một hoàn cảnh khó xử như thế này. Anh tìm kế hoãn binh:
– Các
anh nói chuyện đó đúng chớ, mình đi xa về phải góp phần xây dựng quê hương chứ
anh, nhưng đây là chuyện lớn mình phải có kế hoạch, mai mốt mình sẽ bàn nhiều
hơn.
Hạo nói giã lã thêm mấy
câu rồi anh tìm cách qua bàn khác sau khi anh nhận một tràng pháo tay dài của
đám chính quyền. “Chu cha! Nó nghĩ như 10 ngàn đô la làm ra ở Mỹ dễ dàng lắm
vậy, sức như anh làm 10 ngàn cả năm chưa chắc đã có mà còn biết bao nhiêu là
chi phí, anh ky cốp, chắt bóp cả hơn 5 năm mới được 7 ngàn mang về mà nay nó
bảo đóng góp cho xã 10 ngàn, làm như ở Mỹ đi ra đường là lượm đô la không
bằng”. Hạo vừa đi vừa chửi thầm trong bụng.
7.
Tối đó, xong công việc mọi
chuyện, Hạo mới khều chị Nhường ra ngoài bàn nói nhỏ:
– Em
về đây làm mả cha mẹ, thăm bà con như vậy cũng đủ rồi, hồi hôm bọn ủy ban còn
muốn vòi tiền để xây cầu, em kiếm đâu ra, em hứa cho qua chuyện. Thôi thì mai
em đi, em vô lại Sài Gòn chơi mấy tuần rồi đi Mỹ luôn, chứ ở đây không yên với
họ đâu!
Chị Nhường hỏi lại:
– Còn
chuyện vợ con em tính sao, chị đã nhắn con Lan lên rồi, nó là giáo viên, hơn 30
tuổi chưa chồng, không đẹp nhưng hiền lành.
Hạo thấy chán nản nên nói
với chị:
– Em
còn khoảng 500, đem về 7 ngàn mà lo công việc và cho bà con cũng gần hết, lại
phải vô Sài Gòn ở mấy tuần, thôi chị nói với Lan em qua Mỹ sẽ viết thư về.
Đó là quyết định của anh,
Hạo sáng hôm đó nhờ thằng cháu chở xuống bến xe rồi ra thẳng Đà Nẵng mua vé máy
bay về Sài Gòn. Chị Nhường vẫn khóc nhưng anh thì đi như một cuộc chạy trốn,
anh không có thì giờ để nhìn lại gốc cây bàng ở ngoài chợ, nơi anh ngồi đó suốt
7 năm để vá xe đạp lề đường kiếm ăn. Thôi cái gì cũng nên gói cất trong ký ức.
Trần Yên Hoa
No comments:
Post a Comment